Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Ai là những thầy dạy luật chống đối Chúa Giê-su?

Trong thời gian rao giảng trên đất, Chúa Giê-su đã tiếp xúc với các thầy dạy luật, không chỉ ở Giê-ru-sa-lem mà còn ở các thị trấn và làng nhỏ. Tại vùng ngoại ô Giê-ru-sa-lem, và ngay cả trong cộng đồng Do Thái ngoài xứ Pha-lê-tin, các thầy dạy luật này là những viên chức nhỏ được học Luật Pháp Môi-se. Họ là những người sao chép hoặc thẩm phán của địa phương.—Mác 2:6; 9:14; Lu-ca 5:17-21.

Tại Giê-ru-sa-lem, các thầy dạy luật làm việc với chính phủ Do Thái (Ma-thi-ơ 16:21). Một từ điển về Kinh Thánh là The Anchor Bible Dictionary cho biết vai trò của họ “có lẽ là cùng làm việc với các thầy tế lễ trong việc lập pháp lẫn hành pháp nhằm duy trì phong tục và luật pháp của người Do Thái. Ngoài ra họ cũng tham gia vào hoạt động trong Tòa Công Luận”. Thật vậy, một số thầy dạy luật nổi tiếng là thành viên của Tòa Công Luận hoặc tòa án tối cao Do Thái. Họ cùng làm việc với các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si.

Trong Kinh Thánh, phần lớn các thầy dạy luật thường chống đối Chúa Giê-su. Tuy nhiên, một số người không làm thế. Chẳng hạn, một thầy dạy luật đã xin Chúa Giê-su: “Thầy đi đâu, tôi sẽ theo đó”. Vào dịp khác, Chúa Giê-su nói với một thầy dạy luật: “Ngươi chẳng cách xa nước Đức Chúa Trời đâu”.—Ma-thi-ơ 8:19; Mác 12:28-34.

Thời xưa, một người được “xức dầu” có nghĩa gì?

Ở vùng Trung Đông vào thời Kinh Thánh, đổ và xoa dầu trên đầu một người là dấu hiệu cho thấy người đó được xem trọng, hoặc để chủ nhà bày tỏ lòng hiếu khách. Thường thì người ta dùng loại dầu ô-liu có thêm nước hoa. Người Do Thái cũng làm hành động này khi một người được chính thức chọn vào một địa vị quyền lực. Chẳng hạn, A-rôn được xức dầu để làm thầy tế lễ thượng phẩm (Lê-vi Ký 8:12). Trong trường hợp của vua Đa-vít, “Sa-mu-ên lấy sừng dầu, xức cho người... Từ ngày đó về sau, Thần của Đức Giê-hô-va cảm-động Đa-vít”.—1 Sa-mu-ên 16:13.

Trong tiếng Do Thái cổ, từ được dùng cho việc xức dầu là ma·shachʹ, đến từ ma·shiʹach hay Mê-si. Trong tiếng Hy Lạp, từ này là khriʹo, đến từ khri·stosʹ hay Christ. Vì thế, có lẽ A-rôn và Đa-vít còn được gọi là “mê-si” hoặc người được xức dầu. Môi-se cũng được gọi là “christ” hoặc người được xức dầu theo nghĩa là Đức Chúa Trời chọn ông làm người đại diện cho Ngài.—Hê-bơ-rơ 11:24-26.

Chúa Giê-su người Na-xa-rét cũng được chính Đức Chúa Trời bổ nhiệm vào một địa vị đầy quyền lực. Ngài không được xức dầu theo nghĩa đen, nhưng được xức dầu bằng thánh linh, tức quyền năng của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 3:16). Vì Chúa Giê-su là Đấng Xức Dầu mà Đức Giê-hô-va chọn, nên thật hợp lý khi gọi ngài là Đấng Mê-si hoặc Đấng Christ.—Lu-ca 4:18.