Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự sống đời đời trên đất—Hy vọng từ Đức Chúa Trời

Sự sống đời đời trên đất—Hy vọng từ Đức Chúa Trời

Sự sống đời đời trên đất—Hy vọng từ Đức Chúa Trời

“Muôn vật đã bị bắt phục sự hư-không... [“với hy vọng”, Nguyễn Thế Thuấn]”.—RÔ 8:20.

1, 2. (a) Tại sao hy vọng sống đời đời trên đất quan trọng đối với chúng ta? (b) Tại sao nhiều người nghi ngờ về sự sống đời đời trên đất?

Có lẽ bạn nhớ lại niềm vui khi lần đầu tiên được biết trong tương lai gần đây, người ta sẽ không già và chết, nhưng sống đời đời trên đất (Giăng 17:3; Khải 21:3, 4). Hẳn bạn vui mừng chia sẻ hy vọng dựa trên Kinh Thánh ấy với người khác. Suy cho cùng, hy vọng sống đời đời là phần thiết yếu của tin mừng mà chúng ta rao giảng. Nó ảnh hưởng đến thái độ của chúng ta về cuộc sống.

2 Hầu hết các tôn giáo thuộc khối đạo xưng theo Đấng Christ đã lờ đi hy vọng về sự sống đời đời trên đất. Trong khi Kinh Thánh dạy rằng linh hồn chết; phần lớn tôn giáo thuộc khối đạo ấy dạy giáo lý không dựa trên Kinh Thánh là con người có linh hồn bất tử, vẫn tồn tại ở lĩnh vực thần linh sau khi họ chết (Ê-xê 18:20). Vì thế, nhiều người nghi ngờ về sự sống đời đời trên đất. Vậy, chúng ta có thể hỏi: “Kinh Thánh có thật sự ủng hộ hy vọng đó không? Nếu có, lần đầu tiên Đức Chúa Trời tiết lộ hy vọng ấy cho con người là khi nào?”.

‘Bị bắt phục sự hư-không với hy vọng’

3. Ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại được thấy rõ ngay từ lúc đầu lịch sử loài người như thế nào?

3 Ý định của Đức Giê-hô-va đối với nhân loại được thấy rõ ngay từ lúc đầu lịch sử loài người. Đức Chúa Trời cho biết rõ A-đam sẽ sống mãi mãi nếu ông vâng lời Ngài (Sáng 2:9, 17; 3:22). Các con cháu đầu tiên của A-đam chắc chắn biết về việc con người rơi vào sự bất toàn, điều này được xác nhận qua những bằng chứng cụ thể. Lối vào vườn Ê-đen đã bị chặn, con người già đi và chết (Sáng 3:23, 24). Với thời gian, tuổi thọ con người giảm dần. A-đam sống 930 tuổi. Người sống sót qua trận Nước Lụt là Sem chỉ sống 600 tuổi và con trai ông, A-bác-sát, sống 438 tuổi. Cha của Áp-ra-ham là Tha-rê sống 205 tuổi. Tuổi thọ của Áp-ra-ham là 175 năm, của Y-sác, con trai ông, là 180 năm, và của Gia-cốp là 147 năm (Sáng 5:5; 11:10-13, 32; 25:7; 35:28; 47:28). Nhiều người hẳn đã nhận thấy điều này có nghĩa: Con người mất triển vọng sống đời đời! Họ có lý do để hy vọng sự sống đời đời sẽ được phục hồi không?

4. Dựa trên nền tảng nào, những người trung thành thời xưa tin rằng Đức Chúa Trời sẽ khôi phục những ân phước mà A-đam đã đánh mất?

4 Lời Đức Chúa Trời cho biết con người “đã bị bắt phục sự hư-không... [“với hy vọng”, NTT]” (Rô 8:20). Hy vọng gì? Ngay lời tiên tri đầu tiên, Kinh Thánh nói về một “dòng-dõi” sẽ ‘giày-đạp đầu con rắn’. (Đọc Sáng-thế Ký 3:1-5, 15). Đối với những người trung thành, lời hứa về Dòng Dõi ấy đã cung cấp nền tảng cho hy vọng Đức Chúa Trời sẽ không quên ý định của Ngài đối với nhân loại. Lời hứa đó cho những người như A-bên và Nô-ê lý do để tin Đức Chúa Trời sẽ khôi phục những ân phước mà A-đam đã đánh mất. Có thể họ nhận ra việc ‘cắn gót chân dòng-dõi’ sẽ liên quan đến việc đổ máu.—Sáng 4:4; 8:20; Hê 11:4.

5. Điều gì cho thấy Áp-ra-ham tin nơi sự sống lại?

5 Hãy xem trường hợp của Áp-ra-ham. Khi bị thử thách, ông toan “dâng Y-sác... con một mình” (Hê 11:17). Tại sao ông sẵn sàng làm điều này? (Đọc Hê-bơ-rơ 11:19). Áp-ra-ham tin nơi sự sống lại! Niềm tin nơi sự sống lại của ông có cơ sở. Suy cho cùng, Đức Giê-hô-va đã phục hồi khả năng sinh sản của Áp-ra-ham, khiến ông và vợ là Sa-ra có một con trai trong tuổi già (Sáng 18:10-14; 21:1-3; Rô 4:19-21). Áp-ra-ham cũng có lời hứa của Đức Giê-hô-va. Ngài phán với ông: “Do nơi Y-sác sẽ sanh ra dòng-dõi lưu danh ngươi” (Sáng 21:12). Do đó, Áp-ra-ham có những lý do chính đáng để mong Đức Chúa Trời sẽ làm Y-sác sống lại.

6, 7. (a) Đức Giê-hô-va đã lập giao ước nào với Áp-ra-ham? (b) Lời hứa của Đức Giê-hô-va với Áp-ra-ham cung cấp hy vọng cho nhân loại như thế nào?

6 Vì đức tin nổi bật của Áp-ra-ham, Đức Giê-hô-va lập một giao ước với ông liên quan đến con cháu, hoặc “dòng-dõi” ông. (Đọc Sáng-thế Ký 22:18). Với thời gian, thành phần chính của “dòng-dõi” được tiết lộ là Chúa Giê-su (Ga 3:16). Đức Giê-hô-va nói với Áp-ra-ham rằng “dòng-dõi” ông sẽ nhiều “như sao trên trời, đông như cát bờ biển”—một con số mà Áp-ra-ham không biết (Sáng 22:17). Tuy nhiên, sau này con số đó đã được tiết lộ. Chúa Giê-su và 144.000 người sẽ cùng cai trị với ngài trong Nước Trời hợp thành “dòng-dõi” ấy (Ga 3:29; Khải 7:4; 14:1). Qua Nước của Đấng Mê-si, “các dân thế-gian đều sẽ... được phước”.

7 Áp-ra-ham không thể hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng của giao ước mà Đức Giê-hô-va đã lập với ông. Thế nhưng, ông “chờ-đợi một thành có nền vững-chắc”, như được nói trong Kinh Thánh (Hê 11:10). Thành ấy là Nước Đức Chúa Trời. Để nhận những ân phước dưới sự cai trị của Nước Trời, Áp-ra-ham hẳn phải được sống lần nữa. Qua sự sống lại, Áp-ra-ham có triển vọng sống đời đời trên đất. Cũng vậy, những người sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn và những ai được sống lại sẽ có triển vọng sống mãi mãi.—Khải 7:9, 14; 20:12-14.

‘Thần khí trong lòng tôi cảm-giục tôi nói’

8, 9. Tại sao sách Gióp không chỉ là lời tường thuật về những thử thách xảy đến cho một người?

8 Trong khoảng thời gian giữa thời chắt trai Áp-ra-ham là Giô-sép và nhà tiên tri Môi-se, có một người đàn ông tên Gióp sinh sống. Sách Gióp trong Kinh Thánh, rất có thể do Môi-se viết, giải thích tại sao Đức Giê-hô-va để Gióp chịu đau khổ và cho biết kết cuộc ra sao. Tuy nhiên, sách Gióp không chỉ là lời tường thuật về những thử thách xảy đến cho một người; nó tập trung vào những vấn đề quan trọng trong vũ trụ. Sách này cho biết sâu sắc về sự công bình của Đức Giê-hô-va trong việc Ngài thực thi quyền tối thượng. Nó cũng tiết lộ sự trung kiên và triển vọng sống của mọi tôi tớ Đức Chúa Trời trên đất có liên quan đến vấn đề đã được nêu trong vườn Ê-đen. Dù không hiểu vấn đề, nhưng Gióp đã không để cho ba người bạn khiến ông nghĩ rằng mình chẳng phải là người trung kiên (Gióp 27:5). Điều này nên củng cố đức tin và giúp chúng ta nhận ra mình có thể giữ lòng trung kiên đồng thời ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va.

9 Sau khi ba người được cho là người an ủi Gióp nói xong, “Ê-li-hu, con trai Ba-ra-kê-ên, người Bu-xi, bèn cất tiếng lên nói”. Điều gì đã thôi thúc ông? Ông cho biết: “Tôi đã đầy-dẫy lời nói, trí [“thần khí”, Các Giờ Kinh Phụng Vụ] trong lòng tôi cảm-giục tôi nói” (Gióp 32:5, 6, 18). Dù những gì Ê-li-hu được Đức Chúa Trời soi dẫn để nói đã ứng nghiệm khi những thử thách của Gióp chấm dứt, những lời này cũng có ý nghĩa cho nhiều người khác. Chúng mang lại hy vọng cho tất cả tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời.

10. Điều gì cho thấy đôi khi thông điệp Đức Giê-hô-va ban cho một cá nhân cũng áp dụng rộng rãi cho nhân loại nói chung?

10 Đôi khi, thông điệp Đức Giê-hô-va ban cho một cá nhân cũng áp dụng rộng rãi cho nhân loại nói chung. Chúng ta có thể thấy điều này qua lời tiên tri của Đa-ni-ên liên quan đến giấc mơ của vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa về một cây to lớn bị đốn (Đa 4:10-27). Dù giấc mơ ấy đã ứng nghiệm với Nê-bu-cát-nết-sa, nhưng nó còn có một sự ứng nghiệm lớn hơn. Sự cai trị của Đức Chúa Trời đối với trái đất đã được biểu thị qua một vương quốc thuộc dòng dõi vua Đa-vít; giấc mơ ấy cho thấy sự cai trị của Ngài sẽ được biểu thị một lần nữa sau một giai đoạn 2.520 năm, bắt đầu từ năm 607 TCN *. Sự cai trị của Đức Chúa Trời đối với nhân loại bắt đầu được tái lập khi Chúa Giê-su lên ngôi ở trên trời vào năm 1914. Hãy nghĩ đến việc không lâu nữa sự cai trị của Nước Trời sẽ đáp ứng các hy vọng của nhân loại biết vâng lời!

“Hãy giải-cứu nó khỏi bị sa xuống cái hầm”

11. Những lời của Ê-li-hu cho biết điều gì về Đức Chúa Trời?

11 Để trả lời Gióp, Ê-li-hu nói về “một sứ giả, một người bảo trợ được chọn trong muôn người, để báo cho con người biết bổn phận của họ” (Gióp 33:23, GKPV). Nếu sứ giả này “cầu-nguyện cùng Đức Chúa Trời”, xin Ngài “đoái thương người” thì sao? Ê-li-hu nói: “Ắt Đức Chúa Trời làm ơn cho người và phán rằng: “Hãy giải-cứu nó khỏi bị sa xuống cái hầm; Ta đã tìm đặng giá cứu-chuộc rồi.” Người sẽ được thẳng da mát thịt như buổi thơ-ấu; người trở lại ngày đang-thì” (Gióp 33:24-26). Những lời đó cho thấy Đức Chúa Trời sẵn lòng chấp nhận “giá cứu-chuộc”, tức phương cách để che phủ tội lỗi, vì lợi ích của nhân loại biết ăn năn.—Gióp 33:24.

12. Những lời của Ê-li-hu đưa ra hy vọng nào cho nhân loại nói chung?

12 Ê-li-hu có lẽ đã không hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng của giá chuộc, cũng như những nhà tiên tri đã không hiểu hết mọi điều họ viết (Đa 12:8; 1 Phi 1:10-12). Tuy nhiên, lời của Ê-li-hu phản ánh hy vọng một ngày nào đó, Đức Chúa Trời sẽ chấp nhận một giá chuộc, giải thoát nhân loại khỏi tiến trình lão hóa và cái chết. Những lời của Ê-li-hu cho biết triển vọng tuyệt vời về sự sống đời đời. Sách Gióp cũng cho thấy sẽ có sự sống lại.—Gióp 14:14, 15.

13. Tín đồ Đấng Christ thấy ý nghĩa nào trong những lời của Ê-li-hu?

13 Ngày nay, những lời của Ê-li-hu vẫn có ý nghĩa cho hàng triệu tín đồ Đấng Christ, những người hy vọng sống sót qua sự hủy diệt của thế gian hiện tại. Những người cao tuổi trong số những người sống sót sẽ được trở lại ngày đang thì (Khải 7:9, 10, 14-17). Hơn nữa, triển vọng thấy những người được sống lại trở về thời thanh xuân làm những người trung thành vui mừng. Dĩ nhiên, để các tín đồ Đấng Christ được xức dầu sống bất tử ở trên trời và các “chiên khác” của Chúa Giê-su sống đời đời trên đất, họ phải thể hiện đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của ngài.—Giăng 10:16; Rô 6:23.

Sự chết bị nuốt khỏi đất

14. Điều gì cho thấy dân Y-sơ-ra-ên cần được giải thoát khỏi sự kết án của Luật pháp Môi-se để nhận được hy vọng sống đời đời?

14 Dòng dõi Áp-ra-ham trở thành một nước độc lập khi Đức Chúa Trời lập giao ước với họ. Khi ban Luật pháp ấy, Đức Giê-hô-va phán: “Hãy giữ luật-pháp và mạng-lịnh ta, người nào làm theo, thì sẽ nhờ nó mà được sống” (Lê 18:5). Tuy nhiên, vì không thể sống theo những tiêu chuẩn hoàn hảo của Luật pháp, dân Y-sơ-ra-ên bị Luật pháp kết án và cần một điều lớn hơn Luật pháp Môi-se giải thoát khỏi sự kết án đó.—Ga 3:13.

15. Đa-vít được soi dẫn để viết về ân phước nào trong tương lai?

15 Sau thời Môi-se, Đức Giê-hô-va soi dẫn những người khác viết Kinh Thánh đề cập đến hy vọng sống đời đời (Thi 21:4; 37:29). Chẳng hạn, người viết Thi-thiên là Đa-vít đã kết thúc một bài nói về sự hợp nhất của những người thờ phượng thật tại Si-ôn bằng những lời: “Tại đó Đức Giê-hô-va đã ban phước, tức là sự sống cho đến đời đời”.—Thi 133:3.

16. Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va hứa điều gì về tương lai của “cả thế-gian”?

16 Đức Giê-hô-va đã soi dẫn Ê-sai tiên tri về sự sống đời đời trên đất. (Đọc Ê-sai 25:7, 8). Tội lỗi và sự chết như một “đồ đắp”, hay cái mền, đè nặng trên nhân loại. Đức Giê-hô-va cam đoan với dân Ngài rằng tội lỗi và sự chết sẽ bị nuốt, hay bị loại trừ, “khỏi cả thế-gian”.

17. Đấng Mê-si đóng vai trò tiên tri nào trong việc mở đường đến sự sống đời đời?

17 Hãy xem xét những thủ tục được quy định trong Luật pháp Môi-se liên quan đến con dê đực về phần A-xa-sên *. Mỗi năm một lần, vào ngày Lễ Chuộc Tội, thầy tế lễ thượng phẩm ‘nhận hai tay mình trên đầu con dê đực còn sống, xưng trên nó các gian-ác và sự vi-phạm, tức những tội-lỗi của dân Y-sơ-ra-ên, và chất trên đầu nó. Con dê đực đó gánh trên mình các tội-ác của dân Y-sơ-ra-ên ra nơi hoang-địa’ (Lê 16:7-10, 21, 22). Ê-sai tiên tri về sự đến của Đấng Mê-si, đấng sẽ đóng vai trò tương tự như con dê ấy và gánh “sự đau-ốm”, “sự buồn-bực” và “tội-lỗi nhiều người”, vì thế mở đường đến sự sống đời đời.—Đọc Ê-sai 53:4-6, 12.

18, 19. Ê-sai 26:19 và Đa-ni-ên 12:13 nhấn mạnh hy vọng nào?

18 Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va phán với dân Y-sơ-ra-ên: “Những kẻ chết của Ngài sẽ sống, những xác chết của tôi đều chỗi-dậy! Hỡi kẻ ở trong bụi-đất, hãy thức dậy, hãy hát! Vì hột móc của Ngài như hột móc lúc hừng-đông, đất sẽ buông các âm-hồn [“người chết”, Trịnh Văn Căn] ra khỏi” (Ê-sai 26:19). Phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ cho thấy rõ hy vọng về sự sống lại và về đời sống trên đất. Chẳng hạn, khi Đa-ni-ên gần 100 tuổi, Đức Giê-hô-va cam đoan với ông: “Ngươi sẽ nghỉ-ngơi; và đến cuối-cùng những ngày, ngươi sẽ đứng trong sản nghiệp mình”.—Đa 12:13.

19 Vì có hy vọng nơi sự sống lại, Ma-thê đã có thể nói với Chúa Giê-su về người anh quá cố: “Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối-cùng, anh tôi sẽ sống lại” (Giăng 11:24). Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su và những lời các môn đồ được soi dẫn để viết có thay đổi hy vọng ấy không? Đức Giê-hô-va vẫn ban hy vọng về sự sống đời đời trên đất cho nhân loại không? Chúng ta sẽ xem lời giải đáp cho những câu hỏi này trong bài kế tiếp.

[Chú thích]

^ đ. 17 Người ta không rõ nghĩa chính xác của cụm từ “về phần A-xa-sên”. Cụm từ này được dùng khi nói đến con dê đực bị đưa ra đồng vắng.

Bạn giải thích thế nào?

• Dù con người “đã bị bắt phục sự hư-không” nhưng vẫn có hy vọng nào?

• Điều gì cho thấy Áp-ra-ham tin nơi sự sống lại?

• Những lời Ê-li-hu nói với Gióp đưa ra hy vọng nào cho nhân loại?

• Phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ nhấn mạnh thế nào về hy vọng sống lại và sống đời đời trên đất?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 5]

Những lời Ê-li-hu nói với Gióp đưa ra hy vọng nhân loại sẽ được giải thoát khỏi tiến trình lão hóa và cái chết

[Hình nơi trang 6]

Đa-ni-ên được cam đoan rằng ‘đến cuối-cùng những ngày, ông sẽ đứng trong sản nghiệp mình’