Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự sống đời đời trên đất—Hy vọng được tìm lại

Sự sống đời đời trên đất—Hy vọng được tìm lại

Sự sống đời đời trên đất—Hy vọng được tìm lại

“Hỡi Đa-ni-ên, ngươi hãy đóng lại những lời nầy... cho đến kỳ cuối-cùng. Nhiều kẻ sẽ đi qua đi lại, và sự học-thức sẽ được thêm lên”.—ĐA 12:4.

1, 2. Những câu hỏi nào sẽ được xem xét trong bài này?

Ngày nay, hàng triệu người hiểu rõ Kinh Thánh nói gì về hy vọng sống đời đời trong địa đàng (Khải 7:9, 17). Vào buổi đầu của lịch sử nhân loại, Đức Chúa Trời đã tiết lộ rằng con người được tạo ra, không chỉ để sống vài năm rồi chết, nhưng để sống đời đời.—Sáng 1:26-28.

2 Việc con người được trở lại tình trạng hoàn toàn mà A-đam đã đánh mất là một phần trong hy vọng của người Y-sơ-ra-ên. Phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp giải thích Đức Chúa Trời sẽ cho nhân loại sống đời đời trong Địa Đàng qua phương tiện nào. Vậy, tại sao người ta phải tìm lại hy vọng này? Nó đã được tiết lộ và được hàng triệu người biết đến như thế nào?

Hy vọng bị lu mờ

3. Tại sao không có gì ngạc nhiên khi hy vọng sống đời đời trên đất của nhân loại bị lu mờ?

3 Chúa Giê-su báo trước các tiên tri giả sẽ làm sai lạc những dạy dỗ của ngài và hầu hết người ta sẽ bị dỗ dành (Mat 24:11). Sứ đồ Phi-e-rơ cảnh báo tín đồ Đấng Christ: “Cũng sẽ có giáo-sư giả trong anh em” (2 Phi 2:1). Sứ đồ Phao-lô nói “sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư-dục mà nhóm-họp các giáo-sư xung-quanh mình” (2 Ti 4:3, 4). Sa-tan góp phần vào việc dỗ dành người ta và dùng khối đạo xưng theo Đấng Christ để làm lu mờ lẽ thật ấm lòng về ý định của Đức Chúa Trời đối với loài người và trái đất.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 4:3, 4.

4. Các nhà lãnh đạo khối đạo xưng theo Đấng Christ đã phủ nhận hy vọng nào của nhân loại?

4 Kinh Thánh giải thích Nước Đức Chúa Trời là một chính phủ ở trên trời sẽ đánh tan và hủy diệt mọi hình thức cai trị của loài người (Đa 2:44). Trong một ngàn năm Chúa Giê-su cai trị, Sa-tan sẽ bị giam trong vực sâu, người chết sẽ được sống lại và nhân loại trên đất sẽ trở lại tình trạng hoàn toàn (Khải 20:1-3, 6, 12; 21:1-4). Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo trong khối đạo xưng theo Đấng Christ đã chấp nhận những giáo lý khác. Chẳng hạn, vào thế kỷ thứ ba, Giáo phụ Origen ở Alexandria đã lên án những người tin nơi các ân phước trên đất trong Triều Đại Một Ngàn Năm. Theo Bách khoa Từ điển Công giáo (The Catholic Encyclopedia), nhà thần học Công giáo là Augustine ở Hippo (354-430 CN) “tin rằng sẽ không có Triều Đại Một Ngàn Năm” *.

5, 6. Tại sao Origen và Augustine đã chống lại niềm tin nơi Triều Đại Một Ngàn Năm?

5 Tại sao ông Origen và Augustine chống lại niềm tin nơi Triều Đại Một Ngàn Năm? Origen là học trò của ông Clement ở Alexandria, người đã lấy ý tưởng về linh hồn bất tử của truyền thống Hy Lạp. Origen chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ ý tưởng của Plato về linh hồn. Nhà thần học Werner Jaeger nhận xét: “[Origen] đã thêm vào giáo lý của đạo Đấng Christ sự dạy dỗ về linh hồn mà ông đã lấy từ Plato”. Do đó, Origen đã dạy rằng những ân phước trong Triều Đại Một Ngàn Năm không diễn ra trên đất nhưng xảy ra ở cõi thần linh.

6 Trước khi cải sang “đạo Đấng Christ” lúc 33 tuổi, Augustine đã trở thành một người theo triết lý Plato Cải Cách—triết lý phỏng theo Plato do ông Plotinus đề ra vào thế kỷ thứ ba. Dù đã cải đạo, Augustine vẫn theo triết lý Plato Cải Cách. Tân bách khoa từ điển Anh Quốc (The New Encyclopædia Britannica) cho biết Augustine có vai trò chủ yếu trong việc pha trộn triết lý Hy Lạp theo Plato với tôn giáo trong Tân ước. Bách khoa Từ điển Công giáo cho biết ông Augustine giải thích Triều Đại Một Ngàn Năm được miêu tả nơi sách Khải-huyền chương 20 được “hiểu theo nghĩa bóng”. Bách khoa từ điển ấy cho biết thêm: “Sự giải thích này... được các nhà thần học phương Tây về sau chấp nhận và dạy dỗ, đồng thời niềm tin nơi Triều Đại Một Ngàn Năm trước đây không còn được ủng hộ nữa”.

7. Niềm tin sai lầm nào đã làm lu mờ hy vọng sống đời đời trên đất của nhân loại, và điều đó xảy ra như thế nào?

7 Hy vọng của nhân loại về sự sống đời đời trên đất đã bị lu mờ bởi triết lý phổ biến trong xứ Ba-by-lôn xưa và lan tràn khắp thế giới—linh hồn bất tử ngụ trong thân thể con người. Khi khối đạo xưng theo Đấng Christ chấp nhận triết lý đó, những nhà thần học đã bóp méo các câu Kinh Thánh nói về hy vọng lên trời để dạy rằng mọi người tốt sẽ được lên thiên đàng. Theo quan điểm này, Đức Chúa Trời có ý định cho con người sống tạm trên đất một thời gian, xét xem họ có xứng đáng sống trên trời không. Điều tương tự cũng xảy ra với hy vọng sống đời đời trên đất của người Do Thái thời xưa. Khi người Do Thái dần dần chấp nhận triết lý Hy Lạp về linh hồn bất tử, hy vọng sống đời đời trên đất trước đây đã bị quên lãng. Thật khác biệt làm sao với lời Kinh Thánh miêu tả về con người! Con người là tạo vật bằng xương bằng thịt chứ không là thần linh. Đức Giê-hô-va đã phán với người đàn ông đầu tiên: “Ngươi là bụi” (Sáng 3:19). Ngôi nhà vĩnh cửu của nhân loại là trái đất, không phải thiên đàng.—Đọc Thi-thiên 104:5; 115:16.

Lẽ thật lóe lên trong nơi tối tăm

8. Một số học giả vào thế kỷ 17 nói gì về hy vọng của nhân loại?

8 Dù hầu hết tôn giáo xưng theo Đấng Christ chối bỏ hy vọng sống đời đời trên đất, Sa-tan đã không luôn thành công trong việc làm lu mờ lẽ thật. Qua các thời đại, một số người nghiêm túc đọc Kinh Thánh đã thấy tia sáng lẽ thật khi hiểu vài khía cạnh của việc Đức Chúa Trời sẽ giúp con người trở lại tình trạng hoàn toàn (Thi 97:11; Mat 7:13, 14; 13:37-39). Đến thế kỷ 17, việc dịch và in Kinh Thánh đã làm cho sách này đến được với nhiều người hơn. Vào năm 1651, một học giả viết rằng vì qua A-đam nhân loại “đã mất Địa Đàng và sự sống đời đời trên đất”, thế nên qua Đấng Christ “mọi người sẽ sống trên đất; nếu không, sự so sánh đó không tương đương”. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:21, 22). Một trong những nhà thơ nổi tiếng trong những nước nói tiếng Anh là ông John Milton (1608-1674), ông đã viết thiên sử thi Địa đàng đã mất (Paradise Lost) và tiếp theo là Địa đàng tái lập (Paradise Regained). Trong các tác phẩm này, ông Milton nói đến phần thưởng mà những người trung thành sẽ nhận khi sống trong địa đàng. Dù hầu như dành cả đời để nghiên cứu Kinh Thánh, ông Milton nhận ra rằng lẽ thật Kinh Thánh sẽ không hiểu trọn vẹn cho đến khi Đấng Christ hiện diện.

9, 10. (a) Isaac Newton đã viết gì về hy vọng của nhân loại? (b) Tại sao thời kỳ Đấng Christ hiện diện dường như còn rất xa đối với Newton?

9 Nhà toán học nổi tiếng Sir Isaac Newton (1642-1727) cũng rất chú ý đến Kinh Thánh. Ông hiểu rằng những người thánh sẽ được sống ở trên trời và cai trị cách vô hình với Chúa Giê-su (Khải 5:9, 10). Về thần dân của Nước Trời, ông viết: “Trái đất sẽ có người ở sau ngày phán xét và họ không chỉ sống một ngàn năm nhưng sống mãi mãi”.

10 Ông Newton tin sự hiện diện của Chúa Giê-su sẽ xảy ra vài thế kỷ sau. Theo sử gia Stephen Snobelen: “Một lý do khiến ông Newton tin còn rất lâu Nước Đức Chúa Trời mới cai trị vì xung quanh ông giáo lý sai lầm về Chúa Ba Ngôi rất phổ biến”. Tin mừng vẫn còn bị che khuất. Ông Newton thấy không có một nhóm tôn giáo nào xưng theo Đấng Christ có khả năng rao giảng tin mừng. Ông viết: “Những lời tiên tri của Đa-ni-ên và Giăng [những lời tiên tri của ông được ghi trong sách Khải-huyền] chỉ có thể hiểu được vào thời kỳ cuối cùng”. Newton giải thích: “Đa-ni-ên nói: “Bấy giờ, nhiều kẻ sẽ đi qua đi lại, và sự học-thức sẽ được thêm lên”. Vậy, Phúc âm phải được rao giảng cho muôn dân trước khi có hoạn nạn lớn và sự kết liễu của thế gian. Để có vô số người cầm nhành chà là từ mọi dân thoát khỏi hoạn nạn lớn, người ta phải được nghe giảng về Phúc âm trước khi sự kiện đó xảy ra”.—Đa 12:4; Mat 24:14; Khải 7:9, 10.

11. Vào thời ông Milton và Newton, tại sao hy vọng của nhân loại vẫn bị lu mờ đối với đa số người ta?

11 Vào thời ông Milton và Newton, việc trình bày những tư tưởng khác với giáo lý chính thức của Giáo hội là rất nguy hiểm. Vì vậy, nhiều tác phẩm nghiên cứu Kinh Thánh của họ đã không được ấn hành cho đến khi họ qua đời. Phong Trào Cải Cách vào thế kỷ 16 đã không “cải cách” được những dạy dỗ sai lầm về linh hồn bất tử, và đạo Tin Lành vẫn dạy triết lý của Augustine rằng Triều Đại Một Ngàn Năm đã xảy ra rồi, chứ không phải sẽ diễn ra trong tương lai. Sự hiểu biết có rõ ràng hơn trong thời kỳ cuối cùng không?

“Sự học-thức sẽ được thêm lên”

12. Khi nào sự học thức sẽ được thêm lên?

12 Về “kỳ cuối-cùng”, Đa-ni-ên báo trước một sự tiến triển vui mừng. (Đọc Đa-ni-ên 12:3, 4, 9, 10). Chúa Giê-su đã phán: “Khi ấy, những người công-bình sẽ chói-rạng như mặt trời” (Mat 13:43). Làm thế nào sự học thức, tức sự hiểu biết chính xác, sẽ được thêm lên vào kỳ cuối cùng? Hãy xem vài biến cố lịch sử trong những thập niên trước năm 1914, năm bắt đầu kỳ cuối cùng.

13. Sau khi nghiên cứu đề tài sự khôi phục, anh Charles Taze Russell đã viết gì?

13 Vào cuối thế kỷ 19, một nhóm những người thành thật đã cố gắng tìm hiểu “mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích” (2 Ti 1:13). Một trong những người đó là anh Charles Taze Russell. Vào năm 1870, anh và một vài người tìm kiếm lẽ thật đã hình thành nhóm học viên Kinh Thánh. Năm 1872, họ nghiên cứu về đề tài sự khôi phục. Sau đó, anh Russell viết: “Cho đến nay, chúng tôi không thấy rõ sự khác biệt lớn giữa phần thưởng của giáo hội [hội thánh tín đồ Đấng Christ được xức dầu] đang bị thử thách và phần thưởng của những người trung thành trong thế gian”. Phần thưởng của những người trung thành ấy là “được khôi phục tình trạng hoàn toàn mà tổ tiên loài người... là A-đam từng có trong vườn Ê-đen”. Anh Russell thừa nhận anh đã được những người khác giúp đỡ trong việc nghiên cứu Kinh Thánh. Họ là ai?

14. (a) Ông Henry Dunn đã hiểu Công-vụ 3:21 như thế nào? (b) Ông Dunn nói ai sẽ sống đời đời trên đất?

14 Henry Dunn là một trong những người đó. Ông đã viết về “kỳ muôn vật đổi mới, là kỳ mà Đức Chúa Trời thuở xưa đã phán trước bởi miệng các thánh tiên-tri” (Công 3:21). Ông Dunn biết sự khôi phục bao gồm việc nhân loại sống trên đất đạt được tình trạng hoàn toàn trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ. Ông Dunn cũng nghiên cứu câu hỏi đã làm nhiều người bối rối: Ai sẽ sống đời đời trên đất? Ông giải thích rằng hàng triệu người sẽ được sống lại, được dạy dỗ lẽ thật và có cơ hội thể hiện đức tin nơi Đấng Christ.

15. Ông George Storrs nhận biết điều gì về sự sống lại?

15 Vào năm 1870, ông George Storrs cũng kết luận rằng những người không công bình sẽ được sống lại và có cơ hội sống đời đời. Qua việc học Kinh Thánh, ông cũng nhận biết người được sống lại mà không chấp nhận cơ hội này “sẽ chết, cho dù người đó là “kẻ có tội lúc trăm tuổi”” (Ê-sai 65:20). Ông Storrs sống ở Brooklyn, New York, và là chủ biên tạp chí Xem xét Kinh Thánh (Bible Examiner).

16. Điều gì làm Học viên Kinh Thánh khác biệt với khối đạo xưng theo Đấng Christ?

16 Qua việc nghiên cứu Kinh Thánh, anh Russell nhận thấy đã đến lúc tin mừng phải được rao truyền rộng rãi. Vì thế vào năm 1879, anh bắt đầu xuất bản tạp chí Tháp Canh Si-ôn và sứ giả loan báo sự hiện diện của Đấng Christ (Zion’s Watch Tower and Herald of Christ’s Presence), nay được gọi là Tháp Canh thông báo Nước của Đức Giê-hô-va. Trước đó, lẽ thật về hy vọng của nhân loại chỉ được một ít người biết đến, nhưng bấy giờ các nhóm Học viên Kinh Thánh trong nhiều nước đã nhận và học hỏi tạp chí Tháp Canh. Niềm tin chỉ có một ít người sẽ được lên trời, trong khi hàng triệu người sẽ nhận được sự sống hoàn toàn trên đất, đã khiến các Học viên Kinh Thánh khác biệt với đa số các đạo xưng theo Đấng Christ.

17. Sự hiểu biết chính xác được thêm lên như thế nào?

17 “Kỳ cuối-cùng” được báo trước đã bắt đầu vào năm 1914. Sự hiểu biết chính xác về hy vọng của nhân loại có thêm lên không? (Đa 12:4). Đến năm 1913, các bài giảng của anh Russell được in trên 2.000 tờ báo và có 15.000.000 độc giả. Cuối năm 1914, hơn 9.000.000 người trên ba châu lục đã xem “Kịch ảnh về sự sáng tạo”—một chương trình gồm phim và hình chiếu giải thích Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ. Từ năm 1918 đến 1925, bài giảng “Hàng triệu người hiện đang sống sẽ không bao giờ chết” giải thích hy vọng sống đời đời trên đất, được các tôi tớ của Đức Giê-hô-va trình bày trong hơn 30 ngôn ngữ trên khắp thế giới. Đến năm 1934, Nhân Chứng Giê-hô-va nhận ra những người có hy vọng sống đời đời trên đất phải làm báp-têm. Sự hiểu biết về hy vọng đó khơi lại trong họ lòng sốt sắng rao truyền tin mừng về Nước Trời. Ngày nay, triển vọng sống đời đời trên đất khiến hàng triệu người tràn đầy lòng biết ơn Đức Giê-hô-va.

“Sự tự-do vinh-hiển” trước mắt!

18, 19. Đời sống được báo trước nơi Ê-sai 65:21-25 sẽ ra sao?

18 Nhà tiên tri Ê-sai đã được soi dẫn để viết về sự sống tốt đẹp mà dân của Đức Chúa Trời sẽ hưởng trên đất. (Đọc Ê-sai 65:21-25). Một số cây có cách đây 2.700 năm khi Ê-sai viết những lời trên dường như vẫn còn sống cho đến ngày nay. Bạn có thể hình dung mình sống lâu như thế với sức khỏe dồi dào không?

19 Từ trước đến nay, đời người là ngắn ngủi. Thế nhưng, trong tương lai, đời sống sẽ có vô vàn cơ hội để xây cất, trồng trọt và học hỏi. Hãy nghĩ đến tình bạn mà bạn sẽ vun trồng, và mối quan hệ yêu thương này sẽ tiến triển mãi mãi. Rồi “con-cái Đức Chúa Trời” trên đất sẽ hưởng “sự tự-do vinh-hiển” biết bao!—Rô 8:21.

[Chú thích]

^ đ. 4 Augustine cho rằng Triều Đại Một Ngàn Năm của Nước Trời không phải trong tương lai, nhưng đã bắt đầu khi giáo hội [Công giáo] được thành lập.

Bạn giải thích thế nào?

• Hy vọng sống trên đất của nhân loại đã bị lu mờ như thế nào?

• Vào thế kỷ 17, một số người đọc Kinh Thánh đã có sự hiểu biết nào?

• Vào những năm trước năm 1914, hy vọng thật của nhân loại trở nên rõ hơn như thế nào?

• Sự hiểu biết về hy vọng sống trên đất được thêm lên như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 13]

Thi sĩ John Milton (trái) và nhà toán học Isaac Newton (phải) đã biết về hy vọng sống đời đời trên đất

[Các hình nơi trang 15]

Học viên Kinh Thánh thời ban đầu nhận biết đã đến lúc hy vọng thật của nhân loại phải được rao truyền trên khắp đất