Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên họ’

‘Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên họ’

‘Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên họ’

Trên gương mặt con người có hơn 30 cơ. Để có nụ cười, 14 cơ phải hoạt động cùng một lúc. Hãy tưởng tượng cuộc trò chuyện sẽ như thế nào nếu không có các cơ này. Cuộc trò chuyện ấy có lôi cuốn không? Thật khó lòng. Tuy nhiên, đối với những người khiếm thính, các cơ trên mặt không chỉ có tác dụng làm cho cuộc trò chuyện trở nên thu hút. Khi các cơ mặt kết hợp với cử chỉ, chúng truyền đạt được khái niệm và ý tưởng. Nhiều người ngạc nhiên khi biết ngôn ngữ ký hiệu có thể diễn tả ngay cả ý tưởng phức tạp với mọi sắc thái.

Những năm gần đây, người khiếm thính trên toàn cầu có cơ hội “thấy” một gương mặt có nhiều biểu cảm và sắc thái hơn bất cứ người nào. Nói theo nghĩa bóng, họ đã thấy “mặt Chúa”, tức Đức Giê-hô-va (Ca 2:19). Điều này không phải là chuyện ngẫu nhiên. Từ lâu, Đức Giê-hô-va đã biểu lộ lòng yêu thương sâu đậm đến những người khiếm thính. Cách nay rất lâu, vào thời dân Y-sơ-ra-ên xưa, Ngài đã làm thế (Lê 19:14). Thời nay, Ngài cũng thể hiện rõ tình yêu thương đối với người khiếm thính. “[Đức Chúa Trời] muốn cho mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật” (1 Ti 2:4). Thật vậy, khi có được sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời, nhiều người khiếm thính đã “thấy” mặt Ngài. Vì không thể nghe, làm sao những người này có thể biết về Đức Chúa Trời? Trước khi trả lời câu hỏi đó, chúng ta hãy xem xét tại sao ngôn ngữ ký hiệu quan trọng đối với những người khiếm thính.

Thấy nghe

Có nhiều nhận thức sai về người khiếm thính và ngôn ngữ ký hiệu. Chúng ta hãy làm rõ vài điểm. Người khiếm thính có thể lái xe. Hiểu theo cách mấp máy môi là điều rất khó đối với họ. Ngôn ngữ ký hiệu hoàn toàn không giống với chữ nổi (Braille), và nó cũng không đơn thuần là kịch câm. Trên khắp thế giới, người ta không dùng cùng một ngôn ngữ ký hiệu. Hơn nữa, một ngôn ngữ ký hiệu cũng hơi khác tùy theo vùng.

Người khiếm thính có thể đọc không? Sự thật là trong khi một số người đọc tốt thì đa số gặp nhiều trở ngại. Tại sao? Vì chữ viết xuất phát từ tiếng nói. Hãy xem làm thế nào đứa bé không bị điếc có thể học một ngôn ngữ. Ngay từ lúc chào đời, em nghe những người xung quanh nói chuyện. Không lâu sau, em có thể nối những từ với nhau thành câu. Điều này xảy ra một cách tự nhiên là nhờ em nghe ngôn ngữ đang dùng. Vì vậy, khi con trẻ bắt đầu học đọc, chúng liên kết những chữ được viết trên giấy với những từ mà chúng đã nghe, đã biết.

Giờ đây, hãy tưởng tượng bạn ra nước ngoài và sống trong một phòng kính cách âm. Bạn chưa bao giờ nghe ngôn ngữ bản địa. Mỗi ngày, người địa phương đến và cố nói với bạn qua tấm kính. Bạn chẳng nghe họ nói gì mà chỉ thấy môi họ mấp máy. Biết bạn không hiểu, họ viết những điều muốn nói ra giấy và cho bạn xem. Họ nghĩ hẳn bạn phải hiểu. Bạn nghĩ mình sẽ hiểu được gì không? Bạn thấy rằng giao tiếp trong tình huống này là điều không thể. Tại sao? Vì những gì được viết là thứ ngôn ngữ bạn chưa từng nghe. Đây chính là tình huống đa số người khiếm thính trải qua.

Ngôn ngữ ký hiệu là phương tiện giao tiếp hoàn hảo cho những người khiếm thính. Một người dùng ký hiệu để diễn tả những ý niệm trong khoảng không xung quanh. Những cử chỉ trong khoảng không đó cùng với nét biểu cảm trên gương mặt phải theo nguyên tắc văn phạm của ngôn ngữ ký hiệu. Nhờ thế, hình thành ngôn ngữ được tiếp nhận qua thị giác để chuyển tải thông tin đến người xem.

Trên thực tế, hầu hết những cử động tay, cơ thể và gương mặt của người khiếm thính đều có ý nghĩa. Các biểu cảm trên gương mặt không những để nhấn mạnh nhưng là một phần quan trọng của ngữ pháp trong ngôn ngữ ký hiệu. Thí dụ, đặt câu hỏi với một cái nhướng mày có thể là một câu hỏi tu từ, hay là câu hỏi chỉ cần trả lời có hoặc không. Nếu nhíu mày, có thể là câu hỏi: ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao hay thế nào. Một số cử động của miệng có thể gợi ý về kích thước một vật hoặc cường độ của một hành động. Cách người khiếm thính lắc hoặc gật đầu, nhún vai, cử động má và nháy mắt đều tạo thêm sắc thái cho ý tưởng đang diễn đạt.

Những yếu tố này kết hợp với nhau làm cho người xem tiếp nhận thông tin một cách hứng thú. Sử dụng hình thức diễn đạt phong phú này, người khiếm thính thông thạo ngôn ngữ ký hiệu được trang bị để chuyển tải bất kỳ ý niệm nào—từ thơ văn đến kỹ thuật, lãng mạn đến hài hước, cụ thể đến trừu tượng.

Tài liệu trong ngôn ngữ ký hiệu mang lại lợi ích

Khi sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va được diễn đạt trong ngôn ngữ ký hiệu, người khiếm thính có thể “nghe” thông điệp và tin nơi Đấng ban thông điệp ấy. Vì vậy, Nhân Chứng Giê-hô-va siêng năng rao giảng cho người khiếm thính trên khắp thế giới và cố gắng cung cấp tài liệu mang lại lợi ích cho họ (Rô 10:14). Hiện nay trên toàn cầu có 58 nhóm dịch ngôn ngữ ký hiệu, và các ấn phẩm đã ra đĩa DVD trong 40 ngôn ngữ ký hiệu. Những nỗ lực này có đáng giá không?

Anh Jeremy có cha mẹ là người khiếm thính cho biết: “Tôi nhớ có lần cha tôi đã dành hàng giờ trong phòng ngủ chỉ để chăm chú học và cố gắng hiểu ý nghĩa vài đoạn của một bài trong tạp chí Tháp Canh. Đột nhiên ông chạy ra khỏi phòng, thích thú ra hiệu: “Bố hiểu rồi! Bố hiểu rồi!”. Ông giải thích cho tôi ý nghĩa của những đoạn đó. Lúc ấy tôi chỉ mới 12 tuổi. Tôi đọc lướt qua các đoạn và ra hiệu: “Bố, con nghĩ không phải vậy đâu. Nó có nghĩa...”. Ông ra dấu cho tôi ngừng và quay trở lại phòng để tự tìm hiểu ý nghĩa đoạn văn. Tôi sẽ không bao giờ quên nỗi thất vọng trên khuôn mặt ông và sự khâm phục của tôi khi nhìn ông bước vào phòng ngủ. Tuy nhiên, giờ đây nhờ các tài liệu của ngôn ngữ ký hiệu trong đĩa DVD, bố tôi có thể hiểu nhiều hơn. Tôi rất cảm kích khi thấy gương mặt rạng rỡ của ông lúc diễn tả cảm xúc về Đức Giê-hô-va”.

Cũng hãy xem trường hợp của hai vợ chồng Nhân Chứng có dịp nói chuyện với Jessenia, một phụ nữ trẻ khiếm thính ở Chile. Sau khi được mẹ cô ấy cho phép, họ xem chung với Jessenia đĩa DVD Sách kể chuyện Kinh Thánh, trong ngôn ngữ ký hiệu Chile. Họ kể lại: “Khi Jessenia bắt đầu xem, cô ấy cười rồi khóc. Mẹ cô hỏi lý do, cô đáp rằng cô thích những gì mình xem. Qua đó, mẹ cô biết là cô có thể hiểu được mọi điều trong DVD ấy”.

Một phụ nữ khiếm thính sống ở nông thôn của Venezuela có một con gái, và bà đang mang thai đứa thứ nhì. Vì hoàn cảnh kinh tế, bà và chồng cảm thấy không nên có đứa con này, thế nên họ tính phá thai. Hoàn toàn không biết sự việc ấy, các Nhân Chứng Giê-hô-va đến nhà và cho hai vợ chồng xem bài 12 của video Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi chúng ta?, trong ngôn ngữ ký hiệu Venezuela. Bài này giải thích quan điểm của Đức Chúa Trời về việc phá thai và giết người. Sau đó, người vợ nói với các Nhân Chứng rằng bà vô cùng cảm kích về bài học. Bà cho biết, họ đã quyết định không phá thai. Một mạng sống đã được cứu nhờ tài liệu trong đĩa DVD của ngôn ngữ ký hiệu!

Chị Lorraine, một Nhân Chứng khiếm thính, giải thích: “Học Kinh Thánh cũng giống như ráp lại các mảnh của trò chơi xếp hình cỡ lớn. Có những khoảng trống, những mảnh bị thiếu, trong toàn thể bức tranh sự hiểu biết Kinh Thánh của tôi. Tuy nhiên, khi có thêm tài liệu trong ngôn ngữ ký hiệu về lẽ thật Kinh Thánh, những khoảng trống được lấp đầy”. Anh George, một người khiếm thính và là Nhân Chứng trong 38 năm, cho biết: “Rõ ràng, khả năng tự hiểu được một vấn đề làm một người cảm thấy tự tin và có lòng tự trọng. Tôi nhận thấy những đĩa DVD trong ngôn ngữ ký hiệu có tác động mạnh mẽ nhất đến sự tiến bộ thiêng liêng của tôi”.

“Buổi nhóm họp trong ngôn ngữ của tôi!”

Ngoài các tài liệu trong ngôn ngữ ký hiệu, Nhân Chứng Giê-hô-va cũng lập những hội thánh với các buổi nhóm bằng ngôn ngữ này. Hiện nay, trên thế giới có hơn 1.100 hội thánh ngôn ngữ ký hiệu. Cử tọa lĩnh hội thông tin bằng ngôn ngữ của họ, và lẽ thật Kinh Thánh được trình bày theo cách suy nghĩ của người khiếm thính, bằng ngôn ngữ ký hiệu. Thông tin được truyền đạt phù hợp với văn hóa và kinh nghiệm sống của họ.

Việc thành lập các hội thánh trong ngôn ngữ ký hiệu có đáng công không? Hãy xem kinh nghiệm của anh Cyril. Anh là một Nhân Chứng đã báp-têm vào năm 1955. Trong nhiều năm, anh đã cố gắng học các ấn phẩm và đều đặn tham dự các buổi nhóm. Thỉnh thoảng có người phiên dịch cho anh, có lúc thì không. Khi không có người phiên dịch, anh nhờ các Nhân Chứng tử tế cố gắng giúp anh bằng cách ghi lại những gì đang trình bày. Điều này kéo dài cho đến năm 1989, lúc bấy giờ anh đã là Nhân Chứng khoảng 34 năm, hội thánh ngôn ngữ ký hiệu đầu tiên ở Hoa Kỳ được thành lập tại thành phố New York. Anh Cyril cảm thấy thế nào khi là thành viên của hội thánh đó? Anh cho biết: “Điều này giống như thoát khỏi khu rừng rậm, từ đường hầm tối tăm ra ngoài ánh sáng. Buổi nhóm họp trong ngôn ngữ của tôi!”.

Hội thánh ngôn ngữ ký hiệu của Nhân Chứng Giê-hô-va là nơi người khiếm thính có thể thường xuyên lui tới để học biết về Đức Chúa Trời và thờ phượng Ngài. Những hội thánh này là nơi dân sự Đức Chúa Trời có thể tạo những mối quan hệ và được khích lệ. Trong một thế gian mà người khiếm thính có thể bị cô lập về mặt xã hội và ngôn ngữ, những hội thánh này là nơi để họ kết hợp, giao tiếp. Ở đấy, họ có thể học hỏi, tiến bộ, vươn tới mục tiêu trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Nhiều Nhân Chứng khiếm thính làm người rao truyền tin mừng trọn thời gian. Một số người dọn đến quốc gia khác để giúp người khiếm thính học biết về Đức Giê-hô-va. Các anh Nhân Chứng khiếm thính học cách trở thành người dạy dỗ, người tổ chức và người chăn chiên hữu hiệu. Nhiều anh hội đủ điều kiện để chăm lo các trách nhiệm trong hội thánh.

Ở Hoa Kỳ có hơn 100 hội thánh ngôn ngữ ký hiệu và khoảng 80 nhóm. Tại Brazil có khoảng 300 hội thánh ngôn ngữ ký hiệu và hơn 400 nhóm. Tại Mexico có gần 300 hội thánh ngôn ngữ ký hiệu. Ở Nga có hơn 30 hội thánh ngôn ngữ ký hiệu và 113 nhóm. Đây chỉ là một số thí dụ cho thấy sự phát triển trên khắp thế giới.

Nhân Chứng Giê-hô-va cũng tổ chức các hội nghị trong ngôn ngữ ký hiệu. Năm trước, hơn 120 hội nghị địa hạt đã được tổ chức khắp thế giới trong nhiều ngôn ngữ ký hiệu. Qua những sự kiện này, các Nhân Chứng khiếm thính nhận thấy họ thuộc về đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ trên toàn cầu, những người nhận được lợi ích từ đồ ăn thiêng liêng đúng giờ.

Anh Leonard, một người khiếm thính và cũng là Nhân Chứng Giê-hô-va trong hơn 25 năm. Anh kể: “Tôi luôn biết Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Thế nhưng, tôi chưa bao giờ hiểu rõ tại sao Ngài để cho có đau khổ. Đôi lúc, điều này khiến tôi cảm thấy giận Ngài. Tuy nhiên, qua bài giảng tại một hội nghị địa hạt của ngôn ngữ ký hiệu, cuối cùng tôi đã hiểu được vấn đề. Khi bài giảng chấm dứt, vợ tôi thúc khuỷu tay vào tôi và hỏi: “Anh thỏa mãn chứ?”. Tôi chân thành đáp: “Có!”. Sau 25 năm, tôi vui vì chưa bao giờ lìa bỏ Ngài. Tôi luôn yêu mến Ngài nhưng không thể hiểu hết về Ngài. Còn hiện nay thì khác!”.

Biết ơn tận đáy lòng

Khi người khiếm thính học biết về Đức Giê-hô-va, họ “thấy” được điều gì trên “gương mặt” Ngài? Đó là tình yêu thương, lòng thương xót, sự công bình, trung tín, yêu thương nhân từ và còn nhiều đặc tính khác nữa.

Cộng đồng Nhân Chứng khiếm thính trên toàn cầu “thấy” được mặt của Đức Giê-hô-va và sẽ tiếp tục như thế ngày càng rõ hơn. Với tình yêu thương chân thành đối với người khiếm thính, ‘Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên họ’ (Dân 6:25). Những người khiếm thính thật biết ơn xiết bao vì họ được học biết về Đức Giê-hô-va!

[Các hình nơi trang 24, 25]

Có hơn 1.100 hội thánh ngôn ngữ ký hiệu trên toàn cầu

[Các hình nơi trang 26]

Đức Giê-hô-va đã chiếu sáng mặt Ngài trên cánh đồng người khiếm thính