Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tránh phân tâm trong “ngày có tin lành”

Tránh phân tâm trong “ngày có tin lành”

Tránh phân tâm trong “ngày có tin lành”

Bốn người phung suy nghĩ về những gì họ có thể làm. Không ai bố thí cho họ tại cổng thành. Quân Sy-ri vây hãm và chặn đường lương thực để dân trong thành Sa-ma-ri chết đói. Vào thành chẳng ích gì, giá cả lương thực đắt đỏ. Đã có trường hợp người ta ăn thịt người.—2 Vua 6:24-29.

Những người phung suy nghĩ: “Tại sao chúng ta không vào trại quân Sy-ri? Chúng ta chẳng có gì để mất”. Tối đó, nương theo bóng đêm, họ bắt đầu ra đi. Khi đến trại quân, mọi vật đều im ắng. Không có người canh gác. Ngựa và lừa bị buộc, nhưng không có binh lính. Bốn người phung nhìn vào một căn lều. Không có ai ở đấy, nhưng có nhiều đồ ăn thức uống. Họ ăn và uống. Những người phung cũng thấy vàng, bạc, quần áo và những vật đắt giá khác. Họ mang chúng đem giấu và trở lại lấy thêm. Cả trại đều bị bỏ hoang. Bằng phép lạ, Đức Giê-hô-va đã khiến quân Sy-ri nghe tiếng đạo binh lớn. Nghĩ rằng mình bị tấn công, quân Sy-ri bỏ chạy. Tất cả tài vật đều bị bỏ lại!

Những người phung đem giấu các đồ vật có giá trị. Tuy nhiên, nhớ đến người Sa-ma-ri láng giềng đang bị đói kém, lương tâm họ cắn rứt. Họ nói với nhau: “Chúng ta làm chẳng phải; ngày nay là ngày có tin lành!”. Những người phung hối hả trở về Sa-ma-ri và báo tin mừng về khám phá của họ.—2 Vua 7:1-11.

Chúng ta cũng đang sống trong giai đoạn có thể được gọi là “ngày có tin lành”. Cho biết một đặc điểm nổi bật của điềm chỉ về sự cuối cùng của hệ thống mọi sự, Chúa Giê-su nói: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến” (Mat 24:3, 14). Điều này nên ảnh hưởng thế nào đến chúng ta?

Lòng chúng ta có thể trĩu nặng những mối quan tâm

Vui mừng với sự khám phá, trong một lúc, những người phung đã quên dân Sa-ma-ri. Họ chú tâm vào những gì có thể lấy được. Có phải điều tương tự có thể xảy ra cho chúng ta không? “Đói-kém” là một đặc điểm của điềm tổng hợp đánh dấu thời kỳ cuối cùng của hệ thống mọi sự (Lu 21:7, 11). Chúa Giê-su đã cảnh báo các môn đồ: “Hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá-độ, sự say-sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng” (Lu 21:34). Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta nên cẩn thận, không để những mối quan tâm cá nhân về cuộc sống thường ngày khiến chúng ta quên rằng mình đang sống trong “ngày có tin lành”.

Một chị tín đồ tên Blessing đã không để những mối quan tâm cá nhân làm trĩu nặng lòng mình. Chị làm tiên phong, đi học thêm và lấy bằng, sau đó kết hôn với một thành viên nhà Bê-tên và được nhận vào gia đình Bê-tên ở nước Benin. Chị cho biết: “Tôi làm công việc dọn dẹp, và thật sự thích công việc này”. Giờ đây, chị Blessing có thể nhìn lại 12 năm phụng sự trọn thời gian và vui vì mình đã tiếp tục tập trung vào “ngày có tin lành” mà chúng ta đang sống.

Cảnh giác về những việc chiếm nhiều thì giờ

Khi phái 70 môn đồ đi rao giảng, Chúa Giê-su nói: “Mùa gặt thì trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy xin Chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa của mình” (Lu 10:2). Chậm trễ trong mùa gặt sẽ dẫn đến thất thu. Tương tự thế, sao lãng công việc rao giảng có thể dẫn đến nhiều người bị mất mạng. Vì vậy, Chúa Giê-su nói thêm: “Đừng chào ai dọc đường” (Lu 10:4). Trong nguyên ngữ, từ “chào” mang ý nghĩa nhiều hơn là lời chào hỏi. Từ này cũng có thể bao hàm việc ôm và nói chuyện dông dài khi gặp một người bạn. Thế nên, Chúa Giê-su dạy các môn đồ tránh những việc phân tâm không cần thiết và tận dụng thì giờ. Thông điệp họ rao giảng rất cấp bách.

Hãy nghĩ đến những việc khiến mình bị phân tâm và có thể chiếm nhiều thì giờ đến mức nào. Trong nhiều năm, tại nhiều vùng, truyền hình là phương tiện làm mất nhiều thời gian nhất. Còn điện thoại và máy vi tính thì sao? Một cuộc thăm dò ý kiến của 1.000 người lớn ở Anh cho thấy “người thường dân ở Anh mỗi ngày dành 88 phút nói chuyện điện thoại bàn. Ngoài ra, họ dành 62 phút để nói chuyện qua điện thoại di động, 53 phút để gửi e-mail và 22 phút để gửi tin nhắn”. Tổng số thời gian này hơn gấp đôi số giờ một tiên phong phụ trợ dành cho công việc rao giảng mỗi ngày! Bạn dành bao nhiêu thì giờ cho những phương tiện liên lạc này?

Anh Ernst Seliger và vợ là chị Hildegard quan tâm đến cách dùng thì giờ. Tổng cộng thời gian hai anh chị ở trong trại tập trung quốc xã và nhà tù của chính quyền vô thần là hơn 40 năm. Sau khi được tự do, họ làm tiên phong cho đến khi kết thúc đời sống trên đất.

Nhiều người thích trao đổi thư từ với anh chị Seliger. Nếu muốn, hai vợ chồng có thể dành hầu hết thời gian để đọc và viết thư. Tuy nhiên, họ đã đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống.

Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều quý trọng việc liên lạc với người thân, và điều đó không có gì sai. Thỉnh thoảng thay đổi một chút trong công việc thường ngày cũng có lợi. Dù vậy, điều khôn ngoan là chúng ta cảnh giác để giảm những việc chiếm nhiều thì giờ trong thời kỳ này, thời kỳ dành cho việc rao giảng tin mừng.

Rao giảng tin mừng cặn kẽ

Sống trong “ngày có tin lành” thật là một ân phước. Chúng ta không nên phân tâm giống như bốn người phung lúc ban đầu. Hãy nhớ là họ đã kết luận: “Chúng ta làm chẳng phải”. Tương tự, nếu để những mục tiêu riêng hoặc những điều chiếm nhiều thời gian cản trở việc tham gia trọn vẹn vào thánh chức, thì “chúng ta làm chẳng phải”.

Về phương diện này, chúng ta có gương xuất sắc để noi theo. Nhớ lại 20 năm đầu làm thánh chức, sứ đồ Phao-lô viết: ‘Tôi đã đem tin-lành của Đấng Christ đi khắp chốn’ (Rô 15:19). Phao-lô đã không để bất cứ điều gì làm suy giảm lòng sốt sắng của mình. Chúng ta hãy sốt sắng như ông khi rao truyền thông điệp Nước Trời trong “ngày có tin lành” này.

[Hình nơi trang 28]

Chị Blessing đã không để những mối quan tâm ảnh hưởng việc phụng sự trọn thời gian

[Hình nơi trang 29]

Vợ chồng anh Seliger quan tâm đến cách dùng thì giờ