Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khám phá báu vật ẩn giấu

Khám phá báu vật ẩn giấu

Khám phá báu vật ẩn giấu

Có bao giờ bạn khám phá báu vật ở một nơi mình không ngờ tới chưa? Điều đó đã xảy đến với anh Ivo Laud, một Nhân Chứng Giê-hô-va ở Estonia, vào ngày 27-3-2005. Hôm ấy, anh đến giúp chị Alma Vardja, một Nhân Chứng cao tuổi, phá hủy cái nhà kho cũ kỹ. Khi phá được bức tường bên ngoài, họ để ý đến một miếng ván che một mặt của cây cột. Khi gỡ miếng ván ra, họ thấy có một rãnh với kích thước khoảng 10cm chiều rộng, 1,2m chiều dài và 10cm chiều sâu, bị một miếng gỗ cùng kích cỡ che khuất. (1) Một nơi giấu báu vật! Những báu vật gì? Ai đã giấu chúng?

Bên trong rãnh đó có vài gói được bọc cẩn thận bằng giấy dày. (2) Bên trong những gói này là ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va, phần lớn là các bài học Tháp Canh, gồm một số bài có từ năm 1947. (3) Chúng được chép cẩn thận bằng tiếng Estonia. Một số gói có những manh mối về người giấu chúng. Trong các gói này có hồ sơ về những lần tra hỏi chồng chị Alma là anh Villem Vardja. Cũng trong các gói này có thông tin về những năm anh bị ngồi tù. Tại sao anh bị bỏ tù?

Anh Villem Vardja là một trong số các anh Nhân Chứng có trách nhiệm trong hội thánh Tartu, và sau này trong hội thánh Otepää, tại Estonia, thuộc Xô Viết cũ. Dường như anh đã biết lẽ thật Kinh Thánh trước Thế Chiến II. Vài năm sau, vào ngày 24-12-1948, anh Vardja đã bị bắt vì hoạt động tôn giáo. Anh đã bị mật vụ tra hỏi và ngược đãi. Họ cố ép anh khai tên của các anh em đồng đạo. Sau khi không được phép biện hộ trước tòa, anh bị kết án mười năm tù tại Nga.

Anh Villem Vardja đã trung thành với Đức Giê-hô-va cho đến khi qua đời vào ngày 6-3-1990. Vợ anh không hề biết các ấn phẩm đã nằm ở đó. Chắc hẳn, anh muốn bảo vệ chị phòng trường hợp bị cật vấn. Tại sao anh đã giấu các ấn phẩm ở đấy? Vì Cơ quan Tình báo của chính quyền Xô Viết (KGB) thường đột xuất lục soát nhà của Nhân Chứng Giê-hô-va, tìm kiếm các ấn phẩm tôn giáo. Rất có thể anh Vardja đã giấu ấn phẩm để chắc chắn các anh em đồng đạo luôn nhận được đồ ăn thiêng liêng trong trường hợp các ấn phẩm khác bị KGB tịch thu. Vào mùa hè năm 1990, những nơi khác giấu ấn phẩm đã được tìm ra. Một nơi được phát hiện tại Tartu, nam Estonia. Anh Villem Vardja cũng giấu các ấn phẩm tại nơi này.

Tại sao chúng ta gọi các tài liệu này là báu vật? Vì những bản chép tay tỉ mỉ và được cất giấu cẩn thận này cho thấy rõ Nhân Chứng Giê-hô-va đã quý trọng đồ ăn thiêng liêng vào thời đó (Mat 24:45). Còn thời nay, bạn có quý trọng đồ ăn thiêng liêng nhận được tại địa phương không? Trong số đó có tạp chí Tháp Canh bằng tiếng Estonia và hơn 170 ngôn ngữ khác.