Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nền giáo dục của Đức Chúa Trời là quý hơn hết

Nền giáo dục của Đức Chúa Trời là quý hơn hết

Nền giáo dục của Đức Chúa Trời là quý hơn hết

“Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận-biết Đức Chúa Jêsus-Christ là quí hơn hết”.—PHI-LÍP 3:8.

1, 2. Một số tín đồ Đấng Christ đã chọn điều gì và tại sao?

Lúc còn nhỏ, Robert là một học sinh xuất sắc. Khi được tám tuổi, một cô giáo đã ưu ái đến nhà và bảo Robert rằng em có thể làm được tất cả. Cô hy vọng một ngày nào đó em sẽ trở thành bác sĩ. Với thành tích nổi bật trong học tập suốt thời gian ở trung học, Robert có khả năng vào bất kỳ trường đại học danh tiếng nào trong nước. Thế nhưng, Robert đã từ bỏ cơ hội mà nhiều người xem là có một không hai trong đời để theo đuổi mục tiêu làm tiên phong đều đều.

2 Như Robert, nhiều tín đồ Đấng Christ thuộc mọi lứa tuổi có cơ hội tiến thân trong thế gian này. Một số người đã quyết định không tận dụng những cơ hội ấy để có thể theo đuổi các mục tiêu thiêng liêng (1 Cô 7:29-31). Điều gì thôi thúc các tín đồ Đấng Christ như Robert sẵn lòng nỗ lực hơn trong công việc rao giảng? Ngoài tình yêu thương với Đức Giê-hô-va, lý do quan trọng nhất, họ biết nền giáo dục của Ngài là quý hơn hết. Gần đây, có khi nào bạn nghĩ đời mình sẽ ra sao nếu không được học về lẽ thật không? Việc suy ngẫm về một số ân phước nổi bật nhận được nhờ sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta tiếp tục quý trọng tin mừng và sốt sắng chia sẻ với người khác.

Đặc ân được Đức Chúa Trời dạy dỗ

3. Tại sao chúng ta chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẵn sàng dạy dỗ loài người bất toàn?

3 Đức Giê-hô-va là tốt lành, Ngài sẵn sàng dạy dỗ loài người bất toàn. Tiên tri về các tín đồ Đấng Christ được xức dầu, Ê-sai 54:13 cho biết: “Hết thảy con-cái ngươi sẽ được Đức Giê-hô-va dạy-dỗ, và sự bình-an của con-cái ngươi sẽ lớn”. Trên nguyên tắc, những lời này cũng áp dụng cho “chiên khác” (Giăng 10:16). Điều này được thấy rõ qua một lời tiên tri đang được ứng nghiệm trong thời chúng ta. Ê-sai thấy người từ mọi nước đổ về sự thờ phượng thật. Ông miêu tả họ như thể đang nói với nhau: “Chúng ta hãy lên núi Đức Giê-hô-va, nơi nhà Đức Chúa Trời của Gia-cốp: Ngài sẽ dạy chúng ta về đường-lối Ngài, chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài” (Ê-sai 2:1-3). Quả là một đặc ân khi được Đức Chúa Trời dạy dỗ!

4. Đức Giê-hô-va đòi hỏi điều gì nơi những người Ngài dạy dỗ?

4 Chúng ta cần làm gì để được Đức Chúa Trời dạy dỗ? Điều quan trọng là phải có tính nhu mì và sẵn lòng học hỏi. Đa-vít, người viết Thi-thiên, đã viết: ‘Đức Giê-hô-va là thiện và ngay-thẳng. Ngài sẽ chỉ-dạy con đường Ngài cho người nhu-mì’ (Thi 25:8, 9). Chúa Giê-su từng phán: “Lạy Cha, là Chúa trời đất, tôi ngợi-khen Cha, vì Cha đã giấu những sự nầy với kẻ khôn-ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho trẻ nhỏ hay!” (Lu 10:21). Bạn không cảm thấy muốn đến gần một Đức Chúa Trời “ban ơn cho kẻ khiêm-nhường” sao?—1 Phi 5:5.

5. Nhờ đâu chúng ta mới có được sự hiểu biết về Đức Chúa Trời?

5 Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, có thể nào chúng ta chỉ dựa vào sự khôn ngoan của mình để tìm ra lẽ thật không? Không. Thật vậy, chỉ dựa vào bản thân thì chúng ta sẽ không bao giờ có được sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su nói: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta” (Giăng 6:44). Qua công việc rao giảng và qua thánh linh, Đức Giê-hô-va thu hút những người giống như chiên, “những sự ao-ước của các nước” (A-ghê 2:7). Bạn không biết ơn vì được là một trong số những người mà Đức Giê-hô-va kéo đến với Con Ngài sao?—Đọc Giê-rê-mi 9:23, 24.

Quyền lực cải thiện đời sống

6. “Sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va” có thể ảnh hưởng sâu xa đến người ta như thế nào?

6 Dùng một hình ảnh sống động, tuyệt mỹ, lời tiên tri của Ê-sai miêu tả sự thay đổi trong nhân cách con người đang diễn ra vào thời chúng ta. Những người trước đây có tính hung bạo đã trở nên hiếu hòa. (Đọc Ê-sai 11:6-9). Những người từng thù hằn nhau do khác chủng tộc, quốc gia, bộ lạc hoặc nền văn hóa đã học cách sống hòa thuận với nhau. Nói theo nghĩa bóng, họ “lấy giáo rèn lưỡi-liềm” (Ê-sai 2:4). Tại sao lại có sự thay đổi ấn tượng này? Vì người ta học và áp dụng “sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va” vào đời sống. Dù tôi tớ Đức Chúa Trời là bất toàn, họ hợp thành một đoàn thể anh em quốc tế chân chính. Việc tin mừng có sức thu hút người ta trên thế giới và đem lại kết quả tốt chứng tỏ nền giáo dục của Đức Chúa Trời là quý hơn hết.—Mat 11:19.

7, 8. (a) Nền giáo dục của Đức Chúa Trời đã giúp người ta đạp đổ một số “đồn-lũy” nào? (b) Điều gì cho thấy nền giáo dục này đem lại sự ca ngợi cho Đức Giê-hô-va?

7 Sứ đồ Phao-lô so sánh công việc làm chứng của tôi tớ Đức Chúa Trời như cuộc chiến thiêng liêng. Ông viết: “Những khí-giới mà chúng tôi dùng để chiến-tranh là không phải thuộc về xác-thịt đâu, bèn là bởi quyền-năng của Đức Chúa Trời, có sức-mạnh để đạp-đổ các đồn-lũy: Nhờ khí-giới đó chúng tôi đánh đổ các lý-luận, mọi sự tự cao nổi lên nghịch cùng sự hiểu-biết Đức Chúa Trời” (2 Cô 10:4, 5). Nền giáo dục của Đức Chúa Trời giải thoát người ta khỏi một số “đồn-lũy” nào? Gánh nặng từ những dạy dỗ sai lầm, mê tín dị đoan và các triết lý của loài người, đó chỉ là vài thí dụ (Cô 2:8). Nền giáo dục của Đức Chúa Trời giúp người ta từ bỏ những thực hành xấu xa và vun trồng những đức tính làm hài lòng Ngài (1 Cô 6:9-11). Nền giáo dục này giúp cải thiện đời sống gia đình, cho những người vô vọng một mục đích trong đời sống. Đây là nền giáo dục cần thiết cho thời nay.

8 Một trong những đức tính mà Đức Giê-hô-va giúp người ta vun trồng là tính lương thiện, như kinh nghiệm sau (Hê 13:18). Một phụ nữ Ấn Độ đã tìm hiểu Kinh Thánh và với thời gian trở thành người công bố chưa báp-têm. Một ngày nọ, sau khi làm việc trong một dự án xây cất Phòng Nước Trời, chị trở về nhà. Trên đường về, chị thấy gần trạm xe buýt có một món trang sức bằng vàng với trị giá 800 đô la mà ai đó đã đánh rơi. Dù nghèo nhưng chị đã đem món trang sức này đến đồn cảnh sát để trả lại cho chủ nhân. Ông cảnh sát không thể tin vào mắt mình! Sau đó, một cảnh sát khác đến hỏi chị: “Tại sao cô trả lại món trang sức này?”. Chị giải thích: “Sự dạy dỗ trong Kinh Thánh đã thay đổi tôi. Giờ đây tôi là một người sống lương thiện”. Cảm kích trước lời của chị, ông nói với anh trưởng lão cùng đi với chị đến đồn cảnh sát: “Bang này có hơn 38 triệu dân. Nếu anh có thể giúp mười người trở thành những người giống như cô này, đó quả là một thành tựu to lớn”. Khi xem xét đời sống của hàng triệu người được cải thiện nhờ nền giáo dục của Đức Chúa Trời, chẳng phải chúng ta có vô số lý do để ca ngợi Đức Giê-hô-va sao?

9. Làm thế nào người ta có thể hoàn toàn thay đổi đời sống?

9 Quyền lực biến đổi của Lời Đức Chúa Trời cùng với sự giúp đỡ Ngài ban qua thánh linh giúp người ta thay đổi hoàn toàn đời sống (Rô 12:2; Ga 5:22, 23). Cô-lô-se 3:10 cho biết: “[Hãy] mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình-tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu-biết đầy-trọn”. Thông điệp trong Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, có quyền lực bộc lộ những gì ở bên trong một người. Nó có thể thay đổi lối suy nghĩ và ngay cả cảm xúc của người ấy. (Đọc Hê-bơ-rơ 4:12). Bằng cách tiếp thu sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh và thay đổi đời sống phù hợp với các tiêu chuẩn công bình của Đức Giê-hô-va, một người có thể trở thành bạn Ngài với triển vọng sống đời đời.

Chuẩn bị cho tương lai

10. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va là Đấng duy nhất có thể giúp chúng ta chuẩn bị cho tương lai? (b) Những thay đổi lớn nào sắp diễn ra trên toàn cầu?

10 Đức Giê-hô-va là Đấng duy nhất có thể giúp chúng ta chuẩn bị cho tương lai vì Ngài biết những điều sắp xảy ra. Ngài quyết định tương lai của nhân loại (Ê-sai 46:9, 10). Lời tiên tri trong Kinh Thánh cho biết “ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần” (Sô 1:14). Về ngày đó, những lời nơi Châm-ngôn 11:4 sẽ chứng tỏ là đúng: “Trong ngày thạnh-nộ, tài-sản chẳng ích chi cả; duy công-bình giải-cứu khỏi sự chết”. Khi đến thời điểm Đức Giê-hô-va thi hành sự phán xét trên thế gian của Sa-tan, điều quan trọng nhất là được Ngài chấp nhận. Tiền bạc sẽ trở nên vô dụng. Thật vậy, Ê-xê-chi-ên 7:19 cho biết: “Chúng nó sẽ quăng bạc mình ra ngoài đường-phố, vàng chúng nó sẽ ra như đồ ô-uế”. Biết trước điều này có thể giúp chúng ta hành động khôn ngoan ngay từ bây giờ.

11. Bằng cách nào nền giáo dục của Đức Chúa Trời giúp chúng ta chuẩn bị cho tương lai?

11 Nền giáo dục của Đức Chúa Trời chuẩn bị chúng ta cho ngày lớn của Ngài. Một cách đáng chú ý là nền giáo dục ấy giúp chúng ta sắp xếp đúng đắn những điều ưu tiên. Sứ đồ Phao-lô đã viết cho Ti-mô-thê: “Hãy răn-bảo kẻ giàu ở thế-gian nầy đừng kiêu-ngạo và đừng để lòng trông-cậy nơi của-cải không chắc-chắn, nhưng hãy để lòng trông-cậy nơi Đức Chúa Trời”. Ngay cả nếu không giàu có, chúng ta có thể được lợi ích từ lời khuyên được soi dẫn này. Lời khuyên ấy bao hàm điều gì? Thay vì tích trữ của cải, chúng ta nên cố gắng “làm điều lành” và “làm nhiều việc phước-đức”. Bằng cách đặt những điều thiêng liêng lên hàng đầu trong đời sống, chúng ta “dồn-chứa về ngày sau một cái nền tốt và bền-vững cho mình” (1 Ti 6:17-19). Lối sống hy sinh ấy phản ánh sự khôn ngoan thiết thực, như Chúa Giê-su đã phán: “Người nào nếu được cả thiên-hạ mà mất linh-hồn mình, thì có ích gì?” (Mat 16:26, 27). Ghi nhớ ngày của Đức Giê-hô-va gần đến, mỗi người trong chúng ta nên xem xét: “Tôi đang tích trữ của cải ở đâu? Tôi đang làm tôi Đức Chúa Trời hay làm tôi “tiền tài”?”.—Mat 6:19, 20, 24, Bản Dịch Mới.

12. Nếu một số người xem thường thánh chức của chúng ta, tại sao chúng ta không nên nản lòng?

12 “Việc phước-đức” quan trọng nhất được đề cập trong Lời Đức Chúa Trời là công việc cứu người: rao giảng thông điệp Nước Trời và đào tạo môn đồ (Mat 24:14; 28:19, 20). Như vào thế kỷ thứ nhất, một số người có thể xem thường thánh chức của chúng ta (1 Cô 1:18-21). Tuy nhiên, điều đó không thay đổi giá trị thông điệp của chúng ta, và cũng không làm giảm tầm quan trọng của việc cho mọi người có cơ hội tin nơi thông điệp ấy khi còn kịp (Rô 10:13, 14). Chúng ta sẽ nhận được nhiều ân phước khi giúp người khác nhận được lợi ích từ nền giáo dục của Đức Chúa Trời.

Sự hy sinh được ban phước

13. Sứ đồ Phao-lô đã hy sinh những gì vì tin mừng?

13 Trước khi trở thành tín đồ Đấng Christ, sứ đồ Phao-lô đã được huấn luyện để thành công trong hệ thống Do Thái. Dường như lúc chưa đầy 13 tuổi, ông đã rời quê nhà ở thành Tạt-sơ đến Giê-ru-sa-lem để theo học một thầy dạy luật nổi tiếng là Ga-ma-li-ên (Công 22:3). Với thời gian, Phao-lô bắt đầu trội hơn những người đương thời. Nếu tiếp tục theo đuổi đường lối đó, có lẽ ông sẽ trở thành người nổi tiếng trong Do Thái giáo (Ga 1:13, 14). Khi Phao-lô chấp nhận tin mừng và bắt đầu công việc rao giảng, ông bỏ mọi thứ lại đằng sau. Phao-lô có hối tiếc vì đã lựa chọn như thế không? Không. Ông viết: “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận-biết Đức Chúa Jêsus-Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều-bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm-rác”.—Phi-líp 3:8.

14, 15. Chúng ta cảm nghiệm những ân phước nào khi là “bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời”?

14 Như Phao-lô, tín đồ Đấng Christ ngày nay cũng hy sinh vì tin mừng (Mác 10:29, 30). Khi làm thế, chúng ta có bỏ lỡ điều gì không? Anh Robert, người được đề cập ở đầu bài, có cùng cảm nghĩ như nhiều người khác khi nói: “Tôi không hối tiếc về bất cứ điều gì. Thánh chức trọn thời gian đem lại niềm vui và sự thỏa nguyện, qua đó tôi “nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao”. Bất cứ khi nào tôi hy sinh vật chất để theo đuổi các mục tiêu thiêng liêng, Đức Giê-hô-va luôn ban phước nhiều hơn những gì tôi đã hy sinh. Điều này như thể tôi chẳng hy sinh gì cả. Tôi chỉ nhận mà thôi!”.—Thi 34:8; Châm 10:22.

15 Nếu bạn tham gia công việc rao giảng và dạy dỗ được một thời gian rồi, chắc chắn bạn cũng đã có cơ hội nếm thử sự tốt lành của Đức Giê-hô-va. Khi nói cho người khác tin mừng, có bao giờ bạn cảm nhận sự giúp đỡ của thánh linh Ngài không? Bạn có thấy mắt người khác sáng ngời khi Đức Giê-hô-va mở lòng để họ chú ý thông điệp không? (Công 16:14). Đức Giê-hô-va có giúp bạn vượt qua những trở ngại, có lẽ mở đường để bạn gia tăng thánh chức không? Bạn có được Ngài hỗ trợ trong những lúc khó khăn, nhờ đó tiếp tục phụng sự Ngài khi cảm thấy mình bị suy yếu không? (Phi-líp 4:13). Khi cá nhân chúng ta cảm nghiệm được sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va lúc thi hành thánh chức, Ngài sẽ có thật hơn đối với chúng ta và chúng ta cảm thấy gần gũi Ngài hơn (Ê-sai 41:10). Chẳng phải việc được làm “bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời” trong công việc tuyệt vời liên quan đến nền giáo dục này là một ân phước sao?—1 Cô 3:9.

16. Bạn cảm thấy thế nào về những nỗ lực và hy sinh của mình cho nền giáo dục của Đức Chúa Trời?

16 Trong đời, nhiều người hy vọng đạt được điều gì đó có giá trị lâu dài. Chúng ta thấy rằng ngay cả những thành tựu nổi bật trong thế giới ngày nay thường nhanh chóng bị lãng quên. Tuy nhiên, những công việc mà Đức Giê-hô-va hiện đang thực hiện liên quan đến việc làm thánh danh Ngài chắc chắn sẽ được bảo tồn. Đó sẽ là một phần trong lịch sử của dân tộc Ngài. Những công việc này sẽ không bao giờ bị lãng quên (Châm 10:7; Hê 6:10). Mong sao chúng ta quý trọng đặc ân tham gia vào công việc mang tính lịch sử của nền giáo dục của Đức Chúa Trời.

Bạn trả lời thế nào?

• Đức Giê-hô-va đòi hỏi điều gì nơi những người Ngài dạy dỗ?

• Nền giáo dục của Đức Chúa Trời cải thiện đời sống người ta như thế nào?

• Khi giúp người khác nhận được lợi ích từ nền giáo dục của Đức Chúa Trời, chúng ta được ban phước thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

Những người được Đức Giê-hô-va dạy dỗ hợp thành đoàn thể anh em quốc tế chân chính

[Hình nơi trang 24]

Chẳng phải được làm “bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời” là một ân phước sao?