Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có thể xây đắp đức tin nơi Đấng Tạo Hóa?

Có thể xây đắp đức tin nơi Đấng Tạo Hóa?

Có thể xây đắp đức tin nơi Đấng Tạo Hóa?

“Khi nghĩ về khả năng có một Đấng Tạo Hóa, tôi giận dữ vì nghĩ rằng Đấng có quyền ngăn chặn sự đau khổ xảy đến cho con người nhưng lại không làm!”. Đây là lời của người từng là nhà vô thần, một số người trong gia đình ông đã bị giết trong cuộc tàn sát tập thể của Quốc Xã. Nhiều người cũng có cùng cảm nghĩ như ông.

Khi chứng kiến những hành động tàn bạo, nhiều người thấy khó tin nơi Đấng Tạo Hóa hay Đức Chúa Trời; hoặc họ tìm sự khuây khỏa nơi ý tưởng Ngài không hiện hữu. Đâu là những yếu tố chính khiến người ta không tin nơi Ngài? Như một số người nghĩ, liệu nhân loại có tốt hơn khi không có Đức Chúa Trời hay tôn giáo không? Người vô thần có thể xây đắp đức tin nơi một Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương không?

Sự thất bại của tôn giáo

Mỉa mai thay, một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến người ta theo thuyết vô thần là tôn giáo. Sử gia Alister McGrath giải thích: “Điều chính yếu đưa đẩy người ta đến thuyết vô thần là do họ chán ghét hành động thái quá và sự thất bại của các tổ chức tôn giáo”. Người ta thường xem tôn giáo là nhân tố đằng sau các cuộc chiến tranh và bạo động. Ông Michel Onfray, một nhà vô thần và cũng là một triết gia, trầm ngâm khi viết về việc làm thế nào một sách tôn giáo có thể tạo ra hai hạng người, một là “khát khao đạt đến sự thánh thiện”, hai là “thực hiện những hành động tàn ác vô nhân tính”, tức khủng bố.

Nhiều người có những ký ức cay đắng về việc họ dính líu đến tôn giáo. Trong thời gian phục vụ quân đội, anh Bertil, một thanh niên Thụy Điển, nghe một cha tuyên úy thanh minh cho sự bạo động bằng cách nhắc đến lời cảnh báo của Chúa Giê-su là ai cầm gươm thì sẽ bị chết vì gươm. Cha tuyên úy lý luận rằng phải có ai đó dùng gươm, vì vậy người lính hẳn phải là đầy tớ của Đức Chúa Trời!—Ma-thi-ơ 26:52. *

Chị Bernadette có cha đã qua đời trong Thế Chiến II ở Pháp. Chị nhớ cảm giác bị tổn thương khi nghe những lời của vị linh mục tại tang lễ đứa em họ ba tuổi của mình: “Chúa đã gọi đứa trẻ này lên trời làm thiên thần”. Sau này, chị Bernadette sinh một con trai và em bị tàn tật. Trong cảnh ngộ ấy, chị cũng không hề nhận được sự an ủi từ giáo hội.

Anh Ciarán lớn lên trong giai đoạn đầy bạo động ở Bắc Ireland. Anh chán ghét giáo lý về hỏa ngục. Anh từng tuyên bố mình ghét bất kỳ Đức Chúa Trời nào chịu trách nhiệm về sự gian ác, đồng thời thách thức rằng nếu Chúa hiện hữu, Ngài hãy đánh anh chết. Không chỉ có anh Ciarán, nhiều người khác cũng ghê tởm những giáo lý khắt khe như thế của giáo hội. Thật ra, sự dạy dỗ của giáo hội có lẽ đã mở đường cho thuyết tiến hóa. Theo ông Alister McGrath, “sự căm ghét trong thâm tâm” của Darwin đối với giáo lý về hỏa ngục, chứ không phải niềm tin của ông nơi thuyết tiến hóa, khiến ông nghi ngờ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Ông McGrath cũng cho biết Darwin “rất đau buồn về cái chết của cô con gái”.

Đối với một số người, hành đạo đồng nghĩa với hành động cách máy móc và cuồng tín. Chị Irina đã chán ghét các bài thuyết giáo vô nghĩa và những bài kinh cầu nguyện lặp đi lặp lại, chị kể: “Với tôi, dường như những người có đạo không biết suy nghĩ”. Anh Louis ghê tởm hành động dã man của những kẻ cuồng tín, phản ứng quyết liệt hơn: “Sau nhiều năm, tôi thấy được bộ mặt buồn tẻ của tôn giáo, giờ đây nó lộ ra bộ mặt kinh tởm. Do vậy, tôi đã bắt đầu xông xáo chống đối mọi tôn giáo”.

Tốt hơn nếu không có Đức Chúa Trời?

Vậy, không ngạc nhiên gì khi nhiều người nghĩ rằng tôn giáo cản trở sự tiến bộ và hòa bình của nhân loại. Thậm chí, một số người đã tự nhủ nếu không có Đức Chúa Trời và tôn giáo, nhân loại sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, việc chối bỏ tôn giáo như thế sẽ có những vấn đề riêng của nó không?

Ông Voltaire, một triết gia vào thế kỷ 18, cay đắng nói lên việc lạm dụng quyền hành của giáo hội vào thời ông. Thế nhưng, ông xem sự hiện hữu của Thượng Đế là nền tảng đạo đức của chúng ta. Sau này, triết gia người Đức là ông Friedrich Nietzsche có lời tuyên bố nổi tiếng là Chúa Trời đã chết. Tuy nhiên, ông lo ngại tư tưởng vô thần có thể dẫn đến tình trạng vô đạo đức và gây ra những điều tồi tệ. Lo sợ như thế có cơ sở không?

Tác giả Keith Ward cho biết khi nhân loại bước vào thời đại tân tiến, sự man rợ không giảm nhưng “đạt đến mức trước đây người ta chưa bao giờ tưởng tượng được”. Người ta cũng thử nghiệm với xã hội vô thần và nó không giải thoát nhân loại khỏi bản chất yếu đuối của họ, như sự đồi bại, bảo thủ và thành kiến. Những điều này có thể khiến nhiều người biết suy xét, ngay cả những nhà vô thần, nhận thấy niềm tin nơi Đức Chúa Trời giúp người ta có đạo đức.

Ông Keith Ward nêu bật lợi ích của niềm tin nơi Đức Chúa Trời: “Đức tin khiến người ta hành động theo luân thường đạo lý, có trách nhiệm chăm sóc thế giới mà Chúa đã tạo dựng”. Nhiều cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy những người có đạo thường có lòng quan tâm bất vị kỷ đến người khác hơn. Lòng quan tâm bất vị kỷ như thế thường mang lại sự thỏa lòng ở mức độ nào đó. Kết quả của những cuộc nghiên cứu ấy củng cố giá trị của nguyên tắc mà Chúa Giê-su đã nêu: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”.—Công-vụ 20:35.

Một người từng là nhà vô thần và làm công tác xã hội, ấn tượng trước khả năng tác động của Kinh Thánh trên đời sống con người. Ông nói: “Tôi đã trải qua nhiều năm với chút ít thành công trong việc giúp người ta thay đổi cách cư xử làm tổn hại bản thân và người khác. Tôi thật kinh ngạc khi thấy người ta có thể hoàn toàn thay đổi để có đời sống tốt hơn. Tôi cũng biết sự thay đổi đó có tác dụng lâu dài”.

Tuy nhiên, theo quan điểm của một số nhà vô thần, niềm tin nơi Đức Chúa Trời dẫn đến nhiều cuộc tàn sát và xung đột hơn là giúp người ta có lòng tốt và quan tâm bất vị kỷ. Có lẽ họ nhận thấy đức tin ảnh hưởng tốt trên một số người, nhưng bản thân họ vẫn hết sức hoài nghi. Tại sao thế?

Những nguyên nhân khác gây hoài nghi

Nhiều người được dạy rằng thuyết tiến hóa là sự kiện đã được chứng minh. Chẳng hạn, chị Anila lớn lên ở nước Albania, quốc gia theo chủ nghĩa vô thần. Chị kể lại: “Ở trường, chúng tôi được dạy rằng tin nơi Đức Chúa Trời là ngờ nghệch và lạc hậu. Tôi thường học những điều tuyệt diệu về cây cỏ và sinh vật. Tuy nhiên, tôi quy mọi điều ấy cho sự tiến hóa, vì như thế khiến chúng tôi thấy mình suy nghĩ theo khoa học”. Ngày nay, chị thừa nhận “các bằng chứng người ta đưa ra đã được chấp nhận cách mù quáng”.

Sự cay đắng có thể cản trở một số người. Nhân Chứng Giê-hô-va thường gặp thái độ này khi đi rao giảng từng nhà, nói về hy vọng trong Kinh Thánh. Anh Bertil, người đề cập ở đầu bài, được một Nhân Chứng trẻ đến nhà anh. Anh Bertil nhớ mình đã tự nhủ: “Kẻ cuồng tín tội nghiệp, mày đã đến nhầm chỗ rồi!”. Anh nói: “Tôi để anh ta vào nhà và trút hết nỗi căm phẫn về Đức Chúa Trời, Kinh Thánh và tôn giáo”.

Anh Gus, người Scotland, quan tâm đến sự bất công. Lúc đầu, trong các cuộc thảo luận với Nhân Chứng Giê-hô-va, anh hay tranh cãi và bác bẻ. Anh hỏi những câu tương tự lời của nhà tiên tri người Do Thái là Ha-ba-cúc. Ông nói với Đức Chúa Trời: “Nhân sao Chúa khiến tôi thấy sự gian-ác, và Ngài nhìn-xem sự ngang-trái?”.—Ha-ba-cúc 1:3.

Việc Đức Chúa Trời dường như thờ ơ trước sự gian ác từ lâu đã khiến nhiều người thắc mắc (Thi-thiên 73:2, 3). Bà Simone de Beauvoir, một nhà văn người Pháp, từng nói: “Tôi dễ dàng chấp nhận một thế giới không có Đấng Tạo Hóa hơn là một Đấng Tạo Hóa chịu trách nhiệm về những điều ngang trái trên thế giới”.

Tuy nhiên, phải chăng việc nhiều tôn giáo không giải thích được tại sao có những điều ngang trái đó nghĩa không có lời giải thích? Anh Gus nói cuối cùng anh đã tìm ra “lời giải đáp thỏa đáng về việc tại sao Đấng Tạo Hóa đầy quyền năng để nhân loại chịu đau khổ một thời gian”. Anh cho biết: “Đó là điều quan trọng đối với tôi”. *

Một số người cho mình là vô thần có thể nghi ngờ thuyết tiến hóa, họ có thể nhận ra mình có nhu cầu tâm linh và thậm chí còn cầu nguyện. Chúng ta hãy xem điều gì khiến một số người vô thần và theo thuyết bất khả tri suy nghĩ sâu xa hơn về đề tài này, rồi cuối cùng xây đắp mối quan hệ mật thiết với Đấng Tạo Hóa.

Điều gì giúp họ xây đắp đức tin nơi Đấng Tạo Hóa?

Anh Nhân Chứng trẻ đã đến thăm và giúp anh Bertil suy xét. Anh Nhân Chứng cho anh Bertil thấy có sự khác biệt lớn giữa môn đồ chân chính của Chúa Giê-su và những tôn giáo tự cho là đi theo ngài. Anh Bertil cho biết điều gây ấn tượng nơi anh không chỉ là những lý lẽ về sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, anh cho biết thêm: “Tôi khâm phục sự kiên nhẫn của anh trước thái độ ngang ngạnh của tôi... Anh rất bình tĩnh, luôn có một số ấn phẩm để đưa cho tôi và chuẩn bị chu đáo trước khi đến gặp tôi”. *

Chị Svetlana, chịu ảnh hưởng bởi thuyết tiến hóa và chế độ vô thần, tin rằng đời sống tuân theo quy luật đấu tranh sinh tồn. Tuy nhiên, ý niệm khắc nghiệt này làm chị bối rối. Những điều chị học được tại trường Y càng làm chị bối rối hơn: “Trong các bài học về thuyết vô thần, chúng tôi được dạy là phải đấu tranh để sinh tồn. Nhưng trong môn y học, chúng tôi được dạy là phải giúp đỡ người yếu”. Chị cũng thắc mắc tại sao loài người, được cho là tiến hóa từ loài khỉ, có vấn đề về cảm xúc trong khi loài khỉ thì không. Lời giải đáp cho những mâu thuẫn này đến từ một nguồn mà chị không ngờ: “Bà ngoại tôi dùng Kinh Thánh giải thích rằng sự bất toàn gây ra những cảm xúc tiêu cực”. Chị Svetlana cũng hào hứng khi biết những lời giải đáp từ Kinh Thánh về các câu hỏi như tại sao người tốt chịu khổ.

Anh Leif, người gốc từ vùng Scandinavia, tin chắc nơi thuyết tiến hóa và xem Kinh Thánh chỉ là cuốn truyện cổ tích. Tuy nhiên, một ngày kia, một người bạn nêu nghi vấn về niềm tin của anh: “Cậu có biết cậu chỉ lặp lại những gì người khác nói mà không hiểu gì về Kinh Thánh không?”. Giải thích về tác động của những lời này, anh Leif nói: “Tôi nhận ra mình chưa bao giờ đặt nghi vấn về thuyết tiến hóa. Tôi chỉ chấp nhận tất cả... Tôi nghĩ rằng trong số nhiều điều, sự hiểu biết về các lời tiên tri trong Kinh Thánh cũng như sự ứng nghiệm của những lời ấy có thể giúp một người vô thần bắt đầu suy nghĩ”.—Ê-sai 42:5, 9.

Anh Ciarán, người được đề cập ở phần trước, đã vỡ mộng sau những năm tham gia chính trị. Khi ngẫm nghĩ về cuộc đời, ý tưởng này thoáng qua trong đầu anh: Chỉ có Đức Chúa Trời đầy quyền năng và yêu thương mới có thể giải quyết những vấn đề của nhân loại và chỉ cho anh lối thoát khỏi sự đau khổ. Anh thầm nhủ: “Ôi, ước gì mình tìm được một Đức Chúa Trời như thế!”. Trong nỗi đau khổ tột cùng, anh cầu nguyện: “Nếu Ngài hiện hữu và nghe được tôi, bằng cách nào đó xin cho tôi biết và chỉ cho tôi lối thoát khỏi sự đau khổ của bản thân cũng như nỗi đau chung của nhân loại”. Vài ngày sau, một Nhân Chứng Giê-hô-va đến nhà anh, giải thích những điều Kinh Thánh dạy về ảnh hưởng xấu ẩn phía sau các chính phủ loài người (Ê-phê-sô 6:12). Lời giải thích này chứng minh nhận xét của anh Ciarán là đúng và khơi dậy tính hiếu kỳ. Sau một thời gian học Kinh Thánh, niềm tin của anh về Đấng Tạo Hóa yêu thương ngày càng mạnh mẽ.

Bạn và Đấng Tạo Hóa của nhân loại

Đạo đức giả trong các tôn giáo, những dạy dỗ vô thần như thuyết tiến hóa và sự gian ác lan tràn khiến nhiều người nghi ngờ hoặc thậm chí phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên, nếu bạn muốn, Kinh Thánh có thể đưa ra những lời giải đáp thỏa đáng cho các câu hỏi của bạn. Kinh Thánh cũng cho biết ý tưởng của Đức Chúa Trời, ‘ý-tưởng bình-an, không phải tai-họa, để cho bạn được sự trông-cậy’ và “một tương lai” (Giê-rê-mi 29:11; Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Đối với chị Bernadette, người có con trai bị tàn tật và hoài nghi sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, sự trông cậy hay hy vọng ấy giống như miếng gạc làm êm dịu vết thương trong tâm hồn.

Lời giải thích của Kinh Thánh về việc Đức Chúa Trời để cho có đau khổ đã động đến lòng và trí của nhiều người trước đây theo thuyết vô thần. Qua việc dành thời gian tìm lời giải đáp của Kinh Thánh cho những câu hỏi quan trọng thể ấy, bạn cũng sẽ tin có Đức Chúa Trời và Ngài “chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta”.—Công-vụ 17:27.

[Chú thích]

^ đ. 6 Về việc môn đồ chân chính của Chúa Giê-su có nên tham gia chiến tranh hay không, xin xem bài “Chiến tranh có hòa hợp với môn đồ Chúa Giê-su?” nơi trang 29-31.

^ đ. 22 Để biết thêm chi tiết tại sao Đức Chúa Trời để cho có sự gian ác, xin xem trang 106 đến 114 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 25 Về những lý lẽ ủng hộ sự sáng tạo, xin xem Tháp Canh ngày 1-5-2008, trang 3-6, và sách mỏng Thượng Đế có thật sự quan tâm đến chúng ta không?, trang 4-9, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Khung nơi trang 13]

Thuyết tiến hóa không có lời giải đáp cho các câu hỏi:

• Làm sao sự sống có thể đến từ điều phi sự sống?—THI-THIÊN 36:9.

• Tại sao động vật và cây cối chỉ sinh sản tùy theo loại?—SÁNG-THẾ KÝ 1:11, 21, 24-28.

• Nếu loài người ra từ loài khỉ, tại sao không một con vượn người nào còn sống?—THI-THIÊN 8:5, 6.

• Làm sao thuyết đấu tranh sinh tồn có thể giải thích được lòng quan tâm bất vị kỷ?—RÔ-MA 2:14, 15.

• Nhân loại có hy vọng thật sự nào cho tương lai không?—THI-THIÊN 37:29.

[Các hình nơi trang 12, 13]

Làm sao Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương có thể tạo ra một thế giới mà trẻ em chịu đau khổ?

Đạo đức giả trong tôn giáo khiến nhiều người phủ nhận Đức Chúa Trời