Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhân Chứng Giê-hô-va có thuộc đạo Tin Lành không?

Nhân Chứng Giê-hô-va có thuộc đạo Tin Lành không?

Câu hỏi độc giả

Nhân Chứng Giê-hô-va có thuộc đạo Tin Lành không?

Nhân Chứng Giê-hô-va không thuộc đạo Tin Lành. Tại sao như vậy?

Vào thế kỷ 16, ở Châu Âu nổi lên Phong trào Kháng Cách. Mục tiêu của phong trào này là cải cách Giáo hội Công giáo La Mã. Thời đầu, từ “Kháng Cách” (người Việt thường gọi là “Tin Lành”) ám chỉ đến những người theo ông Martin Luther trong Hội nghị ở thành phố Speyer, Đức, vào năm 1529. Kể từ đó, từ này thường được dùng để nói đến những ai theo các nguyên tắc và mục tiêu của Phong trào Cải Cách. Theo một từ điển Webster (Merriam-Webster’s Collegiate Dictionary, ấn bản lần thứ 11), định nghĩa một người theo đạo “Kháng Cách” là “một thành viên của bất kỳ giáo phái nào chống lại uy quyền tối cao của Giáo hoàng và giữ theo những giáo lý của Phong trào Cải Cách, chẳng hạn như chỉ cần có đức tin là được Đức Chúa Trời chấp nhận, tất cả người tin đạo đều là mục sư và Kinh Thánh là nguồn chân lý duy nhất”.

Dù Nhân Chứng Giê-hô-va không công nhận uy quyền tối cao của các giáo hoàng, hết lòng ủng hộ Kinh Thánh nhưng họ khác đạo Tin Lành trong nhiều khía cạnh quan trọng. Thật vậy, bách khoa từ điển về tôn giáo (The Encyclopedia of Religion) cho biết Nhân Chứng Giê-hô-va khác biệt với các tôn giáo khác. Hãy xem ba khía cạnh sau.

Thứ nhất, dù Tin Lành không làm theo một số hình thức thờ phượng của Công giáo, nhưng các nhà lãnh đạo Phong trào Cải Cách vẫn giữ lại một số giáo lý của Công giáo như Chúa Ba Ngôi, lửa địa ngục và linh hồn bất tử. Ngược lại, Nhân Chứng Giê-hô-va tin rằng những giáo lý này không những trái với Kinh Thánh mà còn làm sai lệch quan điểm về Đức Chúa Trời.—Xem trang 4-7 của tạp chí này.

Thứ hai, Nhân Chứng Giê-hô-va không chủ trương chống lại một tôn giáo nào, thay vì thế họ đưa ra những lời hướng dẫn hữu ích. Họ nghiêm túc giữ theo lời khuyên này của Kinh Thánh: “Đầy tớ của Chúa không được cãi cọ, phải ở hiền từ với mọi người, phải biết dạy dỗ, nhịn nhục. Biết dịu dàng khuyên răn những kẻ chống đối” (2 Ti-mô-thê 2:24, 25, Trịnh Văn Căn). Dù Nhân Chứng Giê-hô-va nêu lên những mâu thuẫn giữa điều Kinh Thánh dạy với giáo lý của các tôn giáo, nhưng mục tiêu của họ không phải để cải cách các tổ chức tôn giáo khác. Thay vì thế, mục tiêu của họ là giúp người có lòng thành hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời và Lời Ngài, là Kinh Thánh (Cô-lô-se 1:9, 10). Khi người ta thuộc tôn giáo khác khăng khăng giữ quan điểm của mình, Nhân Chứng Giê-hô-va tránh tranh cãi vô ích với họ.—2 Ti-mô-thê 2:23.

Thứ ba, không như Phong trào Kháng Cách đã tạo ra hàng trăm giáo phái khác nhau, Nhân Chứng Giê-hô-va duy trì sự hợp nhất trên toàn thế giới. Về những giáo lý của Kinh Thánh, Nhân Chứng Giê-hô-va trên 230 nước cố gắng làm theo lời khuyên của sứ đồ Phao-lô là “đồng một tiếng nói với nhau”. Không có sự chia rẽ giữa họ. Thay vì thế, họ thật sự “hiệp một ý một lòng cùng nhau” (1 Cô-rinh-tô 1:10). Họ cùng với các anh em đồng đạo cố gắng “dùng dây hòa-bình mà giữ-gìn sự hiệp một”.—Ê-phê-sô 4:3.