Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy làm lời cầu nguyện của bạn phong phú qua việc học hỏi Kinh Thánh

Hãy làm lời cầu nguyện của bạn phong phú qua việc học hỏi Kinh Thánh

Hãy làm lời cầu nguyện của bạn phong phú qua việc học hỏi Kinh Thánh

“Chúa ôi! tôi nài-xin Chúa hãy lắng tai nghe lời cầu-nguyện của kẻ tôi-tớ Ngài”.—NÊ 1:11.

1, 2. Tại sao chúng ta được lợi ích khi xem xét một số lời cầu nguyện được ghi trong Kinh Thánh?

Lời cầu nguyện và việc học hỏi Kinh Thánh là những điều thiết yếu trong sự thờ phượng thật (1 Tê 5:17; 2 Ti 3:16, 17). Dĩ nhiên, Kinh Thánh không phải là cuốn kinh cầu nguyện. Thế nhưng, Kinh Thánh có rất nhiều lời cầu nguyện, kể cả những lời trong sách Thi-thiên.

2 Khi đọc và học hỏi Kinh Thánh, chắc hẳn bạn sẽ tìm thấy những lời cầu nguyện phù hợp với hoàn cảnh của mình. Thật vậy, khi dùng những lời cầu nguyện và những lời tôn kính trong Kinh Thánh, lời cầu nguyện của bạn trở nên phong phú hơn. Bạn có thể học được gì từ những người cầu xin sự giúp đỡ và đã được nhậm cùng nội dung lời cầu nguyện của họ?

Tìm kiếm và làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời

3, 4. Người đầy tớ của Áp-ra-ham được giao sứ mạng nào? Chúng ta có thể học được gì từ cách Đức Giê-hô-va nhậm lời ông?

3 Việc học hỏi Kinh Thánh giúp bạn thấy rằng nên luôn cầu xin sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Hãy xem điều gì đã xảy ra khi tộc trưởng Áp-ra-ham sai đầy tớ lớn tuổi nhất của ông, dường như là Ê-li-ê-se, đến Mê-sô-bô-ta-mi để tìm cho con trai mình là Y-sác một người vợ kính sợ Đức Chúa Trời. Khi những người nữ ra giếng lấy nước, người đầy tớ cầu nguyện: “Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời... xin cho người gái trẻ nào mà tôi nói như vầy: “Xin nàng hãy nghiêng bình, cho tôi uống nhờ hớp nước,” mà nàng trả lời rằng: “Hãy uống đi, rồi tôi sẽ cho các lạc-đà ngươi uống nữa,” là chánh người mà Chúa đã định cho Y-sác, kẻ tôi-tớ Ngài; và nhờ đó tôi sẽ biết rằng Chúa đã làm ơn cho chủ tôi vậy”.—Sáng 24:12-14.

4 Lời cầu nguyện của người đầy tớ Áp-ra-ham đã được nhậm khi nàng Rê-bê-ca cho những con lạc đà của ông uống nước. Không lâu sau, nàng theo ông đến Ca-na-an và làm người vợ yêu dấu của Y-sác. Tất nhiên, không thể mong đợi Đức Chúa Trời ban cho bạn một dấu hiệu đặc biệt. Tuy nhiên, Ngài sẽ hướng dẫn đời sống bạn nếu bạn cầu xin và kiên quyết để thánh linh Ngài dẫn dắt.—Ga 5:18.

Cầu nguyện giúp giảm bớt lo lắng

5, 6. Khi sắp gặp Ê-sau, lời cầu nguyện của Gia-cốp có gì đáng chú ý?

5 Lời cầu nguyện có thể làm giảm nỗi lo lắng. Lo sợ về mối nguy hiểm từ người anh song sinh của mình là Ê-sau, Gia-cốp cầu xin: “Hỡi Đức Chúa Trời... Tôi lấy làm hèn-mọn không đáng chịu các ân-huệ và các điều thành-thực mà Ngài đã làm cho kẻ tôi-tớ Ngài... Vậy, cầu xin Đức Chúa Trời giải-cứu tôi khỏi tay Ê-sau, anh tôi, vì e người đến đánh tôi và đánh luôn mẹ với con nữa. Vả, Ngài có nói rằng: Quả thật vậy, ta sẽ làm ơn cho ngươi, và làm cho dòng-dõi ngươi đông như cát bãi biển, người ta sẽ không biết sao đếm được, vì đông-đúc quá”.—Sáng 32:9-12.

6 Sau khi đã cầu nguyện, Gia-cốp làm những bước để che chở gia đình, và lời cầu nguyện ấy được nhậm khi anh em ông hòa thuận lại với nhau (Sáng 33:1-4). Hãy đọc kỹ lời cầu xin ấy, bạn sẽ thấy rằng Gia-cốp không chỉ kêu cầu sự giúp đỡ. Ông bày tỏ đức tin nơi Dòng Dõi đã hứa và biết ơn về lòng yêu thương nhân từ của Đức Chúa Trời. Bạn có ‘sự lo-sợ trong lòng’ không? (2 Cô 7:5). Nếu có, qua lời cầu khẩn của Gia-cốp, bạn có thể nhớ rằng cầu nguyện giúp giảm bớt lo lắng. Tuy nhiên, lời cầu nguyện không nên chỉ chứa đựng lời cầu xin mà cũng chứa đựng lời bày tỏ đức tin.

Cầu xin sự khôn ngoan

7. Tại sao Môi-se cầu xin sự hiểu biết về đường lối Đức Giê-hô-va?

7 Ước muốn làm Đức Giê-hô-va vui lòng nên thôi thúc bạn cầu xin sự khôn ngoan. Vì ước muốn ấy, Môi-se đã cầu xin sự hiểu biết về đường lối Đức Chúa Trời. Ông cầu khẩn: “Nầy, Chúa phán cùng tôi rằng: Hãy đem dân-sự nầy lên [khỏi xứ Ê-díp-tô]!... Vậy bây giờ, nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin cho tôi biết đường của Chúa, để cho tôi... được ơn trước mặt Ngài” (Xuất 33:12, 13). Đức Chúa Trời đã đáp lại bằng cách ban cho Môi-se sự hiểu biết sâu rộng về đường lối Ngài—điều thiết yếu nếu ông sẽ dẫn dắt dân sự Đức Giê-hô-va.

8. Bạn có thể được lợi ích thế nào khi suy ngẫm 1 Các Vua 3:7-14?

8 Vua Đa-vít cũng cầu nguyện: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết các đường-lối Ngài” (Thi 25:4). Con trai của Đa-vít là Sa-lô-môn đã cầu xin sự khôn ngoan cần thiết để thi hành các trách nhiệm khi trị vì nước Y-sơ-ra-ên. Lời cầu nguyện của Sa-lô-môn làm hài lòng Đức Giê-hô-va, Đấng không những ban điều ông cầu xin mà còn cho sự giàu sang và vinh hiển. (Đọc 1 Các Vua 3:7-14). Nếu nhận một đặc ân nào đó hoặc một nhiệm vụ trong hội thánh dường như vượt quá khả năng của mình, bạn hãy cầu xin sự khôn ngoan và biểu lộ thái độ khiêm nhường. Đức Chúa Trời sẽ giúp bạn có được sự hiểu biết cần thiết và vận dụng sự khôn ngoan để thi hành trách nhiệm một cách đúng đắn và yêu thương.

Cầu nguyện từ đáy lòng

9, 10. Trong lời cầu nguyện của Sa-lô-môn tại lễ khánh thành đền thờ, bạn thấy có gì đặc biệt ở những chỗ có nói đến tấm lòng?

9 Để được nhậm, lời cầu nguyện phải xuất phát từ đáy lòng. Vua Sa-lô-môn đã cầu nguyện chân thành, như được ghi nơi 1 Các Vua chương 8, trước đám đông nhóm lại tại thành Giê-ru-sa-lem vào lễ khánh thành đền thờ, năm 1026 TCN. Sau khi hòm giao ước được đặt vào nơi Chí Thánh và đám mây của Đức Giê-hô-va phủ đầy đền thờ, Sa-lô-môn ca ngợi Đức Chúa Trời.

10 Hãy xem xét lời cầu nguyện của Sa-lô-môn và lưu ý những chỗ có nói đến tấm lòng. Sa-lô-môn thừa nhận chỉ có Đức Giê-hô-va mới biết được lòng người ta (1 Vua 8:38, 39). Lời cầu nguyện ấy cho thấy có hy vọng cho người phạm tội đã “hết lòng hết ý trở lại cùng Chúa”. Khi quân địch bắt giữ dân Đức Chúa Trời, lời nài xin của họ sẽ được nhậm nếu lòng họ trọn lành với Đức Giê-hô-va (1 Vua 8:48, 58, 61). Rõ ràng, lời cầu nguyện của bạn nên xuất phát từ đáy lòng.

Các bài Thi-thiên làm phong phú lời cầu nguyện của bạn ra sao?

11, 12. Bạn học được gì từ những lời tôn kính của một người Lê-vi không thể đến nơi thánh của Đức Chúa Trời trong một thời gian?

11 Xem xét các bài Thi-thiên có thể làm phong phú lời cầu nguyện và giúp bạn chờ đợi Đức Chúa Trời nhậm lời. Hãy xem sự kiên nhẫn của một người Lê-vi bị lưu đày. Dù không thể đến nơi thánh của Đức Giê-hô-va trong một thời gian, nhưng ông đã hát: “Hỡi linh-hồn ta, cớ sao ngươi sờn-ngã và bồn-chồn trong mình ta? Hãy trông-cậy nơi Đức Chúa Trời; ta sẽ còn khen-ngợi Ngài nữa: Ngài là sự cứu-rỗi của mặt ta, và là Đức Chúa Trời ta”.—Thi 42:5, 11; 43:5.

12 Bạn có thể rút ra bài học nào từ người Lê-vi ấy? Nếu việc bị bỏ tù vì sự công bình khiến bạn không thể kết hợp với anh em đồng đạo tại nơi thờ phượng trong một thời gian, hãy kiên nhẫn chờ đợi Đức Chúa Trời hành động vì lợi ích của bạn (Thi 37:5). Hãy suy ngẫm về niềm vui đã có trong việc phụng sự Đức Chúa Trời, cầu xin sức chịu đựng trong khi bạn ‘trông-cậy nơi Ngài’ để giúp bạn trở lại kết hợp với dân sự Ngài.

Cầu nguyện với đức tin

13. Phù hợp với Gia-cơ 1:5-8, tại sao bạn nên cầu nguyện với đức tin?

13 Dù bạn ở trong hoàn cảnh nào, hãy luôn cầu nguyện với đức tin. Nếu bạn đang gặp một thử thách về lòng trung kiên, hãy làm theo lời khuyên của môn đồ Gia-cơ. Hãy cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và chớ nghi ngờ Ngài có thể ban cho bạn sự khôn ngoan cần thiết để đương đầu với thử thách. (Đọc Gia-cơ 1:5-8). Đức Chúa Trời chú ý đến những mối lo lắng của bạn. Qua thánh linh, Ngài có thể hướng dẫn và an ủi bạn. Tràn đầy niềm tin, hãy thổ lộ lòng mình với Đức Chúa Trời, “chớ nghi-ngờ”, và làm theo sự hướng dẫn của thánh linh cùng lời khuyên trong Lời Ngài.

14, 15. Tại sao có thể nói rằng bà An-ne đã cầu nguyện và hành động với đức tin?

14 Bà An-ne là một trong hai người vợ của người Lê-vi tên Ên-ca-na. Bà đã cầu nguyện và hành động với đức tin. Bà An-ne hiếm muộn đã bị người vợ khác chế nhạo, đó là Phê-ni-na, người đã sinh cho ông Ên-ca-na nhiều người con. Tại đền tạm, bà An-ne hứa rằng nếu sinh được một con trai, bà sẽ dâng nó cho Đức Giê-hô-va. Vì môi bà mấp máy trong khi cầu nguyện nên thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li nghĩ bà đã say. Khi biết bà không như thế, ông nói: “Nguyện Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên nhậm lời nàng đã cầu-xin cùng Ngài”. Dù không biết chính xác kết quả, bà An-ne tin lời cầu nguyện của mình sẽ được nhậm. Vì thế, ‘nét mặt bà chẳng còn ra ưu-sầu nữa’. Bà không còn phiền muộn hay thất vọng.—1 Sa 1:9-18.

15 Sau khi sinh và đến lúc Sa-mu-ên dứt sữa, bà An-ne đưa con đến trình diện Đức Giê-hô-va để phụng sự Ngài tại đền tạm (1 Sa 1:19-28). Việc dành thời gian suy ngẫm lời cầu nguyện của bà vào lúc đó có thể làm lời cầu nguyện của bạn phong phú hơn. Đồng thời điều này giúp bạn thấy rằng mình có thể vượt qua ngay cả nỗi đau buồn về một vấn đề khó khăn, nếu cầu nguyện với niềm tin Đức Giê-hô-va sẽ nghe.—1 Sa 2:1-10.

16, 17. Vì Nê-hê-mi cầu nguyện và hành động với đức tin, điều gì đã xảy ra?

16 Ông Nê-hê-mi, một người ngay thẳng sống vào thế kỷ thứ năm TCN, đã cầu nguyện và hành động với đức tin. Ông nài xin: “Chúa ôi! tôi nài-xin Chúa hãy lắng tai nghe lời cầu-nguyện của kẻ tôi-tớ Ngài và lời cầu-nguyện của các tôi-tớ Ngài vẫn vui lòng kính-sợ danh Ngài; ngày nay xin Chúa hãy làm cho tôi-tớ Chúa được may-mắn, và ban cho nó tìm được sự nhân-từ trước mặt người nầy”. “Người nầy” là ai? Đó là vua Ạt-ta-xét-xe của nước Phe-rơ-sơ. Nê-hê-mi là người dâng rượu cho vị vua này.—Nê 1:11.

17 Sau khi nghe tin người Do Thái đã hồi hương từ Ba-by-lôn đang “bị tai-nạn và sỉ-nhục lắm; còn vách-thành của Giê-ru-sa-lem thì hư-nát”, Nê-hê-mi cầu nguyện với đức tin trong nhiều ngày (Nê 1:3, 4). Lời cầu nguyện của Nê-hê-mi đã được nhậm theo cách ngoài sức tưởng tượng của ông khi vua Ạt-ta-xét-xe cho phép ông đến Giê-ru-sa-lem để xây lại tường thành (Nê 2:1-8). Không lâu sau, tường thành đã được tái thiết. Những lời cầu nguyện của Nê-hê-mi được nhậm vì các lời ấy tập trung vào sự thờ phượng thật và được dâng lên với đức tin. Lời cầu nguyện của bạn cũng như thế không?

Hãy nhớ ca ngợi và cảm tạ

18, 19. Tôi tớ của Đức Giê-hô-va ca ngợi và cảm tạ Ngài vì những lý do nào?

18 Trong lời cầu nguyện, hãy nhớ ca ngợi và cảm tạ Đức Giê-hô-va. Có rất nhiều lý do để làm thế! Chẳng hạn, Đa-vít đã sốt sắng ca ngợi Nước của Đức Giê-hô-va. (Đọc Thi-thiên 145:10-13). Lời cầu nguyện có cho thấy bạn biết ơn đặc ân loan báo Nước của Đức Giê-hô-va không? Lời của những người viết Thi-thiên cũng có thể giúp bạn bày tỏ với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện chân thành rằng bạn biết ơn Ngài về các buổi nhóm họp và hội nghị.—Thi 27:4; 122:1.

19 Lòng biết ơn về mối quan hệ quý giá giữa bạn với Đức Chúa Trời có thể thôi thúc bạn cầu nguyện tận đáy lòng với những lời như: “Hỡi Chúa, tôi sẽ cảm-tạ Chúa giữa các dân, hát ngợi-khen Chúa trong các nước. Vì sự nhân-từ Chúa lớn đến tận trời, sự chân-thật Chúa cao đến các từng mây. Hỡi Đức Chúa Trời, nguyện Chúa được tôn cao hơn các từng trời. Nguyện sự vinh-hiển Chúa trổi cao hơn cả trái đất!” (Thi 57:9-11). Đó quả là những lời làm ấm lòng! Chẳng phải bạn đồng ý rằng những lời cảm động như thế từ các bài Thi-thiên có thể tác động và làm lời cầu nguyện của bạn thêm phong phú sao?

Cầu xin Đức Chúa Trời với lòng tôn kính

20. Bà Ma-ri bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Chúa Trời như thế nào?

20 Lòng tôn kính đối với Đức Chúa Trời nên thể hiện trong lời cầu nguyện của bạn. Những lời tôn kính của bà Ma-ri không lâu sau khi biết mình sẽ là mẹ của Đấng Mê-si tương tự với những lời của bà An-ne khi trình diện con trẻ Sa-mu-ên để phụng sự tại đền tạm. Lòng tôn kính của bà Ma-ri đối với Đức Chúa Trời được thể hiện rõ qua những lời sau: “Linh-hồn tôi ngợi-khen Chúa, tâm-thần tôi mừng-rỡ trong Đức Chúa Trời, là Cứu-Chúa tôi” (Lu 1:46, 47). Lời cầu nguyện của bạn có được cải thiện qua việc bày tỏ những cảm xúc tương tự không? Việc người nữ tin kính Ma-ri được chọn làm mẹ Chúa Giê-su, Đấng Mê-si, không có gì đáng ngạc nhiên!

21. Những lời cầu nguyện của Chúa Giê-su cho thấy lòng tôn kính và đức tin như thế nào?

21 Đầy dẫy đức tin, Chúa Giê-su cầu nguyện với lòng tôn kính. Chẳng hạn, trước khi làm La-xa-rơ sống lại, “Đức Chúa Jêsus bèn nhướng mắt lên trời mà rằng: Thưa Cha, tôi tạ ơn Cha, vì đã nhậm lời tôi. Tôi biết rõ rằng Cha nhậm lời tôi luôn” (Giăng 11:41, 42). Lời cầu nguyện của bạn có cho thấy lòng tôn kính và đức tin như thế không? Hãy xem xét lời cầu nguyện mẫu đầy tôn kính của Chúa Giê-su, bạn sẽ thấy những điều đặc biệt quan trọng là làm thánh danh Đức Giê-hô-va, xin cho Nước Trời được đến và ý định Đức Chúa Trời được thực hiện (Mat 6:9, 10). Hãy nghĩ về lời cầu nguyện của bạn. Những lời ấy có phản ánh lòng quan tâm sâu xa về Nước Đức Giê-hô-va, việc thực hiện ý định Ngài và làm thánh danh Ngài không? Lời cầu nguyện của bạn nên như thế.

22. Tại sao bạn chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ cho bạn sự can đảm để công bố tin mừng?

22 Vì bị ngược đãi hoặc gặp những thử thách khác, lời cầu nguyện thường bao gồm lời cầu xin sự giúp đỡ để phụng sự Đức Giê-hô-va với lòng can đảm. Khi Tòa Công Luận ra lệnh cho Phi-e-rơ và Giăng ngưng việc ‘nhân danh Đức Chúa Jêsus mà dạy’, các sứ đồ này đã can đảm từ chối (Công 4:18-20). Sau khi được thả, họ nói với anh em đồng đạo về những gì đã xảy ra. Rồi mọi người có mặt ở đó nài xin Đức Chúa Trời giúp họ giảng lời Ngài cách dạn dĩ. Thật hào hứng biết bao khi lời cầu nguyện của họ được nhậm, vì họ ‘đều được đầy-dẫy thánh-linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ’! (Đọc Công-vụ 4:24-31). Kết quả là rất nhiều người trở thành người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Lời cầu nguyện cũng có thể cho bạn sức mạnh để công bố tin mừng cách dạn dĩ.

Tiếp tục làm lời cầu nguyện của bạn thêm phong phú

23, 24. (a) Hãy nêu những gương mẫu cho thấy việc học hỏi Kinh Thánh có thể làm lời cầu nguyện của bạn phong phú hơn. (b) Bạn sẽ làm gì để lời cầu nguyện của mình phong phú hơn?

23 Còn có nhiều gương mẫu khác cho thấy việc đọc và học hỏi Kinh Thánh có thể làm lời cầu nguyện của bạn thêm phong phú. Chẳng hạn, như Giô-na, bạn có thể công nhận ‘sự cứu rỗi đến từ Đức Giê-hô-va’ trong lời cầu nguyện (Giô-na 2:2-11). Nếu bạn cảm thấy day dứt vì đã phạm tội nặng và đã tìm sự giúp đỡ từ các trưởng lão, những cảm xúc trong lời cầu nguyện của Đa-vít có thể giúp bạn bày tỏ lòng ăn năn qua lời cầu nguyện riêng (Thi 51:1-12). Trong một số lời cầu nguyện, bạn có thể ca ngợi Đức Giê-hô-va như Giê-rê-mi đã làm (Giê 32:16-19). Nếu đang tìm kiếm người bạn đời, việc xem lời cầu nguyện nơi sách E-xơ-ra chương 9 và kết hợp với lời cầu nguyện cá nhân có thể giúp bạn quyết tâm vâng lời Đức Chúa Trời qua việc kết hôn “theo ý Chúa”.—1 Cô 7:39; E-xơ-ra 9:6, 10-15.

24 Hãy tiếp tục đọc, học hỏi và nghiên cứu Kinh Thánh. Hãy tìm những điểm bạn có thể nêu lên trong lời cầu nguyện của mình. Bạn có thể dùng những điểm đó trong lời nài xin cũng như cầu nguyện để cảm tạ lẫn ca ngợi. Khi làm lời cầu nguyện của bạn phong phú qua việc học hỏi Kinh Thánh, chắc chắn bạn sẽ đến gần Đức Giê-hô-va hơn.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao chúng ta nên tìm kiếm và làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời?

• Điều gì nên thôi thúc chúng ta cầu xin sự khôn ngoan?

• Sách Thi-thiên có thể làm phong phú lời cầu nguyện của chúng ta như thế nào?

• Tại sao chúng ta nên cầu nguyện với đức tin và lòng tôn kính?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 8]

Đầy tớ của Áp-ra-ham đã cầu xin Đức Chúa Trời hướng dẫn, còn bạn thì sao?

[Hình nơi trang 10]

Buổi thờ phượng của gia đình có thể giúp lời cầu nguyện của bạn phong phú hơn