Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vua Đa-vít và âm nhạc

Vua Đa-vít và âm nhạc

Vua Đa-vít và âm nhạc

Khi nhắc đến âm nhạc thời Kinh Thánh, chúng ta liên tưởng ngay đến Đa-vít, một nhân vật xuất chúng, sống cách đây khoảng 3.000 năm. Trên thực tế, chúng ta hiểu biết về âm nhạc thời đó chủ yếu nhờ vào lời tường thuật trong Kinh Thánh về đời sống của Đa-vít—từ thời ông còn là một chàng chăn chiên, đến khi ông trở thành vua và người có tài tổ chức.

Qua Đa-vít, chúng ta có thể học được rất nhiều điều về âm nhạc thời Kinh Thánh. Chẳng hạn, loại nhạc cụ được dùng, thể nhạc được hát, cũng như âm nhạc đóng vai trò nào trong đời sống của Đa-vít nói riêng, và cả nước Y-sơ-ra-ên nói chung.

Vai trò của âm nhạc trong dân Y-sơ-ra-ên xưa

Khi chúng ta cất giọng hát, giai điệu và lời ca hòa quyện nhau. Kinh Thánh chứa đựng lời của nhiều bài hát, nhưng tiếc là chúng ta không biết điệu nhạc. Hẳn giai điệu của các bài hát này rất tuyệt vời, thậm chí thánh khiết. Những ý thơ cao quý trong sách Thi-thiên cho thấy điệu nhạc đi cùng hẳn là rất hay.

Kinh Thánh chỉ cho biết một số chi tiết về những nhạc cụ. (Xin xem khung “Nhạc cụ trong thời Kinh Thánh”). Ngay cả loại đàn cầm (đàn hạc) mà Đa-vít dùng, chúng ta cũng không biết rõ. Nhưng điều đáng chú ý là dân Y-sơ-ra-ên đã sáng chế nhiều nhạc cụ, như đàn cầm bằng gỗ rất quý hiếm.—2 Sử-ký 9:11; A-mốt 6:5.

Tuy nhiên, điều chắc chắn là âm nhạc chiếm một phần quan trọng trong đời sống của người Do Thái, đặc biệt trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Âm nhạc được dùng trong lễ đăng quang, các nghi lễ tôn giáo và trong chiến trận. Ngoài ra, nó làm trò tiêu khiển trong hoàng cung, làm cho tiệc cưới và họp mặt gia đình sinh động hơn, tạo bầu không khí hào hứng trong lễ hội hái nho và mùa gặt. Đồng thời, âm nhạc an ủi những người đau buồn vì mất người thân yêu. Đáng buồn thay, âm nhạc cũng được phổ biến ở những nơi thiếu lành mạnh.

Trong nước Y-sơ-ra-ên, âm nhạc còn đóng vai trò khác. Nó được dùng để nâng cao tinh thần và giúp các nhà tiên tri dễ tiếp thu những điều tâm linh. Chẳng hạn, nhà tiên tri Ê-li-sê nhận sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời khi nghe tiếng đàn (2 Các Vua 3:15). Âm nhạc dùng để loan báo những sự kiện đặc biệt. Thí dụ, những buổi lễ trọng thể và ngày trăng mới được loan báo bởi hai ống loa bằng bạc. Trong Năm Hân hỉ nhằm ngày chuộc tội, tiếng kèn thổi lên để tuyên bố sự phóng thích nô lệ và trả lại đất đai, nhà cửa cho chủ cũ. Những người nghèo hẳn vui mừng biết bao khi nghe tiếng loa báo hiệu họ được trả tự do và nhận lại sản nghiệp!—Lê-vi Ký 25:9; Dân-số Ký 10:10.

Một số người Do Thái hẳn là ca sĩ và nhạc sĩ lỗi lạc. Thật vậy, bản điêu khắc của người A-si-ri cũng cho biết vua San-chê-ríp đòi vua Ê-xê-chia triều cống nam, nữ nhạc sĩ. Dường như đây là những nhạc sĩ hàng đầu. Tuy nhiên, Đa-vít còn vượt trội so với tất cả những nghệ sĩ lỗi lạc này.

Một nhạc sĩ tài ba

Đa-vít tài ba vì ông vừa là nhạc sĩ vừa là thi sĩ. Hơn phân nửa những bài Thi-thiên là do ông viết. Khi còn trẻ Đa-vít là một chàng chăn cừu, nên tình cảm và cảm nhận của ông được nuôi dưỡng bằng những cảnh thôn quê của xứ Bết-lê-hem. Ông có những niềm vui giản dị như là nghe tiếng suối chảy róc rách, và tiếng be be của những chú cừu con. Ấn tượng trước những âm thanh tuyệt vời này, Đa-vít đã gảy đàn và cất giọng ca ngợi Đức Chúa Trời. Nếu được nghe ông hát bài Thi-thiên 23, hẳn là điều tuyệt vời biết bao!

Khi là thanh niên, Đa-vít chơi đàn cầm rất hay nên ông được mời đến để gảy đàn cho vua Sau-lơ. Những lúc vua bị sầu khổ về thể xác cũng như tinh thần, Đa-vít đến chơi đàn và hát những ca khúc du dương để làm dịu mát tâm hồn của nhà vua. Vì thế, những nỗi ám ảnh của Sau-lơ tan biến và sự lo âu không còn nữa.—1 Sa-mu-ên 16:16.

Đa-vít rất yêu âm nhạc và nó mang lại cho ông nhiều hạnh phúc, nhưng đôi khi cũng gây vấn đề cho ông. Một lần, khi Đa-vít và Sau-lơ trở về sau trận chiến với quân Phi-li-tin, những khúc khải hoàn được trỗi lên. Những người đàn bà hát: “Sau-lơ giết hàng ngàn, còn Đa-vít giết hàng vạn!”. Sau-lơ rất giận dữ, ghen tị và “kể từ ngày ấy, Sau-lơ thường ngó Đa-vít cách giận”.—1 Sa-mu-ên 18:7-9.

Ảnh hưởng của âm nhạc

Dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, Đa-vít viết những bài hát rất xuất sắc trong nhiều thể loại. Chúng là những bài thánh ca vừa sâu lắng vừa mộc mạc. Có đủ thể nhạc, từ ca ngợi đến kể chuyện, từ sự phấn khởi trong mùa thu hoạch nho đến sự long trọng của lễ khánh thành cung điện, từ kỷ niệm đến hy vọng, từ yêu cầu đến nài xin. (Xem Thi-thiên 32, 23, 145, 8, 30, 38, 72, 51, 86, cùng những lời ghi chú ở đầu các bài Thi-thiên). Khi Sau-lơ và con trai ông là Giô-na-than chết, Đa-vít đã soạn bài ca thương, cũng gọi là bài “ai-ca về Cung”, bắt đầu bằng những lời: “Ôi Y-sơ-ra-ên! Kẻ danh-vọng của ngươi đã thác trên gò-nổng ngươi!”. Lời bài hát thật buồn! Đa-vít quả biết cách diễn tả nhiều cảm xúc khác nhau, trong lời bài hát lẫn điệu nhạc.—2 Sa-mu-ên 1:17-19.

Là người sôi nổi, Đa-vít yêu thích các loại nhạc vui nhộn và sống động. Khi mang hòm giao ước đến Si-ôn, ông đã nhảy múa bằng cả năng lực để mừng sự kiện này. Theo lời tường thuật của Kinh Thánh, lúc ấy âm nhạc hẳn sôi động lắm. Bạn có thể hình dung cảnh tượng ấy không? Bởi Đa-vít quá cuồng nhiệt nên ông bị vợ là Mi-canh cười nhạo. Nhưng với ông điều đó không quan trọng. Tình yêu đối với Đức Giê-hô-va và âm nhạc làm ông tràn đầy niềm vui và tiếp tục nhảy múa trước mắt Ngài.—2 Sa-mu-ên 6:14, 16, 21.

Tài năng của Đa-vít không chỉ có vậy, ông cũng biểu lộ khả năng đặc biệt qua việc chế ra các nhạc cụ mới (2 Sử-ký 7:6). Nói chung, Đa-vít là một thiên tài: người sáng chế nhạc cụ, thi sĩ, nghệ sĩ và nhà soạn nhạc. Tuy nhiên, Đa-vít còn làm những việc to lớn hơn.

Âm nhạc tại đền thờ

Di sản mà Đa-vít để lại là đội hợp xướng quy mô trong đền thờ Đức Giê-hô-va. Trong số 4.000 nghệ sĩ, ông chọn A-sáp, Hê-man, Giê-đu-thun (còn gọi là Ê-than) làm người đứng đầu. Ông cho họ hợp tác với 288 nghệ sĩ tinh thông để huấn luyện và chỉ đạo những người khác trong nhóm. Trong ba lễ hội lớn hằng năm, 4.000 nghệ sĩ đều tham gia biểu diễn tại đền thờ. Hãy tưởng tượng sự hoành tráng của đội hợp xướng này!—1 Sử-ký 23:5; 25:1, 6, 7.

Chỉ những người nam thuộc chi phái Lê-vi mới được tham gia trong đội hợp xướng ấy. Họ đồng ca, như 2 Sử-ký 5:13 nói: “Kẻ ca-hát... như một người”. Một số bài Thi-thiên cũng có thể là những bài hát như Thi-thiên 3 và nhiều bài khác của Đa-vít. Có bài hát gồm phần điệp khúc, thí dụ nơi Thi-thiên 42:5, 11 và 43:5. Ngoài ra, những bài với thể loại hát đối đáp giữa hợp xướng với đơn ca cũng được yêu chuộng. Đây là trường hợp của bài Thi-thiên 24, chắc chắn được Đa-vít sáng tác trong thời gian ông đem hòm giao ước đến Si-ôn.—2 Sa-mu-ên 6:11-17.

Tuy nhiên, ca hát không chỉ dành cho người Lê-vi. Ngay cả dân sự cũng ca hát khi đi lên Giê-ru-sa-lem để tham gia lễ hội hằng năm. Có lẽ đó là lý do có “Bài ca đi lên từ bực” (Thi-thiên 120 đến 134). Chẳng hạn bài Thi-thiên 133, Đa-vít đề cao tình anh em mà dân Y-sơ-ra-ên có trong dịp đó. Ông mở đầu bằng lời: “Kìa, anh em ăn-ở hòa-thuận nhau thật tốt-đẹp thay!”. Hãy thử tưởng tượng nhạc của bài hát này!

Âm nhạc và sự thờ phượng Đức Giê-hô-va

Khoảng một phần mười Kinh Thánh là những bài thánh ca, và sách Thi-thiên khuyến khích loài người hết lòng ngợi khen Đức Giê-hô-va (Thi-thiên 150). Âm nhạc có sức mạnh khiến người ta quên đi nỗi lo lắng, và ca hát an ủi người có lòng đau thương. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng mời gọi những người vui vẻ hát thánh ca.—Gia-cơ 5:13.

Ca hát là một cách để con người biểu lộ đức tin và tình yêu đối với Đức Chúa Trời. Vào đêm trước khi Chúa Giê-su bị hành hình, ngài và các sứ đồ cùng hát sau khi dùng bữa (Ma-thi-ơ 26:30). Hãy tưởng tượng giọng của Con vua Đa-vít (tức Chúa Giê-su)—người từng hát những bài ca vinh quang trên thiên đình! Có thể họ đã hát bài Hallel trong Thi-thiên 113 đến 118. Các sứ đồ không biết chuyện gì sắp xảy ra với Chúa Giê-su. Tuy nhiên, ngài vẫn cất cao giọng hát: “Tôi yêu-mến Đức Giê-hô-va, vì Ngài nghe tiếng tôi, và lời nài-xin của tôi... Dây sự chết vương-vấn tôi, sự đau-đớn Âm-phủ áp hãm tôi... Đức Giê-hô-va ôi! cầu-xin Ngài giải-cứu linh-hồn tôi”.—Thi-thiên 116:1-4.

Loài người không sáng tạo âm nhạc. Kinh Thánh miêu tả âm nhạc và ca hát trên thiên đình: Các tạo vật thần linh chơi đàn theo nghĩa bóng và hát ngợi khen Đức Giê-hô-va quanh ngôi Ngài (Khải-huyền 5:9; 14:3; 15:2, 3). Chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban âm nhạc cho nhân loại, đặt vào lòng chúng ta cảm xúc về âm nhạc, cũng như ước muốn bày tỏ tình cảm qua lời ca và tiếng đàn. Những người thờ phượng Đức Chúa Trời tin chắc âm nhạc là món quà mà Ngài ban.—Gia-cơ 1:17.

[Câu nổi bật nơi trang 27]

“Trong những ngày vui-mừng, trong các lễ trọng-thể... của các ngươi, thì phải thổi loa”.​DÂN-SỐ KÝ 10:10

[Câu nổi bật nơi trang 28]

“Đức Giê-hô-va là Đấng chăn-giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu-thốn gì. Ngài khiến tôi an-nghỉ nơi đồng-cỏ xanh-tươi, dẫn tôi đến mé nước bình-tịnh”.​—THI-THIÊN 23:1, 2

[Câu nổi bật nơi trang 29]

“Có... bốn ngàn người ngợi-khen Đức Giê-hô-va bằng nhạc-khí của Đa-vít đã làm đặng ngợi-khen”.​—1 SỬ-KÝ 23:4, 5

[Câu nổi bật nơi trang 29]

Đa-vít diễn tả nhiều cảm xúc khác nhau trong lời bài hát lẫn điệu nhạc

[Câu nổi bật nơi trang 30]

‘Ha-lê-lu-gia! Hãy đánh trống cơm và nhảy-múa, mà hát ngợi-khen Ngài! Phàm vật chi thở, hãy ngợi-khen Đức Giê-hô-va!’.​—THI-THIÊN 150:1, 4, 6

[Khung/​Các hình nơi trang 28]

Nhạc cụ trong thời Kinh Thánh

Nhạc cụ bằng dây gồm có đàn nguyệt, đàn cầm và đàn mười dây (Thi-thiên 92:3). Những loại đàn này thường được đánh theo điệu Sê-mi-nít và A-la-mốt, đây có thể là cách diễn tả những quãng tám trầm và bổng (1 Sử-ký 15:20, 21). Trong những khí cụ và nhạc cụ bằng đồng gồm có tiêu, sáo, kèn cũng như kèn trompet (1 Sa-mu-ên 10:5; Thi-thiên 150:3, 4). Trong lễ khánh thành đền thờ, những người thổi kèn và người ca hát “đồng-thinh hòa nhau như một người” (2 Sử-ký 5:12, 13). Dường như điều này có nghĩa là họ hát hòa với tiếng nhạc. Những nhạc cụ gõ gồm có trống cơm và trống bạt, tức một loại lục lạc, cùng “đủ thứ nhạc-khí bằng gỗ bá-hương”. Đồng thời, có những loại chiêng—cái nhỏ là “chập-chỏa dội tiếng” còn cái lớn là “mã la kêu rền”.—2 Sa-mu-ên 6:5; Thi-thiên 150:5.

[Các hình]

Hình trên: Chi tiết trên Khải Hoàn Môn Titus ở Rô-ma, Ý, mô tả kèn trompet lấy từ đền thờ Giê-ru-sa-lem vào năm 70 công nguyên (CN). Đồng tiền năm 130 CN có hình những nhạc cụ của người Do Thái

[Nguồn tư liệu]

Coins: © 2007 by David Hendin. All rights reserved.