Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vun trồng tình yêu thương chẳng hề hư mất

Vun trồng tình yêu thương chẳng hề hư mất

Vun trồng tình yêu thương chẳng hề hư mất

‘Tình yêu-thương nín-chịu mọi sự và chẳng hề hư-mất bao giờ’.—1 CÔ 13:7, 8.

1. (a) Người ta thường nói đến tình yêu trong những lĩnh vực nào? (b) Nhiều người ngày nay yêu điều gì?

Tình yêu là một đề tài muôn thuở. Người ta ca ngợi và làm cho tình yêu trở nên lãng mạn qua âm nhạc. Tình yêu là nhu cầu căn bản của con người. Tuy nhiên, sách báo và phim ảnh thường sáng tác những chuyện tình lãng mạn, và các tài liệu này tràn ngập thị trường. Ngày nay, phần lớn người ta không màng đến tình yêu thương chân thật với Đức Chúa Trời và người đồng loại. Chúng ta thấy điều này đang xảy ra đúng như Kinh Thánh báo trước về thời kỳ cuối cùng: Người ta “đều tư-kỷ, tham tiền... ưa-thích sự vui chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời”.—2 Ti 3:1-5.

2. Kinh Thánh cảnh báo gì về loại tình yêu sai lầm?

2 Con người có khả năng biểu lộ tình yêu thương, nhưng Lời Đức Chúa Trời cảnh báo chúng ta về loại tình yêu sai lầm. Và Kinh Thánh cho biết hậu quả khi để tình yêu đó bám rễ trong lòng (1 Ti 6:9, 10). Bạn có nhớ sứ đồ Phao-lô đã viết gì về Đê-ma không? Dù đã từng kết hợp với Phao-lô, Đê-ma bắt đầu yêu mến những điều thế gian cung hiến (2 Ti 4:10). Sứ đồ Giăng cũng cảnh báo tín đồ Đấng Christ đề phòng mối nguy hiểm lớn này. (Đọc 1 Giăng 2:15, 16). Chúng ta không thể yêu thế gian, lối sống và những thứ phù du trong đó, đồng thời yêu Đức Chúa Trời và những gì bắt nguồn từ Ngài.

3. Chúng ta gặp thử thách nào? Và điều đó dẫn đến những câu hỏi nào?

3 Dù đang sống trong thế gian nhưng chúng ta không thuộc về thế gian. Vì vậy, thử thách trước mắt chúng ta là tránh quan điểm lệch lạc của thế gian về tình yêu thương. Điều quan trọng là đừng để mình rơi vào bẫy của tình yêu sai lầm và tình yêu trái với luân thường đạo lý. Thế thì chúng ta nên vun trồng và biểu lộ tình yêu thương theo nguyên tắc với ai? Điều gì giúp chúng ta vun trồng ‘tình yêu-thương nín-chịu mọi sự và chẳng hề hư-mất’? Điều này mang lại lợi ích gì ngay bây giờ và ảnh hưởng thế nào đến tương lai? Chúng ta nên tìm câu trả lời dựa trên quan điểm của Đức Chúa Trời để được hướng dẫn đúng đắn.

Vun trồng tình yêu thương với Đức Giê-hô-va

4. Làm thế nào để tình yêu thương với Đức Chúa Trời phát triển?

4 Vun trồng có thể hàm ý là chuẩn bị và tạo điều kiện để một điều gì đó lớn lên. Hãy nghĩ đến một nhà nông cần cù chăm bón đất và gieo giống. Ông mong đợi hạt giống lớn lên (Hê 6:7). Tương tự thế, tình yêu thương của chúng ta với Đức Chúa Trời phải lớn lên. Điều này đòi hỏi gì? Chúng ta phải rèn luyện tấm lòng mình thành loại đất tốt, nơi mà hạt giống Nước Trời đã được gieo. Chúng ta có thể làm thế bằng cách siêng năng học Lời Đức Chúa Trời để gia tăng sự hiểu biết về Ngài (Cô 1:10). Ngoài ra, đều đặn có mặt và tham gia các buổi nhóm cũng giúp ích. Mỗi cá nhân chúng ta có tiếp tục cố gắng hầu đạt được sự hiểu biết sâu sắc hơn không?—Châm 2:1-7.

5. (a) Làm thế nào chúng ta có thể học biết về những đức tính chính của Đức Giê-hô-va? (b) Bạn có thể nói gì về sự công bình, khôn ngoan và quyền năng của Đức Chúa Trời?

5 Qua Lời Ngài, Đức Giê-hô-va cho chúng ta biết những đức tính của Ngài. Bằng cách học Kinh Thánh và càng tiếp thu sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ càng quý trọng những đức tính đó—công bình, quyền năng, khôn ngoan và nổi bật nhất là yêu thương. Đức Giê-hô-va đã thể hiện sự công bình qua đường lối và luật pháp hoàn hảo của Ngài (Phục 32:4; Thi 19:7). Chúng ta cũng có thể suy ngẫm về công trình sáng tạo và thán phục sự khôn ngoan vô song của Ngài (Thi 104:24). Cả vũ trụ cung cấp bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va là Nguồn của năng lượng và quyền năng vô tận.—Ê-sai 40:26.

6. Đức Chúa Trời biểu lộ tình yêu thương với chúng ta như thế nào? Và điều này ảnh hưởng thế nào đến bạn?

6 Còn đức tính nổi bật nhất là tình yêu thương của Đức Chúa Trời thì sao? Đó là tình yêu thương bao la và tác động đến tất cả chúng ta. Ngài đã biểu lộ tình yêu thương đó bằng cách cung cấp giá chuộc cho nhân loại. (Đọc Rô-ma 5:8). Sự cung cấp này dành cho toàn thể nhân loại, nhưng chỉ những ai đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời và thể hiện đức tin nơi Con Ngài mới nhận được lợi ích (Giăng 3:16, 36). Đức Chúa Trời ban Chúa Giê-su làm của lễ chuộc tội cho chúng ta, và hiển nhiên điều đó thôi thúc chúng ta đáp lại bằng cách yêu thương Ngài.

7, 8. (a) Để biểu lộ tình yêu thương với Đức Chúa Trời, chúng ta cần làm gì? (b) Dân Đức Chúa Trời vâng giữ điều răn Ngài bất kể điều gì?

7 Làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ tình yêu thương với Đức Chúa Trời để đáp lại những điều Ngài làm cho chúng ta? Kinh Thánh cho câu trả lời đầy ý nghĩa: “Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài. Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề” (1 Giăng 5:3). Đúng vậy, tình yêu thương với Giê-hô-va Đức Chúa Trời thúc đẩy chúng ta vâng giữ điều răn Ngài. Đó là một trong những lý do chúng ta làm chứng về danh Ngài và Nước Trời, những điều mang lại lợi ích cho người khác. Khi làm thế từ đáy lòng, chúng ta cho thấy mình vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời với động lực đúng đắn.—Mat 12:34.

8 Dù người ta lãnh đạm và công khai chống đối thông điệp Nước Trời, anh em chúng ta trên khắp thế giới vẫn kiên trì vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời. Họ cố gắng không ngừng để làm tròn thánh chức (2 Ti 4:5). Tương tự thế, chúng ta được thúc đẩy chia sẻ sự hiểu biết về Đức Chúa Trời với người khác, đồng thời vâng giữ những điều răn khác.

Lý do chúng ta yêu Chúa Giê-su

9. Chúa Giê-su đã chịu đựng những thử thách nào, và động lực là gì?

9 Ngoài tình yêu thương với Đức Chúa Trời, có nhiều lý do để chúng ta vun trồng tình yêu thương với Con Ngài. Dù chưa bao giờ gặp Chúa Giê-su, nhưng khi tìm hiểu thêm về Ngài, tình yêu thương của chúng ta đối với ngài sẽ sâu đậm (1 Phi 1:8). Chúa Giê-su đã chịu đựng những thử thách nào? Khi làm theo ý Cha ngài, Chúa Giê-su đã bị ghen ghét vô cớ, bị ngược đãi, vu oan và chửi rủa. Ngài cũng chịu nhiều sỉ nhục khác. (Đọc Giăng 15:25). Tình yêu thương với Cha trên trời đã giúp ngài chịu đựng những thử thách ấy. Và cũng nhờ tình yêu thương, ngài đã hy sinh làm giá chuộc cho nhiều người.—Mat 20:28.

10, 11. Nghĩ về những gì Chúa Giê-su đã thực hiện, chúng ta cố gắng làm gì?

10 Đời sống của Chúa Giê-su thôi thúc chúng ta muốn đáp lại tình yêu thương của ngài. Khi nghĩ về những điều Chúa Giê-su đã làm, chúng ta càng yêu thương ngài nhiều hơn. Là môn đồ Chúa Giê-su, chúng ta nên cố gắng vun trồng và biểu lộ tình yêu thương như ngài. Nhờ thế, chúng ta có thể chịu đựng nghịch cảnh khi làm theo mệnh lệnh của ngài là làm chứng về Nước Trời và đào tạo môn đồ.—Mat 28:19, 20.

11 Để đáp lại tình yêu của Chúa Giê-su dành cho nhân loại, chúng ta muốn hoàn thành nhiệm vụ trước khi sự cuối cùng của hệ thống này đến. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 5:14, 15). Tình yêu thương đã thôi thúc Chúa Giê-su hoàn thành ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại. Nếu theo sát gương của Chúa Giê-su, mỗi người chúng ta có thể góp phần vào ý định của Đức Chúa Trời. Điều này đòi hỏi chúng ta phải vun trồng tình yêu thương với Đức Chúa Trời bằng hết khả năng của mình (Mat 22:37). Khi làm theo lời dạy của Chúa Giê-su và vâng giữ mệnh lệnh ngài, chúng ta cho thấy mình yêu thương ngài và quyết tâm ủng hộ quyền tối thượng của Đức Chúa Trời bằng mọi giá, như Chúa Giê-su.—Giăng 14:23, 24; 15:10.

Theo đuổi tình yêu thương, con đường tốt lành hơn

12. Phao-lô có ý gì khi dùng cụm từ “con đường tốt-lành hơn”?

12 Sứ đồ Phao-lô là người noi gương Chúa Giê-su. Vì theo sát bước chân của Chúa Giê-su, Phao-lô có thể khuyên giục anh em bắt chước ông (1 Cô 11:1). Phao-lô khuyến khích anh em ở thành Cô-rinh-tô tiếp tục sốt sắng tìm sự ban cho của thánh linh vào thế kỷ thứ nhất, như chữa bệnh và nói tiếng lạ. Dù vậy, ông cho họ thấy có một đường lối tốt lành hơn để theo đuổi. Nơi 1 Cô-rinh-tô 12:31, ông giải thích: “Tôi sẽ chỉ-dẫn cho anh em con đường tốt-lành hơn”. Văn cảnh trong những câu sau cho thấy con đường tốt lành hơn chính là tình yêu thương. Vậy, tình yêu thương tốt lành hơn theo nghĩa nào? Phao-lô tiếp tục đưa ra minh họa về những điều ông nói. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 13:1-3). Nếu ông có khả năng đặc biệt nào đó và làm những việc quan trọng nhưng không có tình yêu thương, thì có ích lợi gì không? Không! Nhờ thánh linh Đức Chúa Trời, ông đã giải thích được lẽ thật quan trọng này. Lẽ thật ấy quả tác động mạnh đến chúng ta!

13. (a) Câu Kinh Thánh năm 2010 là gì? (b) “Tình yêu-thương chẳng hề hư-mất” có nghĩa gì?

13 Sứ đồ Phao-lô cho thấy rõ thế nào là tình yêu thương và thế nào là không. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 13:4-8). Giờ đây, hãy dành thời gian để xem xét chúng ta có thể biểu lộ tình yêu thương đến mức nào. Hãy chú ý phần cuối câu 7 và phần đầu câu 8: ‘Tình yêu-thương nín-chịu mọi sự và chẳng hề hư-mất bao giờ’. Đó là câu Kinh Thánh năm 2010. Hãy lưu ý nơi câu 8, Phao-lô nói rằng sự ban cho của thánh linh sẽ không còn nữa, kể cả việc tiên tri và nói tiếng lạ vào thời kỳ đầu của hội thánh đạo Đấng Christ. Sự ban cho ấy sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, tình yêu thương sẽ còn mãi. Đức Giê-hô-va là hiện thân của tình yêu thương và Ngài hằng hữu nên tình yêu thương chẳng hề hư mất. Tình yêu thương sẽ tồn tại mãi vì là một đức tính của Đức Chúa Trời.—1 Giăng 4:8.

Tình yêu thương nín chịu mọi sự

14, 15. (a) Tình yêu thương giúp chúng ta chịu đựng thử thách như thế nào? (b) Tại sao một anh Nhân Chứng trẻ từ chối thỏa hiệp?

14 Khi đương đầu với các vấn đề, thử thách hoặc hoàn cảnh khó khăn, điều gì giúp tín đồ Đấng Christ có thể chịu đựng? Đó là tình yêu thương dựa trên nguyên tắc. Tình yêu thương ấy không những thúc đẩy chúng ta hy sinh của cải vật chất mà còn sẵn sàng giữ lòng trung kiên, thậm chí mất sự sống vì Chúa Giê-su (Lu-ca 9:24, 25). Hãy nghĩ đến gương trung thành của những Nhân Chứng chịu khổ tại các trại tập trung, trại lao động cưỡng bức cũng như nhà tù trong Thế Chiến II và sau đó.

15 Một Nhân Chứng trẻ người Đức tên Wilhelm đã chứng minh điều này. Thay vì thỏa hiệp, anh giữ lòng trung kiên khi đứng trước đội xử bắn của Đức Quốc Xã. Trong lá thư cuối cùng gửi gia đình, anh viết: “Trên hết chúng ta phải yêu thương Đức Chúa Trời như lời dạy của Chúa Giê-su, Đấng Lãnh Đạo của chúng ta. Nếu chúng ta đứng về phía Đức Chúa Trời, Ngài sẽ ban thưởng chúng ta”. Sau này, trong một bài Tháp Canh, một thành viên của gia đình anh đã viết: “Trong suốt thời kỳ xáo động lúc bấy giờ, cả gia đình chúng tôi nghiệm được là phải luôn đặt tình yêu thương với Đức Chúa Trời lên hàng đầu”. Ngày nay, nhiều anh em chúng ta cũng thể hiện tinh thần ấy khi bị tù ở Armenia, Eritrea, Hàn Quốc và các nước khác. Những anh em này đứng vững trong tình yêu thương với Đức Giê-hô-va.

16. Các anh em ở Malawi đã chịu đựng những thử thách nào?

16 Tại nhiều xứ, đức tin và sự chịu đựng của anh em chúng ta bị thử thách dưới nhiều hình thức. Nhân Chứng Giê-hô-va ở Malawi bị chính quyền cấm đoán, chống đối dữ dội và đối xử hung bạo trong 26 năm. Sự chịu đựng của họ đã được tưởng thưởng. Khi sự chống đối bắt đầu, tại nước ấy có khoảng 18.000 Nhân Chứng. Sau đó 30 năm, con số này là 38.393 người, tăng hơn gấp đôi. Những nước khác cũng có kết quả tương tự.

17. Trong những gia đình không cùng đức tin, tín đồ Đấng Christ phải đối mặt với điều gì? Và nhờ đâu họ có thể chịu đựng sự ngược đãi?

17 Dân Đức Chúa Trời với tư cách tập thể bị chống đối trực diện là một vấn đề. Nhưng khi cá nhân tín đồ Đấng Christ bị gia đình chống đối, đó là một vấn đề khác. Người ấy có lẽ phải chịu áp lực từ các thành viên trong gia đình hoặc họ hàng gần. Chẳng phải Chúa Giê-su đã báo trước điều này sao? Thật vậy, nhiều người đã cảm nhận lời ngài là đúng (Mat 10:35, 36). Nhiều thanh thiếu niên phải chịu sự chống đối của cha mẹ không tin đạo. Một số bị đuổi khỏi nhà, nhưng những Nhân Chứng tử tế đã giúp đỡ các em. Những em khác bị cha mẹ từ. Vậy, điều gì đã giúp các em chịu đựng sự ngược đãi? Đó là nhờ tình anh em đồng đạo, nhưng trên hết là nhờ tình yêu thương chân thành với Đức Giê-hô-va và Con Ngài.—1 Phi 1:22; 1 Giăng 4:21.

18. Làm thế nào ‘tình yêu-thương nín-chịu mọi sự’ giúp các cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ?

18 Có nhiều tình huống khác trong đời sống đòi hỏi chúng ta phải có tình yêu thương chịu đựng mọi sự. Trong hôn nhân, tình yêu thương giúp vợ chồng tôn trọng lời của Chúa Giê-su: “Loài người không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp!” (Mat 19:6). Khi trải qua “khó-khăn về xác-thịt”, vợ chồng tín đồ Đấng Christ nên nhớ rằng Đức Giê-hô-va đóng vai trò thiết yếu trong cuộc hôn nhân của họ (1 Cô 7:28). Lời Ngài nói rằng ‘tình yêu-thương nín-chịu mọi sự’. Cặp vợ chồng nào thể hiện đức tính này sẽ gắn bó với nhau, và nhờ đó hôn nhân của họ được bền vững.—Cô 3:14.

19. Sau những thảm họa thiên nhiên, dân Đức Chúa Trời đã làm gì?

19 Tình yêu thương giúp chúng ta “nín-chịu mọi sự” khi gặp thảm họa thiên nhiên. Chẳng hạn, khi miền nam của Peru bị động đất và trận bão Katrina tàn phá vùng Vịnh ở Hoa Kỳ, nhiều anh chị đã mất nhà cửa và tài sản. Tình yêu thương đã thôi thúc các hội thánh trên thế giới gửi hàng cứu trợ, và nhiều anh em tình nguyện đến giúp xây lại nhà cửa và sửa sang Phòng Nước Trời. Những hành động ấy cho thấy anh em chúng ta luôn yêu thương và quan tâm đến nhau trong mọi hoàn cảnh.—Giăng 13:34, 35; 1 Phi 2:17.

Tình yêu thương chẳng hề hư mất

20, 21. (a) Tại sao tình yêu thương có giá trị vượt trội? (b) Tại sao bạn quyết tâm theo đuổi đường lối yêu thương?

20 Trong vòng dân sự Đức Giê-hô-va ngày nay, chúng ta thấy điều khôn ngoan là theo đuổi “con đường tốt-lành hơn” của tình yêu thương. Thật vậy, tình yêu thương vượt trội trong mọi hoàn cảnh. Hãy lưu ý cách sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh đến sự thật ấy. Trước tiên, ông cho biết các sự ban cho của thánh linh sẽ qua đi và hội thánh tín đồ Đấng Christ sẽ lớn mạnh, đạt đến sự thành thục. Sau đó, ông kết luận: “Nên bây giờ còn có ba điều nầy: Đức-tin, sự trông-cậy, tình yêu-thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu-thương!”.—1 Cô 13:13.

21 Cuối cùng, khi những điều chúng ta tin trở thành hiện thực thì đức tin ấy không cần thiết nữa. Sau khi muôn vật được đổi mới, chúng ta không cần sự trông cậy nữa vì tất cả những lời hứa đều được thực hiện. Còn tình yêu thương thì sao? Tình yêu thương không bao giờ chấm dứt và sẽ tồn tại mãi. Với triển vọng sống vĩnh cửu, chắc chắn chúng ta sẽ thấy và hiểu nhiều hơn bao giờ hết các khía cạnh của tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Khi làm theo ý muốn Đức Chúa Trời bằng cách theo đuổi “con đường tốt-lành hơn” của “tình yêu-thương chẳng hề hư-mất”, chúng ta có thể còn lại đời đời.—1 Giăng 2:17.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao chúng ta phải cảnh giác trước loại tình yêu sai lầm?

• Tình yêu thương có thể giúp chúng ta chịu đựng điều gì?

• “Tình yêu-thương chẳng hề hư-mất” có nghĩa gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Câu nổi bật nơi trang 27]

Câu Kinh Thánh năm 2010 là: ‘Tình yêu-thương nín-chịu mọi sự và chẳng hề hư-mất bao giờ’.​—1 Cô 13:7, 8.

[Hình nơi trang 25]

Tình yêu thương với Đức Chúa Trời thôi thúc chúng ta làm chứng

[Hình nơi trang 26]

“Tình yêu-thương chẳng hề hư-mất” đã giúp anh em ở Malawi chịu đựng thử thách