Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kinh Thánh đến với đảo Madagascar

Kinh Thánh đến với đảo Madagascar

Kinh Thánh đến với đảo Madagascar

Tọa lạc cách bờ biển đông nam của châu Phi khoảng 400 km, đảo Madagascar là hòn đảo lớn thứ tư trên thế giới. Người dân đảo này quen thuộc với danh của Đức Giê-hô-va, vì bản dịch Kinh Thánh tiếng Malagasy có danh Đức Chúa Trời đã được phát hành rộng rãi trong hơn 170 năm. Lịch sử của bản dịch Kinh Thánh tiếng Malagasy là một câu chuyện của những người kiên trì và hết lòng tận tụy với công việc.

Việc dịch Kinh Thánh sang tiếng Malagasy khởi đầu từ đảo Mauritius ở gần đấy. Vào đầu năm 1813, Sir Robert Farquhar, thống đốc người Anh của đảo Mauritius, đề xướng việc dịch phần Phúc âm sang tiếng Malagasy. Sau đó, ông khuyến khích vua của đảo Madagascar là Radama I mời các giáo sư từ Hội Truyền Giáo Luân Đôn đến Madagascar, hay còn gọi là Đảo Đỏ.

Vào ngày 18-8-1818, hai nhà truyền giáo xứ Wales là David Jones và Thomas Bevan từ đảo Mauritius đến thành phố cảng Toamasina. Họ nhận thấy người dân ở đây rất sùng đạo, và việc thờ phượng tổ tiên cũng như giữ theo lời truyền miệng là điều không thể thiếu trong đời sống. Tiếng Malagasy rất phong phú, bắt nguồn từ hệ ngôn ngữ Nam Đảo (Malayo-Polynesian).

Không lâu sau khi mở một trường nhỏ, ông Jones và ông Bevan mang vợ con từ đảo Mauritius đến Toamasina. Nhưng đáng buồn thay, cả nhóm đều mắc bệnh sốt rét, và ông Jones mất vợ và con vào tháng 12 năm 1818. Hai tháng sau, căn bệnh ấy cũng đã cướp đi mạng sống của cả gia đình ông Bevan. David Jones là người duy nhất trong nhóm sống sót.

Dù vậy, ông Jones không để nỗi bất hạnh này cản trở ông. Ông quyết tâm mang Lời Đức Chúa Trời đến với người dân Madagascar. Sau khi về đảo Mauritius để dưỡng sức, ông bắt đầu công việc khó khăn: học tiếng Malagasy. Không lâu sau, ông bắt đầu thảo bản dịch sách Phúc âm Giăng.

Vào tháng 10 năm 1820, ông Jones trở lại đảo Madagascar. Ông đến thủ đô Antananarivo và lập một trường học ở đó. Nhưng điều kiện rất thiếu thốn, không có sách giáo khoa, bảng hay bàn ghế. Tuy nhiên, chương trình giảng dạy rất hay và các em học sinh háo hức đi học.

Sau bảy tháng làm việc một mình, ông Jones có cộng sự mới thay thế ông Bevan. Đó là nhà truyền giáo David Griffiths. Hai người đã cống hiến hết mình để dịch Kinh Thánh sang tiếng Malagasy.

Công việc dịch thuật bắt đầu

Đầu thập niên 1820, dạng chữ viết duy nhất của tiếng Malagasy là chữ sorabe—tiếng Malagasy được viết bằng ký hiệu Ả Rập. Chỉ ít người có thể đọc được chữ này. Vì thế, những nhà truyền giáo xin vua Radama I cho phép họ dùng bảng chữ cái La Mã thế cho chữ sorabe, và nhà vua đã ưng thuận.

Công việc dịch thuật đã bắt đầu vào ngày 10-9-1823. Ông Jones dịch sách Sáng-thế Ký và Ma-thi-ơ, trong khi ông Griffiths dịch sách Xuất Ê-díp-tô Ký và Lu-ca. Cả hai đều có sức chịu đựng phi thường. Ngoài việc tự dịch các sách này, họ còn dạy học vào buổi sáng và chiều. Họ cũng chuẩn bị và điều khiển các hoạt động của nhà thờ trong ba ngôn ngữ. Tuy nhiên, việc dịch thuật đứng hàng ưu tiên.

Với sự giúp đỡ của 12 học viên, hai nhà truyền giáo đã dịch toàn bộ phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp và nhiều sách trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ chỉ trong 18 tháng. Khoảng một năm sau đó, bản thảo của toàn bộ Kinh Thánh được hoàn tất. Dĩ nhiên, bản thảo cần phải chỉnh sửa và trau chuốt lại. Vì thế, hai nhà ngôn ngữ học là David Johns và Joseph Freeman đã đến từ Anh Quốc để giúp trong công việc này.

Công việc bị trì hoãn

Khi bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Malagasy hoàn tất, Hội Truyền Giáo đã gửi ông Charles Hovenden đến lắp đặt chiếc máy in đầu tiên ở đấy, và ngày 21-11-1826 ông đặt chân lên đảo. Tuy nhiên, ông bị bệnh sốt rét và mất trong vòng một tháng. Không ai biết sử dụng chiếc máy in. Năm sau, một thương gia tài giỏi đến từ Scotland tên là James Cameron đã cố gắng lắp ráp chiếc máy in nhờ một sách hướng dẫn tìm thấy trong đống máy móc. Sau nhiều lần thất bại, ông Cameron đã xoay sở để in được một phần của sách Sáng-thế Ký chương 1 vào ngày 4-12-1827 *.

Một trở ngại khác xảy ra vào ngày 27-7-1828, sau khi vua Radama I băng hà. Lúc đương thời, vua Radama rất ủng hộ công việc dịch thuật. David Jones nói: “Vua Radama là vị vua vô cùng tử tế và ân cần. Ông đẩy mạnh chương trình giáo dục và xem trọng việc hướng dân chúng đến cái đẹp của nền văn minh, hơn là tìm vàng và bạc”. Người nối ngôi vua là hoàng hậu Ranavalona I. Không lâu sau, bà cho thấy bà không ủng hộ công việc dịch thuật như vua Radama.

Chẳng bao lâu sau khi bà lên ngôi, một vị khách đến từ nước Anh xin được tiếp kiến để bàn về công việc dịch thuật nhưng bị từ chối. Một dịp khác, các nhà truyền giáo trình với nữ hoàng rằng họ còn nhiều điều để dạy dân chúng, kể cả tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái. Bà đã đáp lời họ: “Ta không quan tâm đến tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái nhưng ta muốn biết các ngươi có thể dạy dân ta những điều có ích hơn, chẳng hạn như việc làm xà phòng không?”. Nhận thấy họ có thể bị đuổi khỏi xứ trước khi bản Kinh Thánh bằng tiếng Malagasy hoàn tất, ông Cameron xin được suy nghĩ về đề nghị của nữ hoàng trong một tuần.

Tuần sau, ông Cameron trình cho các sứ giả triều đình hai bánh xà phòng nhỏ được làm từ nguyên liệu địa phương. Việc này và những việc công ích khác do những thợ thủ công của các nhà truyền giáo thực hiện đã làm vui lòng nữ hoàng trong một thời gian, đủ cho họ hoàn tất việc in một vài sách của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ.

Vui mừng rồi thất vọng

Dù lúc đầu nữ hoàng từ chối dứt khoát lời đề nghị của các nhà truyền giáo, nhưng vào tháng 5 năm 1831, nữ hoàng đã ban một sắc lệnh đáng ngạc nhiên. Bà cho phép thần dân làm báp-têm trở thành tín đồ Đấng Christ! Nhưng sắc lệnh này không kéo dài được bao lâu. Theo cuốn sách về lịch sử của Madagascar (A History of Madagascar), “số người dân làm báp-têm đã khiến những vị quan bảo thủ trong triều lo ngại. Họ thuyết phục nữ hoàng rằng nhóm người theo đạo này đã thề trung thành với Anh Quốc”. Vì thế, sắc lệnh cho phép làm báp-têm đã bị bãi bỏ vào cuối năm 1831, chỉ sáu tháng sau khi được ban hành.

Sự do dự của nữ hoàng, cùng với tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của những vị quan theo chủ nghĩa truyền thống, khiến các nhà truyền giáo phải nỗ lực hoàn tất việc in Kinh Thánh. Phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp đã dịch xong, và hàng ngàn bản được lưu hành. Tuy nhiên, có một trở ngại khác vào ngày 1-3-1835 khi nữ hoàng Ranavalona I tuyên bố Ky-tô giáo không hợp pháp ở xứ này, và ra lệnh nộp lại cho chính quyền tất cả các sách của đạo.

Sắc lệnh của nữ hoàng cũng có nghĩa là những người học việc ở Madagascar không được làm việc trong dự án in Kinh Thánh. Vì thế, chỉ còn một ít nhà truyền giáo tiếp tục hoàn tất công việc này. Công việc được thực hiện cả ngày lẫn đêm và cuối cùng, đến tháng 6 năm 1835, toàn bộ Kinh Thánh được phát hành. Đúng vậy, bản Kinh Thánh bằng tiếng Malagasy đã ra đời!

Khi sắc lệnh bắt đầu được ban hành, Kinh Thánh nhanh chóng được phân phối, và người ta đã chôn 70 bản Kinh Thánh để bảo vệ chúng khỏi bị tiêu hủy. Đó là một quyết định sáng suốt và đúng lúc, vì chưa đầy một năm sau, tất cả các nhà truyền giáo bị trục xuất khỏi đảo trừ hai người. Tuy nhiên, Lời Đức Chúa Trời đã được truyền đến khắp nơi trên Đảo Đỏ.

Tình yêu của người Madagascar với Kinh Thánh

Thật là một niềm vui khi người dân Madagascar có thể đọc Lời Đức Chúa Trời bằng ngôn ngữ của họ! Bản dịch này có những chỗ không chính xác và ngôn ngữ được dùng giờ đây cũng lỗi thời. Tuy vậy, nhà nào trên đảo cũng có một quyển Kinh Thánh, và nhiều người Madagascar thường xuyên đọc Kinh Thánh. Điểm đáng chú ý về bản dịch này là danh Đức Chúa Trời là Giê-hô-va được sử dụng nhiều lần trong suốt phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Trong bản dịch gốc, danh thánh của Đức Chúa Trời cũng được dùng trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Như vậy, hầu hết người Madagascar đều quen thuộc với danh Đức Chúa Trời.

Thật thế, khi ấn bản đầu tiên của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp được in, người điều khiển máy in là ông Baker nhận thấy niềm vui của người Madagascar và thốt lên: “Tôi không muốn tiên tri, nhưng tôi tin rằng Lời Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ biến mất trên đất nước này!”. Ông đã nói đúng. Bệnh sốt rét, thử thách phải học một ngôn ngữ khó hoặc những sắc lệnh cấm đoán của nhà cai trị cũng không thể ngăn cản Lời Đức Chúa Trời đến với người dân đảo Madagascar.

Hiện nay tình thế thuận lợi hơn. Như thế nào? Vào năm 2008, trọn bộ Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới (New World Translation of the Holy Scriptures) bằng tiếng Malagasy đã được phát hành. Bản dịch này là một bước tiến quan trọng, vì được dịch bằng ngôn ngữ hiện đại và dễ hiểu. Vì vậy, Lời Đức Chúa Trời hiện nay được phổ biến rộng rãi trên Đảo Đỏ Madagascar.—Ê-sai 40:8.

[Chú thích]

^ đ. 14 Những phần đầu tiên của Kinh Thánh được in bằng tiếng Malagasy là Mười Điều Răn và Kinh Lạy Cha, đã được phát hành ở đảo Mauritius vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 năm 1826. Tuy nhiên, những tài liệu này chỉ được gửi đến cho gia đình vua Radama và một số viên chức chính phủ.

[Hình nơi trang 31]

Bản dịch Thế Giới Mới bằng tiếng Malagasy tôn vinh danh Đức Chúa Trời là Đức Giê-hô-va