Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bận rộn và vui mừng trong việc phụng sự

Bận rộn và vui mừng trong việc phụng sự

Bận rộn và vui mừng trong việc phụng sự

Đức Giê-hô-va muốn bạn có sự vui mừng (Thi 100:2). Là tôi tớ của Ngài, hẳn bạn rất bận rộn. Khác với lúc mới dâng mình cho Đức Giê-hô-va, có thể giờ đây trách nhiệm trong đời sống cùng công việc phụng sự khiến bạn cảm thấy bị áp lực. Thậm chí, bạn thấy có lỗi khi không thể hoàn thành mọi trách nhiệm. Làm sao bạn có thể giữ thăng bằng để duy trì “sự vui-vẻ của Đức Giê-hô-va”?—Nê 8:10.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn và chịu nhiều áp lực, vì thế chúng ta cần khéo sắp xếp. Về điều này, một số lời khuyên được soi dẫn của sứ đồ Phao-lô rất hợp lý: “Hãy giữ cho khéo về sự ăn-ở của anh em, chớ xử mình như người dại-dột, nhưng như người khôn-ngoan. Hãy lợi-dụng thì-giờ, vì những ngày là xấu”.—Ê-phê 5:15, 16.

Theo lời khuyên khôn ngoan đó, làm sao bạn có thể đặt những mục tiêu thực tế cũng như giữ thăng bằng trong việc học cá nhân, chăm sóc gia đình, thánh chức, công việc ngoài đời và các hoạt động cần thiết khác?

Bạn có nhớ mình từng vui vẻ thế nào khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp-têm không? Niềm vui đó đến từ sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va và ý định của Ngài. Có được điều ấy, hẳn bạn đã siêng năng tìm hiểu trong nhiều tháng. Nhưng đây chắc chắn là sự nỗ lực đáng công. Việc học hỏi Kinh Thánh giúp bạn có đời sống tốt hơn.

Để duy trì niềm vui, bạn cần tiếp tục thu thập sự hiểu biết về thiêng liêng. Nếu thấy khó dành thời gian cho việc đọc và học Kinh Thánh, bạn nên xem lại thời khóa biểu của mình. Dù chỉ dành vài phút mỗi ngày để học và suy ngẫm cũng giúp bạn đến gần Đức Giê-hô-va. Hơn nữa, điều đó chắc chắn sẽ góp phần tạo niềm vui.

Hầu hết tôi tớ của Đức Chúa Trời có thể cắt bớt những hoạt động kém quan trọng để dành thời gian cho những việc cần thiết. Hãy tự hỏi: “Tôi dành bao nhiêu thời gian cho việc đọc tạp chí và sách báo, xem truyền hình, nghe nhạc hoặc theo đuổi một sở thích nào đó?” Những hoạt động như thế có thể mang lại niềm vui chỉ khi có sự thăng bằng (1 Ti 4:8). Nếu nhận ra vấn đề là cách dùng thời giờ không hợp lý, bạn hãy cố gắng điều chỉnh thời khóa biểu.

Anh Adam với cương vị là chồng, cha của ba người con và cũng là trưởng lão cho biết: “Tôi cố gắng đơn giản hóa đời sống. Tôi tránh những thú vui chiếm nhiều thời gian và vật dụng cần nhiều công sức. Điều đó không có nghĩa là đời sống của tôi khắc khổ, mà đúng hơn tôi chỉ chọn những trò giải trí đơn giản”.

Nghĩ đến những kết quả tốt từ quyết định của mình sẽ giúp bạn tìm lại niềm vui và giữ cái nhìn tích cực. Chẳng hạn, anh Mariusz là một trưởng lão, có ba con, nói: “Khi bắt đầu học Kinh Thánh, tôi trở nên lạc quan. Thỉnh thoảng, tôi vẫn phải đối mặt với thử thách, nhiều khó khăn của tôi chỉ có Đức Giê-hô-va biết. Nhưng nhờ sự trợ giúp của Ngài, tôi nhìn về tương lai với niềm vui”.

Như kinh nghiệm của anh Mariusz cho thấy thái độ tích cực không xóa đi mọi nỗi lo lắng. Tuy nhiên, nó có thể giúp một người vui hơn, đối phó tốt hơn với những thử thách trong đời sống. Chúng ta biết: “Các ngày kẻ bị hoạn-nạn đều là gian-hiểm; song lòng vui-mừng dự yến-tiệc luôn luôn” (Châm 15:15). Ngoài ra, hãy nghĩ đến tình yêu thương Đức Chúa Trời đã dành cho bạn. Nghĩ đến những điều như thế sẽ giúp bạn gia tăng tình yêu thương đối với Ngài, và sự thỏa nguyện sâu xa trong việc phụng sự.—Mat 22:37.

Khi đặt quyền lợi của Đức Giê-hô-va lên hàng đầu, niềm vui trong gia đình gia tăng. Nếu mỗi thành viên thể hiện phẩm chất của người tín đồ, mối bất hòa sẽ giảm bớt, mọi người vui vẻ và gần gũi nhau hơn. Khi ấy, ngôi nhà của bạn sẽ là chốn bình yên với sự hợp nhất.—Thi 133:1.

Hơn nữa, khi gia đình cùng tham gia các hoạt động thiêng liêng sẽ giúp họ có niềm vui thật sự. Anh Mariusz nói: “Tôi quý trọng những lúc ở bên gia đình. Vợ tôi là người trợ giúp đắc lực. Bất cứ khi nào có thể, cô ấy cùng tôi tham gia thánh chức, dọn dẹp sân vận động cho kỳ hội nghị hoặc khi tôi có bài giảng ở hội thánh khác. Tôi thật sự được khích lệ”.

Kinh Thánh cho biết các tín đồ Đấng Christ phải chu cấp nhu cầu vật chất cho gia đình (1 Ti 5:8). Nhưng nếu đang làm công việc chiếm quá nhiều thời giờ và năng lực, bạn có thể mất đi niềm vui trong việc phụng sự. Hãy cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về vấn đề này (Thi 55:22). Một số người hiểu rằng việc đặt Nước Trời lên hàng đầu cũng đồng nghĩa họ phải tìm một công việc khác. Có những công việc đem đến lợi ích tài chính nhưng lại chiếm nhiều thời giờ và năng lực. Tín đồ Đấng Christ cần tránh để công việc như thế lấn át những hoạt động thiêng liêng.—Châm 22:3.

Một điều hữu ích là ghi ra những thuận lợi và bất lợi của công việc đang làm hoặc sẽ làm. Dĩ nhiên, ai trong chúng ta cũng mong muốn có một việc làm thú vị và mức lương cao. Nhưng công việc ấy có tạo điều kiện cho bạn chăm sóc gia đình về thiêng liêng không? Hãy khách quan xem xét mọi yếu tố, và quyết định sao cho mối quan hệ của bạn với Đức Giê-hô-va luôn được đặt hàng đầu.

Nếu công việc hiện tại cản trở bạn tiến bộ về thiêng liêng, bạn cần điều chỉnh lại. Nhiều tín đồ phải thay đổi lớn hầu có thời giờ cho những điều thiêng liêng. Một anh ở Ba Lan kể lại: “Tôi đã phải bỏ chỗ làm cũ vì công việc thường đòi hỏi tôi đi công tác. Lúc đó, tôi không có đủ thời gian chăm sóc cho bản thân và gia đình về mặt thiêng liêng”. Hiện nay, anh tìm được một công việc chiếm ít thời giờ và năng lực hơn.

Tìm niềm vui trong việc giúp người khác

Chúa Giê-su nói: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” (Công 20:35). Tín đồ Đấng Christ có nhiều cơ hội để ban cho. Đôi khi, chỉ cần một nụ cười thân thiện, cái bắt tay, hoặc lời cảm ơn chân thành anh chị nào đó đã nỗ lực trong trách nhiệm được giao, cũng mang lại niềm vui cho bạn và người khác.

Sứ đồ Phao-lô khuyến khích anh em đồng đạo: ‘Hãy yên-ủi những kẻ ngã lòng, nâng-đỡ những kẻ yếu-đuối’ (1 Tê 5:14). Đôi lúc, người nản lòng cảm thấy không thể đối phó với vấn đề bằng sức riêng. Vậy bạn có thể giúp họ không? Nếu thấy một anh hay chị đồng đạo mất đi niềm vui trong việc phụng sự, bạn hãy cố gắng khích lệ người ấy. Bạn cũng sẽ được khích lệ khi làm thế. Hãy nhớ có một số vấn đề con người không thể giải quyết được. Nhưng bạn vẫn có thể chân thành tỏ lòng thông cảm, và khích lệ để người ấy vững tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ nâng đỡ họ. Những người làm thế sẽ không bị thất vọng.—Thi 27:10; Ê-sai 59:1.

Một bước thực tiễn khác là mời người buồn nản cùng tham gia thánh chức với bạn. Thời xưa, Chúa Giê-su sai 70 môn đồ, ngài cũng sắp đặt cho họ đi “từng đôi” (Lu 10:1). Bạn có nghĩ phương pháp của Chúa Giê-su giúp các môn đồ khích lệ lẫn nhau không? Bạn có tận dụng sự sắp đặt đó hầu giúp anh em tìm lại niềm vui không?

Cuộc sống ngày nay có rất nhiều điều để lo lắng. Tuy nhiên, Phao-lô khuyên: “Hãy vui-mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui-mừng đi” (Phi-líp 4:4). Vì yêu mến Đức Chúa Trời, vâng lời và tiếp tục sốt sắng trong những việc Ngài giao, đời sống của bạn có mục đích. Nhờ đó bạn có niềm vui, có sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va để đối phó với vấn đề và áp lực.—Rô 2:6, 7.

Nhờ có đức tin, chúng ta nhận thức rằng thế giới mới mà Đức Giê-hô-va đã hứa sắp đến. Thật vậy, thế giới ấy sẽ mang lại vô vàn ân phước và niềm vui! (Thi 37:34). Nhưng ngay bây giờ, chúng ta có thể vui khi nghĩ đến biết bao ân phước mà Ngài ban. Nhờ thế, chúng ta “hầu-việc Đức Giê-hô-va cách vui-mừng”.—Thi 100:2.

[Biểu đồ nơi trang 8]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Có lẽ bạn phải điều chỉnh thời khóa biểu để duy trì niềm vui

THÚ TIÊU KHIỂN và TRÒ GIẢI TRÍ

CHĂM SÓC GIA ĐÌNH và NHÀ CỬA

CÔNG VIỆC

CÁC BUỔI NHÓM HỌP

HỌC HỎI CÁ NHÂN

THÁNH CHỨC

[Các hình nơi trang 10]

Bạn có thể giúp người khác tìm lại niềm vui không?