Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy có quan điểm đúng về rượu

Hãy có quan điểm đúng về rượu

Hãy có quan điểm đúng về rượu

Anh Thuận, người được đề cập ở bài đầu tiên, đã có thể hưởng một đời sống hoàn toàn khác, nếu anh chỉ việc thừa nhận vấn đề nghiện rượu của mình. Tuy nhiên, vì dường như uống nhiều rượu nhưng không có triệu chứng rõ ràng nên anh nghĩ mình kiểm soát được đời sống. Tại sao anh lại sai lầm như thế?

Vì uống rượu quá độ nên sự phán đoán của anh đã bị lệch lạc. Dù anh Thuận có nhận ra điều đó hay không, cơ quan chi phối cơ thể, trí óc và cảm xúc, tức bộ não của anh đã gặp vấn đề khi có quá nhiều chất cồn. Càng uống nhiều rượu, não bộ của anh càng ít có khả năng đánh giá chính xác mọi vấn đề.

Lý do thứ hai ảnh hưởng đến sự đánh giá sai lầm của anh Thuận là sự thèm muốn để tiếp tục uống rượu. Anh Danh, người được nói đến trong các bài trước, lúc đầu phủ nhận mình có vấn đề về rượu. Nhưng anh thừa nhận: “Tôi giấu giếm việc mình uống rượu, viện ra đủ lý do chỉ với một mục đích là tiếp tục uống”. Dù người khác có thể nhận thấy anh Thuận và anh Danh làm nô lệ cho rượu, nhưng các anh cứ cho rằng đó là điều bình thường. Cả hai cần phải hành động để tự chủ về việc uống rượu. Nhưng họ phải làm gì?

Hãy hành động!

Nhiều người đã không còn lạm dụng rượu nhờ làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su: “Nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân-thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân-thể bị ném vào địa-ngục”.—Ma-thi-ơ 5:29.

Dĩ nhiên, Chúa Giê-su không tán thành việc tự làm tổn thương thân thể. Thay vì thế, ngài dùng phép ẩn dụ để nhấn mạnh chúng ta nên sẵn sàng loại bỏ bất cứ điều gì ảnh hưởng đến đức tin của mình. Thật vậy, hành động đó có thể khiến chúng ta đau đớn, nhưng nó sẽ bảo vệ chúng ta khỏi lối suy nghĩ và hoàn cảnh đưa đến việc lạm dụng rượu. Do đó, nếu người khác tỏ ra quan tâm là bạn đang trở thành người uống rượu quá độ, hãy hành động để kiểm soát tật xấu này *. Nếu bạn không thể kiểm soát được tửu lượng thì hãy bỏ hẳn. Dù sẽ rất khó khăn, nhưng còn hơn là để đời mình bị hủy hoại.

Ngay cả nếu bạn không phải là người nghiện rượu, bạn có khuynh hướng uống quá nhiều không? Nếu có, những bước thực tiễn nào sẽ giúp bạn có quan điểm đúng về rượu?

Tìm sự giúp đỡ ở đâu?

1. Tin nơi sức mạnh của lời cầu nguyện chân thành và thường xuyên. Kinh Thánh đưa ra lời khuyên cho những ai muốn làm Giê-hô-va Đức Chúa Trời vui lòng: “Trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ” (Phi-líp 4:6, 7). Để có sự bình an này, bạn có thể cầu nguyện về điều gì?

Hãy thành thật nhìn nhận bạn đang gặp vấn đề về rượu và chính bạn phải chịu trách nhiệm về điều đó. Nếu trình lên cho Đức Chúa Trời biết bạn muốn làm gì để vượt qua thì Ngài sẽ ban phước để bạn tìm được sự yên ủi và tránh những vấn đề nghiêm trọng hơn. Kinh Thánh cho biết: “Người nào giấu tội-lỗi mình sẽ không được may-mắn; nhưng ai xưng nó ra và lìa-bỏ nó sẽ được thương-xót” (Châm-ngôn 28:13). Chúa Giê-su cũng nói chúng ta có thể cầu nguyện: “Xin chớ để chúng tôi bị cám-dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác!” (Ma-thi-ơ 6:13). Tuy nhiên, làm sao bạn có thể hành động phù hợp với lời cầu nguyện ấy? Bạn tìm câu trả lời cho lời cầu xin của mình ở đâu?

2. Nhận sức mạnh từ Lời Đức Chúa Trời. “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm... xem-xét tư-tưởng và ý-định trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4:12). Những người từng uống nhiều rượu trước đây đã được giúp đỡ nhờ mỗi ngày đọc và suy ngẫm về các câu Kinh Thánh. Người kính sợ Đức Chúa Trời góp phần viết sách Thi-thiên cho biết: “Phước cho người nào chẳng theo mưu-kế của kẻ dữ... song lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va, và suy-gẫm luật-pháp ấy ngày và đêm... Mọi sự người làm đều sẽ thạnh-vượng”.—Thi-thiên 1:1-3.

Nhờ học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, anh Danh có nghị lực để khắc phục việc lạm dụng rượu. Anh nói: “Tôi tin là nếu không có Kinh Thánh và các nguyên tắc trong đó giúp tôi ngưng uống rượu, thì tôi đã chết”.

3. Vun trồng tính tự chủ. Kinh Thánh tường thuật rằng trong hội thánh của các môn đồ Chúa Giê-su, có những người trước đây từng nghiện rượu nhưng đã được trong sạch “nhờ Thánh-Linh [tức là quyền năng] của Đức Chúa Trời chúng ta” (1 Cô-rinh-tô 6:9-11). Làm sao họ thay đổi được? Một điều là họ được giúp sức để từ bỏ cơn nghiện nhờ vun trồng tính tự chủ, một đức tính có được qua sự giúp đỡ của thánh linh. Kinh Thánh nói: ‘Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông-tuồng; nhưng phải đầy-dẫy thánh-linh’ (Ê-phê-sô 5:18; Ga-la-ti 5:21-23). Chúa Giê-su hứa là ‘Cha ở trên trời sẽ ban thánh-linh cho người xin Ngài’. Vì thế, “hãy xin, sẽ ban cho”.—Lu-ca 11:9, 13.

Những ai muốn sự thờ phượng của mình được Đức Giê-hô-va chấp nhận có thể vun trồng tính tự chủ qua việc đọc và học Kinh Thánh, thường xuyên cầu nguyện từ đáy lòng. Thay vì thất vọng, hãy tin vào lời hứa này trong Kinh Thánh: “Kẻ gieo cho Thánh-Linh, sẽ bởi Thánh-Linh mà gặt sự sống đời đời. Chớ mệt-nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ-nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt”.—Ga-la-ti 6:8, 9.

4. Chọn bạn bè tốt. “Gần đèn thì sáng, gần người khôn trở nên khôn, gần mực thì đen, gần người khờ phải mang họa” (Châm-ngôn 13:20, Bản Diễn Ý). Hãy cho bạn bè biết lòng quyết tâm của bạn trong việc uống rượu có chừng mực. Tuy nhiên, Lời Đức Chúa Trời cảnh báo khi từ bỏ việc “đắm rượu, tiệc-tùng liên-miên, chè chén li bì”, những người bạn trước kia sẽ “lấy làm lạ và nhạo-báng” (1 Phi-e-rơ 4:3, 4, Ghi-đê-ôn). Hãy sẵn sàng ngưng kết hợp với những người làm bạn giảm đi lòng cương quyết để tự chủ về rượu.

5. Đặt giới hạn nhất định. “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến-hóa bởi sự đổi mới của tâm-thần mình, để thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2). Nếu để nguyên tắc trong Lời Đức Chúa Trời giúp bạn đặt ra giới hạn riêng cho mình thay vì làm theo bạn bè hoặc “đời này”, bạn sẽ hưởng một lối sống được Đức Chúa Trời chấp nhận. Nhưng làm thế nào bạn có thể xác định một giới hạn an toàn cho mình?

Bất kỳ lượng rượu nào làm suy giảm khả năng phán đoán và lý luận của bạn thì có nghĩa là quá nhiều. Vì thế, khi quyết định uống rượu mà bạn không đặt trước giới hạn rõ rệt lúc nào nên ngưng uống để không bị say là điều thiếu khôn ngoan. Đừng để quan điểm cá nhân về vấn đề uống rượu khiến bạn mờ đi lý trí trong việc đánh giá bản thân. Hãy đặt giới hạn rõ ràng, trong một mức độ có chừng mực—giới hạn không làm bạn rơi vào tình trạng quá chén.

6. Hãy nói không. “Ngươi phải nói rằng: Phải, phải; không, không” (Ma-thi-ơ 5:37). Vậy, hãy học cách từ chối khéo lời nài ép của người chủ nhà có lòng tử tế nhưng kém thận trọng. “Lời nói anh em phải có ân-hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối-đáp mỗi người là thể nào”.—Cô-lô-se 4:6.

7. Tìm sự giúp đỡ của người khác. Hãy nhờ bạn bè giúp đỡ, những người có thể củng cố quyết tâm của bạn để tự chủ trong việc uống rượu và cho bạn lời khuyên dựa trên Kinh Thánh. “Hai người hơn một, vì họ sẽ được công-giá tốt về công-việc mình. Nếu người nầy sa-ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên” (Truyền-đạo 4:9, 10; Gia-cơ 5:14, 16). Viện Quốc gia Hoa Kỳ về Nạn lạm dụng và Nghiện rượu cũng khuyến cáo: “Đôi khi việc cắt giảm tửu lượng rất khó. Hãy nhờ gia đình và bạn bè giúp bạn đạt được mục tiêu ấy”.

8. Hãy quyết tâm. “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa-dối mình. Nhưng kẻ nào xét kĩ luật-pháp trọn-vẹn, là luật-pháp về sự tự-do, lại bền lòng suy-gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép-tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời”.—Gia-cơ 1:22, 25.

Thoát khỏi xiềng xích của rượu

Không phải bất cứ ai uống rượu quá độ đều trở thành người nghiện rượu. Tuy nhiên, một số người uống quá nhiều—hoặc quá thường xuyên—đến mức họ bị lệ thuộc vào rượu. Vì thói nghiện rượu làm cho cơ thể và tinh thần lệ thuộc vào một chất có tác động mạnh, nên để bỏ được thói xấu này, những người nghiện có thể cần được giúp đỡ nhiều hơn là chỉ có ý chí mạnh mẽ và sự hỗ trợ từ Kinh Thánh cũng như anh em đồng đạo. Anh Danh nhớ lại: “Trong khi cai rượu, sự đau đớn về thể xác quá sức chịu đựng của tôi. Đó cũng là lúc tôi nhận thức rằng mình không chỉ cần được giúp đỡ về tinh thần mà cũng cần chữa trị theo y khoa”.

Nhiều người nghiện cần chữa trị theo y khoa để củng cố quyết tâm bỏ và tránh lạm dụng rượu *. Một số người cần nhập viện để khắc phục triệu chứng nghiện rượu trầm trọng hoặc uống thuốc để bớt thèm chất cồn, và như thế giúp họ tiếp tục quá trình cai nghiện. Con Đức Chúa Trời, đấng làm nhiều phép lạ có nói: “Chẳng phải kẻ mạnh-khỏe cần thầy thuốc đâu, nhưng là kẻ có bịnh”.—Mác 2:17.

Lợi ích nhờ làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời

Lời khuyên thực tế của Kinh Thánh về rượu đến từ Đức Chúa Trời, Đấng muốn điều tốt nhất cho chúng ta. Ngài không chỉ muốn chúng ta được lợi ích ngay bây giờ mà còn mãi mãi về sau. Sau 24 năm bỏ rượu, anh Danh kể lại: “Thật tuyệt vời khi biết rằng tôi có thể thay đổi, đồng thời nhận ra rằng Đức Giê-hô-va muốn giúp tôi sửa đổi, và Ngài...”. Anh Danh khựng lại, nghẹn ngào nhớ về quá khứ. Anh nói tiếp: “Ừm... khi biết được Đức Giê-hô-va thông cảm, quan tâm và cung cấp sự giúp đỡ cần thiết—điều đó thật tuyệt vời!”.

Vì thế, nếu bạn đang lệ thuộc vào rượu, đừng vội bỏ cuộc và kết luận rằng mình không còn hy vọng gì nữa. Anh Danh cùng nhiều người khác cũng đã từng trải nghiệm điều đó, một số người đã giảm được tửu lượng, một số khác thậm chí bỏ hẳn. Họ không hề hối tiếc và bạn cũng thế.

Dù bạn quyết định uống rượu điều độ hay không uống, hãy để ý đến lời khuyên yêu thương này của Đức Chúa Trời: “Than ôi! ước gì ngươi đã để ý đến các điều-răn ta! thì sự bình-an ngươi như sông, và sự công-bình ngươi như sóng biển”.—Ê-sai 48:18.

[Chú thích]

^ đ. 24 Có nhiều trung tâm điều trị, bệnh viện và chương trình hồi phục có thể cung cấp sự giúp đỡ cần thiết. Tạp chí Tháp Canh không khuyến khích phương pháp chữa trị nào. Mỗi cá nhân nên xem xét cẩn thận những cách điều trị rồi tự quyết định, miễn là không trái với nguyên tắc Kinh Thánh.

[Khung/​Hình nơi trang 8]

 Rượu có đang kiểm soát bạn không?

Bạn có thể tự hỏi:

• Tôi có uống nhiều rượu hơn trước không?

• Tôi có uống thường xuyên hơn trước không?

• Nồng độ rượu mà tôi uống có mạnh hơn không?

• Tôi có dùng rượu để đương đầu với áp lực hay để né tránh vấn đề không?

• Người thân hoặc bạn bè có tỏ ra lo lắng về vấn đề uống rượu của tôi không?

• Việc uống rượu có gây vấn đề cho tôi tại nhà, nơi làm việc hoặc khi đi chơi không?

• Nếu cố kiêng uống rượu một tuần, tôi có thấy khó không?

• Khi người khác không uống rượu, tôi có cảm thấy khó chịu không?

• Tôi có giấu người khác lượng rượu tôi uống không?

Nếu trả lời “có” cho một hay nhiều câu hỏi nêu trên, bạn cần hành động để kiểm soát tửu lượng của mình.

[Khung/​Hình nơi trang 9]

Làm sao quyết định khôn ngoan?

Trước khi uống rượu, hãy xem xét:

Tôi nên uống hay kiêng rượu?

Đề nghị: Một người không thể kiểm soát được tửu lượng của mình thì không nên uống.

Tôi nên uống bao nhiêu?

Đề nghị: Hãy đặt giới hạn trước khi rượu làm lệch lạc sự phán đoán của bạn.

Tôi không nên uống rượu khi nào?

Đề nghị: Không uống trước khi lái xe, khi thực hiện những hoạt động đòi hỏi sự tỉnh táo, trước khi tham gia vào những hoạt động tôn giáo, lúc mang thai; không uống khi dùng một số loại thuốc nào đó.

Tôi nên uống rượu ở đâu?

Đề nghị: Ở một nơi đàng hoàng; không uống lén lút ở nơi khác hoặc trước mặt những người có ác cảm với rượu.

Tôi nên uống rượu với ai?

Đề nghị: Với bạn bè hoặc người thân (những người đàng hoàng); không uống với những người có vấn đề về rượu.

[Khung/​Hình nơi trang 10]

Lời Đức Chúa Trời đã giúp một người từng nghiện rượu

Anh Supot ở Thái Lan từng là một người nghiện rượu nặng. Lúc đầu, anh chỉ uống vào chiều tối, nhưng dần dần anh bắt đầu uống vào buổi sáng và sau đó là giờ trưa. Thường anh uống rượu chỉ để say. Nhưng khi bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, anh biết rằng Đức Chúa Trời không chấp nhận sự say sưa, vì thế anh Supot quyết định bỏ rượu. Tuy nhiên, sau một thời gian anh trở lại con đường cũ. Gia đình anh rất đau lòng về điều này.

Thế nhưng, anh Supot vẫn yêu mến Đức Giê-hô-va và muốn thờ phượng Ngài đúng cách. Bạn bè tiếp tục giúp Supot, họ khuyến khích gia đình anh dành nhiều thời gian hơn cho anh và đừng vội bỏ cuộc. Lúc đó, lời khuyên thẳng thắn nơi 1 Cô-rinh-tô 6:10 nói rằng “kẻ say-sưa... chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời” đã giúp Supot thấy tình cảnh của anh rất nghiêm trọng. Anh nhận thức rằng mình cần cố gắng hết sức để vượt qua tật nghiện rượu.

Lần này, anh Supot cương quyết bỏ hẳn rượu. Cuối cùng, nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời, sự hướng dẫn từ Lời Ngài và sự giúp đỡ của gia đình cùng với hội thánh, anh Supot có thêm nghị lực để vượt qua sự thèm rượu. Gia đình anh rất phấn khởi khi thấy anh dâng trọn đời mình cho Đức Chúa Trời qua việc làm báp-têm. Giờ đây, anh Supot có được điều mà anh luôn ước ao, đó là mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời. Anh còn dành thời gian để giúp người khác biết về Ngài.