Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ông ấy trung thành trước thử thách

Ông ấy trung thành trước thử thách

Hãy noi theo đức tin của họ

Ông ấy trung thành trước thử thách

Phi-e-rơ lo âu nhìn vào gương mặt những người lắng nghe Chúa Giê-su giảng dạy. Họ đang ở trong nhà hội của thành phố Ca-bê-na-um. Đó là quê hương của Phi-e-rơ. Ông đã sinh sống bằng nghề đánh cá ở nơi này, trên bờ Biển Ga-li-lê. Ông có nhiều thân nhân, bạn bè và đồng nghiệp ở đây. Chắc chắn Phi-e-rơ rất muốn những người đồng hương, cũng như ông, nhận biết Chúa Giê-su và háo hức học biết về Nước Trời từ người thầy vĩ đại nhất. Nhưng dường như điều đó không xảy ra.

Nhiều người không muốn nghe nữa. Một vài người phàn nàn, phản đối điều Chúa Giê-su nói. Tuy nhiên, vấn đề làm Phi-e-rơ lo lắng nhất là phản ứng của một số môn đồ Chúa Giê-su. Gương mặt họ không còn lộ vẻ hạnh phúc khi học được một điều quan trọng, phấn khích khi khám phá điều mới và vui mừng khi biết sự thật. Giờ đây, họ có vẻ khó chịu, thậm chí cay đắng. Một số người nói rằng lời dạy của Chúa Giê-su thật khó chấp nhận. Không muốn nghe nữa, họ rời khỏi nhà hội và từ bỏ Chúa Giê-su.

Đây là thời điểm khó khăn cho Phi-e-rơ và các sứ đồ khác. Phi-e-rơ đã không hiểu thấu đáo lời Chúa Giê-su nói hôm đó. Chắc hẳn ông biết nếu hiểu theo nghĩa đen, những lời này có thể gây xúc phạm. Vậy, Phi-e-rơ sẽ làm gì? Đó không phải là lần đầu và cũng không phải là lần cuối lòng trung thành của ông đối với Chủ mình, Chúa Giê-su, bị thử thách. Chúng ta hãy xem đức tin của Phi-e-rơ đã giúp ông như thế nào để đương đầu với những thử thách ấy và tiếp tục trung thành.

Vẫn trung thành khi người khác bất trung

Chúa Giê-su thường làm Phi-e-rơ ngạc nhiên. Nhiều lần, Chủ của ông nói và làm trái với sự mong đợi của người ta. Chỉ một ngày trước đấy, Chúa Giê-su đã dùng phép lạ để cung cấp thức ăn cho đám đông hàng ngàn người. Đáp lại, họ đã có ý ép ngài làm vua. Nhưng ngài khiến nhiều người ngạc nhiên bằng cách lánh đi và hối thúc các môn đồ lên thuyền, dong buồm hướng về Ca-bê-na-um. Trong đêm ấy, khi các môn đồ đang ở trên thuyền và gặp bão, một lần nữa Chúa Giê-su làm họ ngạc nhiên bằng cách đi bộ trên mặt Biển Ga-li-lê. Vào dịp này, ngài đã dạy Phi-e-rơ một bài học quan trọng về đức tin *.

Buổi sáng, các môn đồ thấy đám đông đã lên thuyền và đi theo họ. Tuy nhiên, dường như đám đông chỉ muốn nhận thêm thức ăn từ phép lạ của Chúa Giê-su, chứ không vì khao khát điều tâm linh. Chúa Giê-su đã quở trách họ về tinh thần theo vật chất. Sau đó, cuộc thảo luận tiếp tục ở nhà hội tại Ca-bê-na-um, và một lần nữa Chúa Giê-su làm trái với lòng mong đợi của người ta khi cố gắng dạy một sự thật quan trọng nhưng khó hiểu.

Chúa Giê-su không muốn những người này xem ngài là nguồn cung cấp thức ăn, nhưng muốn họ xem ngài là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Điều đó có nghĩa là qua sự sống và cái chết của ngài với tư cách một con người, nhiều người có cơ hội được sống đời đời. Vì vậy, Chúa Giê-su đã đưa ra một minh họa ví ngài như ma-na, tức bánh đến từ trời vào thời Môi-se. Khi một số người phản đối, ngài dùng một minh họa sống động khác, giải thích rằng ai muốn nhận sự sống thì phải ăn thịt và uống huyết ngài. Khi nghe điều đó, sự phản đối càng mãnh liệt. Một số người nói: “Lời nầy thật khó; ai nghe được?”. Từ lúc đó, nhiều môn đồ đã quyết định bỏ Chúa Giê-su. *Giăng 6:48-60, 66.

Ông Phi-e-rơ sẽ làm gì? Lời của Chúa Giê-su hẳn cũng khiến ông bối rối. Ông chưa hiểu việc Chúa Giê-su phải chết để thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng Phi-e-rơ có muốn lén bỏ Chúa Giê-su như những môn đồ có tính hay thay đổi đã làm vào ngày hôm đó không? Không. Có một điều quan trọng đã làm cho Phi-e-rơ khác biệt với những người ấy. Đó là gì?

Chúa Giê-su quay sang các sứ đồ và nói: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?” (Giăng 6:67). Ngài nói với 12 sứ đồ, nhưng Phi-e-rơ là người trả lời. Thường là như vậy. Có thể Phi-e-rơ là người cao tuổi nhất trong số họ. Dù trường hợp nào đi nữa, chắc chắn ông là người trực tính nhất trong nhóm. Dường như ít khi Phi-e-rơ ngần ngại nói lên cảm nghĩ của mình. Trong trường hợp này, ông đã phát biểu một câu rất hay và đáng nhớ: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời”.—Giăng 6:68.

Chẳng phải những lời ấy khiến bạn cảm động sao? Đức tin của Phi-e-rơ nơi Chúa Giê-su đã giúp ông vun trồng một đức tính xuất sắc: trung thành. Phi-e-rơ thấy rõ không có đấng cứu chuộc nào khác ngoại trừ Chúa Giê-su, và ngài giải cứu người ta qua các lời giảng dạy về Nước Đức Chúa Trời. Phi-e-rơ biết là dù có một số điều khiến ông bối rối, nhưng chỉ có một con đường để theo nếu muốn nhận ân huệ của Đức Chúa Trời và sự sống đời đời.

Bạn có cảm thấy như thế không? Đáng buồn thay, nhiều người trong thế gian ngày nay cho rằng họ yêu Chúa Giê-su nhưng không giữ lòng trung thành khi gặp thử thách. Lòng trung thành chân thật với Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta có cùng quan điểm với Phi-e-rơ về những dạy dỗ của ngài. Chúng ta cần học hỏi, hiểu rõ ý nghĩa và sống theo những dạy dỗ ấy, dù đôi khi chúng ta ngạc nhiên vì chúng trái với sự mong đợi hoặc sở thích cá nhân. Chỉ khi chứng tỏ lòng trung thành, chúng ta có hy vọng nhận được sự sống đời đời mà Chúa Giê-su muốn cho chúng ta.

Trung thành khi được sửa trị

Không lâu sau thời gian bận rộn ấy, Chúa Giê-su hướng dẫn các sứ đồ và một vài môn đồ làm chuyến hành trình xa về phía bắc. Từ Biển Ga-li-lê trong xanh, đôi khi người ta nhìn thấy được đỉnh núi Hẹt-môn phủ tuyết, ở cực bắc ranh giới Đất Hứa. Khi nhóm người dần dần đi lên vùng cao, đến các làng gần Sê-sa-rê Phi-líp, ngọn núi ấy càng có vẻ to hơn *. Tại quang cảnh xinh đẹp này, nơi đoàn người thấy được phần lớn Đất Hứa trải về phía nam, Chúa Giê-su hỏi những người theo ngài một câu quan trọng.

Chúa Giê-su muốn biết: “Trong dân-chúng, họ nói ta là ai?”. Chúng ta có thể hình dung khi Phi-e-rơ nhìn vào ánh mắt tinh anh của Chúa Giê-su, một lần nữa ông lại nhận ra tính tử tế và sự thông minh tột đỉnh của ngài. Chúa Giê-su muốn biết người ta nghĩ gì về những điều họ được nghe và thấy. Các môn đồ của Chúa Giê-su nhắc lại những nhận xét sai lầm và phổ biến về việc ngài là ai. Nhưng Chúa Giê-su muốn biết nhiều hơn. Liệu những người gần gũi ngài nhất có cùng nhận xét như thế hay không? Ngài hỏi: “Còn về phần các ngươi thì nói ta là ai?”.—Lu-ca 9:18-22.

Một lần nữa, ông Phi-e-rơ nhanh nhẩu trả lời. Ông nói lên cảm nghĩ của nhiều người có mặt ở đấy bằng những lời rõ ràng, chắc chắn: “Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống”. Chúng ta có thể hình dung nụ cười hài lòng của Chúa Giê-su khi ngài nồng nhiệt khen Phi-e-rơ. Chúa Giê-su nhắc Phi-e-rơ nhớ rằng chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời, chứ không phải một người nào đó, đã tiết lộ rõ ràng sự thật quan trọng này cho những ai có đức tin chân thành. Phi-e-rơ biết được một trong những sự thật quan trọng nhất mà Đức Giê-hô-va từng tiết lộ: Ai là Đấng Mê-si được hứa từ trước, hay Đấng Christ!—Ma-thi-ơ 16:16, 17.

Lời tiên tri thời xưa gọi Đấng Christ này là đá mà thợ xây nhà loại ra (Thi-thiên 118:22; Lu-ca 20:17). Nhớ đến những lời tiên tri ấy, Chúa Giê-su cho biết Đức Giê-hô-va sẽ thiết lập một hội thánh trên đá này, đá mà Phi-e-rơ vừa mới nhận ra *. Rồi ngài dành cho Phi-e-rơ một số đặc ân rất quan trọng trong hội thánh ấy. Ngài không đặt Phi-e-rơ đứng đầu các sứ đồ, như nhiều người lầm tưởng, nhưng ngài giao cho ông một số nhiệm vụ. Ngài giao cho Phi-e-rơ “chìa khóa nước thiên-đàng” (Ma-thi-ơ 16:19). Vai trò của Phi-e-rơ là mang lại hy vọng vào Nước Trời cho ba thành phần: trước hết là người Do Thái, tiếp đến là người Sa-ma-ri và cuối cùng là dân ngoại, tức những người không thuộc dân Do Thái.

Tuy nhiên, sau này Chúa Giê-su cho biết những ai được ban cho nhiều sẽ chịu trách nhiệm nhiều hơn, và điều này là đúng trong trường hợp của Phi-e-rơ (Lu-ca 12:48). Chúa Giê-su tiếp tục cho biết những sự thật quan trọng về Đấng Mê-si, kể cả việc ngài sắp chịu đau khổ và chết tại thành Giê-ru-sa-lem. Phi-e-rơ lo sợ khi nghe những điều ấy. Ông đem ngài riêng ra và can ngăn: “Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!”.—Ma-thi-ơ 16:21, 22.

Chắc chắn Phi-e-rơ có ý tốt, thế nên lời đáp của Chúa Giê-su hẳn là điều ngạc nhiên đối với ông. Chúa Giê-su quay lưng lại với Phi-e-rơ, nhìn vào các môn đồ, rất có thể những người ấy cùng cảm nghĩ như Phi-e-rơ, và ngài phán: “Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi làm gương xấu cho ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta” (Ma-thi-ơ 16:23; Mác 8:32, 33). Những lời của Chúa Giê-su cũng là lời khuyên thực tế với tất cả chúng ta. Thật dễ để đặt lối suy nghĩ của loài người lên trên lối suy nghĩ hợp với ý muốn Đức Chúa Trời. Nếu làm thế, dù có ý giúp đỡ, chúng ta có thể vô tình làm theo ý định của Sa-tan thay vì ý định của Đức Chúa Trời. Vậy, Phi-e-rơ đã phản ứng thế nào?

Hẳn Phi-e-rơ biết rằng Chúa Giê-su không gọi ông là Sa-tan Ma-quỉ theo nghĩa đen. Suy cho cùng, Chúa Giê-su không nói với Phi-e-rơ như ngài đã nói với Sa-tan. Với Sa-tan, Chúa Giê-su nói: “Xéo đi!”. Còn đối với Phi-e-rơ, ngài nói: “Hãy lui ra đằng sau ta” (Ma-thi-ơ 4:10, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Chúa Giê-su không bỏ Phi-e-rơ, sứ đồ mà ngài nhận thấy có nhiều điểm tốt. Ngài chỉ chỉnh lại lối suy nghĩ sai lầm của ông trong trường hợp này. Rõ ràng, Phi-e-rơ chẳng nên đứng trước Chủ mình như một chướng ngại. Ông nên là người đứng phía sau, hỗ trợ cho Chủ.

Phi-e-rơ có cãi lại, giận dữ hay hờn dỗi không? Không. Ông khiêm nhường chấp nhận sự sửa trị. Vậy, một lần nữa ông đã cho thấy sự trung thành. Thỉnh thoảng, tất cả những người theo Chúa Giê-su cần được sửa trị. Chỉ khi chúng ta khiêm nhường chấp nhận và rút kinh nghiệm từ việc đó, chúng ta mới có thể ngày càng đến gần Chúa Giê-su và Cha ngài, Đức Giê-hô-va.—Châm-ngôn 4:13.

Lòng trung thành được ban thưởng

Chẳng bao lâu sau, Chúa Giê-su nói một câu khác gây sửng sốt: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong các ngươi đứng đây, có một vài kẻ sẽ không chết trước khi thấy Con người ngự đến trong nước Ngài” (Ma-thi-ơ 16:28). Chắc hẳn, những lời này khiến Phi-e-rơ tò mò, không biết ý Chúa Giê-su là gì. Vì vừa bị sửa trị nghiêm khắc, có lẽ ông thắc mắc không biết mình sẽ nhận được những đặc ân như thế không.

Song, khoảng một tuần sau, Chúa Giê-su dẫn Gia-cơ, Giăng và Phi-e-rơ lên “núi cao”, có lẽ là núi Hẹt-môn, chỉ cách đấy vài kilômét. Dường như lúc đó là nửa đêm vì cả ba người rất buồn ngủ. Nhưng khi Chúa Giê-su cầu nguyện, một sự việc đã xảy ra khiến họ hoàn toàn tỉnh táo.—Ma-thi-ơ 17:1; Lu-ca 9:28, 29, 32.

Chúa Giê-su hóa hình trước mắt họ. Gương mặt ngài bắt đầu chiếu sáng, cho đến khi rực rỡ như mặt trời. Áo ngài trở nên sắc trắng chói lòa. Rồi có hình ảnh hai người đứng bên Chúa Giê-su, một tượng trưng cho Môi-se và người kia tượng trưng Ê-li. Hai người này nói chuyện với Chúa Giê-su “về việc Ngài ra đi là việc Ngài sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem”, dường như đó là sự chết và sự sống lại của ngài. Rõ ràng Phi-e-rơ đã sai khi phủ nhận lời Chúa Giê-su cho biết ngài sẽ phải trải qua kinh nghiệm đau đớn như thế!—Lu-ca 9:30, 31, Bản Dịch Mới.

Phi-e-rơ cảm thấy muốn được góp phần vào sự hiện thấy phi thường này. Dường như Môi-se và Ê-li sắp từ biệt Chúa Giê-su. Vì vậy, Phi-e-rơ lên tiếng: “Thưa thầy, chúng ta ở đây tốt lắm, hãy đóng ba trại, một cái cho thầy, một cái cho Môi-se, và một cái cho Ê-li”. Dĩ nhiên, hình ảnh tượng trưng cho hai tôi tớ đã qua đời từ lâu của Đức Giê-hô-va không cần lều. Thật ra, Phi-e-rơ không biết ông đã nói gì. Dù thế, chẳng phải bạn thích gần gũi Phi-e-rơ vì tính nhiệt tình và nồng ấm của ông hay sao?—Lu-ca 9:33.

Trong đêm đó, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đã nhận được một phần thưởng khác. Một đám mây xuất hiện trên núi và bao phủ họ. Từ trong đám mây có tiếng nói, tiếng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời! Ngài phán: “Nầy là Con ta, Người được lựa-chọn của ta, hãy nghe Người”. Rồi sự hiện thấy chấm dứt, và chỉ còn họ ở trên núi với Chúa Giê-su.—Lu-ca 9:34-36.

Sự hiện thấy đó hẳn là một sự ban cho quý báu với Phi-e-rơ, và với chúng ta nữa! Hàng chục năm sau, Phi-e-rơ viết về đặc ân ông có trong đêm đó: ‘Chính mắt tôi đã ngó thấy sự oai-nghiêm Chúa Giê-su’. Ông tận mắt thấy trước Chúa Giê-su là vua vinh quang ở trên trời. Sự hiện thấy đó xác nhận nhiều lời tiên tri trong Kinh Thánh và củng cố đức tin để Phi-e-rơ đương đầu với những thử thách sẽ phải trải qua (2 Phi-e-rơ 1:16-19). Sự hiện thấy đó cũng có thể củng cố đức tin của chúng ta, nếu giống như Phi-e-rơ, chúng ta giữ lòng trung thành với Chủ, đấng Đức Giê-hô-va bổ nhiệm. Chúng ta làm thế bằng cách chấp nhận sự dạy dỗ, sửa trị của ngài, và mỗi ngày khiêm nhường đi theo ngài.

[Chú thích]

^ đ. 9 Chúng ta thấy rõ tính hay thay đổi của đám đông nơi nhà hội khi so sánh phản ứng vào hôm đó với lời nói của họ chỉ một ngày trước, lúc họ phấn khởi cho rằng ngài là đấng tiên tri của Đức Chúa Trời.—Giăng 6:14.

^ đ. 15 Từ bờ Biển Ga-li-lê, dưới mực nước biển khoảng 210 mét, đoàn người đi quãng đường dài độ 50 kilômét, lên cao chừng 350 mét trên mực nước biển, băng qua những vùng có phong cảnh tuyệt đẹp.

^ đ. 18 Xin xem khung  “Ai là “đá nầy”?” nơi trang 28.

[Khung/​Hình nơi trang 28]

 Ai là “đá nầy”?

“Ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập Hội-thánh ta trên đá nầy” (Mat 16:18). Chúa Giê-su đã nói những lời ấy với sứ đồ Phi-e-rơ, và người ta thường hiểu rằng Phi-e-rơ sẽ là nền tảng của hội thánh đạo Đấng Christ. Giáo hội Công giáo dạy rằng Chúa Giê-su đã cho Phi-e-rơ quyền đứng đầu các sứ đồ khác, vì thế thật ra ông là giáo hoàng đầu tiên. Do đó, tại Giáo đường Thánh Phê-rô ở Rô-ma, những lời của Chúa Giê-su được khắc bằng tiếng La-tinh bên trong mái vòm, với những ký tự có kích thước lớn hơn một người.

Chúa Giê-su có ý nói Phi-e-rơ là đá mà trên đó ngài sẽ xây hội thánh của ngài không? Không. Hãy xem ba lý do chúng ta có thể chắc chắn về điều này. Thứ nhất, các sứ đồ khác có mặt lúc đó và họ không hiểu lời của Chúa Giê-su theo nghĩa ấy. Nếu Chúa Giê-su cho Phi-e-rơ quyền đứng đầu, vậy tại sao sau đó họ nhiều lần cãi nhau xem ai lớn nhất? (Mác 9:33-35; Lu-ca 22:24-26). Thứ hai, sau này sứ đồ Phao-lô cho biết “đá” không phải là Phi-e-rơ mà là Chúa Giê-su (1 Cô-rinh-tô 3:11; 10:4). Thứ ba, nhiều thập niên sau, chính Phi-e-rơ cho biết ông không nghĩ mình là “đá”. Thay vì thế, ông nói rằng Chúa Giê-su là “đá góc nhà” do chính Đức Chúa Trời chọn.—1 Phi-e-rơ 2:4-8.

Dù vậy, một số người khăng khăng cho rằng vì tên Phi-e-rơ có nghĩa là “đá”, nên Chúa Giê-su nhận diện ông là “đá nầy”. Tuy nhiên trong nguyên ngữ, tên Phi-e-rơ không đồng nghĩa với từ được dịch là “đá nầy” dùng trong cùng câu Kinh Thánh. Tên ông nghĩa là “hòn đá” và là danh từ giống đực, còn từ được dịch là “đá nầy” là danh từ giống cái. Vậy, lời của Chúa Giê-su nên được hiểu thế nào? Thật ra, ngài có ý nói: “Ngươi, người mà ta gọi là Phi-e-rơ, nghĩa là hòn đá, đã nhận diện đúng “đá nầy”, Đấng Christ, đấng sẽ là nền tảng cho hội thánh”. Ông Phi-e-rơ quả có đặc ân góp phần tiết lộ sự thật quan trọng này!

[Hình nơi trang 24, 25]

Phi-e-rơ vẫn trung thành ngay cả khi bị sửa trị

[Hình nơi trang 26]

Lòng trung thành của Phi-e-rơ đã được ban thưởng khi ông chứng kiến sự hiện thấy phi thường