Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao dâng mình cho Đức Giê-hô-va?

Tại sao dâng mình cho Đức Giê-hô-va?

Tại sao dâng mình cho Đức Giê-hô-va?

“Vì đêm nay, một thiên-sứ của Đức Chúa Trời, là Đấng ta thuộc về... có hiện đến cùng ta”.—CÔNG 27:23.

1. Các ứng viên báp-têm đã làm những bước nào, và những câu hỏi nào được nêu lên?

“Dựa trên đức tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su, anh chị có ăn năn tội lỗi và dâng mình cho Đức Giê-hô-va để làm theo ý muốn của Ngài không?”. Đây là một trong hai câu hỏi mà các ứng viên báp-têm phải trả lời vào cuối bài giảng báp-têm. Tại sao tín đồ Đấng Christ phải dâng mình cho Đức Giê-hô-va? Việc dâng mình mang lại lợi ích thế nào cho chúng ta? Nếu một người không dâng mình cho Đức Chúa Trời, tại sao sự thờ phượng của người ấy không được Ngài chấp nhận? Để biết câu trả lời, trước tiên chúng ta cần xem dâng mình có nghĩa gì.

2. Dâng mình cho Đức Giê-hô-va có nghĩa gì?

2 Dâng mình cho Đức Chúa Trời có nghĩa gì? Hãy lưu ý cách sứ đồ Phao-lô miêu tả mối quan hệ của ông với Đức Chúa Trời. Trước mặt nhiều người trên chiếc tàu gặp nạn, ông gọi Đức Giê-hô-va là “Đấng ta thuộc về”. (Đọc Công-vụ 27:22-24). Tất cả tín đồ Đấng Christ chân chính đều thuộc về Đức Giê-hô-va. Ngược lại, thế gian nói chung “đều phục dưới quyền ma-quỉ” (1 Giăng 5:19). Tín đồ Đấng Christ thuộc về Đức Giê-hô-va khi họ dâng mình qua lời cầu nguyện theo cách mà Ngài chấp nhận. Đó là lời hứa nguyện cá nhân. Sau đó, họ làm báp-têm trong nước.

3. Phép báp-têm của Chúa Giê-su tượng trưng điều gì, và các môn đồ có thể noi gương ngài như thế nào?

3 Chúa Giê-su nêu gương cho chúng ta khi ngài quyết định làm theo ý muốn Cha ngài. Vì được sinh ra trong dân Y-sơ-ra-ên thuộc về Đức Chúa Trời, hiển nhiên Chúa Giê-su là người đã dâng mình. Do đó, lý do Chúa Giê-su làm báp-têm không phải là để dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Kinh Thánh cho thấy Chúa Giê-su đã nói: “Hỡi Đức Chúa Trời, nầy tôi đến... để làm theo ý-muốn Chúa” (Hê 10:7; Lu 3:21). Vì thế, phép báp-têm của Chúa Giê-su tượng trưng cho việc ngài trình diện để làm theo ý muốn của Cha ngài. Các môn đồ noi gương Chúa Giê-su khi họ trình diện để làm báp-têm. Tuy nhiên, phép báp-têm trong trường hợp của họ là công khai cho thấy họ đã dâng mình cho Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện.

Chúng ta nhận lợi ích thế nào từ việc dâng mình?

4. Tình bạn giữa Đa-vít và Giô-na-than cho chúng ta biết gì về sự cam kết?

4 Việc dâng mình của tín đồ Đấng Christ là một vấn đề hệ trọng. Nó không chỉ là giao kèo bình thường nhưng là một cam kết nghiêm túc. Vậy, dâng mình mang lại lợi ích thế nào cho chúng ta? Chúng ta hãy so sánh với lợi ích của việc cam kết trong mối quan hệ giữa con người. Một ví dụ là tình bạn. Để vui hưởng mối quan hệ này, bạn phải chấp nhận trách nhiệm của một người bạn. Điều này giống như một cam kết, nghĩa là bạn cảm thấy có trách nhiệm quan tâm đến bạn của mình. Một trong những tình bạn nổi bật nhất được ghi lại trong Kinh Thánh là tình bạn giữa Đa-vít và Giô-na-than. Thậm chí họ đã lập giao ước tình bạn. (Đọc 1 Sa-mu-ên 17:57; 18:1, 3). Dù hiếm khi sâu đậm đến thế, nhưng phần lớn tình bạn sẽ phát triển nếu mỗi người có trách nhiệm với nhau.—Châm 17:17; 18:24.

5. Làm thế nào một tôi tớ có thể thuộc về người chủ tốt để được lợi ích trọn đời?

5 Luật Pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên nói đến một mối quan hệ khác mà dân sự nhận được lợi ích qua việc cam kết. Nếu một tôi tớ muốn mãi mãi thuộc về người chủ tốt để được an toàn, người tôi tớ ấy có thể lập cam kết trọn đời với chủ. Luật Pháp ghi: “Nếu kẻ tôi-mọi nói rằng: Tôi thương chủ, vợ và con tôi, không muốn ra được tự-do, thì người chủ sẽ dẫn nó đến trước mặt Đức Chúa Trời, biểu lại gần cửa hay là cột, rồi lấy mũi dùi xỏ tai; nó sẽ hầu việc người chủ đó trọn đời”.—Xuất 21:5, 6.

6, 7. (a) Sự cam kết mang lại những lợi ích nào cho con người? (b) Điều này cho thấy gì về mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Giê-hô-va?

6 Hôn nhân là mối quan hệ đòi hỏi phải có sự cam kết ở mức độ cao. Đó là sự cam kết với con người chứ không phải với một hợp đồng. Hai người sống chung mà không có hôn thú thì không bao giờ cảm thấy an toàn thật sự, con cái của họ cũng thế. Nhưng đối với hai người cam kết với nhau trong một hôn nhân đáng kính trọng, khi vấn đề nảy sinh, họ có lý do chính đáng dựa trên Kinh Thánh để tìm cách giải quyết khó khăn bằng tình yêu thương.—Mat 19:5, 6; 1 Cô 13:7, 8; Hê 13:4.

7 Vào thời Kinh Thánh, người ta được lợi ích khi làm hợp đồng kinh doanh và thuê người (Mat 20:1, 2, 8). Ngày nay cũng vậy. Chẳng hạn, chúng ta được lợi ích khi làm hợp đồng thành văn trước khi bắt đầu kinh doanh hay làm việc cho một công ty. Vì vậy, nếu sự cam kết làm vững mạnh các mối quan hệ như tình bạn, hôn nhân và công việc làm ăn, thì sự dâng mình vô điều kiện cho Đức Giê-hô-va mang lại lợi ích nhiều hơn biết bao cho mối quan hệ giữa bạn với Ngài! Giờ đây, chúng ta hãy xem xét: Dâng mình cho Đức Giê-hô-va đem lại lợi ích thế nào cho người ta vào thời xưa? Và làm thế nào việc dâng mình ấy bao hàm nhiều hơn một sự cam kết?

Dân Y-sơ-ra-ên nhận lợi ích thế nào từ việc dâng mình?

8. Dâng mình cho Đức Chúa Trời có nghĩa gì với dân Y-sơ-ra-ên?

8 Dân Y-sơ-ra-ên nói chung đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va khi họ thề ước với Ngài. Đức Giê-hô-va đã nhóm họ gần núi Si-na-i và phán: “Nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao-ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta [“là cơ nghiệp quý giá của Ta”, Bản Dịch Mới]”. Dân sự đã đồng thanh đáp lại: “Chúng tôi xin làm mọi việc Đức Giê-hô-va đã phán dặn” (Xuất 19:4-8). Đối với dân Y-sơ-ra-ên, việc dâng mình có ý nghĩa nhiều hơn là cam kết làm một việc gì đó. Điều đó có nghĩa là họ thuộc về Đức Giê-hô-va, và Ngài đối đãi với họ như “cơ nghiệp quý giá” của Ngài.

9. Dân Y-sơ-ra-ên được lợi ích nào khi dâng mình cho Đức Chúa Trời?

9 Dân Y-sơ-ra-ên nhận được lợi ích vì là dân tộc thuộc về Đức Giê-hô-va. Ngài là Đấng thành tín và chăm sóc họ như cha mẹ yêu thương chăm sóc con cái. Ngài phán với dân Y-sơ-ra-ên: “Đàn-bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn-bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi” (Ê-sai 49:15). Đức Giê-hô-va hướng dẫn họ qua Luật Pháp, khích lệ họ qua các nhà tiên tri và bảo vệ họ qua các thiên sứ. Người viết Thi-thiên ghi lại: “Ngài truyền lời mình cho Gia-cốp, luật-lệ và mạng-lịnh mình cho Y-sơ-ra-ên. Ngài chẳng hề làm như vậy cho dân nào khác” (Thi 147:19, 20; đọc Thi-thiên 34:7, 19; 48:14). Như thời xưa Đức Giê-hô-va đã chăm sóc dân tộc thuộc về Ngài, ngày nay Ngài cũng sẽ chăm sóc những người dâng mình cho Ngài.

Tại sao nên dâng mình cho Đức Chúa Trời?

10, 11. Chúng ta có được sinh ra trong gia đình hoàn vũ của Đức Chúa Trời không? Xin giải thích.

10 Trước khi quyết định dâng mình và làm báp-têm, một số người có thể tự hỏi: “Tại sao tôi phải dâng mình cho Đức Chúa Trời mới có thể thờ phượng Ngài?”. Chúng ta sẽ hiểu rõ lý do khi xem xét vị thế của mình trước mặt Đức Chúa Trời. Hãy nhớ rằng vì tội lỗi của A-đam, tất cả chúng ta khi sinh ra đều không thuộc về gia đình Đức Chúa Trời (Rô 3:23; 5:12). Dâng mình cho Đức Chúa Trời là đòi hỏi thiết yếu để được chấp nhận vào gia đình hoàn vũ của Ngài. Hãy xem tại sao.

11 Không người cha nào có thể cho con cái sự sống hoàn toàn, như ý định của Đức Chúa Trời (1 Ti 6:19). Khi sinh ra, chúng ta không là con cái Đức Chúa Trời vì cặp vợ chồng đầu tiên đã phạm tội, khiến loài người bị chia cách khỏi Đấng Tạo Hóa, là Cha yêu thương. (So sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:5). Từ đó trở đi, cả nhân loại không thuộc về gia đình hoàn vũ của Đức Giê-hô-va và xa cách Ngài.

12. (a) Làm thế nào người bất toàn có thể thuộc về gia đình của Đức Chúa Trời? (b) Chúng ta cần thực hiện những bước nào trước khi làm báp-têm?

12 Tuy nhiên, mỗi cá nhân chúng ta có thể cầu xin Đức Chúa Trời nhận mình vào gia đình của Ngài *. Nhưng chúng ta là những người có tội, làm sao điều này có thể được? Sứ đồ Phao-lô viết: ‘Khi còn là thù-nghịch cùng Đức Chúa Trời, chúng ta đã được hòa-thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài’ (Rô 5:10). Vào lúc làm báp-têm, chúng ta cầu xin Đức Chúa Trời ban cho một lương tâm tốt để được Ngài chấp nhận (1 Phi 3:21). Tuy nhiên, trước khi báp-têm, chúng ta phải thực hiện một số bước. Đó là học biết về Đức Chúa Trời, tập tin cậy nơi Ngài, ăn năn và thay đổi lối sống (Giăng 17:3; Công 3:19; Hê 11:6). Và cũng có một điều khác chúng ta cần làm trước khi được chấp nhận vào gia đình Đức Chúa Trời. Điều đó là gì?

13. Để thuộc về gia đình gồm những tôi tớ được Đức Chúa Trời chấp nhận, một người cần hứa nguyện dâng mình cho Ngài. Tại sao đó là điều hợp lý?

13 Trước khi một người xa cách Đức Chúa Trời có thể thuộc về gia đình Ngài, việc đầu tiên người đó cần làm là hứa nguyện trang trọng với Đức Giê-hô-va. Để hiểu lý do, chúng ta hãy hình dung một người cha đáng kính quan tâm đến một em nhỏ mồ côi và muốn nhận em ấy vào gia đình của ông. Người cha ấy là một người tốt. Tuy nhiên, trước khi nhận em làm con, ông muốn em hứa một điều. Ông nói: “Trước khi nhận cháu làm con, tôi muốn biết cháu sẽ yêu thương và kính trọng tôi như cha của cháu không?”. Chỉ khi em ấy sẵn sàng hứa nguyện, ông mới nhận em vào gia đình. Đó là điều hợp lý, phải không? Tương tự thế, Đức Giê-hô-va chỉ chấp nhận vào gia đình của Ngài những ai sẵn sàng thề nguyện dâng mình. Kinh Thánh nói chúng ta hãy “dâng thân-thể mình làm của-lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời”.—Rô 12:1.

Dâng mình thể hiện tình yêu thương và đức tin

14. Tại sao dâng mình là biểu hiện của tình yêu thương?

14 Hứa nguyện dâng mình cho Đức Giê-hô-va là cách để biểu hiện lòng yêu thương chân thành với Ngài. Trong một số khía cạnh nào đó, lời hứa nguyện này tương tự lời hứa nguyện khi kết hôn. Chú rể là tín đồ Đấng Christ biểu hiện tình yêu thương bằng cách hứa nguyện sẽ chung thủy với cô dâu, dù có chuyện gì xảy ra. Đó là lời hứa trang trọng với một người, chứ không phải là lời hứa sẽ thực hiện một điều gì đó. Chú rể ấy hiểu rằng nếu không nói lời hứa nguyện này, anh sẽ không thể chung sống với cô dâu. Tương tự thế, nếu không hứa nguyện dâng mình, chúng ta không thể nhận được lợi ích trọn vẹn của một thành viên trong gia đình Đức Giê-hô-va. Chúng ta dâng mình cho Ngài vì dù bất toàn, chúng ta mong muốn thuộc về Ngài và quyết tâm trung thành với Ngài, bất kể chuyện gì xảy ra.—Mat 22:37.

15. Tại sao dâng mình là hành động thể hiện đức tin?

15 Dâng mình cho Đức Chúa Trời là hành động thể hiện đức tin. Tại sao thế? Đức tin nơi Đức Giê-hô-va giúp chúng ta tin chắc rằng đến gần Ngài là điều tốt cho mình (Thi 73:28). Chúng ta biết khi sống giữa “dòng-dõi hung-ác ngang-nghịch”, bước đi với Đức Chúa Trời không luôn là điều dễ dàng (Phi-líp 2:15). Tuy nhiên, chúng ta tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời là Ngài sẽ hỗ trợ chúng ta (Phi-líp 4:13). Chúng ta biết mình là người bất toàn nhưng tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ tỏ lòng thương xót, ngay cả khi mình phạm tội. (Đọc Thi-thiên 103:13, 14; Rô-ma 7:21-25). Chúng ta cũng tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban thưởng nếu chúng ta kiên quyết giữ lòng trung kiên.—Gióp 27:5.

Dâng mình mang lại hạnh phúc

16, 17. Tại sao dâng mình cho Đức Giê-hô-va mang lại hạnh phúc?

16 Dâng mình cho Đức Giê-hô-va mang lại hạnh phúc vì điều đó bao hàm việc quên mình để giúp người khác. Chúa Giê-su nói đến một lẽ thật cơ bản: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” (Công 20:35). Chúa Giê-su cảm nghiệm trọn vẹn niềm hạnh phúc của việc ban cho trong thời gian làm thánh chức trên đất. Khi cần, ngài đã quên ăn quên nghỉ ngơi và hy sinh những điều tiện nghi để giúp người khác tìm được con đường sự sống (Giăng 4:34). Chúa Giê-su vui mừng khi làm đẹp lòng Cha trên trời. Chúa Giê-su nói: “Ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài”.—Giăng 8:29; Châm 27:11.

17 Do đó, Chúa Giê-su cho các môn đồ biết làm sao để có đời sống thỏa nguyện khi nói: “Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình [“từ bỏ chính mình”, BDM]” (Mat 16:24). Làm thế, chúng ta sẽ đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Không ai có thể chăm sóc chúng ta một cách yêu thương như Ngài, phải không?

18. Tại sao sống đúng với việc dâng mình cho Đức Giê-hô-va mang lại nhiều hạnh phúc hơn là dâng mình cho bất cứ công việc hoặc người nào khác?

18 Dâng mình cho Đức Giê-hô-va và rồi sống đúng với cam kết đó bằng cách làm theo ý muốn Ngài sẽ mang lại nhiều hạnh phúc. Nếu dâng mình cho bất cứ công việc hoặc người nào khác, chúng ta sẽ không cảm nhận được hạnh phúc như thế. Chẳng hạn, nhiều người cống hiến đời mình để theo đuổi sự giàu có đã không tìm được hạnh phúc và thỏa nguyện thật sự. Tuy nhiên, những ai dâng mình cho Đức Giê-hô-va có hạnh phúc lâu dài (Mat 6:24). Vinh dự được là “bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời” khiến họ hạnh phúc, thế nhưng họ không dâng mình cho một công việc mà là cho Đức Chúa Trời (1 Cô 3:9). Không ai cảm kích sự hy sinh của những người này như Đức Chúa Trời. Thậm chí Ngài sẽ làm cho những người trung thành trở lại tuổi thanh xuân hầu họ có thể hưởng lợi ích mãi mãi từ sự chăm sóc của Ngài.—Gióp 33:25; đọc Hê-bơ-rơ 6:10.

19. Những người dâng mình cho Đức Giê-hô-va có đặc ân nào?

19 Dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va sẽ giúp bạn có mối quan hệ mật thiết với Ngài. Kinh Thánh nói: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em” (Gia 4:8; Thi 25:14). Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét tại sao chúng ta có thể tin chắc nơi quyết định dâng mình cho Đức Giê-hô-va.

[Chú thích]

^ đ. 12 “Chiên khác” của Chúa Giê-su chỉ trở thành con cái Đức Chúa Trời vào cuối một ngàn năm. Tuy nhiên, vì đã dâng mình cho Đức Chúa Trời, họ có thể gọi Ngài là “Cha” và chính đáng được xem là thành viên của gia đình gồm những người thờ phượng Đức Giê-hô-va.—Giăng 10:16; Ê-sai 64:8; Mat 6:9; Khải 20:5.

Bạn trả lời thế nào?

• Dâng mình cho Đức Chúa Trời có nghĩa gì?

• Dâng mình cho Đức Chúa Trời mang lại lợi ích nào?

• Tại sao tín đồ Đấng Christ phải dâng mình cho Đức Giê-hô-va?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 6]

Sống đúng với sự dâng mình mang lại hạnh phúc lâu dài