Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có thể nào Đức Chúa Trời cảm thấy hối tiếc?

Có thể nào Đức Chúa Trời cảm thấy hối tiếc?

Hãy đến gần Đức Chúa Trời

Có thể nào Đức Chúa Trời cảm thấy hối tiếc?

CÁC QUAN XÉT 2:11-18

Là người bất toàn, tất cả chúng ta đôi khi cảm thấy hối tiếc. Chẳng hạn, chúng ta có thể ân hận sau khi biết mình phạm lỗi. Đáng ngạc nhiên thay, Kinh Thánh nói rằng Đức Giê-hô-va có thể cảm thấy hối tiếc. Nhưng bạn nghĩ: “Đức Chúa Trời là hoàn hảo. Ngài không phạm lỗi!”. Vậy, Đức Chúa Trời hối tiếc theo nghĩa nào? Câu trả lời có thể giúp chúng ta hiểu một điều rất ấn tượng: Đức Giê-hô-va có cảm xúc, và hành động của chúng ta ảnh hưởng đến cảm xúc của Ngài. Hãy xem lời tường thuật nơi Các Quan Xét 2:11-18.

Sách Các Quan Xét trong Kinh Thánh ghi lại giai đoạn xáo động trong lịch sử dân Y-sơ-ra-ên. Bấy giờ dân ấy đã định cư ở xứ Ca-na-an, vùng đất mà Đức Chúa Trời hứa ban cho Áp-ra-ham. Trong vài thế kỷ sau, lịch sử dân Y-sơ-ra-ên có thể tóm tắt bằng một chu trình lặp đi lặp lại gồm bốn giai đoạn: từ bỏ Đức Chúa Trời, bị áp bức, nài xin và được giải thoát. *

Từ bỏ Đức Chúa Trời. Chịu ảnh hưởng của dân Ca-na-an, dân Y-sơ-ra-ên “bỏ Giê-hô-va Đức Chúa Trời” và bắt đầu đi theo các thần khác, đặc biệt họ “hầu việc Ba-anh và Át-tạt-tê” *. Việc từ bỏ Đức Chúa Trời như thế có nghĩa là họ bội đạo. Không ngạc nhiên gì khi nói rằng dân Y-sơ-ra-ên “chọc giận Đức Giê-hô-va”, Đấng đã giải cứu họ khỏi xứ Ai Cập!—Câu 11-13; Các Quan Xét 2:1.

Bị áp bức. Đức Giê-hô-va nổi cơn thịnh nộ chính đáng và không còn che chở cho dân tộc đã quay lưng lại với Ngài. Sau đó, dân Y-sơ-ra-ên đã rơi vào tay “các kẻ thù-nghịch”, là những kẻ xâm chiếm xứ và cướp bóc dân sự.—Câu 14.

Nài xin. Khi thống khổ, dân Y-sơ-ra-ên hối hận về đường lối sai trái của mình và kêu cầu Đức Chúa Trời giúp. Qua cụm từ “những tiếng rên-siết mà họ thở ra trước mặt những kẻ hà-hiếp”, chúng ta có thể thấy sự nài xin của họ (câu 18). Nài xin Đức Chúa Trời là một phần của chu trình nói trên (Các Quan Xét 3:9, 15; 4:3; 6:6, 7; 10:10). Đức Chúa Trời phản ứng thế nào?

Giải cứu. Đức Giê-hô-va nghe tiếng rên siết của dân Y-sơ-ra-ên và “lấy lòng thương-xót” họ. Từ “thương-xót” ở đây cũng được dịch là “hối-hận” (so sánh 1 Sa-mu-ên 15:11; 24:16). Trong tiếng nguyên thủy từ này có thể mang ý nghĩa là “đổi ý”. Một sách tham khảo ghi: “Đức Giê-hô-va động lòng vì tiếng rên siết của họ nên đã thay đổi ý định, từ việc trừng phạt sang giải cứu”. Với lòng thương xót, Đức Giê-hô-va “dấy lên các quan xét”, là những người giải cứu dân sự khỏi kẻ thù.—Câu 18.

Bạn có lưu ý điều gì đã làm cho Đức Chúa Trời hối tiếc hoặc đổi ý không? Đó là vì dân Ngài đã thay đổi thái độ. Hãy suy nghĩ: Một người cha yêu thương có thể phạt đứa con phạm lỗi, có lẽ không cho con hưởng một quyền lợi nào đó. Nhưng khi thấy con thật sự hối lỗi, người cha quyết định ngưng hình phạt.

Qua lời tường thuật này, chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va? Dù việc cố ý phạm tội làm Ngài nổi giận, nhưng thành thật ăn năn khiến Ngài tỏ lòng thương xót. Những gì chúng ta làm có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của Đức Chúa Trời nên đó là điều đáng suy nghĩ nghiêm túc. Tại sao bạn không học cách để có thể “làm vui lòng” Đức Giê-hô-va? (Châm-ngôn 27:11). Bạn sẽ không bao giờ hối tiếc về điều này.

[Chú thích]

^ đ. 2 Các Quan Xét 2:11-18 là phần giới thiệu tóm tắt và cho chúng ta cái nhìn tổng quát về đường lối hành động của dân Y-sơ-ra-ên—được tường thuật chi tiết trong những chương tiếp theo của sách này.

^ đ. 3 Ba-anh là thần quan trọng nhất của dân Ca-na-an, và Át-tạt-tê là nữ thần được xem là vợ của Ba-anh.