Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúng ta có nên lương thiện mọi lúc không?

Chúng ta có nên lương thiện mọi lúc không?

Chúng ta có nên lương thiện mọi lúc không?

Bất cứ ai cũng có lúc lương thiện, số đông thì nhiều lúc lương thiện. Nhưng có bao nhiêu người cố gắng lương thiện mọi lúc?

Trong xã hội ngày nay, hành vi không trung thực rất phổ biến, dưới vô số hình thức. Tuy nhiên, quan điểm của Đức Chúa Trời về tính lương thiện rất rõ ràng. Kinh Thánh nói: “Ngươi chớ trộm-cướp” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:15). Thế nhưng, không ít người cảm thấy rằng có một số hoàn cảnh mà việc trộm cướp hoặc hành vi bất lương khác là không đáng trách. Chúng ta hãy xem ba hoàn cảnh thường gặp.

Nghèo khổ thì được ăn cắp chăng?

Dân gian có câu: “Bần cùng sinh đạo tặc”. Một người có thể bào chữa cho hành vi trộm cắp bằng cách đổ tại hoàn cảnh nghèo đói. Người ngoài cuộc có thể cũng đồng tình. Nhưng Chúa Giê-su có quan điểm nào về vấn đề này? Ngài rất nhân từ với người thiếu thốn, “động lòng thương-xót” họ (Ma-thi-ơ 9:36). Tuy nhiên, ngài không dung túng hành vi trộm cắp cho dù ở hoàn cảnh nào đi nữa. Vậy, nếu có hoàn cảnh nghèo khổ thì sao?

Đức Chúa Trời thương xót những ai thật lòng cố gắng vâng lời Ngài, và sẽ ban phước khi họ chịu khó làm việc để kiếm sống (Thi-thiên 37:25). Kinh Thánh cam đoan: “Đức Giê-hô-va không để linh-hồn người công-bình chịu đói-khát; nhưng Ngài xô-đuổi sự ước-ao của kẻ ác đi” (Châm-ngôn 10:3). Người nghèo có thể tin cậy những lời này không? Chị Victorine tin chắc vào lời cam đoan ấy.

Là góa phụ, chị Victorine phải cáng đáng cả gia đình năm con đang tuổi ăn học. Chị sống trong một nước đang phát triển, hầu như không có chế độ an sinh xã hội. Phần lớn sinh hoạt của người dân nước này diễn ra bên ngoài nhà ở, do đó muốn ăn cắp thì không thiếu cơ hội. Tuy nhiên, chị không để mình bị cám dỗ. Thay vì thế, chị cố gắng mưu sinh bằng công việc lương thiện là bán hàng rong. Tại sao chị vẫn sống lương thiện?

Chị nói: “Thứ nhất, tôi tin Đức Chúa Trời là Đấng trung thực nên Ngài sẽ đối xử một cách trung thực với tôi nếu tôi noi gương Ngài. Thứ nhì, tôi làm gương thì các con tôi mới học được tính lương thiện”.

Cuộc sống của chị ra sao? Chị cho biết: “Chúng tôi có cơm ăn, áo mặc và nhà ở. Nhưng cũng có lúc tôi phải nhờ bạn bè giúp đỡ, chẳng hạn khi cần trả một khoản tiền ngoài dự tính cho việc chữa bệnh. Tôi luôn nhận được sự giúp đỡ cần thiết. Tại sao? Vì bạn bè biết tôi giãi bày hoàn cảnh một cách trung thực và không lợi dụng lòng tốt của họ.

Các con tôi cũng là những đứa trẻ lương thiện. Gần đây, một người hàng xóm thấy vài đồng bạc để trên bàn và hỏi tôi không sợ các con lấy cắp sao. Cô ấy khó tin khi tôi nói các con tôi không bao giờ làm như thế. Sau đó, cô hàng xóm quyết định thử các con tôi mà không cho tôi biết. Cô ấy sang nhà tôi rồi lén đặt hai đồng 100 franc ở một nơi mà các cháu dễ thấy. Khi trở lại vào ngày hôm sau, cô ấy ngạc nhiên thấy hai đồng tiền vẫn ở đó. Với tôi, những đứa con lương thiện là tài sản quý báu hơn của cải vật chất”.

“Mọi người đều làm thế”

Hành vi ăn cắp ở nơi làm việc rất phổ biến. Do đó, nhiều người nghĩ: “Mọi người đều làm thế, tội gì mà tôi không làm?”. Kinh Thánh khuyên ngược lại: “Ngươi chớ hùa đảng đông đặng làm quấy” (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:2). Chị Victoire đã làm theo lời khuyên này. Chị được lợi ích ra sao?

Khi 19 tuổi, chị làm việc trong một xưởng chế biến dầu cọ. Chị để ý thấy 40 nữ công nhân đều ăn cắp quả cọ dầu và giấu trong giỏ. Mỗi cuối tuần, họ bán quả và thu được số tiền bằng ba hay bốn ngày lương. Chị Victoire kể: “Mọi người đều lấy cắp quả cọ. Họ đinh ninh là tôi sẽ theo họ, nhưng tôi không chịu và nói rõ là tôi sống lương thiện. Họ chế giễu và nói tôi sẽ bị thiệt thòi.

Một ngày kia, chúng tôi xếp hàng đi ra khỏi xưởng, người quản lý đột nhiên xuất hiện. Ông kiểm tra giỏ của mọi người và thấy quả cọ trong tất cả các giỏ ngoại trừ giỏ của tôi. Tất cả công nhân hoặc bị sa thải hoặc phải làm việc hai tuần không lương. Trong hai tuần ấy, các đồng nghiệp đều thấy rõ người bị thiệt thòi không phải là tôi”.

“Trong tay quan là của quan”

Bạn làm gì khi nhặt được một vật có giá trị mà ai đó đã đánh rơi? Nhiều người sanh lòng tham và muốn giữ làm của riêng, vì thế họ gạt bỏ ý tưởng trả lại vật ấy. Họ cho rằng vật gì “trong tay quan là của quan”. Một số cảm thấy làm thế thì không hại đến ai. Họ lý luận rằng đằng nào chủ của món đồ này cũng đành chấp nhận đồ đã mất. Số khác nghĩ là họ không có trách nhiệm tìm chủ nhân của món đồ ấy, một việc có thể cần nhiều công sức và thời gian.

Đức Chúa Trời có quan điểm nào về vấn đề này? Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:1-3 cho biết khi một người thấy món đồ hay con vật bị thất lạc thì không được chiếm làm của riêng, mà phải giữ “cho đến chừng anh em [chủ sở hữu] đến kiếm; bấy giờ, phải trả nó lại”. Nếu người ấy không nói ra thì có thể bị khép vào tội ăn cắp (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:9). Lời dạy này có thực tế không? Chị Christine tin là có.

Chị là hiệu trưởng một trường tư thục. Vào ngày thứ tư nọ, chị lãnh lương tháng bằng tiền mặt. Theo thói quen của người Tây Phi, chị buộc tiền lại và cho vào túi xách. Sau đó, chị kêu xe gắn máy chở khách để đi dự một buổi nhóm họp. Đến nơi, chị lục túi lấy tiền trả cho tài xế. Trong bóng tối, bó tiền bị rơi xuống đất mà không ai hay biết gì.

Vài phút sau, anh Blaise 19 tuổi, người ở nơi khác đến cũng đi đường đó. Anh đến cùng buổi nhóm họp để gặp một người bạn và nhặt được bó tiền. Sau buổi nhóm họp, anh nói cho bạn biết rằng anh đã nhặt được món đồ bên ngoài nơi nhóm họp và ai đánh rơi gì thì có thể gọi điện thoại cho anh.

Buổi tối hôm đó về đến nhà, chị Christine choáng váng khi phát hiện tiền lương đã mất. Một tuần sau, lúc kể chuyện đó cho người bạn là Josephine, chị mới biết rằng một anh tham dự buổi nhóm họp đã nhặt được một món đồ. Chị Christine gọi điện cho anh Blaise, nói rõ số tiền đã mất và bó tiền gồm những tờ nào. Chị quá đỗi vui mừng khi nhận lại món tiền. Còn anh Blaise thì sao? Anh đã giữ tiền trong suốt một tuần, nhưng anh nói: “Khi trả lại món tiền, tôi cảm thấy vui hơn là khi giữ nó”.

Tại sao họ cố gắng sống lương thiện mọi lúc?

Chị Victorine, chị Victoire, và anh Blaise sống ở những nơi khác nhau và không biết nhau. Tuy nhiên, họ có một điểm chung. Cả ba người đều là Nhân Chứng Giê-hô-va, đều vâng giữ lời dạy của Kinh Thánh về tính lương thiện. Họ chờ đợi thế giới mới mà Đức Chúa Trời hứa: “Theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ-đợi trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở”. Lúc đó, trái đất chỉ toàn những người sống ngay thẳng và lương thiện.—2 Phi-e-rơ 3:13.

Trước khi thế giới mới đến, có lẽ hoàn cảnh kinh tế của chị Victorine sẽ không khả quan hơn. Tuy thế, chị giàu có về mặt tâm linh là điều mà tiền không thể mua được. Các con của chị là những đứa trẻ lương thiện và lễ phép. Mỗi chủ nhật, mẹ con chị háo hức rao truyền về lòng nhân từ của Đức Chúa Trời, và giải thích Ngài sẽ làm thỏa nguyện “mọi người có lòng thành-thực cầu-khẩn Ngài”, cũng như che chở những ai “yêu-mến Ngài”.—Thi-thiên 145:7, 18, 20.

Sau một thời gian, chị Victoire nghỉ việc ở xưởng chế biến dầu cọ để tự buôn bán. Chị đi bán garri ở chợ (một loại bột sắn hay bột khoai mì). Tính trung thực của chị đã thu hút nhiều khách hàng. Dần dần, chị có thể giảm bớt thời gian bán hàng, và dành nhiều thời gian hơn để chia sẻ với người khác về triển vọng sống trong một thế giới không có nạn bất lương. Sau đó, chị kết hôn và hiện nay chị cùng chồng làm công việc truyền giáo trọn thời gian.

Chị Christine đã đánh rơi tiền ở bên ngoài nơi nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh Blaise không quen nhiều người trong buổi nhóm họp đó, nhưng anh biết rằng những người đến dự đều là anh em đồng đạo, cố gắng sống lương thiện mọi lúc.

Trong số những người bạn biết, có bao nhiêu người thật lòng cố gắng sống lương thiện mọi lúc? Hãy tưởng tượng bạn đang ở cùng 50, 100 hay 200 người như thế. Đó chính là niềm hạnh phúc mà Nhân Chứng Giê-hô-va có tại nơi nhóm họp của họ. Nhân Chứng Giê-hô-va chân thành mời bạn cùng đến kết hợp.

[Lời chú thích nơi trang 12]

“Những đứa con lương thiện là tài sản quý báu hơn của cải vật chất”.—VICTORINE

[Khung nơi trang 14]

Câu Châm-ngôn 6:30 có bào chữa cho tội ăn cắp không?

Câu Châm-ngôn 6:30 nói: “Người ta chẳng khinh-dị kẻ trộm, nếu nó ăn-cắp đặng phỉ lòng mình khi đói-khát”. Có phải câu này bào chữa cho tội ăn cắp không? Không phải vậy. Văn cảnh câu này cho thấy quan điểm của Đức Chúa Trời là người ăn cắp vẫn phải chịu trách nhiệm. Câu kế tiếp nói: “Hễ nó bị bắt, chắc phải thường bồi gấp bảy lần; nó sẽ nộp hết tài-sản của nhà nó” (Châm-ngôn 6:31). Dù người ăn cắp vì đói khổ không đáng trách bằng người ăn cắp do lòng tham hay dụng ý xấu, nhưng người ấy vẫn phải bồi thường. Như vậy, những ai muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời thì không được ăn cắp dù trong hoàn cảnh nào.