Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một bầy và một người chăn

Một bầy và một người chăn

Một bầy và một người chăn

“Các ngươi là kẻ đã theo ta, cũng sẽ ngồi trên mười hai ngôi, mà xét-đoán mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên”.—MAT 19:28.

1. Đức Giê-hô-va đối đãi với con cháu Áp-ra-ham như thế nào? Và tại sao điều đó không có nghĩa là Ngài hoàn toàn không chú ý đến các dân tộc khác?

Đức Giê-hô-va yêu thương Áp-ra-ham nên Ngài thể hiện tình yêu thương trung tín với con cháu ông. Trong hơn 15 thế kỷ, Ngài xem dân Y-sơ-ra-ên, dòng dõi của Áp-ra-ham, là dân Ngài lựa chọn, “một dân thuộc riêng về Ngài”. (Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:6). Điều đó có nghĩa là Đức Giê-hô-va hoàn toàn không chú ý đến các dân tộc khác không? Không. Trong thời gian ấy, những người không phải là dân Y-sơ-ra-ên nhưng mong muốn thờ phượng Đức Giê-hô-va đều được phép kết hợp với dân tộc đặc biệt của Ngài. Những người cải đạo này được xem là thành viên của dân Y-sơ-ra-ên. Họ được đối xử bình đẳng như anh em (Lê 19:33, 34). Và họ phải vâng theo toàn bộ luật pháp của Đức Giê-hô-va.—Lê 24:22.

2. Chúa Giê-su đã nói điều gì gây sửng sốt, và điều đó dẫn đến câu hỏi nào?

2 Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã nói một điều gây sửng sốt cho người Do Thái vào thời ngài: “Nước Đức Chúa Trời sẽ cất khỏi các ngươi, và cho một dân khác là dân sẽ có kết-quả của nước đó” (Mat 21:43). Dân tộc mới này gồm những ai, và sự thay đổi ấy ảnh hưởng thế nào đến chúng ta ngày nay?

Dân tộc mới

3, 4. (a) Sứ đồ Phi-e-rơ nhận diện dân tộc mới như thế nào? (b) Dân tộc mới gồm những ai?

3 Sứ đồ Phi-e-rơ nhận diện rõ dân tộc mới này khi viết cho anh em tín đồ Đấng Christ: “Anh em là dòng-giống được lựa-chọn, là chức thầy tế-lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao-giảng nhân-đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối-tăm, đến nơi sáng-láng lạ-lùng của Ngài” (1 Phi 2:9). Như đã báo trước, các thành viên đầu tiên của dân tộc mới ấy là những người Do Thái chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si (Đa 9:27a; Mat 10:6). Sau này, nhiều người không phải là người Do Thái cũng thuộc về dân ấy, vì Phi-e-rơ nói tiếp: “Anh em ngày trước không phải là một dân, mà bây giờ là dân Đức Chúa Trời”.—1 Phi 2:10.

4 Phi-e-rơ đang nói với ai? Đầu lá thư, ông nói: “[Đức Chúa Trời] khiến chúng ta lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus-Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông-cậy sống, là cơ-nghiệp không hư đi, không ô-uế, không suy-tàn, để dành trong các từng trời cho anh em” (1 Phi 1:3, 4). Vì vậy, dân tộc mới này gồm những tín đồ Đấng Christ được xức dầu có hy vọng lên trời. Họ là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” (Ga 6:16). Trong một sự hiện thấy, sứ đồ Giăng thấy số người thuộc dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng là 144.000 người. Họ “đã được chuộc từ trong loài người, để làm trái đầu mùa cho Đức Chúa Trời và Chiên Con”. Họ phụng sự với tư cách “thầy tế-lễ” và “sẽ trị-vì với [Chúa Giê-su] trong một ngàn năm”.—Khải 5:10; 7:4; 14:1, 4; 20:6; Gia 1:18.

Còn ai khác nữa không?

5. (a) Cụm từ “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” nói đến ai? (b) Tại sao từ “dân Y-sơ-ra-ên” không chỉ hiểu theo một nghĩa?

5 Rõ ràng, cụm từ “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” nơi Ga-la-ti 6:16 chỉ nói đến những tín đồ Đấng Christ được xức dầu. Tuy nhiên, có trường hợp nào Đức Giê-hô-va dùng dân Y-sơ-ra-ên để tượng trưng cho những tín đồ Đấng Christ khác, ngoài những người được xức dầu không? Câu trả lời được tìm thấy trong lời Chúa Giê-su nói với các sứ đồ trung thành: “Ta ban nước cho các ngươi, cũng như Cha ta đã ban cho ta vậy, để các ngươi được ăn uống chung bàn trong nước ta, và được ngồi ngai để xét-đoán mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên” (Lu 22:28-30). Điều này sẽ diễn ra vào “kỳ muôn vật đổi mới” hoặc kỳ phục hưng trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Chúa Giê-su.—Đọc Ma-thi-ơ 19:28.

6, 7. Trong văn cảnh nơi Ma-thi-ơ 19:28 và Lu-ca 22:30, cụm từ “mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên” nói đến ai?

6 Lớp 144.000 người sẽ phụng sự với tư cách là vua, thầy tế lễ và quan xét ở trên trời trong Triều Đại Một Ngàn Năm (Khải 20:4). Họ sẽ xét đoán và cai trị ai? Nơi Ma-thi-ơ 19:28 và Lu-ca 22:30 cho chúng ta biết họ sẽ xét đoán “mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên”. Vậy, “mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên” trong văn cảnh này tượng trưng cho ai? Họ tượng trưng cho tất cả những người có hy vọng sống trên đất—những người tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su nhưng không thuộc lớp vua và thầy tế lễ. (Chi phái Lê-vi không được liệt kê trong 12 chi phái của dân Y-sơ-ra-ên thời xưa). Những người được tượng trưng bởi 12 chi phái của dân Y-sơ-ra-ên là những người sẽ nhận lợi ích về thiêng liêng từ lớp 144.000 thầy tế lễ. Những người không thuộc lớp thầy tế lễ này cũng là dân của Đức Chúa Trời, được Ngài yêu thương và chấp nhận. Thật thích hợp khi họ được ví như dân của Đức Chúa Trời thời xưa.

7 Ngoài ra, sau khi sứ đồ Giăng thấy 144.000 người thuộc dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng được đóng ấn vĩnh viễn trước hoạn nạn lớn, ông cũng thấy đám đông “vô-số người” ra từ “mọi nước” (Khải 7:9). Họ sẽ sống sót qua hoạn nạn lớn và được vào Triều Đại Một Ngàn Năm của Chúa Giê-su. Lúc đó họ sẽ kết hợp với hàng tỉ người được sống lại (Giăng 5:28, 29; Khải 20:13). Tất cả những người này hợp thành “mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên” theo nghĩa tượng trưng. Chúa Giê-su và 144.000 người đồng cai trị sẽ xét đoán họ.—Công 17:31; 24:15; Khải 20:12.

8. Các sự kiện trong ngày Lễ Chuộc Tội hằng năm là hình bóng trước thế nào cho mối liên hệ giữa 144.000 người và những người có hy vọng sống trên đất?

8 Các sự kiện trong ngày Lễ Chuộc Tội hằng năm là hình bóng trước cho mối liên hệ giữa 144.000 người và những người có hy vọng sống trên đất (Lê 16:6-10). Trong ngày đó, trước hết thầy tế lễ thượng phẩm phải dâng một con bò làm của lễ chuộc tội “cho mình và cho nhà mình”. Vì vậy, sự hy sinh của Chúa Giê-su mang lại lợi ích trước tiên cho những người được xức dầu giữ chức thầy tế lễ sẽ cùng phụng sự với ngài ở trên trời. Hơn nữa, trong ngày Lễ Chuộc Tội thời xưa, hai con dê được dùng để chuộc tội cho những người Y-sơ-ra-ên khác. Trong bối cảnh này, chi phái thầy tế lễ tượng trưng cho 144.000 người, và phần còn lại của dân Y-sơ-ra-ên tượng trưng cho tất cả những ai có hy vọng sống trên đất. Hiểu theo nghĩa này, cụm từ “mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên” không ám chỉ lớp thầy tế lễ được xức dầu bằng thánh linh nhưng nói đến tất cả những người khác, những người tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su *.

9. Trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên về đền thờ, những thầy tế lễ tượng trưng cho ai? Và những người Y-sơ-ra-ên khác tượng trưng cho ai?

9 Hãy xem xét một thí dụ khác. Nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên nhận được sự hiện thấy chi tiết về đền thờ của Đức Giê-hô-va (Ê-xê-chi-ên chương 40-48). Trong sự hiện thấy này, các thầy tế lễ phụng sự trong đền thờ, đưa ra những chỉ dẫn và nhận lời khuyên cũng như sự sửa trị của Đức Giê-hô-va (Ê-xê 44:23-31). Đồng thời, nhiều người thuộc các chi phái khác cũng đến đó để thờ phượng và dâng của lễ (Ê-xê 45:16, 17). Vì thế, theo văn cảnh, các thầy tế lễ tượng trưng cho những người được xức dầu, trong khi người Y-sơ-ra-ên thuộc các chi phái khác tượng trưng cho những người có hy vọng sống trên đất. Sự hiện thấy nhấn mạnh rằng hai nhóm người sẽ làm việc hòa hợp với nhau, và lớp thầy tế lễ dẫn đầu trong sự thờ phượng thanh sạch.

10, 11. (a) Sự ứng nghiệm lời nào của Chúa Giê-su làm vững mạnh đức tin chúng ta? (b) Câu hỏi nào về chiên khác được nêu lên?

10 Chúa Giê-su nói về “chiên khác”, những người không ở cùng “chuồng” với “bầy nhỏ” gồm những tín đồ được xức dầu (Giăng 10:16; Lu 12:32). Ngài phán: “Ta cũng phải dẫn nó về nữa, chiên đó sẽ nghe tiếng ta, rồi sẽ chỉ có một bầy, và một người chăn mà thôi”. Thấy được sự ứng nghiệm của các lời này thật làm vững mạnh đức tin chúng ta biết bao! Hai nhóm người đã kết hợp với nhau—nhóm nhỏ những người được xức dầu và đám đông chiên khác. (Đọc Xa-cha-ri 8:23). Dù chiên khác không phụng sự tại sân trong của đền thờ thiêng liêng, họ hầu việc tại sân ngoài của đền thờ.

11 Nhưng nếu đôi khi Đức Giê-hô-va dùng hình ảnh của những người Y-sơ-ra-ên không thuộc lớp thầy tế lễ để tượng trưng cho chiên khác, thì họ là những người có hy vọng sống trên đất có nên dùng món biểu hiệu trong Lễ Tưởng Niệm không? Chúng ta sẽ xem xét câu hỏi này.

Giao ước mới

12. Đức Giê-hô-va báo trước một sắp đặt mới nào?

12 Đức Giê-hô-va báo trước một sắp đặt mới cho dân Ngài. Ngài phán: “Nầy là giao-ước mà ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta” (Giê 31:31-33). Qua giao ước mới này, lời hứa của Đức Giê-hô-va với Áp-ra-ham được ứng nghiệm một cách tuyệt vời và lâu dài.—Đọc Sáng-thế Ký 22:18.

13, 14. (a) Ai dự phần trong giao ước mới? (b) Ai là người nhận lợi ích, và họ “cầm vững” giao ước mới như thế nào?

13 Chúa Giê-su nói về giao ước mới này vào đêm trước khi ngài chịu chết: “Chén nầy là giao-ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra” (Lu 22:20; 1 Cô 11:25). Có phải tất cả tín đồ Đấng Christ đều thuộc về giao ước mới này không? Không. Như các sứ đồ đã uống chén vào tối hôm đó, một số tín đồ Đấng Christ cũng được dự phần trong giao ước mới *. Ngoài ra, Chúa Giê-su thiết lập một giao ước khác với các môn đồ liên quan đến nước của ngài. Họ sẽ cùng ngài cai trị trong Nước Trời.—Lu 22:15, 16, 28-30.

14 Còn về những người sẽ sống trên đất dưới sự cai trị của Nước Trời thì sao? Họ là những người nhận lợi ích từ giao ước mới (Ga 3:8, 9). Dù không dự phần, họ “cầm vững” giao ước qua việc vâng theo các đòi hỏi của giao ước ấy, như được báo trước qua nhà tiên tri Ê-sai: “Các người dân ngoại về cùng Đức Giê-hô-va, đặng hầu-việc Ngài, đặng yêu-mến danh Đức Giê-hô-va, đặng làm tôi-tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi làm ô-uế, và cầm vững lời giao-ước ta, thì ta sẽ đem họ lên trên núi thánh ta, làm cho họ vui-mừng trong nhà cầu-nguyện ta”. Rồi Đức Giê-hô-va phán: “Vì nhà ta sẽ gọi là nhà cầu-nguyện cho mọi dân-tộc”.—Ê-sai 56:6, 7.

Ai nên dùng món biểu hiệu?

15, 16. (a) Sứ đồ Phao-lô liên kết những người dự phần trong giao ước mới với đặc ân nào? (b) Tại sao những người có hy vọng sống trên đất không nên dùng các món biểu hiệu trong Lễ Tưởng Niệm?

15 Những ai trong giao ước mới thì có lòng “dạn-dĩ vào nơi rất thánh”. (Đọc Hê-bơ-rơ 10:15-20). Họ là những người sẽ “có phần trong một nước không hay rúng-động” (Hê 12:28). Vì thế, chỉ những ai sẽ là vua và thầy tế lễ trên trời với Chúa Giê-su mới uống “chén” tượng trưng cho giao ước mới. Những người dự phần trong giao ước mới được hứa sẽ thuộc về lớp người là vợ Chiên Con (2 Cô 11:2; Khải 21:2, 9). Hằng năm, tất cả những người khác có mặt ở Lễ Tưởng Niệm tham dự với lòng tôn kính và không dùng món biểu hiệu.

16 Phao-lô cũng giúp chúng ta hiểu về việc những người có hy vọng sống trên đất không dùng các món biểu hiệu ở Lễ Tưởng Niệm. Ông nói với các tín đồ được xức dầu: “Mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (1 Cô 11:26). Khi nào Chúa “đến”? Đó là khi ngài đến để mang những người cuối cùng trong lớp vợ mới về trời (Giăng 14:2, 3). Rõ ràng, việc cử hành Bữa Tiệc Thánh của Chúa hằng năm không kéo dài mãi. “Những người còn lại” ở trên đất của dòng dõi người nữ sẽ tiếp tục dùng các món biểu hiệu trong bữa tiệc này, cho đến khi tất cả họ đều nhận được phần thưởng trên trời (Khải 12:17, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Thế nên, nếu những người có triển vọng sống đời đời trên đất cũng dùng các món biểu hiệu, thì Lễ Tưởng Niệm phải kéo dài mãi mãi.

Họ sẽ “trở nên dân ta”

17, 18. Lời tiên tri ghi lại nơi Ê-xê-chi-ên 37:26, 27 được ứng nghiệm thế nào?

17 Đức Giê-hô-va tiên tri về sự hợp nhất của dân Ngài như sau: “Ta sẽ lập với chúng nó một giao-ước hòa-bình; ấy sẽ là một giao-ước đời đời giữa chúng nó với ta. Ta sẽ lập chúng nó và làm cho đông-đúc. Ta sẽ đặt nơi thánh ta giữa chúng nó đời đời. Đền-tạm ta sẽ ở giữa chúng nó; ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta”.—Ê-xê 37:26, 27.

18 Tất cả dân Đức Chúa Trời đều có thể hưởng lợi ích khi lời hứa tuyệt vời về giao ước hòa bình được ứng nghiệm. Thật vậy, Đức Giê-hô-va bảo đảm rằng những tôi tớ biết vâng lời của Ngài sẽ được bình an. Rõ ràng, họ thể hiện bông trái của thánh linh. Nơi thánh của Ngài, tượng trưng cho sự thờ phượng thanh sạch, cũng ở giữa họ. Họ thật sự trở thành dân của Ngài, vì đã từ bỏ mọi hình thức thờ thần tượng và xem Đức Giê-hô-va là Đấng duy nhất mà họ tôn thờ.

19, 20. Những người mà Đức Giê-hô-va gọi là “dân ta” bao gồm ai? Và giao ước mới giúp những điều gì trở thành hiện thực?

19 Thật phấn khởi biết bao khi chứng kiến sự hợp nhất giữa hai nhóm người này vào thời chúng ta! Dù đám đông ngày càng gia tăng không có hy vọng lên trời, nhưng họ hãnh diện kết hợp với nhóm người được xức dầu. Họ gắn bó với dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời. Khi làm thế, họ thuộc về những người Đức Giê-hô-va gọi là “dân ta”. Họ làm ứng nghiệm lời tiên tri này: “Trong ngày đó, nhiều nước sẽ quy-phục Đức Giê-hô-va, và trở nên dân ta; ta sẽ ở giữa ngươi”.—Xa 2:11; 8:21; đọc Ê-sai 65:22; Khải-huyền 21:3, 4.

20 Qua giao ước mới, Đức Giê-hô-va đã làm những điều này thành hiện thực. Hàng triệu người từ các nước đã thuộc về dân tộc mà Đức Giê-hô-va chấp nhận (Mi 4:1-5). Họ quyết tâm “cầm vững” giao ước qua việc chấp nhận các điều khoản và vâng theo những đòi hỏi trong đó (Ê-sai 56:6, 7). Khi làm thế, cùng với dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời, họ được ban phước dồi dào là sự bình an lâu dài. Mong sao bạn cũng sẽ hưởng được điều đó—bây giờ và cho đến mãi mãi!

[Chú thích]

^ đ. 8 Tương tự thế, từ “Hội-thánh” chủ yếu nói về những người được xức dầu (Hê 12:23). Tuy nhiên, “hội thánh” cũng có thể có nghĩa khác, ám chỉ đến tất cả tín đồ Đấng Christ, dù họ có hy vọng nào đi nữa.—Xin xem Tháp Canh số ra ngày 15-4-2007, trang 21-23.

^ đ. 13 Chúa Giê-su là Đấng Trung Bảo của giao ước ấy, không phải là người dự phần. Vì là Đấng Trung Bảo, dường như ngài không dùng các món biểu hiệu.

Bạn còn nhớ không?

• “Mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên” mà 144.000 người sẽ xét đoán là ai?

• Lớp người được xức dầu và chiên khác có liên hệ nào với giao ước mới?

• Tất cả các môn đồ Chúa Giê-su có nên dùng món biểu hiệu trong Lễ Tưởng Niệm không?

• Sự hợp nhất nào được báo trước vào thời chúng ta?

[Câu hỏi thảo luận]

[Biểu đồ/​Hình nơi trang 25]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Ngày nay, nhiều người đang vai kề vai phụng sự với dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời

1950 | 373.430

1970 | 1.483.430

1990 | 4.017.213

2009 | 7.313.173