Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Báp-têm nhân danh ai và nhân danh điều gì?

Báp-têm nhân danh ai và nhân danh điều gì?

Báp-têm nhân danh ai và nhân danh điều gì?

‘Vậy, hãy đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhân danh Cha, Con, và thánh-linh mà làm phép báp-têm cho họ’.—MAT 28:19.

1, 2. (a) Điều gì đã diễn ra ở thành Giê-ru-sa-lem vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN? (b) Tại sao nhiều người được thúc đẩy làm báp-têm?

Thành Giê-ru-sa-lem nhộn nhịp với nhiều người đến từ các xứ khác. Vào năm 33 CN, kỳ lễ quan trọng là Lễ Ngũ Tuần đang diễn ra và nhiều người đến đây để tham dự. Nhưng có một điều khác thường đã xảy ra. Sau đó, sứ đồ Phi-e-rơ nói một bài giảng sống động có kết quả đáng kinh ngạc. Khoảng 3.000 người Do Thái và người cải đạo cảm động bởi lời giảng của Phi-e-rơ. Họ đã ăn năn và làm báp-têm trong nước. Vì thế, họ gia nhập hội thánh tín đồ Đấng Christ mới được thành lập (Công 2:41). Sự kiện quá nhiều người làm báp-têm ở các hồ xung quanh thành Giê-ru-sa-lem hẳn đã khiến dư luận xôn xao!

2 Điều gì khiến cho nhiều người làm báp-têm như thế? Sáng hôm đó, “có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào-ào”. Trong một căn phòng trên lầu, khoảng 120 môn đồ của Chúa Giê-su được đầy dẫy thánh linh. Sau đó, những người đàn ông và đàn bà tin kính đã tụ tập lại và thích thú lắng nghe các môn đồ này “nói các thứ tiếng khác”. Khi nghe những điều Phi-e-rơ nói, kể cả lời nhận xét thẳng thắn của ông về cái chết của Chúa Giê-su, nhiều người đã ‘cảm-động trong lòng’. Họ nên làm gì? Phi-e-rơ nói: ‘Hãy hối-cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-têm, rồi sẽ được lãnh sự ban-cho thánh-linh’.—Công 2:1-4, 36-38.

3. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, những người Do Thái và người cải đạo biết ăn năn cần làm gì?

3 Hãy nghĩ đến nguồn gốc tôn giáo của những người Do Thái và người cải đạo đã nghe lời giảng của Phi-e-rơ. Họ đã nhận Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời mình. Và nhờ phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, họ biết về thánh linh, sinh hoạt lực Đức Chúa Trời dùng trong công cuộc sáng tạo và những công việc về sau (Sáng 1:2; Quan 14:5, 6; 1 Sa 10:6; Thi 33:6). Nhưng họ cần làm hơn thế nữa. Điều trọng yếu là họ hiểu và chấp nhận phương tiện Đức Chúa Trời dùng để cứu rỗi—Đấng Mê-si là Chúa Giê-su. Vì vậy, Phi-e-rơ nhấn mạnh việc họ cần làm là “nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-têm”. Vài ngày trước đó, Chúa Giê-su đã ra lệnh cho Phi-e-rơ cũng như các môn đồ khác đi làm báp-têm cho người ta ‘nhân danh Cha, Con, và thánh-linh’ (Mat 28:19, 20). Điều đó có ý nghĩa sâu xa vào thế kỷ thứ nhất, và cho đến ngày nay. Ý nghĩa ấy là gì?

Nhân danh Cha

4. Có thay đổi nào liên quan đến việc có mối quan hệ với Đức Giê-hô-va?

4 Như được đề cập ở trên, những người hưởng ứng lời giảng của Phi-e-rơ đã thờ phượng Đức Giê-hô-va và có mối quan hệ với Ngài. Họ đã cố gắng làm theo Luật pháp, đó là lý do họ từ những xứ xa đến Giê-ru-sa-lem (Công 2:5-11). Tuy nhiên, Đức Chúa Trời vừa có một thay đổi lớn đối với loài người. Ngài đã từ bỏ dân Do Thái, không còn xem họ là dân đặc biệt của Ngài. Vì thế, việc họ giữ theo Luật pháp không còn là cách để được Ngài chấp nhận (Mat 21:43; Cô 2:14). Nếu những người nghe muốn tiếp tục có mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, họ cần làm một điều khác.

5, 6. Trong thế kỷ thứ nhất, nhiều người Do Thái và người cải đạo đã làm gì để có được mối quan hệ với Đức Chúa Trời?

5 Chắc chắn điều đó không phải là lìa bỏ Đức Giê-hô-va, Đấng Ban Sự Sống (Công 4:24). Hơn bao giờ hết, những người hưởng ứng lời giải thích của Phi-e-rơ bấy giờ có thể thấy Đức Giê-hô-va là Cha nhân từ. Ngài đã phái Đấng Mê-si xuống thế gian để giải thoát họ và sẵn lòng tha thứ cho cả những người mà Phi-e-rơ đã nói: “Cả nhà Y-sơ-ra-ên khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Jêsus nầy, mà các ngươi đã đóng đinh... làm Chúa và Đấng Christ”. Thật vậy, những người áp dụng lời của Phi-e-rơ giờ đây có thêm lý do để biết ơn về những điều mà Cha trên trời đã làm cho những ai muốn có mối quan hệ với Ngài!—Đọc Công-vụ 2:30-36.

6 Thật thế, những người Do Thái và người cải đạo này có thể thấy rằng có mối quan hệ với Đức Giê-hô-va bao hàm việc nhận biết Ngài là Đấng cung cấp sự cứu rỗi qua Chúa Giê-su. Vì thế, bạn có thể hiểu tại sao họ đã ăn năn tội lỗi, trong đó có tội góp phần vào việc giết Chúa Giê-su, dù trước đây có thể họ không biết mình đã phạm tội này. Và điều dễ hiểu là trong những ngày sau đó, họ “bền lòng giữ lời dạy của các sứ-đồ” (Công 2:42). Hẳn họ đã muốn và có cơ hội để “vững lòng đến gần ngôi ơn-phước”.—Hê 4:16.

7. Nhiều người ngày nay đã thay đổi cách nhìn về Đức Chúa Trời và đã làm báp-têm nhân danh Cha như thế nào?

7 Ngày nay, hàng triệu người có nguồn gốc khác nhau đã học được lẽ thật của Kinh Thánh về Đức Giê-hô-va (Ê-sai 2:2, 3). Một số là người vô thần, và số khác là nhà thần luận—những người tin nơi sự hiện hữu của Đức Chúa Trời nhưng cho rằng Ngài không quan tâm đến các tạo vật. Nhưng qua thời gian, họ tin chắc có một Đấng Tạo Hóa mà họ có thể vun trồng mối quan hệ mật thiết. Những người khác thì thờ thần ba ngôi hoặc nhiều hình tượng. Nhưng khi học biết rằng chỉ mình Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời toàn năng, giờ đây họ kêu cầu Ngài bằng danh riêng. Điều đó phù hợp với lời Chúa Giê-su bảo các môn đồ là họ nên làm báp-têm nhân danh Cha.

8. Những người không có ý niệm về tội lỗi di truyền từ A-đam cần ý thức điều gì về Cha trên trời?

8 Họ cũng học biết rằng họ chịu ảnh hưởng của tội lỗi di truyền từ A-đam (Rô 5:12). Đây là điều mới và là sự thật mà họ phải chấp nhận. Tình trạng của những người này giống như người bị bệnh mà không biết. Người bệnh có thể có vài triệu chứng, chẳng hạn như thỉnh thoảng có những cơn đau. Tuy nhiên, vì không đi bác sĩ để biết mình mắc bệnh nào, người đó nghĩ rằng nói chung mình vẫn khỏe mạnh. Nhưng thực tế thì ngược lại. (So sánh 1 Cô-rinh-tô 4:4). Nói sao nếu người ấy được chẩn đoán chính xác về căn bệnh của mình? Chẳng phải điều khôn ngoan là người ấy sẽ tìm kiếm một phương pháp trị liệu nổi tiếng, được thử nghiệm và hiệu quả sao? Tương tự thế, khi biết được sự thật về tội lỗi di truyền, nhiều người chấp nhận “sự chẩn đoán” của Kinh Thánh và hiểu rằng Đức Chúa Trời cung cấp một “phương pháp trị liệu”. Thật vậy, những người xa cách Cha trên trời cần quay về với Ngài, Đấng có thể chữa trị cho họ.—Ê-phê 4:17-19.

9. Đức Giê-hô-va đã làm gì để nhân loại có thể có mối quan hệ với Ngài?

9 Nếu đã dâng mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời và trở thành tín đồ Đấng Christ đã báp-têm, hẳn bạn biết có được mối quan hệ với Ngài là điều tuyệt diệu biết bao! Giờ đây bạn hiểu rằng Cha Giê-hô-va thật là Đấng yêu thương. (Đọc Rô-ma 5:8). Dù A-đam và Ê-va phản nghịch, Đức Chúa Trời đã chủ động sắp đặt để con cháu họ—trong đó có chúng ta—có thể có mối quan hệ tốt với Ngài. Làm thế, Đức Chúa Trời phải chịu nỗi đau khi chứng kiến Con yêu dấu của Ngài đau đớn và chết. Chẳng phải biết được điều này giúp chúng ta chấp nhận quyền của Đức Chúa Trời và vâng theo mạng lệnh Ngài vì yêu thương Ngài hay sao? Nếu chưa dâng mình cho Đức Chúa Trời và làm báp-têm, bạn có lý do chính đáng để làm thế.

Nhân danh Con

10, 11. (a) Bạn mắc nợ Chúa Giê-su như thế nào? (b) Bạn cảm thấy thế nào về sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su?

10 Hãy suy nghĩ một lần nữa về điều Phi-e-rơ đã nói với đám đông. Ông nhấn mạnh việc chấp nhận Chúa Giê-su, điều liên hệ trực tiếp với việc làm báp-têm ‘nhân danh Con’. Tại sao điều đó là quan trọng vào lúc bấy giờ và cả ngày nay? Chấp nhận Chúa Giê-su và làm báp-têm nhân danh ngài có nghĩa là chấp nhận vai trò của ngài trong mối quan hệ giữa chúng ta với Đấng Tạo Hóa. Chúa Giê-su phải bị treo trên cây khổ hình nhằm xóa bỏ sự rủa sả của Luật pháp đối với người Do Thái. Tuy nhiên, sự chết của ngài còn có lợi ích lớn lao hơn (Ga 3:13). Ngài cung cấp giá chuộc hy sinh mà cả nhân loại cần (Ê-phê 2:15, 16; Cô 1:20; 1 Giăng 2:1, 2). Để thực hiện điều này, Chúa Giê-su chịu đựng sự bất công, chửi rủa, tra tấn và cái chết. Bạn biết ơn về sự hy sinh của ngài đến mức nào? Hãy tưởng tượng bạn là cậu bé 12 tuổi đi trên tàu Titanic, con tàu đã va phải một tảng băng và bị chìm vào năm 1912. Bạn cố nhảy xuống một thuyền cứu hộ nhưng thuyền đã đầy. Rồi một người đàn ông trên thuyền đã hôn từ biệt vợ mình và nhảy trở lại sàn tàu. Ông nhấc bạn lên và đặt bạn xuống thuyền cứu hộ. Bạn cảm thấy thế nào? Chắc chắn bạn biết ơn ông ấy! Bạn có thể hiểu cảm xúc của cậu bé đã thật sự ở trong hoàn cảnh đó *. Tuy nhiên, Chúa Giê-su làm cho bạn nhiều hơn thế nữa. Ngài đã chết để bạn có thể nhận được sự sống vô tận.

11 Bạn cảm thấy thế nào khi biết những gì Con Đức Chúa Trời đã làm cho bạn? (Đọc 2 Cô-rinh-tô 5:14, 15). Rất có thể bạn cảm thấy vô cùng biết ơn. Điều đó giúp bạn dâng mình cho Đức Chúa Trời và ‘không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết cho mình’. Báp-têm nhân danh Con có nghĩa là nhận biết điều Chúa Giê-su đã làm cho bạn và chấp nhận quyền của ngài là “Vua và Cứu-Chúa” (Công 5:31). Trước đây, bạn không có mối quan hệ với Đấng Tạo Hóa và thật ra không có hy vọng vững chắc. Nhưng nhờ thể hiện đức tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su và làm báp-têm, giờ đây bạn có mối quan hệ với Cha trên trời (Ê-phê 2:12, 13). Sứ đồ Phao-lô viết: “Anh em ngày trước vốn xa-cách Đức Chúa Trời, và là thù-nghịch cùng Ngài bởi ý-tưởng và việc ác mình, nhưng bây giờ Đức Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân-thể của xác-thịt mà khiến anh em hòa-thuận, đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh-sạch không vết”.—Cô 1:21, 22.

12, 13. (a) Nếu bị một người xúc phạm, báp-têm nhân danh Con nên ảnh hưởng thế nào đến phản ứng của bạn? (b) Là tín đồ đã báp-têm nhân danh Chúa Giê-su, bạn có bổn phận nào?

12 Dù đã báp-têm nhân danh Con, bạn ý thức rõ về khuynh hướng tội lỗi của chính mình. Ý thức này giúp ích cho bạn mỗi ngày. Chẳng hạn, nếu bị một người xúc phạm, bạn có nhớ rằng cả hai đều là người tội lỗi không? Cả hai đều cần được Đức Chúa Trời tha thứ, và nên tha thứ lẫn nhau (Mác 11:25). Để nhấn mạnh điều này, Chúa Giê-su đã nói một minh họa: Người chủ đã xóa món nợ một vạn ta-lâng (60 triệu đơ-ni-ê) cho một đầy tớ. Sau đó, đầy tớ ấy không tha cho người bạn cùng làm việc mắc nợ ông 100 đơ-ni-ê. Rồi Chúa Giê-su cho biết điểm này: Đức Giê-hô-va sẽ không tha thứ cho người không biết tha thứ anh em mình (Mat 18:23-35). Thật vậy, làm báp-têm nhân danh Con có nghĩa là chấp nhận quyền của Chúa Giê-su, cố gắng noi gương ngài và làm theo dạy dỗ của ngài, kể cả việc sẵn lòng tha thứ cho người khác.—1 Phi 2:21; 1 Giăng 2:6.

13 Là người bất toàn, bạn không thể noi gương Chúa Giê-su cách trọn vẹn. Dù vậy, song song với việc hết lòng dâng mình cho Đức Chúa Trời, bạn muốn noi gương Chúa Giê-su với hết khả năng của mình. Điều này bao hàm việc tiếp tục lột bỏ nhân cách cũ và mặc lấy nhân cách mới. (Đọc Ê-phê-sô 4:20-24). Khi tôn trọng một người bạn, rất có thể bạn cố gắng học theo gương và những tính tốt của người đó. Cũng thế, bạn muốn học từ Chúa Giê-su và noi gương ngài.

14. Làm thế nào bạn có thể cho thấy mình chấp nhận quyền của Chúa Giê-su là vua trên trời?

14 Có một cách khác bạn có thể cho thấy mình hiểu báp-têm nhân danh Con bao hàm điều gì. Đức Chúa Trời “đã bắt muôn vật phục dưới chân Đấng Christ, và ban cho Đấng Christ làm đầu Hội-thánh” (Ê-phê 1:22). Vì vậy, bạn cần tôn trọng cách Chúa Giê-su hướng dẫn những người đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su dùng những người bất toàn trong hội thánh địa phương, đặc biệt là các trưởng lão được bổ nhiệm. Sự sắp đặt về những người này là “để các thánh-đồ được trọn-vẹn” và “gây-dựng thân-thể Đấng Christ” (Ê-phê 4:11, 12). Ngay cả khi một người bất toàn phạm lỗi, Chúa Giê-su với tư cách là vua Nước Trời có thể giải quyết vấn đề vào đúng thời điểm và theo cách của ngài. Bạn có tin như thế không?

15. Nếu chưa làm báp-têm, bạn có thể trông mong nhận được những ân phước nào sau khi thực hiện bước quan trọng đó?

15 Tuy nhiên, có một số người chưa dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp-têm. Nếu bạn ở trong trường hợp đó, dựa vào những điểm nói trên, chẳng phải bạn thấy chấp nhận quyền của Con là điều hợp lý và là cách để bày tỏ lòng biết ơn của mình hay sao? Báp-têm nhân danh Con sẽ giúp bạn nhận được ân phước dồi dào.—Đọc Giăng 10:9-11.

Nhân danh thánh linh

16, 17. Báp-têm nhân danh thánh linh có nghĩa gì đối với bạn?

16 Báp-têm nhân danh thánh linh có nghĩa gì? Như đã đề cập ở trên, những người nghe Phi-e-rơ giảng vào ngày Lễ Ngũ Tuần đã nhận biết thánh linh. Thật thế, họ có thể thấy bằng chứng ngay trước mắt rằng Đức Chúa Trời vẫn dùng thánh linh. Phi-e-rơ là một trong những người ‘được đầy-dẫy thánh-linh, khởi-sự nói các thứ tiếng khác’ (Công 2:4, 8). Cụm từ “nhân danh” không nhất thiết chỉ được dùng cho người mà thôi. Ngày nay, người ta “nhân danh chính quyền” để làm nhiều điều, nhưng chính quyền không phải là nhân vật. Họ làm những điều này dựa trên uy quyền của chính phủ. Tương tự, một người làm báp-têm nhân danh thánh linh nhận biết thánh linh là sinh hoạt lực Đức Giê-hô-va dùng, chứ không phải là một nhân vật. Phép báp-têm đó có nghĩa là một người nhìn nhận vai trò của thánh linh trong ý định Đức Chúa Trời.

17 Chẳng phải bạn đã biết về thánh linh qua việc học hỏi Kinh Thánh sao? Thí dụ, bạn biết rằng Kinh Thánh được viết dưới sự soi dẫn của thánh linh (2 Ti 3:16). Khi tiến bộ về thiêng liêng, rất có thể bạn hiểu biết sâu sắc hơn về việc ‘Cha ở trên trời ban thánh-linh cho người xin Ngài’, trong đó có bạn (Lu 11:13). Có lẽ bạn nhận thấy thánh linh đang hoạt động trong đời sống mình. Còn nếu bạn chưa làm báp-têm nhân danh thánh linh thì sao? Lời cam đoan ở trên của Chúa Giê-su cho thấy nhiều ân phước đang chờ đón bạn khi Cha trên trời ban thánh linh cho bạn.

18. Những người báp-têm nhân danh thánh linh nhận được ân phước nào?

18 Ngày nay, rõ ràng Đức Giê-hô-va cũng hướng dẫn hội thánh qua thánh linh. Thánh linh giúp mỗi người chúng ta trong các hoạt động hàng ngày. Việc làm báp-têm nhân danh thánh linh có nghĩa là chúng ta chấp nhận vai trò của thánh linh trong đời sống với lòng biết ơn và hợp tác với những sắp đặt đến từ thánh linh. Dù vậy, một số người thắc mắc làm sao chúng ta có thể sống xứng đáng với sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va, và thánh linh có ảnh hưởng thế nào. Chúng ta sẽ xem xét điều này trong bài kế tiếp.

[Chú thích]

^ đ. 10 Xin xem Awake! (Anh ngữ) số ra ngày 22-10-1981, trang 3-8.

Bạn có nhớ không?

• Báp-têm nhân danh Cha có nghĩa gì với bạn?

• Báp-têm nhân danh Con có nghĩa gì?

• Làm sao bạn cho thấy mình hiểu ý nghĩa của việc làm báp-têm nhân danh Cha và Con?

• Báp-têm nhân danh thánh linh có nghĩa gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 10]

Sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, các môn đồ mới vào hội thánh có mối quan hệ nào với Cha trên trời?

[Nguồn tư liệu]

By permission of the Israel Museum, Jerusalem