Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúa Giê-su dạy về Đức Chúa Trời

Chúa Giê-su dạy về Đức Chúa Trời

Chúa Giê-su dạy về Đức Chúa Trời

“Ngoài Con, và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không có ai biết Cha là ai”.—LU-CA 10:22.

Là con đầu của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su đã sống gần Cha hàng tỉ năm (Cô-lô-se 1:15). Vì thế, ngài biết tường tận ý nghĩ, cảm xúc và đường lối của Cha. Khi sống trên đất, Chúa Giê-su sốt sắng dạy về Cha. Vậy, chúng ta có thể biết về Đức Chúa Trời nếu chú tâm đến lời dạy của Chúa Giê-su.

Đức Chúa Trời có danh. Danh Ngài là Giê-hô-va. Chúa Giê-su coi trọng danh Cha hơn cả mọi sự, và muốn mọi người biết cũng như dùng danh ấy. Ngay cả danh “Giê-su” cũng mang ý nghĩa gắn liền với danh Cha vì có nghĩa “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi”. Chúa Giê-su đã thực hiện đúng như lời ngài cầu nguyện vào đêm trước khi chết: “Con đã tỏ danh Cha ra” (Giăng 17:26). Không lạ gì khi Chúa Giê-su dùng danh của Đức Chúa Trời và tỏ cho người khác biết, vì nếu không biết danh Đức Giê-hô-va và ý nghĩa của danh ấy, thì làm sao họ có thể hiểu rõ về Đức Chúa Trời? *

Đức Chúa Trời có tình yêu thương bao la. Trong một lời cầu nguyện, Chúa Giê-su nói: “Cha ôi... Cha đã yêu Con trước khi sáng-thế” (Giăng 17:24). Vì khi còn trên trời, Chúa Giê-su cảm nhận được tình yêu thương của Cha, nên khi xuống thế ngài muốn cho mọi người biết về những nét cao đẹp của tình yêu thương ấy.

Chúa Giê-su dạy rằng Đức Chúa Trời yêu thương cả nhân loại. Ngài nói: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Từ Hy Lạp được dịch là “thế-gian” không có nghĩa là “trái đất” mà chỉ đến loài người sống trên đất, tức là cả nhân loại. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với nhân loại sâu đậm đến nỗi Ngài đã hy sinh Con một yêu quý. Nhờ đó, nhân loại biết vâng lời có thể được giải thoát khỏi xiềng xích của tội lỗi cùng sự chết, và có triển vọng sống mãi mãi. Chúng ta không thể đo được chiều cao hay bề sâu của tình yêu thương ấy.—Rô-ma 8:38, 39.

Chúa Giê-su cũng dạy một sự thật đem lại niềm an ủi cho chúng ta, đó là Đức Giê-hô-va yêu thương từng cá nhân thờ phượng Ngài. Chúa Giê-su ví Đức Giê-hô-va như một Đấng chăn chiên, biết rõ và yêu mến từng con chiên (Ma-thi-ơ 18:12-14). Chúa Giê-su cũng nói không một con chim sẻ nào rơi xuống đất mà Đức Giê-hô-va không hay. Ngài nói thêm: “Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi” (Ma-thi-ơ 10:29-31). Nếu Đức Giê-hô-va để ý thấy một con chim sẻ không về tổ, chắc chắn Ngài còn quan tâm chăm sóc một người phụng sự Ngài nhiều hơn thế. Đức Giê-hô-va biết chúng ta có bao nhiêu sợi tóc trên đầu, chẳng lẽ Ngài không rõ từng nhu cầu, nỗi âu lo, khó khăn trong đời sống của chúng ta sao?

Cha chúng ta ở trên trời. Là người con, khi nói về Đức Chúa Trời hoặc thưa chuyện với Ngài, Chúa Giê-su dùng từ “Cha” nhiều nhất. Lần đầu tiên Kinh Thánh ghi lại lời của Chúa Giê-su là khi ngài 12 tuổi và đang ở trong đền thờ. Trong lời đó, Chúa Giê-su gọi Đức Giê-hô-va là “Cha tôi” (Lu-ca 2:49). Từ “Cha” xuất hiện gần 190 lần trong các sách Phúc âm nguyên bản. Chúa Giê-su thường dùng những cụm từ như “Cha các ngươi”, “Cha chúng tôi” và “Cha ta” (Ma-thi-ơ 5:16; 6:9; 7:21). Khi dùng những cụm từ này, ngài cho thấy dù con người nhỏ bé và bất toàn vẫn có thể có được mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va.

Đức Chúa Trời thương xót và khoan dung. Chúa Giê-su biết chúng ta là con người bất toàn nên rất cần được Đức Giê-hô-va thương xót. Bởi thế, trong dụ ngôn về người con hoang đàng, ngài ví Đức Chúa Trời như người cha nhân từ, rộng lòng tha thứ, giang tay đón nhận người con ăn năn hối lỗi (Lu-ca 15:11-32). Vì vậy, chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va tìm biểu hiện ăn năn của người phạm tội để rủ lòng thương xót. Ngài sẵn lòng tha thứ nếu họ hối cải. Chúa Giê-su nói: “Trên trời... sẽ vui-mừng cho một kẻ có tội ăn-năn hơn là chín mươi chín kẻ công-bình không cần phải ăn-năn” (Lu-ca 15:7). Bạn có muốn đến gần Đấng giàu lòng thương xót như thế không?

Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện. Khi ở bên cạnh Cha, Chúa Giê-su tận mắt thấy Đức Giê-hô-va “nghe lời cầu-nguyện” và vui lòng với lời thỉnh cầu của những người trung thành phụng sự Ngài (Thi-thiên 65:2). Vì vậy, khi xuống thế, Chúa Giê-su dạy cho môn đồ biết phải cầu nguyện thế nào và nói về điều gì. Ngài khuyên: “Đừng dùng những lời lặp vô-ích”. Ngài bảo họ cầu xin cho “ý Cha được nên, ở đất như trời”. Chúng ta cũng có thể cầu xin để có đồ ăn đủ ngày, được tha tội và kháng cự cám dỗ (Ma-thi-ơ 6:5-13). Chúa Giê-su cam đoan rằng Đức Giê-hô-va như người cha yêu thương, nhậm lời cầu nguyện của những người thờ phượng Ngài, miễn là lời cầu ấy chân thành và chan chứa lòng tin.—Ma-thi-ơ 7:7-11.

Rõ ràng, Chúa Giê-su đã nỗ lực truyền dạy sự thật về Đức Giê-hô-va và cá tính của Cha. Tuy nhiên, có một sự thật nữa mà Chúa Giê-su sốt sắng giảng dạy là: Qua một giải pháp tuyệt vời, Đức Giê-hô-va sắp mang lại sự thay đổi lớn trên toàn cầu hầu hoàn thành ý định đối với trái đất và nhân loại. Giải pháp này là chủ đề của thông điệp mà Chúa Giê-su loan báo.

[Chú thích]

^ đ. 4 Danh Giê-hô-va xuất hiện khoảng 7.000 lần trong nguyên bản Kinh Thánh, và có nghĩa “Ta sẽ trở thành Đấng ta sẽ trở thành” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14, NW). Đức Chúa Trời có thể trở thành bất cứ Đấng nào cần thiết để thực hiện ý định của Ngài. Như vậy, danh Giê-hô-va đảm bảo rằng Đức Chúa Trời trung tín và mọi lời hứa của Ngài sẽ thành hiện thực.