Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhà hội nơi Chúa Giê-su và các môn đồ rao giảng

Nhà hội nơi Chúa Giê-su và các môn đồ rao giảng

Nhà hội nơi Chúa Giê-su và các môn đồ rao giảng

“Đức Chúa Jêsus đi khắp xứ Ga-li-lê, dạy-dỗ trong các nhà hội, giảng tin-lành của nước Đức Chúa Trời”.—MA-THI-Ơ 4:23.

Sách Phúc âm tường thuật nhiều lần rằng Chúa Giê-su đến nhà hội. Dù ở Na-xa-rét, nơi ngài lớn lên, hay ở Ca-bê-na-um, thành phố ngài thường trú ngụ, hoặc tại bất cứ thị trấn, làng mạc nào mà ngài ghé qua trong ba năm rưỡi bận rộn rao giảng, Chúa Giê-su thường chọn nhà hội để giảng dạy về Nước Đức Chúa Trời. Thật thế, nhìn lại quá trình giảng đạo, Chúa Giê-su phán: “Ta thường dạy-dỗ trong nhà hội và đền-thờ, là nơi hết thảy dân Giu-đa nhóm lại”.—Giăng 18:20.

Tương tự thế, các sứ đồ của Chúa Giê-su và những môn đồ thời ban đầu thường giảng dạy trong nhà hội Do Thái. Vậy, tại sao người Do Thái bắt đầu dùng nhà hội để thờ phượng? Vào thời Chúa Giê-su, những nơi thờ phượng này như thế nào? Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn.

Đặc điểm quan trọng trong đời sống người Do Thái Mỗi năm ba lần, những người nam của nước Do Thái đến thành Giê-ru-sa-lem để dự lễ hội tại đền thánh. Nhưng nhà hội địa phương đáp ứng nhu cầu thờ phượng hằng ngày của họ, dù họ sống ở Pha-lê-tin hay bất kỳ cộng đồng Do Thái nào ở ngoài xứ này.

Nhà hội được thành lập khi nào? Một số người tin rằng đó là vào khoảng thời gian người Do Thái bị lưu đày sang Ba-by-lôn (607-537 trước công nguyên), giai đoạn mà đền thờ Đức Giê-hô-va bị phá hủy. Hoặc có lẽ không lâu sau khi người Do Thái bị lưu đày trở về quê nhà, khi thầy tế lễ E-xơ-ra kêu gọi dân sự thu thập thêm sự hiểu biết và hiểu nhiều hơn về Luật pháp Đức Chúa Trời.—E-xơ-ra 7:10; 8:1-8; 10:3.

Ban đầu, từ “nhà hội” có nghĩa “hội hiệp” hoặc “nhóm hiệp”, được dùng trong bản Septuagint, bản dịch tiếng Hy Lạp của phần Kinh Thánh tiếng Do Thái cổ. Tuy nhiên theo thời gian, từ này nói đến tòa nhà, nơi người ta hội hiệp để thờ phượng. Đến thế kỷ thứ nhất công nguyên, hầu như mỗi thị trấn mà Chúa Giê-su đi qua đều có nhà hội; các thành phố có vài nhà hội, còn Giê-ru-sa-lem thì có rất nhiều. Các tòa nhà này như thế nào?

Tòa nhà đơn giản để thờ phượng Khi định xây nhà hội, người Do Thái thường chọn một nơi cao và dự kiến rằng nhà hội có cửa chính (1) hướng về thành Giê-ru-sa-lem. Tiêu chuẩn này khá linh động vì không phải lúc nào cũng đáp ứng được.

Khi xây xong, nhà hội thường là một tòa nhà đơn giản, có ít đồ đạc. Nhưng trọng tâm là một cái rương (2) chứa tài sản có giá trị nhất của cộng đồng—các cuộn sách thánh (là một phần của Kinh Thánh ngày nay). Khi có nhóm hiệp, người ta mang cái rương ra, đặt đúng vị trí và sau đó đưa nó vào phòng được bảo vệ kỹ (3).

Gần cái rương và đối diện với chỗ của những người đến nhóm hiệp là hàng ghế đầu (4) cho các chủ nhà hội và khách quý (Ma-thi-ơ 23:5, 6). Gần giữa gian phòng là một cái bục, trên bục có một cái giá và chỗ dành cho diễn giả (5). Những băng ghế dành cho người đến nhóm được đặt ở ba phía, đối diện với cái bục (6).

Thông thường, nhà hội hoạt động và nhận tài trợ của những người đến nhóm hiệp tại địa phương. Sự đóng góp tình nguyện của mọi người, giàu cũng như nghèo, nhằm bảo trì và sửa chữa nhà hội. Tuy nhiên, các buổi nhóm tại đấy diễn ra như thế nào?

Thờ phượng tại nhà hội Chương trình thờ phượng tại nhà hội gồm hát thánh ca, cầu nguyện, đọc Kinh Thánh cũng như dạy dỗ và rao giảng. Những người đến nhóm hiệp sẽ bắt đầu bằng việc đọc kinh Shema, tức lời tuyên xưng đức tin. Từ này dựa trên một từ của câu đầu tiên trong bài kinh này: “Hỡi Y-sơ-ra-ên! hãy nghe [Shema]: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4.

Tiếp đến là phần đọc và giải nghĩa kinh Torah, tức năm sách đầu tiên của Kinh Thánh do Môi-se viết (Công-vụ 15:21). Sau đó là phần đọc khác, trích lời của những nhà tiên tri (được gọi là haftarahs) rồi giải nghĩa và cho biết cách áp dụng. Đôi khi diễn giả đến từ nơi khác đảm trách phần đọc này, như Chúa Giê-su đã làm, theo lời tường thuật nơi Lu-ca 4:16-21.

Dĩ nhiên, cuộn sách thánh mà người ta đã trao cho Chúa Giê-su tại buổi nhóm đó không có ghi số chương và câu như Kinh Thánh chúng ta có ngày nay. Vì thế, chúng ta có thể hình dung cảnh Chúa Giê-su mở cuộn sách ra bằng tay trái trong khi tay phải của ngài cuốn nó lại cho đến khi tìm được câu Kinh Thánh ngài muốn. Sau khi đọc, sách thánh được cuộn lại như lúc đầu.

Trong nhiều trường hợp, các phần này được đọc bằng tiếng Do Thái nguyên thủy và được dịch sang tiếng A-ram. Trong các hội thánh nói tiếng Hy Lạp, người ta sử dụng bản dịch Septuagint.

Trọng tâm trong cuộc sống hằng ngày Nhà hội là trọng tâm trong cuộc sống hằng ngày của người Do Thái. Thế nên, các tòa nhà khác được xây liền với nhà hội dù chúng có mục đích khác nhau. Đôi khi tại đó diễn ra các phiên tòa cũng như các buổi họp của cộng đồng, và ngay cả có các hội nghị (trong đó có bữa ăn được dọn tại các phòng ăn gần đấy). Thỉnh thoảng, những người khách được nghỉ tại các căn phòng thuộc khuôn viên nhà hội.

Gần như mỗi thị trấn, nhà hội cũng có trường học, thường là chung một tòa nhà. Chúng ta có thể hình dung một căn phòng có nhiều học sinh tập đọc những mẫu tự lớn do thầy giáo viết trên bảng phủ sáp. Những trường như thế đã góp phần quan trọng trong việc giúp người Do Thái thời xưa biết đọc biết viết, ngay cả dân thường cũng quen thuộc với Kinh Thánh.

Tuy nhiên, mục đích chính của nhà hội là nơi để người ta thường xuyên đến thờ phượng. Vậy, không có gì ngạc nhiên khi các buổi họp của môn đồ Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất có nhiều điểm giống với buổi họp của người Do Thái tại nhà hội. Trong các buổi họp của môn đồ Chúa Giê-su, mục tiêu cũng là thờ phượng Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, các bài thánh ca, đọc và thảo luận Lời Đức Chúa Trời. Ngoài ra, cũng có những điểm tương đồng khác. Tại cả hai nơi thờ phượng như đã đề cập, các nhu cầu và chi phí đều do sự đóng góp tình nguyện; việc đọc và thảo luận Lời Đức Chúa Trời không chỉ dành cho hàng giáo phẩm. Tại hai nơi này, các buổi họp được tổ chức và hướng dẫn bởi những người nam cao tuổi đáng tin cậy.

Ngày nay, Nhân Chứng Giê-hô-va cố theo sát kiểu mẫu mà Chúa Giê-su và các môn đồ ngài vào thế kỷ thứ nhất để lại. Vì thế, các buổi họp tại nơi thờ phượng của họ có một số nét tương đồng với buổi họp tại nhà hội vào thời xưa. Trên hết, các Nhân Chứng nhóm lại có cùng mục tiêu với những người yêu mến chân lý từ trước đến nay, đó là “đến gần Đức Chúa Trời”.—Gia-cơ 4:8.

[Hình nơi trang 16, 17]

Mô hình này dựa trên bản vẽ của nhà hội Gamla vào thế kỷ thứ nhất

[Hình nơi trang 18]

Trường của nhà hội dạy những em trai từ 6 đến 13 tuổi