Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hỡi người nam, bạn có phục tùng Chúa Giê-su không?

Hỡi người nam, bạn có phục tùng Chúa Giê-su không?

Hỡi người nam, bạn có phục tùng Chúa Giê-su không?

“Đấng Christ là đầu mọi người [“tất cả đàn ông”, Bản Dịch Mới]”.—1 CÔ 11:3.

1. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va không phải là Chúa của sự lộn xộn?

Khải-huyền 4:11 nói: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn-vật mới có và đã được dựng nên”. Vì đã tạo ra muôn vật, Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng Tối Cao của vũ trụ và có quyền trên mọi tạo vật. Qua cách Ngài tổ chức lực lượng các thiên sứ, chúng ta có thể thấy Đức Giê-hô-va “chẳng phải là Chúa sự loạn-lạc [“sự lộn xộn”, NW], bèn là Chúa sự hòa-bình”.—1 Cô 14:33; Ê-sai 6:1-3; Hê 12:22, 23.

2, 3. (a) Ai là tạo vật đầu tiên của Đức Giê-hô-va? (b) Con đầu lòng có địa vị nào so với Cha?

2 Trước khi bắt đầu cuộc sáng tạo, Đức Chúa Trời đã hiện hữu trong thời gian vô tận. Tạo vật đầu tiên là một thần linh được gọi là “Ngôi-Lời” vì ngài là Đấng Phát Ngôn của Đức Giê-hô-va (Giăng 1:1, NW *). Qua Ngôi Lời, mọi tạo vật khác được dựng nên. Sau này, ngài xuống đất làm người hoàn toàn và được gọi là Chúa Giê-su.—Đọc Giăng 1:2, 3, 14.

3 Kinh Thánh nói gì về địa vị của Đức Chúa Trời đối với Con đầu lòng của Ngài? Được soi dẫn, sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi muốn anh em biết Đấng Christ là đầu mọi người [“tất cả đàn ông”, BDM]; người đàn-ông là đầu người đàn-bà; và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ” (1 Cô 11:3). Chúa Giê-su ở dưới quyền của Cha ngài. Quyền làm đầu và sự phục tùng là yếu tố cần thiết để có hòa bình và trật tự giữa các tạo vật thông minh. Ngay cả đấng mà qua ngài “muôn vật đã được dựng nên” cũng phải phục tùng Đức Chúa Trời.—Cô 1:16.

4, 5. Chúa Giê-su cảm thấy thế nào về địa vị của ngài đối với Đức Giê-hô-va?

4 Chúa Giê-su cảm thấy thế nào về việc phục tùng Đức Giê-hô-va và xuống trái đất? Kinh Thánh nói: “Đấng Christ... vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình-đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm-giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi-tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng-phục cho đến chết, thậm chí chết trên [cây khổ hình]”.—Phi-líp 2:5-8.

5 Chúa Giê-su luôn luôn khiêm nhường phục tùng ý muốn của Cha. Ngài nói: “Ta không thể tự mình làm nổi việc gì... sự xét-đoán ta là công-bình, vì ta chẳng tìm ý-muốn của ta, nhưng tìm ý-muốn của Đấng đã sai ta” (Giăng 5:30). Ngài cũng nói: “Ta hằng làm sự đẹp lòng [Cha]” (Giăng 8:29). Vào cuối cuộc đời trên đất, trong lời cầu nguyện với Cha, Chúa Giê-su nói: “Con đã tôn-vinh Cha trên đất, làm xong công-việc Cha giao cho làm” (Giăng 17:4). Như vậy, Chúa Giê-su không thấy khó để nhìn nhận và phục tùng quyền của Đức Chúa Trời.

Con được lợi ích nhờ phục tùng Cha

6. Chúa Giê-su đã thể hiện những đức tính tuyệt vời nào?

6 Khi ở trên đất, Chúa Giê-su thể hiện nhiều đức tính tuyệt vời. Ngài yêu thương Cha cách sâu đậm. Chúa Giê-su nói: “Ta yêu-mến Cha” (Giăng 14:31). Ngài cũng thể hiện tình yêu thương cao cả với người khác. (Đọc Ma-thi-ơ 22:35-40). Chúa Giê-su là người nhân từ và có lòng quan tâm, không khắc nghiệt hoặc hống hách. Ngài phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” (Mat 11:28-30). Những người như chiên, đặc biệt người bị hà hiếp, dù ở độ tuổi nào cũng tìm được nhiều an ủi nơi nhân cách đáng chuộng và thông điệp đầy khích lệ của Chúa Giê-su.

7, 8. Theo Luật pháp, người đàn bà bị rong huyết không được làm gì, nhưng Chúa Giê-su đã đối xử với bà như thế nào?

7 Hãy xem cách Chúa Giê-su cư xử với phụ nữ. Qua lịch sử, nhiều người nam đối xử tệ với phụ nữ, và các nhà lãnh đạo tôn giáo trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa cũng vậy. Ngược lại, Chúa Giê-su tôn trọng phụ nữ. Điều này được thấy rõ trong cách Chúa Giê-su đối xử với người đàn bà bị rong huyết suốt 12 năm. Bà “bấy lâu chịu khổ-sở” trong tay nhiều thầy thuốc và hao tốn hết tiền của để chữa trị, nhưng “bịnh lại càng nặng thêm”. Theo Luật pháp, bà bị xem là ô uế và ai chạm vào bà cũng bị ô uế.—Lê 15:19, 25.

8 Khi nghe tin Chúa Giê-su đang chữa lành cho nhiều người bệnh, bà đi theo đám đông vây quanh ngài. Bà nhủ thầm: “Nếu ta chỉ rờ đến áo Ngài mà thôi, thì ta sẽ được lành”. Bà chạm vào Chúa Giê-su và ngay lập tức được lành bệnh. Chúa Giê-su biết bà không nên chạm vào áo ngài, nhưng ngài đã không quở trách mà còn đối xử nhân từ với bà. Ngài cảm thông nỗi khổ của bà trong bấy nhiêu năm và biết bà khao khát được chữa lành. Đầy lòng trắc ẩn, Chúa Giê-su nói với bà: “Hỡi con gái ta, đức-tin con đã cứu con; hãy đi cho bình-an và được lành bịnh”.—Mác 5:25-34.

9. Khi các môn đồ của Chúa Giê-su cố ngăn trẻ em đến gần ngài, ngài phản ứng thế nào?

9 Ngay cả trẻ em cũng thoải mái đến gần Chúa Giê-su. Vào một dịp nọ, khi người ta mang con trẻ đến với ngài, các môn đồ quở trách họ, có lẽ cho rằng ngài không muốn bị trẻ em quấy rầy. Nhưng Chúa Giê-su không nghĩ như thế. Kinh Thánh cho biết: “Đức Chúa Jêsus thấy vậy, bèn giận mà phán cùng môn-đồ rằng: Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó; vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy”. Rồi “Ngài lại bồng những đứa trẻ ấy, đặt tay trên chúng nó mà chúc phước cho”. Chúa Giê-su không khó chịu với trẻ em mà còn nồng nhiệt đối với chúng.—Mác 10:13-16.

10. Làm thế nào Chúa Giê-su có những đức tính mà ngài đã thể hiện?

10 Làm thế nào Chúa Giê-su có những đức tính mà ngài đã thể hiện trên đất? Trước khi xuống đất, trong biết bao thiên niên kỷ, Chúa Giê-su đã quan sát và học theo cách cư xử của Cha trên trời. (Đọc Châm-ngôn 8:22, 23, 30). Ngài đã thấy cách Đức Giê-hô-va yêu thương sử dụng uy quyền đối với các tạo vật, và đó trở thành cách cư xử của chính ngài. Nếu không phục tùng Đức Giê-hô-va, liệu Chúa Giê-su có thể làm được như thế không? Chúa Giê-su vui thích phục tùng Cha, và Đức Giê-hô-va hài lòng có người Con như thế. Khi sống trên đất, Chúa Giê-su phản ánh hoàn hảo các đức tính tuyệt vời của Cha trên trời. Thật là đặc ân cho chúng ta khi ở dưới sự cai trị của Chúa Giê-su, đấng mà Đức Chúa Trời bổ nhiệm làm vua Nước Trời!

Noi theo các đức tính của Chúa Giê-su

11. (a) Chúng ta nên cố gắng noi theo ai? (b) Tại sao đặc biệt những người nam trong hội thánh nên cố gắng noi theo Chúa Giê-su?

11 Mọi người trong hội thánh, đặc biệt là người nam, nên luôn cố gắng noi theo các đức tính của Chúa Giê-su. Như đã nói ở trên, Kinh Thánh cho biết: “Đấng Christ là đầu mọi người [“tất cả đàn ông”, BDM]”. Chúa Giê-su noi theo Đấng làm đầu của ngài là Đức Chúa Trời, những nam tín đồ cũng phải cố gắng noi theo đấng làm đầu của mình là Chúa Giê-su. Sau khi trở thành tín đồ Đấng Christ, Phao-lô đã làm thế. Ông khuyến khích các anh em: “Hãy bắt-chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt-chước Đấng Christ vậy” (1 Cô 11:1). Sứ đồ Phi-e-rơ cũng nói: “Anh em đã được kêu-gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài” (1 Phi 2:21). Các nam tín đồ nên đặc biệt chú ý đến lời khuyên noi gương Chúa Giê-su vì một lý do khác nữa. Họ là những người trở thành trưởng lão và tôi tớ thánh chức. Chúa Giê-su đã tìm được niềm vui khi noi theo Đức Giê-hô-va, tương tự, các nam tín đồ nên tìm niềm vui trong việc noi theo Chúa Giê-su và các đức tính của ngài.

12, 13. Trưởng lão nên đối xử thế nào với chiên mà họ phải chăm sóc?

12 Các trưởng lão trong hội thánh có bổn phận noi gương Chúa Giê-su. Phi-e-rơ khuyên các trưởng lão: “Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao-phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ-bẩn, bèn là hết lòng mà làm, chẳng phải quản-trị phần trách-nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy” (1 Phi 5:1-3). Các trưởng lão không được hống hách, độc đoán hay khắc nghiệt. Noi gương Chúa Giê-su, họ gắng sức thể hiện lòng yêu thương, quan tâm, khiêm nhường và nhân hậu trong cách cư xử với chiên mà họ được giao để chăm sóc.

13 Những người dẫn đầu trong hội thánh đều bất toàn, và họ nên luôn ý thức giới hạn này (Rô 3:23). Vì vậy, họ phải sốt sắng học biết về Chúa Giê-su và noi gương yêu thương của ngài. Họ cần suy ngẫm về cách Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su cư xử với người ta và rồi nỗ lực noi gương hai đấng ấy. Phi-e-rơ khuyên chúng ta: “Hết thảy đối-đãi với nhau phải trang-sức bằng khiêm-nhường; vì Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm-nhường”.—1 Phi 5:5.

14. Các trưởng lão phải tôn trọng người khác như thế nào?

14 Khi đối xử với bầy của Đức Chúa Trời, những anh được bổ nhiệm trong hội thánh phải thể hiện những tính tốt. Rô-ma 12:10 nói: “Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính-nhường nhau”. Các trưởng lão và tôi tớ thánh chức tôn trọng người khác. Như các tín đồ Đấng Christ nói chung, những anh này không được làm ‘sự chi vì lòng tranh-cạnh hoặc vì hư-vinh, nhưng khiêm-nhường, coi người khác như tôn-trọng hơn mình’ (Phi-líp 2:3). Những anh dẫn đầu chắc chắn phải xem người khác như thể họ tôn trọng hơn mình. Khi làm thế, các anh được bổ nhiệm đó đang áp dụng lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Vậy chúng ta là kẻ mạnh, phải gánh-vác sự yếu-đuối cho những kẻ kém-sức, chớ làm cho đẹp lòng mình. Mỗi người trong chúng ta nên làm đẹp lòng kẻ lân-cận mình, đặng làm điều ích và nên gương tốt. Vì Đấng Christ cũng không làm cho đẹp lòng mình”.—Rô 15:1-3.

Quý trọng vợ

15. Chồng nên đối xử với vợ như thế nào?

15 Giờ đây hãy xem lời khuyên của Phi-e-rơ dành cho người chồng. Ông viết: “Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình, như là với giống yếu-đuối hơn... phải kính-nể [“quý trọng”, Trịnh Văn Căn] họ” (1 Phi 3:7). Khi quý trọng một người, bạn sẽ quan tâm đến ý kiến, nhu cầu và ước muốn của người đó, và có thể chiều theo trừ phi có lý do quan trọng. Đó là cách người chồng nên đối xử với vợ.

16. Về việc phải quý trọng vợ, Lời Đức Chúa Trời cho người chồng lời cảnh báo nào?

16 Khi khuyên người chồng quý trọng vợ, Phi-e-rơ cũng cảnh báo: “Hầu cho không điều gì làm rối-loạn sự cầu-nguyện của anh em” (1 Phi 3:7). Điều này cho thấy rõ Đức Giê-hô-va xem cách chồng đối xử với vợ quan trọng như thế nào. Nếu không quý trọng vợ, lời cầu nguyện của người chồng có thể bị cản trở. Hơn nữa, khi được chồng quý trọng, chẳng phải các người vợ thường đáp ứng tích cực sao?

17. Chồng phải yêu vợ đến mức nào?

17 Về vấn đề yêu thương vợ, Lời Đức Chúa Trời khuyên: “Chồng phải yêu vợ như chính thân mình... Vì chẳng hề có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi-nấng săn-sóc nó như Đấng Christ đối với Hội-thánh... Mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình” (Ê-phê 5:28, 29, 33). Chồng phải yêu vợ đến mức nào? Phao-lô viết: “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội-thánh, phó chính mình vì Hội-thánh” (Ê-phê 5:25). Đúng vậy, người chồng nên sẵn sàng hy sinh cả mạng sống vì vợ, như Chúa Giê-su đã làm vì người khác. Khi người chồng tín đồ Đấng Christ đối xử với vợ cách dịu dàng, biết quan tâm, ân cần, bất vị kỷ, thì vợ dễ phục tùng quyền làm đầu của anh hơn.

18. Người nam có sự giúp đỡ nào để làm tròn trách nhiệm trong hôn nhân?

18 Quý trọng vợ như thế có đòi hỏi quá nhiều nơi người chồng không? Không. Đức Giê-hô-va không bao giờ đòi hỏi người chồng làm điều gì quá sức họ. Ngoài ra, những người thờ phượng Ngài có thể nhận được lực mạnh nhất vũ trụ—thánh linh Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su phán: “Nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con-cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban [thánh-linh] cho người xin Ngài!” (Lu 11:13). Trong lời cầu nguyện, người chồng có thể xin Đức Giê-hô-va giúp họ qua thánh linh để biết cách đối xử với người khác, kể cả vợ.—Đọc Công-vụ 5:32.

19. Bài tới sẽ thảo luận điều gì?

19 Thật vậy, người nam có trọng trách học cách phục tùng Chúa Giê-su và noi gương làm đầu của ngài. Còn về người nữ, đặc biệt người vợ, thì sao? Bài tới sẽ thảo luận họ nên có quan điểm nào về vai trò mình trong sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va.

[Chú thích]

^ đ. 2 Câu này dịch như sau: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở với Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là một vị thần”.

Bạn còn nhớ không?

• Chúng ta nên noi theo những đức tính nào của Chúa Giê-su?

• Các trưởng lão nên đối xử với chiên như thế nào?

• Chồng nên đối xử với vợ như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 10]

Hãy noi gương Chúa Giê-su bằng cách tôn trọng người khác