Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao giúp đỡ người bạn bị bệnh?

Làm sao giúp đỡ người bạn bị bệnh?

Làm sao giúp đỡ người bạn bị bệnh?

Bạn có bao giờ cảm thấy mình không biết nói gì với người bạn bị bệnh nặng chưa? Hãy an tâm là bạn có thể vượt qua được khó khăn này. Như thế nào? Thật ra, không có một phương pháp nhất định vì còn tùy vào sự khác nhau về nền văn hóa cũng như tính cách của mỗi người. Ngoài ra, hoàn cảnh và cảm xúc có lẽ thay đổi đáng kể từ ngày này qua ngày kia. Vậy, những điều bạn làm có thể hữu ích cho người này, nhưng lại phản tác dụng đối với người kia.

Vì thế, điều quan trọng nhất là hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người bệnh và nhận ra người đó thật sự muốn và cần điều gì. Bạn làm thế bằng cách nào? Sau đây là một vài lời đề nghị dựa trên các nguyên tắc Kinh Thánh.

Biết lắng nghe

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH:

“Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói”.GIA-CƠ 1:19.

“Có kỳ nín-lặng, có kỳ nói ra”.TRUYỀN-ĐẠO 3:1,  7.

▪ Khi đến thăm người bạn bị bệnh, hãy chăm chú lắng nghe với lòng cảm thông. Đừng vội cho lời khuyên hoặc luôn cảm thấy mình phải đưa ra giải pháp cho họ. Nếu làm thế, có thể bạn vô tình gây tổn thương người đó. Có lẽ họ không cần giải pháp nhưng cần một người bạn luôn sẵn sàng lắng nghe với tấm lòng rộng lượng.

Hãy để cho bạn mình thổ lộ cảm xúc. Đừng ngắt lời hoặc nói những câu gây hiểu lầm rằng bạn xem nhẹ tình trạng của người đó. Anh Emílio * nói: “Tôi bị viêm màng não nấm và cuối cùng không thấy đường. Đôi khi tôi thật sự nản lòng, các bạn cố gắng an ủi tôi với những câu như: “Anh không phải là người duy nhất có vấn đề. Nhiều người còn tệ hơn nữa”. Nhưng họ không biết rằng khi cố xoa dịu tình trạng của tôi thì họ chẳng giúp ích được gì cho tôi. Ngược lại, nó còn làm cho tôi cảm thấy nặng nề”.

Hãy để người bạn thoải mái nói lên cảm nghĩ của mình. Nếu người ấy cho biết rằng mình đang sợ, hãy cố hiểu cảm xúc của người đó thay vì bảo đừng sợ. Chị Eliana (đang mắc bệnh ung thư) cho biết: “Khi lo lắng về tình trạng của mình và òa lên khóc, điều đó không có nghĩa là tôi không còn tin cậy Đức Chúa Trời nữa”. Hãy cố gắng hiểu tình trạng hiện tại của bạn mình, thay vì muốn người ấy làm theo ý bạn. Cần nhớ là bạn mình có lẽ dễ bị tổn thương và cư xử khác trước. Hãy kiên nhẫn và lắng nghe, ngay cả phải nghe đi nghe lại nhiều lần (1 Các Vua 19:9, 10, 13, 14). Người đó có lẽ cần chia sẻ cảm xúc với bạn.

Thông cảm và thận trọng

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH:

“Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc”.​RÔ-MA 12:⁠15.

“Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”.​MA-THI-Ơ 7:​12.

▪ Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người bạn. Nếu đang chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật, đang điều trị hoặc đợi kết quả xét nghiệm, có lẽ người ấy rất căng thẳng và nhạy cảm. Hãy nhận ra điều này và cố thích nghi với tinh thần không ổn định của bạn mình. Có lẽ đây là lúc không nên hỏi quá nhiều câu hỏi, nhất là những câu riêng tư.

Nhà tâm lý học lâm sàng là chị Ana Katalifós cho biết: “Khi bệnh nhân muốn nói chuyện, hãy nói với họ bất cứ đề tài nào họ muốn. Nhưng khi họ không muốn, có lẽ bạn chỉ cần ngồi im, việc thân thiện nắm tay họ cũng có ích. Hoặc bạn có thể thấy họ chỉ cần một bờ vai để họ tựa vào khóc”.

Hãy tôn trọng những điều riêng tư của bạn mình. Tác giả Rosanne Kalick (hai lần bị ung thư nhưng đã khỏi) viết: “Hãy xem những gì người bệnh nói với bạn là bí mật. Đừng tiết lộ thông tin, trừ khi bạn là người đại diện cho gia đình người bệnh. Hãy hỏi xem bệnh nhân có muốn chia sẻ thông tin đó với người khác không”. Anh Edson (đã khỏi bệnh ung thư) cho biết: “Một người bạn của tôi thoải mái nói với người khác rằng tôi mắc bệnh ung thư và chắc tôi không sống được lâu. Tôi đã biết mình bị ung thư và mới phẫu thuật, nhưng phải đợi kết quả sinh thiết. Và kết quả là không có di căn. Nhưng những lời đồn đại ấy đã gây rất nhiều tai hại. Vợ tôi mệt mỏi vì những câu hỏi và lời thiếu tế nhị của người khác”.

Nếu bạn mình đang trong giai đoạn quyết định cách chữa trị, đừng vội nói lên quan điểm riêng của bạn về việc này. Tác giả Lori Hope, đã khỏi bệnh ung thư, cho biết trong cuốn sách của bà (Help Me Live): “Trước khi gửi cho bệnh nhân bất cứ bài hoặc thông tin nào liên quan đến bệnh ung thư, tốt nhất là nên hỏi họ có muốn đọc thông tin đó không”. Nếu không làm thế, nhã ý đó có thể gây tổn thương bạn của mình và có lẽ bạn không bao giờ biết điều này”. Không phải ai cũng muốn biết quá nhiều thông tin về những cách chữa trị.

Dù là bạn thân, bạn không nên ở lại quá lâu khi đến thăm. Sự có mặt của bạn rất quan trọng, nhưng người bạn ấy hẳn không thể nói chuyện nhiều với bạn. Có lẽ người ấy rất mệt và không khỏe để trò chuyện, thậm chí nghe lâu. Mặt khác, đừng để bạn mình cảm thấy là bạn đang nóng lòng muốn đi. Người bạn này cần thấy rõ bạn quan tâm họ đến mức nào.

Việc thận trọng đòi hỏi phải thăng bằng và suy xét. Chẳng hạn, trước khi nấu ăn cho người bạn bị bệnh, có lẽ bạn nên hỏi người ấy thích ăn gì. Nếu bạn bị bệnh, hãy đợi cho đến khi khỏe hẳn rồi mới đi thăm, đó là cách thể hiện tình yêu thương.

Khích lệ

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH:

“Lưỡi người khôn-ngoan vốn là thuốc hay”.​CHÂM-NGÔN 12:18.

“Lời nói anh em phải có ân-hậu theo luôn, và nêm thêm muối”.​CÔ-LÔ-SE 4:6.

▪ Nếu có quan điểm tích cực về người bạn bị bệnh, lời nói và hành động của bạn sẽ cho thấy điều đó. Hãy nghĩ bạn mình vẫn như xưa và có những đức tính thu hút bạn như lúc mới gặp. Đừng đối xử với bạn mình như một người bị bệnh. Nếu nói chuyện với bạn mình như thể người đó là một nạn nhân đáng thương, có lẽ người ấy dần dần nghĩ rằng mình cũng như thế. Chị Roberta (mắc bệnh xương di truyền) nói: “Hãy đối xử với tôi như một người bình thường. Dù bị tàn tật nhưng tôi có ý kiến và ước muốn riêng. Đừng nhìn tôi với ánh mắt thương hại. Đừng nói chuyện với tôi như thể tôi là con nít”.

Hãy lưu ý rằng không chỉ lời nói mà cách nói của bạn cũng quan trọng. Ngay cả ngữ điệu cũng có tác dụng. Không lâu sau khi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, anh Ernesto nhận được một cuộc điện thoại quốc tế từ người bạn. Bạn anh nói: “Tôi không thể tin được anh bị ung thư!”. Anh Ernesto nhớ lại: “Cách anh nói từ “anh” và “ung thư” khiến tôi rùng mình khiếp sợ”.

Tác giả Lori Hope đưa ra ví dụ khác: “Hỏi “Bạn khỏe không?” có thể mang nhiều ý nghĩa đối với bệnh nhân. Qua ngữ điệu, điệu bộ, mối quan hệ, mức độ thân thiện và thời điểm hỏi, chúng ta có thể đem lại sự an ủi, khiến họ bị tổn thương hay sợ hãi hơn”.

Người bạn bị bệnh có lẽ muốn được người khác chăm sóc, thông cảm và tôn trọng. Vì thế, hãy cho thấy anh hoặc chị ấy rất quan trọng đối với bạn và bạn sẵn sàng giúp đỡ bất cứ lúc nào. Chị Rosemary (bị khối u não) nói: “Khi nghe bạn tôi nói họ yêu tôi và muốn ở bên cạnh tôi cho dù có chuyện gì xảy ra, điều đó thật sự khích lệ”.—Châm-ngôn 15:23; 25:11.

Giúp đỡ thực tế

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH:

“Chớ yêu-mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật”.​1 GIĂNG 3:​18.

▪ Nhu cầu sẽ thay đổi khi người bạn bị bệnh đi từ giai đoạn chẩn đoán đến giai đoạn chữa trị. Nhưng trong khoảng thời gian này, người ấy có lẽ cần giúp đỡ. Thay vì nói những câu thông thường như: “Nếu bạn cần gì thì gọi cho tôi”, bạn hãy nói một cách cụ thể hơn. Chúng ta có thể đề nghị giúp đỡ trong các sinh hoạt hàng ngày như nấu ăn, quét dọn, giặt ủi, việc lặt vặt, mua sắm, đưa đón bạn mình đến phòng khám hoặc bệnh viện. Đây là những cách thực tế cho thấy bạn quan tâm đến người bạn bị bệnh. Hãy luôn giữ lời và đúng giờ.—Ma-thi-ơ 5:37.

Tác giả Rosanne Kalick cho biết: “Bất cứ việc gì chúng ta làm, dù lớn hay nhỏ, hầu giúp người bệnh bớt nghĩ đến bệnh tật sẽ rất hữu ích cho họ”. Chị Sílvia (hai lần khỏi bệnh ung thư) cũng đồng ý như vậy. Chị nói: “Việc có bạn đưa tôi đến thị trấn khác để xạ trị mỗi ngày khiến tôi rất thoải mái và dễ chịu! Trên đường đi, chúng tôi nói về nhiều đề tài. Sau mỗi lần trở về, chúng tôi luôn vào một quán cà phê. Điều này làm tôi cảm thấy mình bình thường trở lại”.

Tuy nhiên, đừng quả quyết rằng bạn biết rõ bạn mình cần gì. Chị Kalick đề nghị: “Hãy hỏi, hỏi và hỏi”. Chị cho biết thêm: “Dù có ý giúp đỡ, nhưng không nên kiểm soát mọi điều. Việc này có thể phản tác dụng. Nếu bạn không cho tôi làm gì, điều này có nghĩa là tôi chẳng ra tích sự gì. Tôi cần cảm thấy mình có ích, chứ không phải là một kẻ đáng thương. Hãy giúp tôi làm những gì tôi có thể”.

Bạn của bạn cần cảm thấy mình vẫn còn hữu dụng. Anh Adilson (mắc bệnh AIDS) nói: “Khi mắc bệnh, chúng tôi không muốn bị lờ đi như thể chẳng có tích sự gì hoặc hoàn toàn bất lực. Chúng tôi muốn giúp đỡ, ngay cả nếu đó là những việc nhỏ nhặt. Khi thấy mình vẫn có ích, cảm giác đó thật tuyệt vời! Nó tạo cho chúng tôi động lực để tiếp tục sống. Tôi thích người ta để tôi quyết định, rồi tôn trọng quyết định ấy. Bệnh tật không có nghĩa chúng ta không thể hoàn thành trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ hoặc bất cứ vai trò nào”.

Tiếp tục gắn bó với bạn mình

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH:

“Bằng-hữu thương-mến nhau luôn luôn; và anh em sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn”.​CHÂM-NGÔN 17:17.

▪ Nếu không thể đến thăm bạn mình vì đường xa hoặc các hoàn cảnh khác, bạn có thể gọi điện thoại, viết thư hoặc gửi e-mail. Bạn có thể viết gì? Ông Alan D. Wolfelt, nhà tâm lý học, đề nghị: “Hãy kể lại những kỷ niệm vui. Hãy hứa bạn sẽ sớm viết thư tiếp cho bạn mình và sau đó nhớ giữ lời”.

Không nên do dự việc liên lạc với người bạn đang bị bệnh vì sợ mình sẽ nói sai hoặc làm điều gì có lỗi. Trong nhiều trường hợp, sự có mặt của bạn rất quan trọng. Bà Lori Hope viết trong cuốn sách của mình: “Bất cứ điều gì chúng ta nói và làm có thể gây hiểu lầm hoặc vô tình làm tổn thương người khác. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc chúng ta sợ lầm lỗi đến mức tránh xa người đang cần mình giúp”.

Người bạn đang bị bệnh nặng có thể cần sự giúp đỡ của bạn hơn bao giờ hết. Hãy chứng tỏ mình là người bạn tốt. Nỗ lực ấy có lẽ không làm cho nỗi đau của người bạn đó tan biến, nhưng bạn góp phần giúp cho người mình yêu quý có thêm sức để chịu đựng.

[Chú thích]

^ đ. 9 Một số tên đã đổi.