Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Thợ mộc”

“Thợ mộc”

Đời sống môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu

“Thợ mộc”

“Có phải là con người thợ mộc chăng?”.—MA-THI-Ơ 13:55.

Chúa Giê-su được người ta biết đến không chỉ là “con người thợ mộc” mà còn là “thợ mộc” (Mác 6:3). Có lẽ ngài đã học nghề này từ cha nuôi là ông Giô-sép.

Để làm thợ mộc, Chúa Giê-su cần nắm vững những kỹ năng và sử dụng thành thạo những dụng cụ nào? Ngài hẳn đã cung cấp các sản phẩm và dịch vụ nào cho người dân ở Na-xa-rét? Làm thế nào sự huấn luyện lúc trẻ ảnh hưởng đến đời sống ngài sau này?

Nghề gia truyền. Bức hình bên dưới cho thấy người cha hướng dẫn người con trưởng cách dùng cái khoan tay hình cung một cách hiệu quả và an toàn. Còn đứa con nhỏ hơn thì lắng nghe và chăm chú quan sát.

Các em trai thường bắt đầu học việc ở độ tuổi từ 12 đến 15. Các em thường học nghề từ cha. Sự huấn luyện kéo dài trong nhiều năm, các em phải cố gắng rất nhiều nếu muốn phát triển kỹ năng cần thiết hầu trở thành người thợ mộc giỏi. Hãy hình dung những giờ phút vui vẻ mà ông Giô-sép dành cho Chúa Giê-su: làm việc, trò chuyện và truyền nghề cho con. Hẳn ông Giô-sép tự hào biết bao khi thấy Chúa Giê-su trở thành thợ lành nghề!

Kiến thức, sức khỏe và kỹ năng cần thiết. Người thợ mộc cần biết những tính chất của gỗ mà ông dùng. Ông có thể lấy gỗ từ các cây trồng ở địa phương như cây bách, sồi, tuyết tùng, sung dây và ôliu. Tuy nhiên, vào thời đó không có nơi bán gỗ đã cắt sẵn theo kích cỡ yêu cầu. Thế nên, ông phải vào rừng, chọn những cây thích hợp, đốn xuống rồi kéo những khúc gỗ nặng về xưởng của mình.

Người thợ mộc làm ra những sản phẩm nào từ gỗ mà ông thu về? Có lẽ ông dành nhiều giờ ở ngoài trời để xây nhà. Ông cắt những cây xà để làm mái, làm bậc thang bên trong, cửa, cửa sổ và khung tường.

Người thợ mộc cũng làm đồ nội thất. Các bức hình trong bài cho thấy một số sản phẩm như: cái tủ, kệ hoặc cửa (1); ghế đẩu (2), ghế (3) và bàn (4) có kích thước lẫn hình dạng khác nhau; cái nôi. Để trang trí một số đồ nội thất, có lẽ ông khảm vào các họa tiết phức tạp. Để bảo trì và làm cho sản phẩm đẹp mắt, ông có thể phủ lên sáp ong, véc-ni hoặc dầu.

Thợ mộc cũng làm những dụng cụ cho nhà nông: cái ách (5) làm từ gỗ cứng cũng như cái chĩa, cái cào và xẻng (6). Cái cày (7) phải cứng cáp vì các đầu sắt nhọn của nó sẽ cày những luống qua đất có nhiều đá. Ông làm xe ngựa (8), xe bò cùng với bánh xe gỗ đặc hoặc bánh xe có nan hoa. Công việc của ông cũng bao gồm sửa chữa và bảo trì đồ nội thất, dụng cụ và xe do mình làm ra.

Bạn có thể hình dung công việc thợ mộc ảnh hưởng đến ngoại diện của Chúa Giê-su như thế nào không? Hãy hình dung làn da rám nắng vì ánh mặt trời ở Trung Đông, cơ bắp của ngài rắn chắc vì nhiều năm làm việc nặng nhọc và đôi bàn tay chai sạn do nắm những thanh gỗ nhám, cầm rìu, búa và cưa.

Nguồn gốc các minh họa. Chúa Giê-su là bậc thầy trong việc sử dụng những vật quen thuộc, đơn giản để dạy những điều sâu sắc về tâm linh. Ngài có dùng một vài minh họa từ công việc thợ mộc ngài từng làm không? Hãy xem những trường hợp sau đây. Chúa Giê-su nói với đám đông: “Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình?”. Một người thợ mộc biết cây đà lớn đến mức nào (Ma-thi-ơ 7:3). Sau đó, ngài nói với một nhóm khác: “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng-đáng với nước Đức Chúa Trời”. Dường như ngài cũng làm nhiều cái cày (Lu-ca 9:62). Một trong những lời mời nồng ấm nhất của Chúa Giê-su liên quan đến một dụng cụ mà người thợ mộc làm. Ngài nói: “Hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta... Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” (Ma-thi-ơ 11:29, 30). Chắc chắn, Chúa Giê-su biết cách làm ách “dễ chịu”, tức vừa vặn, chứ không gây phồng giộp tay.

Những người chống đối Chúa Giê-su tỏ thái độ khinh thường, gọi ngài là “con người thợ mộc”. Dù vậy, các môn đồ của Chúa Giê-su ngày nay, cũng như vào thế kỷ thứ nhất, xem việc noi theo gương mẫu của người thợ mộc khiêm nhường này là một đặc ân.

[Khung/​Các hình nơi trang 26]

Thùng dụng cụ của thợ mộc

Vào thế kỷ thứ nhất, những thợ mộc như Chúa Giê-su cần biết cách sử dụng các dụng cụ được mô tả dưới đây. Cái cưa (1) với khung bằng gỗ, gắn lưỡi kim loại có răng để cưa theo chiều kéo xuống. Ông dùng một thước vuông góc (2) để định liệu công việc và một cái dọi (3) để canh các bề mặt theo chiều dọc. Trong thùng dụng cụ của ông cũng có thước thăng bằng (4), một cây thước kẻ (5), một cái bàn bào lưỡi bén có thể điều chỉnh để bào nhẵn miếng gỗ xù xì (6) và một cái rìu (7) để đốn cây.

Cái tiện tay của thợ mộc (8) và cái đục lỗ (9) dùng để cắt và tạo hình những thanh gỗ. Trên nắp thùng có một cái búa gỗ (10) dùng để đóng các chốt hoặc để táng vào cái đục. Bạn cũng thấy cái cưa tay nhỏ (11), cái dao bào (12) để tạo hình, và đinh (13). Phía trước thùng có cái búa sắt (14) và cái rìu (15) để làm phẳng gỗ. Trên nắp thùng cũng có một con dao (16) cũng như các cái đục (17) có nhiều kích cỡ. Cái khoan tay hình cung (18) nằm nghiêng tựa vào cái thùng.