Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đừng sợ dư luận

Đừng sợ dư luận

Đừng sợ dư luận

Về điều đúng điều sai, điều đáng khen hay đáng trách, quan điểm của người ta ở mỗi nơi mỗi khác và thay đổi theo thời gian. Vì thế, khi đọc lời tường thuật của Kinh Thánh về những câu chuyện trong quá khứ, chúng ta cần lưu ý đến quan điểm của người sống vào thời đó thay vì nhìn vấn đề theo quan điểm thời nay.

Chẳng hạn, hãy xem hai khái niệm được nhắc đến nhiều lần trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp: danh dự và sự sỉ nhục. Để hiểu rõ các đoạn Kinh Thánh nói về hai khái niệm này, chúng ta cần biết quan điểm của người thời đó như thế nào.

Quan điểm phổ biến vào thế kỷ thứ nhất

Một học giả nói: “Trong văn hóa của người Hy Lạp, La Mã và Giu-đê, danh dự và sự sỉ nhục là hai khái niệm quan trọng... Người ta sống vì danh dự, tiếng tăm, sự tôn trọng, muốn được người đời chấp nhận, và cũng sẵn sàng chết vì những điều này”. Thế nên, người sống vào thời đó bị lệ thuộc bởi cái nhìn của người khác.

Trong một xã hội phân biệt giai cấp—thấp nhất là nô lệ, cao nhất là giới quý tộc—địa vị và danh dự là những điều quan trọng nhất. Danh dự của một người không chỉ là lòng tự trọng, mà còn là sự coi trọng của xã hội. Coi trọng một người bao hàm việc công nhận trước người khác rằng người ấy đã xử sự đúng đắn; thán phục vì người ấy là nhà quý tộc, có chức vụ hay giàu sang, và dành cho người ấy sự chú ý thích đáng. Một người có thể tạo danh dự bởi những việc làm nhân đạo hoặc thành tích vượt trội. Ngược lại, một người có thể mất danh dự và cảm thấy nhục nhã khi bị khinh rẻ, hoặc bị chế giễu trước đám đông. Nỗi sỉ nhục của người ấy là do xã hội lên án, chứ không chỉ do tự thấy hổ thẹn hoặc lương tâm cắn rứt.

Chúa Giê-su nói về việc ngồi “chỗ cao nhứt” hay “chỗ chót” tại một bữa tiệc, điều này cho thấy trong văn hóa thời đó, vị trí ngồi của khách nói lên sự coi trọng của chủ tiệc dành cho người ấy (Lu 14:8-10). Ít nhất hai lần, các môn đồ của Chúa Giê-su đã tranh cãi để biết “ai là lớn hơn hết” (Lu 9:46; 22:24). Họ phản ánh quan điểm chung của người cùng thời. Còn các thầy thông giáo kiêu ngạo và ganh đua thì cho rằng công việc rao giảng của Chúa Giê-su làm mất uy tín và danh dự của họ. Vì thế, họ cố tranh luận với ngài trước công chúng, nhưng lần nào cũng thua cuộc.—Lu 13:11-17.

Theo học giả trên, trong xã hội Do Thái, Hy Lạp và La Mã ở thế kỷ thứ nhất, người ta cho rằng việc “bị bắt và tố cáo trước công chúng” là đáng xấu hổ. Người bị trói và bỏ tù sẽ cảm thấy nhục nhã. Khi bị đối xử như thế, dù có tội hay không, người ấy mất danh dự trước gia đình, bạn bè và cộng đồng. Vết nhơ này có thể làm mất lòng tự trọng và tổn hại đến các mối quan hệ của người đó. Tệ hơn nữa, một người có thể bị lột quần áo hoặc đánh đòn. Cách đối xử như thế làm mất nhân phẩm của người đó vì bị thiên hạ chế giễu và khinh rẻ.

Nỗi sỉ nhục lớn nhất là bị chết trên cây khổ hình. Học giả Martin Hengel cho biết đây là “hình phạt dành cho những kẻ nô lệ... Vì thế, nó là hình ảnh tượng trưng cho sự sỉ nhục và đau đớn tột cùng”. Gia đình và bạn bè của tử tội sẽ bị cộng đồng gây áp lực để ruồng bỏ người ấy. Vì Chúa Giê-su bị chết theo cách này, nên những ai muốn làm môn đồ ngài vào thời đó phải đối mặt với sự nhạo báng của cộng đồng. Phần lớn người ta cho rằng việc nhận mình là môn đồ của một người đã bị đóng đinh thì thật là điên rồ. Sứ đồ Phao-lô viết: “Chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây [khổ hình], là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ-dại” (1 Cô 1:23). Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đối phó với thử thách này như thế nào?

Quan điểm của tín đồ Đấng Christ

Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất tuân thủ luật pháp của nhà nước, và cố gắng tránh những hành vi sai trái để không bị mang tiếng xấu. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên: “Trong anh em chớ có ai chịu khổ như kẻ giết người, như kẻ trộm-cướp, như kẻ hung-ác, như kẻ thày-lay việc người khác” (1 Phi 4:15). Tuy nhiên, Chúa Giê-su báo trước các môn đồ sẽ bị bắt bớ vì danh ngài (Giăng 15:20). Do đó, Phi-e-rơ nói: “Nếu có ai vì làm tín-đồ Đấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ-thẹn; thà hãy vì danh ấy ngợi-khen Đức Chúa Trời là hơn” (1 Phi 4:16). Các tín đồ không hổ thẹn khi theo Chúa Giê-su, điều này cho thấy họ có quan điểm trái ngược với người cùng thời.

Tín đồ Đấng Christ không thể để cho quan điểm của người khác chi phối hành động của mình. Với người thời đó, thật là điên rồ khi tin một người bị đóng đinh là Đấng Mê-si. Quan điểm này có thể ảnh hưởng đến các tín đồ, khiến họ có suy nghĩ giống như những người xung quanh. Thế nhưng, khi tin Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, họ phải bất chấp miệng lưỡi của người đời để theo ngài. Hơn nữa, Chúa Giê-su phán: “Hễ ai hổ-thẹn về ta và đạo ta, thì Con người sẽ hổ-thẹn về kẻ ấy, khi ngự trong sự vinh-hiển của Cha Ngài mà đến với các thiên-sứ thánh”.—Mác 8:38.

Thời nay, cộng đồng cũng có thể gây áp lực để chúng ta bỏ đức tin. Chẳng hạn, bạn học, hàng xóm hay đồng nghiệp có thể lôi kéo chúng ta làm những việc vô luân, bất lương hoặc không phù hợp với tín đồ Đấng Christ. Họ có thể chê bai tiêu chuẩn đạo đức của chúng ta, khiến mình cảm thấy xấu hổ. Chúng ta nên phản ứng thế nào?

Noi gương những người “khinh điều sỉ-nhục”

Để giữ vững lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su sẵn sàng chịu cái chết nhục nhã nhất. Ngài “chịu lấy cây [khổ hình], khinh điều sỉ-nhục” (Hê 12:2). Trước khi bị đóng đinh, ngài bị chửi, nhổ, vả, lột áo và đánh đập (Mác 14:65; 15:29-32). Thế nhưng, Chúa Giê-su khinh những điều sỉ nhục này. Như thế nào? Ngài không tìm cách trốn tránh mà sẵn sàng chịu sự đối xử ấy. Chúa Giê-su biết ngài vẫn giữ được phẩm giá trong mắt Đức Giê-hô-va, và không tìm sự trọng vọng của con người. Dù bị chết như một nô lệ, nhưng Chúa Giê-su được Đức Giê-hô-va tôn lên bằng cách làm cho sống lại và ban cho vị thế cao trọng nhất bên cạnh Cha. Nơi Phi-líp 2:8-11 có nói: “[Chúa Giê-su] tự hạ mình xuống, vâng-phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây [khổ hình]. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus-Christ là Chúa, mà tôn-vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha”.

Tuy nhiên, không phải là Chúa Giê-su chẳng nghĩ đến nỗi sỉ nhục do cái chết trên cây khổ hình gây nên. Ngài lo là danh của Cha sẽ bị sỉ nhục khi ngài bị kết tội phạm thượng. Vì không muốn cái chết của mình làm ô danh Cha, Chúa Giê-su cầu nguyện: “Xin Cha cất chén nầy khỏi con”. Dù vậy, ngài vẫn làm theo ý muốn của Cha (Mác 14:36). Ngài đã đứng vững trước áp lực và không sợ bị sỉ nhục. Suy cho cùng, chỉ những ai có quan điểm giống với người sống vào thế kỷ thứ nhất mới cảm thấy nhục nhã. Rõ ràng, Chúa Giê-su không có cùng quan điểm với họ.

Môn đồ của Chúa Giê-su thời đó cũng bị giam cầm và đánh đập. Cách đối xử ấy làm họ mất phẩm giá trong mắt nhiều người, khiến họ bị coi thường và khinh bỉ. Thế nhưng, họ không bỏ cuộc. Những môn đồ chân chính đã khinh điều sỉ nhục và đứng vững trước áp lực của dư luận (Mat 10:17; Công 5:40; 2 Cô 11:23-25). Họ biết họ phải ‘vác cây [khổ hình] mình mà theo Chúa Giê-su’.—Lu 9:23, 26.

Còn thời nay thì sao? Những điều thế gian cho là rồ dại, yếu đuối và hèn hạ, thì Đức Chúa Trời xem là khôn sáng, mạnh mẽ và sang trọng (1 Cô 1:25-28). Vậy, chẳng phải là thiếu khôn ngoan nếu chúng ta để dư luận ảnh hưởng quá mức đến mình hay sao?

Những ai muốn được người đời trọng vọng thì phải lệ thuộc vào cái nhìn của thế gian về họ. Ngược lại, như Chúa Giê-su và các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất, chúng ta muốn giữ tình bạn với Đức Giê-hô-va. Vì thế, chúng ta hãy coi trọng những gì Ngài xem là đáng trọng, và chỉ hổ thẹn về những gì Ngài xem là đáng hổ thẹn.

[Hình nơi trang 4]

Chúa Giê-su không bị ảnh hưởng bởi quan điểm của thế gian về sự sỉ nhục