Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúa Giê-su tôn cao sự công bình của Đức Chúa Trời

Chúa Giê-su tôn cao sự công bình của Đức Chúa Trời

Chúa Giê-su tôn cao sự công bình của Đức Chúa Trời

“[Chúa Giê-su] là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm của-lễ chuộc tội, bởi đức-tin trong huyết Đấng ấy. Ngài đã bày-tỏ sự công-bình mình”.—RÔ 3:25.

1, 2. (a) Kinh Thánh dạy gì về tình trạng con người? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài này?

Nhiều người biết đến lời tường thuật của Kinh Thánh về cuộc phản loạn trong vườn Ê-đen. Tất cả chúng ta đều cảm nhận hậu quả của tội lỗi A-đam như được giải thích qua những lời sau: “Bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô 5:12). Dù cố gắng đến đâu để làm điều đúng, chúng ta đều phạm lỗi và cần Đức Chúa Trời tha thứ. Ngay cả sứ đồ Phao-lô cũng than: “Tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn. Khốn-nạn cho tôi!”.—Rô 7:19, 24.

2 Vì chúng ta đều có bản chất tội lỗi nên có những câu hỏi quan trọng sau: Làm thế nào Chúa Giê-su người Na-xa-rét có thể sinh ra mà không nhiễm tội lỗi di truyền, và tại sao ngài chịu phép báp-têm? Đời sống Chúa Giê-su đã tôn cao sự công bình của Đức Giê-hô-va như thế nào? Quan trọng nhất, sự chết của Chúa Giê-su đã hoàn thành những gì?

Sự công bình của Đức Chúa Trời bị thách thức

3. Sa-tan đã lừa Ê-va như thế nào?

3 Thủy tổ chúng ta là A-đam và Ê-va đã dại dột từ chối quyền cai trị tối thượng của Đức Chúa Trời để chọn sự cai trị của “con rắn xưa, gọi là ma-quỉ và Sa-tan” (Khải 12:9). Hãy xem việc này đã xảy ra như thế nào. Sa-tan nêu nghi vấn về tính công bình trong cách cai trị của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Hắn hỏi Ê-va: “Đức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao?”. Ê-va lặp lại mệnh lệnh rõ ràng của Đức Chúa Trời là không được đụng đến một cây, nếu không họ sẽ chết. Sa-tan quy cho Đức Chúa Trời tội nói dối. Ma-quỉ nói: “Hai ngươi chẳng chết đâu”. Sau đó, hắn lừa gạt Ê-va, khiến bà tin rằng Đức Chúa Trời giữ lại một điều tốt và nếu ăn trái của cây ấy bà sẽ trở nên như Đức Chúa Trời, không lệ thuộc Ngài về vấn đề đạo đức.—Sáng 3:1-5.

4. Làm thế nào nhân loại rơi vào sự cai trị đối nghịch của Sa-tan?

4 Về cơ bản, Sa-tan ngụ ý rằng loài người sẽ hạnh phúc hơn khi đi theo đường lối độc lập, không phụ thuộc Đức Chúa Trời. Thay vì ủng hộ tính công bình trong sự cai trị của Đức Chúa Trời, A-đam nghe theo vợ và cùng bà ăn trái cấm. Như vậy, A-đam bỏ vị thế hoàn hảo trước mắt Đức Giê-hô-va và khiến chúng ta phải chịu ách khắc nghiệt của tội lỗi và sự chết. Đồng thời, nhân loại rơi vào sự cai trị đối nghịch của Sa-tan, “chúa đời nầy”.—2 Cô 4:4; Rô 7:14.

5. (a) Đức Giê-hô-va đã thực hiện đúng lời Ngài như thế nào? (b) Đức Chúa Trời đã ban hy vọng nào cho con cháu của A-đam và Ê-va?

5 Đúng như lời không thể nào sai của Đức Giê-hô-va, Ngài tuyên án rằng A-đam và Ê-va phải chết (Sáng 3:16-19). Nhưng điều đó không có nghĩa là ý định của Đức Chúa Trời đã thất bại. Khi kết án A-đam và Ê-va, Đức Giê-hô-va cho con cháu tương lai của họ tia hy vọng. Ngài thông báo ý định dấy lên một “dòng-dõi” mà sẽ bị Sa-tan cắn gót chân. Tuy nhiên, Dòng Dõi ấy sẽ hồi phục và “giày-đạp đầu [Sa-tan]” (Sáng 3:15). Kinh Thánh cho biết thêm chi tiết về đề tài này qua những lời sau đây liên quan đến Chúa Giê-su: “Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy-phá công-việc của ma-quỉ” (1 Giăng 3:8). Nhưng tư cách và sự chết của Chúa Giê-su đã tôn cao sự công bình của Đức Chúa Trời như thế nào?

Ý nghĩa phép báp-têm của Chúa Giê-su

6. Làm sao chúng ta biết Chúa Giê-su không nhiễm tội lỗi di truyền từ A-đam?

6 Khi là người trưởng thành, Chúa Giê-su phải hoàn toàn tương đương với A-đam—người một thời hoàn hảo (Rô 5:14; 1 Cô 15:45). Như vậy Chúa Giê-su phải sinh ra là người hoàn toàn. Làm sao chuyện này có thể xảy ra? Thiên sứ Gáp-ri-ên giải thích rõ với mẹ của Chúa Giê-su là Ma-ri: “Thánh-Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền-phép Đấng Rất-Cao sẽ che-phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời” (Lu 1:35). Khi còn bé, hẳn Chúa Giê-su đã được Ma-ri cho biết về việc sinh ra của ngài. Vì vậy, vào dịp bà Ma-ri và ông Giô-sép, cha nuôi của Chúa Giê-su, tìm thấy ngài trong đền thờ Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su hỏi: “[Cha mẹ] há chẳng biết tôi phải lo việc Cha tôi sao?” (Lu 2:49). Như thế, từ thuở nhỏ, Chúa Giê-su đã biết ngài là Con Đức Chúa Trời. Thế nên, tôn cao sự công bình của Đức Chúa Trời là điều rất quan trọng đối với ngài.

7. Chúa Giê-su có những điều quý giá nào?

7 Chúa Giê-su cho thấy ngài rất chú ý đến điều thiêng liêng qua việc đều đặn tham dự các buổi thờ phượng. Với trí tuệ hoàn hảo, ngài hẳn đã hấp thu mọi điều đã nghe và đọc trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ (Lu 4:16). Ngài còn có một điều quý giá khác—một thân thể hoàn toàn có thể được dâng làm của lễ vì lợi ích của loài người. Khi làm báp-têm, Chúa Giê-su đã cầu nguyện và có lẽ đã nghĩ đến lời tiên tri nơi Thi-thiên 40:6-8.—Lu 3:21; đọc Hê-bơ-rơ 10:5-10 *.

8. Tại sao Giăng Báp-tít cố ngăn Chúa Giê-su làm báp-têm?

8 Giăng Báp-tít lúc đầu đã muốn ngăn Chúa Giê-su làm báp-têm. Tại sao? Vì phép báp-têm Giăng làm cho người Do Thái biểu trưng cho việc họ ăn năn tội lỗi vì đã vi phạm Luật Pháp. Là bà con gần, Giăng hẳn đã biết Chúa Giê-su là công bình và vì thế không cần phải ăn năn. Chúa Giê-su bảo đảm với Giăng rằng việc ngài làm báp-têm là điều thích hợp. Ngài giải thích: “Cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công-bình như vậy”.—Mat 3:15.

9. Phép báp-têm của Chúa Giê-su tượng trưng cho điều gì?

9 Là người hoàn toàn, Chúa Giê-su có thể kết luận rằng giống như A-đam, ngài có khả năng sinh ra một dòng dõi hoàn toàn. Tuy nhiên, Chúa Giê-su không hề muốn một tương lai như thế vì đó không phải là ý muốn của Đức Giê-hô-va dành cho ngài. Đức Chúa Trời đã phái Chúa Giê-su xuống đất để thực hiện vai trò Dòng Dõi đã hứa, tức Đấng Mê-si. Điều này bao hàm việc Chúa Giê-su hy sinh mạng sống hoàn toàn của ngài. (Đọc Ê-sai 53:5, 6, 12). Tất nhiên, phép báp-têm của Chúa Giê-su không có cùng ý nghĩa như phép báp-têm của chúng ta. Phép báp-têm của ngài không bao hàm sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va vì Chúa Giê-su thuộc về dân tộc đã dâng mình cho Đức Chúa Trời là dân Y-sơ-ra-ên. Đúng hơn, phép báp-têm của Chúa Giê-su tượng trưng cho việc ngài trình diện để thi hành ý muốn Đức Chúa Trời như được báo trước trong Kinh Thánh về Đấng Mê-si.

10. Làm theo ý muốn Đức Chúa Trời bao gồm điều gì trong vai trò Đấng Mê-si, và Chúa Giê-su cảm thấy thế nào?

10 Ý muốn của Đức Giê-hô-va dành cho Chúa Giê-su bao gồm việc rao giảng tin mừng về Nước Trời, đào tạo môn đồ và chuẩn bị họ để làm công việc đào tạo này trong tương lai. Việc Chúa Giê-su trình diện cũng bao gồm việc ngài sẵn sàng chịu đựng ngược đãi và chết một cách đau đớn để ủng hộ sự cai trị công bình của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Vì rất yêu thương Cha trên trời, Chúa Giê-su vui thích làm theo ý muốn Đức Chúa Trời và rất sẵn lòng dâng thân thể làm của lễ (Giăng 14:31). Chúa Giê-su cũng vui vì biết rằng giá trị mạng sống hoàn toàn của ngài có thể được dâng lên cho Đức Chúa Trời để làm giá chuộc giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết. Đức Chúa Trời có chấp nhận việc Chúa Giê-su trình diện để gánh vác những trọng trách ấy không? Chắc chắn có!

11. Làm thế nào Đức Giê-hô-va đã cho thấy Ngài chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si đã hứa, tức Đấng Christ?

11 Cả bốn người viết sách Phúc âm đều chứng nhận Đức Chúa Trời đã cho thấy rõ sự hài lòng khi Chúa Giê-su vừa ra khỏi nước ở sông Giô-đanh. Giăng Báp-tít chứng nhận: “Ta đã thấy Thánh-Linh từ trời giáng xuống như chim bồ-câu, đậu trên mình Ngài... Ta đã thấy, nên ta làm chứng rằng: Ấy chính Ngài là Con Đức Chúa Trời” (Giăng 1:32-34). Hơn nữa, vào dịp đó, Đức Giê-hô-va cũng phán rằng: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng”.—Mat 3:17; Mác 1:11; Lu 3:22.

Trung thành cho đến chết

12. Sau khi làm báp-têm, Chúa Giê-su đã làm gì trong ba năm rưỡi?

12 Trong ba năm rưỡi sau đó, Chúa Giê-su để hết tâm trí vào việc dạy dỗ người ta về Cha ngài và về sự công bình trong quyền cai trị của Đức Chúa Trời. Ngài rất mệt khi đi bộ khắp vùng Đất Hứa, nhưng không gì có thể cản trở ngài làm chứng cặn kẽ về lẽ thật (Giăng 4:6, 34; 18:37). Chúa Giê-su dạy dỗ người khác về Nước Đức Chúa Trời. Qua việc làm phép lạ để chữa lành người bệnh, cung cấp thức ăn cho đoàn dân đang đói và ngay cả làm người chết sống lại, Chúa Giê-su cho thấy những gì Nước Trời sẽ thực hiện cho loài người.—Mat 11:4, 5.

13. Chúa Giê-su dạy gì về sự cầu nguyện?

13 Thay vì để người khác tôn vinh ngài về những dạy dỗ và việc chữa lành, Chúa Giê-su nêu gương xuất sắc qua việc khiêm nhường hướng mọi sự ca ngợi đến Đức Giê-hô-va (Giăng 5:19; 11:41-44). Chúa Giê-su cũng cho biết những điều quan trọng nhất mà chúng ta nên cầu nguyện. Chúng ta nên cầu xin cho danh của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va “được thánh”, và sự cai trị công bình của Ngài thay thế sự thống trị gian ác của Sa-tan hầu “ý [Ngài] được nên, ở đất như trời” (Mat 6:9, 10). Chúa Giê-su cũng khuyến giục chúng ta hành động phù hợp với lời cầu nguyện đó bằng cách ‘trước hết tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài’.—Mat 6:33.

14. Dù hoàn toàn, tại sao Chúa Giê-su phải nỗ lực để thực hiện vai trò mình trong ý định của Đức Chúa Trời?

14 Khi gần đến lúc phải hy sinh mạng sống làm của lễ, Chúa Giê-su càng ý thức về trách nhiệm đang đè nặng trên vai ngài. Ý định và thanh danh của Cha ngài tùy thuộc vào việc ngài chịu đựng thử thách bất công và cái chết đau đớn. Năm ngày trước khi chết, Chúa Giê-su thốt lên: “Hiện nay tâm-thần ta bối-rối; ta sẽ nói gì?... Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ nầy! Nhưng ấy cũng vì sự đó mà Con đến giờ nầy!”. Sau những lời bày tỏ cảm xúc tự nhiên ấy của con người, Chúa Giê-su chuyển sang vấn đề quan trọng hơn và cầu nguyện: “Cha ơi, xin làm sáng danh Cha!”. Ngay lập tức, Đức Giê-hô-va đáp lời: “Ta đã làm sáng danh rồi, ta còn làm cho sáng danh nữa!” (Giăng 12:27, 28). Chúa Giê-su sẵn lòng chịu đựng thử thách lớn nhất về sự trung kiên mà từ trước đến nay chưa người nào phải đương đầu. Nhưng khi nghe những lời ấy của Cha trên trời, Chúa Giê-su hẳn có được niềm tin mạnh mẽ là ngài sẽ thành công trong việc tôn cao và biện minh cho quyền cai trị chính đáng của Đức Giê-hô-va. Và Chúa Giê-su quả đã thành công!

Sự chết của Chúa Giê-su đã hoàn thành những gì?

15. Ngay trước khi chết, tại sao Chúa Giê-su nói: “Mọi việc đã được trọn”?

15 Khi bị treo trên cây khổ hình và sắp trút hơi thở cuối cùng trong sự đau đớn, Chúa Giê-su nói: “Mọi việc đã được trọn” (Giăng 19:30). Trong ba năm rưỡi từ khi làm báp-têm cho đến lúc chết, Chúa Giê-su đã hoàn thành những điều thật quan trọng với sự trợ giúp của Đức Chúa Trời! Khi Chúa Giê-su chết, có trận động đất mạnh, và thầy đội người La Mã giám sát việc hành quyết đã thốt lên: “Thật người nầy là Con Đức Chúa Trời” (Mat 27:54). Thầy đội đó có lẽ đã thấy Chúa Giê-su bị chế nhạo khi ngài nhận mình là Con Đức Chúa Trời. Dù chịu đựng mọi đau đớn, Chúa Giê-su giữ lòng trung kiên và chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối ghê tởm. Về tất cả những ai ủng hộ sự cai trị của Đức Chúa Trời, Sa-tan đã nêu thách thức này: “Phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng-sống mình” (Gióp 2:4). Qua sự trung thành, Chúa Giê-su cho thấy rằng A-đam và Ê-va đã có thể trung thành trong thử thách của họ, một thử thách dễ dàng hơn nhiều. Quan trọng hơn hết, cuộc đời và cái chết của Chúa Giê-su ủng hộ và tôn cao tính công bình trong sự cai trị của Đức Giê-hô-va. (Đọc Châm-ngôn 27:11). Sự chết của Chúa Giê-su còn hoàn thành điều gì khác nữa không?

16, 17. (a) Tại sao các nhân chứng của Đức Giê-hô-va trước thời Chúa Giê-su có thể có được vị thế công bình trước mắt Đức Chúa Trời? (b) Nhờ trung thành, Chúa Giê-su đã được Đức Giê-hô-va ban thưởng như thế nào, và Chúa Giê-su tiếp tục làm gì?

16 Nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã sống trước thời Chúa Giê-su ở trên đất. Họ có vị thế công bình trước mắt Đức Chúa Trời và được ban cho hy vọng sống lại (Ê-sai 25:8; Đa 12:13). Nhưng dựa trên cơ sở pháp lý nào mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời thánh khiết có thể ban những điều tuyệt diệu như thế cho con người tội lỗi? Kinh Thánh giải thích: “[Chúa Giê-su] là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm của-lễ chuộc tội, bởi đức-tin trong huyết Đấng ấy. Ngài đã bày-tỏ sự công-bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia, trong buổi Ngài nhịn-nhục; tức là Ngài đã tỏ sự công-bình Ngài trong thời hiện-tại, tỏ ra mình là công-bình và xưng công-bình kẻ nào tin đến Đức Chúa Jêsus”.—Rô 3:25, 26 *.

17 Đức Giê-hô-va cho Chúa Giê-su sống lại và ban cho ngài địa vị cao hơn trước khi xuống đất. Chúa Giê-su giờ đây có được sự bất tử với tư cách tạo vật thần linh vinh hiển (Hê 1:3). Là Thầy tế lễ thượng phẩm và Vua, Chúa Giê-su tiếp tục giúp các môn đồ ngài tôn cao sự công bình của Đức Chúa Trời. Và chúng ta biết ơn làm sao vì Cha trên trời, Đức Giê-hô-va, là Đấng hay thưởng cho những ai làm điều này và trung thành phụng sự Ngài giống như Chúa Giê-su!—Đọc Thi-thiên 34:3; Hê-bơ-rơ 11:6.

18. Bài học tới sẽ tập trung vào điều gì?

18 Những người trung thành từ thời A-bên đã có được mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va vì họ thể hiện đức tin nơi Ngài và tin nơi Dòng Dõi đã hứa. Đức Giê-hô-va biết trước Con Ngài sẽ giữ được lòng trung kiên, và cái chết của Con Ngài sẽ hoàn toàn che phủ “tội-lỗi thế-gian” (Giăng 1:29). Cái chết của Chúa Giê-su cũng mang lại lợi ích cho những người sống ngày nay (Rô 3:26). Vậy giá chuộc của Chúa Giê-su có thể mang lại những ân phước nào cho bạn? Đó sẽ là chủ đề của bài tới.

[Chú thích]

^ đ. 7 Ở đây sứ đồ Phao-lô trích dẫn Thi-thiên 40:6-8 theo bản dịch Kinh Thánh Septuagint tiếng Hy Lạp. Bản dịch ấy có câu “Chúa đã sắm-sửa một thân-thể cho tôi”. Câu này không có trong những bản chép tay phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ xưa.

^ đ. 16 Xin xem “Độc giả thắc mắc” nơi trang 6 và 7.

Bạn trả lời thế nào?

• Sự công bình của Đức Chúa Trời bị thách thức như thế nào?

• Phép báp-têm của Chúa Giê-su tượng trưng cho điều gì?

• Sự chết của Chúa Giê-su hoàn thành những gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 9]

Bạn có biết phép báp-têm của Chúa Giê-su tượng trưng cho điều gì không?