Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ai có thể giải cứu người kêu cầu sự giúp đỡ?

Ai có thể giải cứu người kêu cầu sự giúp đỡ?

Ai có thể giải cứu người kêu cầu sự giúp đỡ?

“Hỡi Đức Chúa Trời, xin ban cho vua sự xét-đoán của Chúa... Vì người sẽ giải kẻ thiếu-thốn khi nó kêu-cầu”.—THI 72:1, 12.

1. Trong trường hợp của Đa-vít, chúng ta học được gì về lòng thương xót của Đức Chúa Trời?

Những lời ấy thật ấm lòng biết bao! Dường như đây là lời do Đa-vít, vua Y-sơ-ra-ên xưa, viết ra. Nhiều năm trước đó, ông rất hối hận vì đã phạm tội ngoại tình với Bát-Sê-ba. Lúc ấy, Đa-vít cầu xin Đức Chúa Trời: “Xin hãy xóa các sự vi-phạm tôi theo sự từ-bi [“lòng thương xót”, Bản Dịch Mới] rất lớn của Chúa... Tội-lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi... Kìa, tôi sanh ra trong sự gian-ác, mẹ tôi đã hoài-thai tôi trong tội-lỗi” (Thi 51:1-5). Đức Giê-hô-va thương xót lưu ý đến tình trạng tội lỗi di truyền của chúng ta.

2. Bài Thi-thiên 72 có thể giúp chúng ta như thế nào?

2 Đức Giê-hô-va hiểu tình trạng đáng buồn của chúng ta. Nhưng như được báo trước, vua do Đức Chúa Trời bổ nhiệm “sẽ giải kẻ thiếu-thốn khi nó kêu-cầu, và cứu người khốn-cùng không có ai giúp-đỡ. Người sẽ thương-xót kẻ khốn-cùng, người thiếu-thốn, và cứu linh-hồn của người thiếu-thốn” (Thi 72:12, 13). Sự giải thoát này sẽ được cung cấp thế nào? Thi-thiên 72 cho chúng ta biết. Nói về sự cai trị của con vua Đa-vít là Sa-lô-môn, bài hát này cho thấy trước làm thế nào sự cai trị của Con Đức Chúa Trời là Chúa Giê-su sẽ giải thoát nhân loại khỏi sự đau khổ.

Thấy trước sự cai trị của Chúa Giê-su

3. Sa-lô-môn cầu xin điều gì, và Đức Chúa Trời đã ban cho ông gì?

3 Sau khi truyền lệnh lập Sa-lô-môn làm vua, vị vua cao tuổi Đa-vít đã cho con ông những chỉ dẫn cụ thể và Sa-lô-môn trung thành làm theo (1 Vua 1:32-35; 2:1-3). Sau này, Đức Giê-hô-va hiện đến cùng Sa-lô-môn trong giấc chiêm bao và phán: “Hãy xin điều gì ngươi muốn ta ban cho ngươi”. Sa-lô-môn chỉ xin một điều: “Xin ban cho kẻ tôi-tớ Chúa tấm lòng khôn-sáng, để đoán-xét dân-sự Ngài và phân-biệt điều lành điều dữ”. Với lời cầu xin khiêm nhường đó, Sa-lô-môn được Đức Chúa Trời ban cho điều ông xin và nhiều điều khác nữa.—1 Vua 3:5, 9-13.

4. Một nhà cai trị cùng thời với Sa-lô-môn đã nói gì về sự cai trị của ông?

4 Với ân phước của Đức Giê-hô-va, triều đại Sa-lô-môn là thời kỳ bình an và thịnh vượng nổi bật nhất so với bất cứ sự cai trị nào trên đất (1 Vua 4:25). Trong số những người đến để tận mắt thấy sự cai trị của Sa-lô-môn, có nữ vương Sê-ba cùng với đoàn tùy tùng lớn. Bà nói với Sa-lô-môn: “Điều tôi nghe nói trong xứ tôi... thì thật lắm... Người ta chẳng nói đến được phân nửa! Sự khôn-ngoan và oai-nghi của vua trổi hơn tiếng-đồn tôi đã nghe” (1 Vua 10:1, 6, 7). Tuy nhiên, sự khôn ngoan mà Chúa Giê-su thể hiện thì vượt trội hơn nữa. Ngài có thể nói đúng về mình: “Đây nầy, có một người tôn-trọng hơn vua Sa-lô-môn!”.—Mat 12:42.

Được giải thoát nhờ sự cai trị của Sa-lô-môn Lớn

5. Bài Thi-thiên 72 cho biết điều gì, và cho thấy trước gì?

5 Giờ đây chúng ta hãy xem xét những đặc điểm của bài Thi-thiên 72 để biết về ân phước dưới triều đại Chúa Giê-su, Sa-lô-môn Lớn. (Đọc Thi-thiên 72:1-4). Bài Thi-thiên này cho biết Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về “quyền cai-trị” của Con Ngài, “Chúa Bình-an”, là Chúa Giê-su (Ê-sai 9:5, 6). Dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, Sa-lô-môn Lớn sẽ bênh vực cho ‘kẻ khốn-cùng của dân và cứu con-cái người thiếu-thốn’. Sự cai trị của ngài sẽ mang lại bình an và công bình. Khi ở trên đất, Chúa Giê-su cho thấy trước những điều mà Triều Đại Một Ngàn Năm của ngài sẽ thực hiện.—Khải 20:4.

6. Chúa Giê-su cho thấy sơ qua những ân phước nào dưới sự cai trị của Nước Trời?

6 Một số việc Chúa Giê-su đã làm giúp chúng ta thấy sơ qua những điều ngài sẽ thực hiện cho nhân loại khi làm ứng nghiệm bài Thi-thiên 72. Hãy cùng xem những việc này. Chúng ta cảm kích trước lòng thương xót bao la của ngài đối với những người đau khổ (Mat 9:35, 36; 15:29-31). Chẳng hạn, một người bị bệnh phung đến gần ngài và nài xin: “Nếu Chúa khứng, có thể khiến tôi sạch được”. Chúa Giê-su đáp: “Ta khứng, hãy sạch đi”. Và ông ấy được chữa lành! (Mác 1:40-42). Một lần khác, Chúa Giê-su gặp bà góa có con trai một qua đời. Ngài “động lòng thương-xót” và phán: “Chờ dậy”. Con trai bà đã ngồi dậy và được sống lại!—Lu 7:11-15.

7, 8. Một số trường hợp nào cho thấy quyền năng chữa bệnh của Chúa Giê-su?

7 Đức Giê-hô-va ban quyền năng cho Chúa Giê-su làm phép lạ. Điều này được thấy rõ trong trường hợp “một người đàn-bà bị bịnh mất huyết đã mười hai năm”. Dù bà “chịu khổ-sở trong tay nhiều thầy thuốc, hao-tốn hết tiền-của” nhưng bệnh ngày càng nặng hơn. Bà lẩn vào đám đông và chạm vào Chúa Giê-su—một hành động vi phạm qui định của Luật pháp về người nữ có kinh nguyệt và bị rong huyết (Lê 15:19, 25). Chúa Giê-su nhận biết có lực đã ra khỏi ngài nên hỏi ai đã chạm đến ngài. Người đàn bà ấy “run-sợ đến gieo mình dưới chân Ngài, tỏ hết tình thật”. Biết Đức Giê-hô-va đã chữa lành cho bà, Chúa Giê-su đối xử nhân từ với bà, ngài phán: “Hỡi con gái ta, đức-tin con đã cứu con; hãy đi cho bình-an và được lành bịnh”.—Mác 5:25-27, 30, 33, 34.

8 Quyền năng chữa bệnh mà Đức Chúa Trời ban cho Chúa Giê-su không những chữa lành người bệnh mà còn gây ấn tượng mạnh nơi người xem. Chẳng hạn, trước khi Chúa Giê-su nói Bài giảng trên núi, nhiều người hẳn đã thán phục khi thấy ngài chữa lành bệnh cho đoàn dân (Lu 6:17-19). Khi Giăng Báp-tít sai hai môn đồ đến để biết chắc Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, họ thấy ngài đang “chữa lành nhiều kẻ bịnh, kẻ tàn-tật, kẻ mắc quỉ dữ, và làm cho nhiều người đui được sáng”. Bấy giờ Chúa Giê-su nói với hai người: “Hãy về báo cho Giăng sự các ngươi đã thấy và đã nghe: kẻ đui được sáng, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, Tin-lành đã rao-giảng cho kẻ nghèo” (Lu 7:19-22). Thông điệp ấy hẳn đã khích lệ Giăng biết bao!

9. Các phép lạ của Chúa Giê-su cho thấy trước điều gì?

9 Trong thời gian làm thánh chức trên đất, những điều Chúa Giê-su thực hiện để giải cứu người ta khỏi đau khổ chỉ là tạm thời. Những người được ngài chữa lành hoặc làm sống lại rồi cũng chết. Nhưng những phép lạ Chúa Giê-su đã làm cho thấy trước sự giải thoát vĩnh viễn dành cho nhân loại dưới sự cai trị của Đấng Mê-si.

Một địa đàng trên khắp đất ở trước mắt!

10, 11. (a) Ân phước của Nước Trời sẽ kéo dài bao lâu, và sự cai trị của Chúa Giê-su sẽ như thế nào? (b) Ai sẽ được ở với Chúa Giê-su trong Địa Đàng, và làm thế nào ông có thể sống đời đời?

10 Hãy thử hình dung đời sống sẽ ra sao trong Địa Đàng. (Đọc Thi-thiên 72:5-9). Những người thờ phượng Đức Chúa Trời có thể vui hưởng đời sống cho đến chừng mặt trời và mặt trăng không còn nữa—đúng vậy, cho đến mãi mãi. Vua Giê-su sẽ là nguồn mang lại sự khoan khoái, “như mưa trên cỏ mới phát, khác nào giọt của trận mưa tưới đất vậy”.

11 Khi hình dung sự ứng nghiệm của bài Thi-thiên này, lòng bạn không háo hức về niềm hy vọng sống đời đời trong một địa đàng sao? Hẳn phạm nhân bị hành hình bên cạnh Chúa Giê-su đã xúc động khi ngài nói: “Ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” (Lu 23:43). Trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Chúa Giê-su, ông sẽ được sống lại. Nếu vâng phục quyền cai trị của ngài, ông có thể sống đời đời trên đất trong hạnh phúc và sức khỏe hoàn hảo.

12. Trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Chúa Giê-su, những người không công bình được sống lại sẽ có cơ hội nào?

12 Dưới sự cai trị của Sa-lô-môn Lớn là Chúa Giê-su, “người công-bình sẽ hưng-thịnh” (Thi 72:7). Tình yêu thương và sự chăm sóc ân cần của Chúa Giê-su sẽ được thể hiện dồi dào, giống như khi ngài ở trên đất. Trong thế giới mới Đức Chúa Trời đã hứa, ngay cả ‘người không công-bình’ được sống lại cũng được yêu thương cho cơ hội làm theo các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va và nhận sự sống (Công 24:15). Dĩ nhiên, những ai từ chối làm theo các đòi hỏi của Đức Chúa Trời sẽ không được phép tiếp tục sống và quấy nhiễu sự an bình của thế giới mới.

13. Sự cai trị của Nước Trời sẽ rộng lớn như thế nào, và tại sao sự bình an của nước ấy sẽ không bao giờ bị quấy nhiễu?

13 Sự cai trị trên khắp đất của Sa-lô-môn Lớn được miêu tả như sau: “Người sẽ quản-hạt từ biển nầy tới biển kia, từ sông [Ơ-phơ-rát] cho đến cùng trái đất. Những người ở đồng vắng sẽ cúi lạy trước mặt người; còn các kẻ thù-nghịch người sẽ liếm bụi đất” (Thi 72:8, 9). Thật thế, Chúa Giê-su sẽ cai trị khắp đất (Xa 9:9, 10). Những ai quý trọng quyền cai trị của ngài và những ân phước đến từ đó sẽ “cúi lạy” với lòng sẵn sàng phục tùng. Trái lại, có thể nói những người phạm tội không ăn năn sẽ bị diệt trừ “lúc trăm tuổi” (Ê-sai 65:20). Họ “sẽ liếm bụi đất”.

Lòng quan tâm đầy cảm thông đối với chúng ta

14, 15. Làm sao chúng ta biết Chúa Giê-su hiểu cảm xúc của con người và ‘sẽ giải kẻ thiếu-thốn khi họ kêu-cầu’?

14 Nhân loại tội lỗi ở trong tình trạng đáng thương và rất cần sự giúp đỡ. Nhưng chúng ta có hy vọng. (Đọc Thi-thiên 72:12-14). Chúa Giê-su, Sa-lô-môn Lớn, có sự cảm thông vì ngài hiểu tình trạng bất toàn của chúng ta. Hơn nữa, ngài đã chịu khổ vì sự công bình, và Đức Chúa Trời để cho ngài tự đối mặt với thử thách. Thật vậy, Chúa Giê-su đã căng thẳng đến mức “mồ-hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất” (Lu 22:44). Sau đó, trên cây khổ hình ngài kêu lớn: “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa-bỏ tôi?” (Mat 27:45, 46). Dù phải chịu nhiều gian khổ và Sa-tan tìm mọi cách làm cho ngài lìa bỏ Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su vẫn trung thành.

15 Chúng ta có thể tin chắc rằng Chúa Giê-su thấy nỗi đau của chúng ta và ‘sẽ giải kẻ thiếu-thốn khi họ kêu-cầu, và cứu người khốn-cùng không có ai giúp-đỡ’. Với lòng quan tâm đầy yêu thương như Cha ngài, Chúa Giê-su sẽ “nghe kẻ thiếu-thốn”, “chữa lành người có lòng đau-thương, và bó vít của họ” (Thi 69:33; 147:3). Chúa Giê-su có thể “cảm-thương sự yếu-đuối chúng ta” vì ngài “bị thử-thách trong mọi việc cũng như chúng ta” (Hê 4:15). Thật khích lệ khi biết vua Giê-su hiện đang cai trị trên trời và mong muốn giải thoát nhân loại khỏi sự đau khổ!

16. Tại sao Sa-lô-môn có thể cảm thông với thần dân của ông?

16 Vì có sự khôn ngoan và thông biết, Sa-lô-môn chắc hẳn “thương-xót kẻ khốn-cùng”. Ngoài ra, cuộc đời ông đã trải qua những biến cố đau thương. Anh ông là Am-nôn đã cưỡng hiếp chị ông là Ta-ma, và người anh Áp-sa-lôm đã cho người giết Am-nôn vì tội lỗi ấy (2 Sa 13:1, 14, 28, 29). Áp-sa-lôm chiếm ngôi Đa-vít nhưng không được bao lâu, và ông bị Giô-áp giết (2 Sa 15:10, 14; 18:9, 14). Sau này, người anh khác của Sa-lô-môn là A-đô-ni-gia tìm cách giành lấy quyền làm vua. Nếu A-đô-ni-gia thành công, chắc hẳn Sa-lô-môn đã chết (1 Vua 1:5). Qua lời cầu nguyện của Sa-lô-môn tại lễ khánh thành đền thờ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể thấy Sa-lô-môn hiểu nỗi đau khổ của con người. Vua cầu nguyện cho thần dân mình: ‘Ví bằng họ nhận-biết tai-vạ và sự đau-đớn của mình... Xin Đức Giê-hô-va tha-thứ cho, và báo lại cho mỗi người tùy theo công-việc họ’.—2 Sử 6:29, 30.

17, 18. Một số tôi tớ Đức Chúa Trời phải đương đầu với nỗi đau nào, và điều gì đã giúp họ?

17 “Sự đau-đớn của mình” có thể là do một số trải nghiệm trong cuộc đời. Chị Mary *, một Nhân Chứng Giê-hô-va ngoài 30 tuổi, viết: “Lẽ ra tôi phải hạnh phúc, nhưng quá khứ thường khiến tôi cảm thấy xấu hổ và ghê tởm. Vì thế, tôi rất đau buồn và thường muốn khóc dù mọi chuyện đã qua. Những ký ức đã ăn sâu vẫn khiến lòng tôi đầy cảm giác tự ti và tội lỗi”.

18 Nhiều tôi tớ của Đức Chúa Trời có thể cảm thấy như thế, nhưng điều gì có thể giúp họ có sức mạnh cần thiết để chịu đựng? Chị Mary nói: “Những người bạn chân thật và gia đình thiêng liêng giờ đây khiến tôi hạnh phúc. Tôi cũng cố gắng tập trung vào lời hứa của Đức Giê-hô-va về tương lai, và tin rằng tiếng kêu cầu sự giúp đỡ của tôi sẽ trở thành tiếng reo vui mừng rỡ” (Thi 126:5). Chúng ta cần đặt hy vọng nơi sự ban cho của Đức Chúa Trời là Con Ngài, Đấng Cai Trị được bổ nhiệm. Kinh Thánh tiên tri về ngài: “Người sẽ thương-xót kẻ khốn-cùng, người thiếu-thốn, và cứu linh-hồn của người thiếu-thốn. Người sẽ chuộc linh-hồn họ khỏi sự hà-hiếp và sự hung-bạo; cũng sẽ xem huyết họ là quí-báu” (Thi 72:13, 14). Đó quả là điều ấm lòng biết bao!

Một thế giới mới sung túc đang chờ đợi chúng ta

19, 20. (a) Như bài Thi-thiên 72 cho thấy, sự cai trị của Nước Trời sẽ giải quyết vấn đề nào? (b) Về sự cai trị của Chúa Giê-su, ai đáng được tôn vinh, và bạn cảm thấy thế nào về thành quả tương lai của sự cai trị ấy?

19 Chúng ta hãy hình dung một lần nữa về tương lai của những người ngay thẳng trong thế giới mới của Đức Chúa Trời dưới sự cai trị của Sa-lô-môn Lớn. Kinh Thánh hứa: “Sẽ có dư-dật ngũ-cốc trên đất và trên đỉnh các núi” (Thi 72:16). Vì ngũ cốc thường không trồng được trên đỉnh núi, nên những lời này nhấn mạnh trái đất sẽ phì nhiêu đến mức nào. Bông trái của đất “sẽ lào-xào như Li-ban”, là vùng sinh nhiều hoa lợi vào thời của Sa-lô-môn. Hãy nghĩ xem! Không còn thiếu thực phẩm, không ai thiếu ăn, không ai chết đói! Lúc ấy mọi người sẽ hưởng “một tiệc yến đồ béo”.—Ê-sai 25:6-8; 35:1, 2.

20 Ai đáng được tôn vinh về những ân phước này? Chủ yếu là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Vua Đời Đời và Đấng Thống Trị Hoàn Vũ. Thật vậy, khi ấy tất cả chúng ta sẽ vui mừng hòa tiếng hát theo phần cuối của bài Thi-thiên ấm lòng và tuyệt vời này: “Danh người [vua Giê-su] sẽ còn mãi mãi, hễ mặt trời còn đến chừng nào, danh người sẽ noi-theo chừng nấy: Người ta sẽ nhân danh người mà chúc phước nhau! Các nước đều sẽ xưng người là có phước. Đáng ngợi-khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, chỉ một mình Ngài làm những sự lạ-lùng! Đáng ngợi-khen danh vinh-hiển Ngài đến đời đời! Nguyện khắp trái đất được đầy sự vinh-hiển của Ngài! A-men! A-men!”.—Thi 72:17-19.

[Chú thích]

^ đ. 17 Tên đã đổi.

Bạn trả lời thế nào?

• Bài Thi-thiên 72 cho thấy trước điều gì?

• Sa-lô-môn Lớn là ai, và sự cai trị của ngài sẽ rộng lớn như thế nào?

• Bạn thích gì về những ân phước được báo trước trong bài Thi-thiên 72?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 29]

Sự thịnh vượng dưới triều đại của Sa-lô-môn là hình bóng cho điều gì?

[Hình nơi trang 32]

Mọi nỗ lực để có sự sống trong Địa Đàng dưới sự cai trị của Sa-lô-môn Lớn thật đáng công