Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Học thuyết Calvin để lại dấu ấn nào sau 500 năm?

Học thuyết Calvin để lại dấu ấn nào sau 500 năm?

Học thuyết Calvin để lại dấu ấn nào sau 500 năm?

Jean Cauvin, còn gọi là John Calvin, sinh năm 1509 tại Noyon, Pháp. Ông là người khởi xướng một học thuyết tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều người ở các vùng thuộc châu Âu, châu Mỹ, Nam Phi và những nơi khác. Ông được xem là một trong những nhà Cải cách tôn giáo nổi bật ở châu Âu.

Ngày nay, khoảng 500 năm sau khi ông Calvin sinh ra, học thuyết của ông vẫn còn ảnh hưởng đối với các phái Tin lành như Giáo hội Canh tân, Giáo hội Trưởng lão, Tin lành tự quản, Thanh giáo và những giáo hội khác. Theo thống kê vào tháng 9 vừa qua, Liên minh Thế giới các Giáo hội Canh tân có 75 triệu tín đồ trong 107 quốc gia.

Bất đồng với Công giáo

Cha của Calvin làm luật sư và thư ký cho giáo hội Công giáo ở Noyon. Trong công việc, có lẽ ông đã chứng kiến nhiều hành vi sai trái của hàng giáo phẩm vào thời đó. Chúng ta không biết chắc ông có phản kháng hoặc hành động bất kính hay không nhưng một thời gian sau, cả ông và anh trai của Calvin đều bị giáo hội rút phép thông công. Khi ông qua đời, Calvin phải khó khăn lắm mới an táng cha theo nghi thức của Công giáo. Sau sự việc này, có lẽ Calvin càng mất lòng tin vào Công giáo.

Hầu hết các tác phẩm viết về thời trai trẻ của Calvin chỉ miêu tả ông là người sống khép kín và trầm lặng, chứ không cho biết gì nhiều. Ngay cả khi là sinh viên ở Paris, Orléans và Bourges, dường như ông không có nhiều bạn bè. Nhưng Calvin rất thông minh và có trí nhớ phi thường. Hơn nữa, ông có sức học dẻo dai, hằng ngày ông học từ năm giờ sáng cho đến nửa đêm. Nhờ những khả năng này, ông đã trở thành tiến sĩ luật khi chưa đầy 23 tuổi. Ông cũng học tiếng Hê-bơ-rơ, Hy Lạp và La-tinh để nghiên cứu Kinh Thánh. Trên hết, Calvin được biết là người có thái độ làm việc nghiêm túc và tận tụy. Thế nên đến tận ngày nay, quan niệm đề cao việc làm là nét tiêu biểu của học thuyết Calvin.

Trong lúc đó ở Đức, ông Martin Luther công khai lên án giáo hội Công giáo về sự tha hóa và sự dạy dỗ không có trong Kinh Thánh. Vào năm 1517, người ta cho rằng ông đã đóng 95 luận điểm lên cửa nhà thờ ở thành phố Wittenberg để kêu gọi giáo hội cải cách. Nhiều người đồng tình với Luther và phong trào Cải cách nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu. Tất nhiên, phong trào này bị chống đối dữ dội tại nhiều nơi và những người phản kháng, sau này gọi là Tin lành, có thể gặp nguy hiểm khi họ bày tỏ quan điểm. Năm 1533 tại Paris, bạn của Calvin là Nicholas Cop đã đọc một bài diễn thuyết ủng hộ quan điểm của ông Luther. Vì Calvin góp phần viết bài diễn thuyết ấy nên cả ông và bạn ông phải trốn chạy để bảo vệ tính mạng. Từ đó, ông Calvin không bao giờ trở lại Pháp nữa.

Năm 1536, ông Calvin xuất bản sách Giới luật của Ki-tô giáo (Institutes of the Christian Religion), trong đó ông trình bày giáo lý của phái Tin lành. Ông đã gửi cuốn sách ấy đến vua Francis I (François I) nhằm bênh vực cho người Tin lành ở Pháp, sau này được gọi là Huguenot. Ông Calvin công kích những sự dạy dỗ của Công giáo và bảo vệ niềm tin của ông dựa trên nền tảng là quyền tối thượng của Đức Chúa Trời. Ngoài lĩnh vực tôn giáo, sách còn ảnh hưởng đến lối hành văn và tiếng Pháp. Ông Calvin được công nhận là một trong những nhà Cải cách hàng đầu. Đến năm 1541, ông định cư ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ, và nỗ lực thực hiện công cuộc cải cách ngay tại đây.

Công cuộc cải cách ở Geneva

Ông Calvin có ảnh hưởng lớn đến thành phố Geneva. Theo Bách khoa từ điển tôn giáo (Encyclopedia of Religion), vì có ý thức đạo đức cao và lòng ngay thẳng nên ông đã thay đổi Geneva từ “một thành phố khét tiếng đồi bại trở nên một nơi có kỷ cương, đạo đức”. Thành phố này cũng thay đổi trong nhiều phương diện khác. Tiến sĩ Sabine Witt, quản lý viện bảo tàng lịch sử Berlin của Đức, nhận xét: “Vì chiến tranh tôn giáo ở Pháp, nên hàng ngàn người Tin lành đến Geneva lánh nạn, khiến dân số của thành phố này tăng gấp đôi chỉ trong vài năm”. Những người Huguenot, có thái độ làm việc tận tụy như ông Calvin, đã góp phần phát triển nền kinh tế của thành phố và đưa Geneva trở thành trung tâm in ấn, chế tạo đồng hồ.

Những người tị nạn cũng đến từ các nước khác như Anh Quốc, nơi phái Tin lành bị nữ hoàng Mary I bắt bớ dữ dội. Do đa số những người theo học thuyết Calvin trở thành người tị nạn nên họ đã khai triển thuyết mà theo nhật báo tôn giáo Tín đồ Ki-tô thời hiện đại (Christ in der Gegenwart) miêu tả là “thuyết về sự bắt bớ”. Năm 1560, những người tị nạn này xuất bản cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Anh đầu tiên có chia số câu (Geneva Bible). Vì cuốn Kinh Thánh này nhỏ gọn nên tiện lợi cho việc tra cứu Lời Đức Chúa Trời. Đây có lẽ là bản dịch mà những tín đồ Thanh giáo mang theo khi di cư sang Bắc Mỹ vào năm 1620.

Tuy nhiên, thành phố Geneva không phải là nơi lánh nạn an toàn cho mọi người. Ông Michael Servetus, sinh năm 1511 tại Tây Ban Nha, đã nghiên cứu tiếng Hy Lạp, La-tinh, Hê-bơ-rơ và học y khoa ở Paris. Có lẽ tại đây ông đã gặp Calvin khi cả hai là sinh viên. Qua việc nghiên cứu Kinh Thánh, ông Servetus nhận ra rằng giáo lý Chúa Ba Ngôi không có trong Kinh Thánh. Ông viết thư trao đổi với Calvin về đề tài này, nhưng Calvin xem ông là người chống đối. Ở Pháp, ông Servetus bị giáo hội Công giáo bắt bớ nên đã trốn qua Geneva, nơi Calvin sinh sống. Thay vì được chào đón, ông đã bị bắt, xử tội dị giáo và hỏa thiêu vào năm 1553. Sử gia Friedrich Oehninger nói: “Việc hành hình Servetus là một vết nhơ trong cuộc đời lẫn sự nghiệp của [Calvin], ngoại trừ việc này thì ông là nhà Cải cách vĩ đại”.

Ông Calvin biên soạn rất nhiều tác phẩm khi thực hiện công cuộc cải cách. Người ta cho rằng ông đã viết hơn 100 tác phẩm tham khảo và 1.000 lá thư cũng như trình bày khoảng 4.000 bài giảng tại Geneva. Ngoài ra, Calvin không chỉ nêu lên quan điểm của mình về Ki-tô giáo mà còn đòi hỏi tín đồ sống theo đó, đặc biệt là ở Geneva, nơi ông mường tượng sẽ là thành của Chúa *.

Nỗ lực cải cách của ông Calvin tại Geneva đã đạt được điều gì? Theo văn phòng thống kê liên bang Thụy Sĩ (Swiss Federal Statistics Office), trong năm 2000, tại thành phố Geneva, chỉ 16% người dân theo Giáo hội Canh tân (phái Calvin) và số tín đồ Công giáo nhiều hơn số tín đồ phái Calvin.

Sự chia rẽ về tôn giáo ngày càng gay gắt

Phong trào Cải cách buộc người dân lẫn các quốc gia phải chọn theo Công giáo, phái Luther hoặc phái Calvin và biến châu Âu thành một bãi chiến trường. Ngoài ra, tuy các nhà Cải cách đều chỉ trích Giáo hội Công giáo, nhưng giữa họ cũng có những bất đồng. Tiến sĩ Witt, người được đề cập ở trên, cho biết: “Ngay cả trong các phái của Tin lành cũng không thống nhất về giáo lý”. Dù các phái ấy đều công nhận Kinh Thánh là nền tảng cho đức tin của Ki-tô giáo, nhưng có sự bất đồng đáng kể trong các giáo điều của họ. Sự bất đồng đó chủ yếu là về ý nghĩa của Bữa Tiệc Ly và sự hiện diện của Chúa Giê-su. Dần dần phái Calvin khai sinh ra một trong những giáo lý gây tranh cãi nhất, đó là thuyết tiền định.

Trong phái Calvin, có nhiều tranh luận xoay quanh việc định nghĩa thuyết tiền định. Một nhóm cho rằng trước khi con người phạm tội, Đức Chúa Trời đã định trước một số người sẽ được cứu rỗi qua Chúa Giê-su, số khác thì bị bỏ mặc. Do đó, nhóm này tin rằng người được cứu rỗi là do ý Chúa và người ta không bình đẳng. Một nhóm khác lại nghĩ rằng sự cứu rỗi dành cho tất cả nhân loại, và mỗi người phải lựa chọn. Điều này có nghĩa sự cứu rỗi tùy thuộc vào tự do ý chí của con người. Một thời gian dài sau khi Calvin qua đời, những người theo học thuyết của ông vẫn không thống nhất về những vấn đề như ý Chúa, tự do ý chí của con người và sự bình đẳng.

Học thuyết Calvin bị vẩn đục

Vào thế kỷ 20, Giáo hội Calvin Canh tân Hà Lan tuyên bố sự phân biệt chủng tộc ở Nam Phi (apartheid) dựa trên cơ sở là thuyết tiền định. Về chính sách xem người da trắng là thượng đẳng, tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi là ông Nelson Mandela nhận xét: “Chính sách đó đã được Giáo hội Canh tân Hà Lan tán thành. Giáo hội này đã tạo cơ sở cho chế độ apartheid bằng cách ngụ ý rằng người Afrikaner (người Nam Phi da trắng) được Đức Chúa Trời chọn, còn người da đen là loài thấp kém. Thế nên, trong suy nghĩ của những người Afrikaner, giáo hội và chế độ apartheid luôn song hành”.

Vào thập niên 1990, Giáo hội Canh tân Hà Lan công khai xin lỗi vì đã tán thành chế độ apartheid. Trong Lời tuyên bố Rustenburg, những người đứng đầu giáo hội thừa nhận: “Một số người trong chúng tôi đã áp dụng sai Kinh Thánh để biện hộ cho chế độ apartheid, khiến nhiều người tin rằng chế độ ấy được Chúa chấp nhận”. Qua nhiều năm, việc giáo hội ủng hộ chế độ này không chỉ góp phần gây đau khổ do sự thành kiến chủng tộc, mà còn khiến người ta nghĩ là Đức Chúa Trời có lỗi!

Ông John Calvin qua đời tại Geneva vào năm 1564. Lúc cuối đời, ông cảm ơn các tín hữu “đã trao quá nhiều vinh dự cho một người [như ông] rõ ràng không xứng đáng”. Ông cũng xin lỗi họ vì không sửa được tính thiếu kiên nhẫn và nóng nảy của mình. Dù vậy, không ai có thể phủ nhận quan niệm của tín đồ đạo Tin lành về việc làm—tính cần cù, kỷ luật tự giác và tận tụy—phản ánh nhân cách và các giá trị của ông John Calvin.

[Chú thích]

^ đ. 13 Muốn biết thêm thông tin, xin xem sách Nhân loại đi tìm Thượng Đế (Mankind’s Search for God), trang 321-325, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Câu nổi bật nơi trang 21]

Phong trào Cải cách buộc người dân lẫn các quốc gia phải chọn theo Công giáo, phái Luther hoặc phái Calvin và biến châu Âu thành một bãi chiến trường

[Bản đồ nơi trang 18]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

TÂY BAN NHA

PHÁP

PARIS

Noyon

Orléans

Bourges

THỤY SĨ

GENEVA

[Hình nơi trang 19]

Sách Giới luật (1536) của Calvin là cơ sở cho giáo lý đạo Tin lành

[Nguồn tư liệu]

© INTERFOTO/Alamy

[Hình nơi trang 20]

Việc hành hình Servetus là một vết nhơ trong cuộc đời lẫn sự nghiệp của Calvin

[Nguồn tư liệu]

© Mary Evans Picture Library

[Hình nơi trang 21]

Bản Kinh Thánh tiếng Anh đầu tiên có chia số câu (Geneva Bible, 1560)

[Nguồn tư liệu]

Courtesy American Bible Society

[Nguồn hình ảnh nơi trang 18]

French town: © Mary Evans Picture Library