Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phụng sự trong giai đoạn phát triển tuyệt diệu

Phụng sự trong giai đoạn phát triển tuyệt diệu

Phụng sự trong giai đoạn phát triển tuyệt diệu

Do Harley Harris kể lại

Đó là vào ngày 2-9-1950, tại thành phố Kennett, bang Missouri, Hoa Kỳ. Khi đang tham dự hội nghị vòng quanh, chúng tôi bị một đám đông hung hăng bao vây. Viên thị trưởng đem đội lính quốc phòng đến để bảo vệ chúng tôi. Những người lính này cầm súng và lưỡi lê đứng dọc trên đường. Giữa sự sỉ nhục của đám đông, chúng tôi đi đến xe và lái đến thành phố Cape Girardeau, bang Missouri, để dự tiếp phần còn lại của hội nghị. Cũng chính tại đây, tôi đã làm báp-têm ở tuổi 14. Nhưng hãy để tôi kể cho các bạn nghe làm thế nào tôi đã phụng sự Đức Giê-hô-va trong giai đoạn hỗn loạn lúc bấy giờ.

Vào đầu thập niên 1930, ông bà nội tôi cùng tám người con của mình nghe một số băng ghi âm bài giảng của anh Rutherford và tin chắc rằng họ đã tìm được chân lý. Ba tôi là Bay Harris và mẹ là Mildred Harris. Họ làm báp-têm vào năm 1935 tại hội nghị ở Washington D.C. Thật phấn khởi làm sao khi họ ở trong đám đông “vô-số người” lần đầu tiên được nhận diện tại hội nghị!—Khải 7:9, 14.

Năm sau tôi chào đời. Một năm sau đó, ba mẹ tôi chuyển đến một vùng hẻo lánh ở bang Mississippi. Khi sống ở đấy, chúng tôi thậm chí không có giám thị vòng quanh đến thăm. Gia đình tôi liên lạc thư từ với Bê-tên và dự các kỳ hội nghị. Trong một khoảng thời gian, đó là sự kết hợp duy nhất mà chúng tôi có với anh em đồng đạo.

Chịu đựng sự bắt bớ

Trong Thế Chiến II, Nhân Chứng Giê-hô-va đã trải qua nhiều sự bắt bớ vì lập trường trung lập của họ. Chúng tôi đã chuyển đến thành phố Mountain Home, bang Arkansas. Một ngày nọ, khi cha và tôi đang làm chứng trên đường phố, đột nhiên một người đàn ông giật lấy các tạp chí của cha tôi, bật lửa và đốt cháy nó ngay tại chỗ. Ông ấy nói chúng tôi là những kẻ nhát gan vì không đi lính. Khi ấy chỉ mới năm tuổi, nên tôi bắt đầu khóc. Ba tôi bình tĩnh nhìn người đàn ông ấy mà không nói một lời cho đến khi ông ta bỏ đi.

Tuy nhiên, cũng có những người tốt giúp đỡ chúng tôi. Vào một dịp nọ, khi một đám đông vây quanh xe chúng tôi, vị công tố viên ở vùng đó đi ngang qua. Ông hỏi: “Chuyện gì xảy ra vậy?”. Một người đáp: “Những Nhân Chứng Giê-hô-va này không chịu chiến đấu cho đất nước của họ!”. Khi ấy, vị công tố viên nhảy lên bậc lên xuống của xe chúng tôi và quát lên: “Tôi chiến đấu trong Thế Chiến I, và tôi cũng sẽ chiến đấu trong cuộc chiến này nữa! Các ông hãy để cho những người này đi. Họ không làm hại ai cả!”. Đám đông giải tán một cách yên lặng. Chúng tôi thật cảm kích những người tốt như thế, những người thể hiện lòng nhân từ đối với chúng tôi!—Công 27:3.

Các kỳ hội nghị làm vững mạnh chúng tôi

Hội nghị vào năm 1941 ở thành phố St. Louis, bang Missouri đã cung cấp đúng điều chúng tôi cần. Ước tính có trên 115.000 người đã tham dự. Một con số đáng kinh ngạc là 3.903 người đã làm báp-têm! Tôi nhớ rất rõ bài giảng của anh Rutherford có nhan đề “Con cái của Vị Vua”. Anh nói trực tiếp với những người trẻ chúng tôi, và tất cả chúng tôi nhận được một cuốn sách màu xanh da trời rất đẹp có tựa là Children. Hội nghị này giúp tôi chịu đựng những gì xảy ra vào năm sau, năm mà tôi bắt đầu học tiểu học. Tôi và các chị em họ đã bị đuổi ra khỏi trường vì giữ lập trường trung lập. Chúng tôi đến trường mỗi ngày để xem ban giám hiệu có thay đổi ý kiến hay không. Nhiều buổi sáng, chúng tôi băng qua những khu rừng đến trường—chỉ để cuối cùng cũng quay về nhà. Nhưng tôi cảm thấy rằng đó là cách chúng tôi thể hiện lòng trung thành đối với Nước Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, Tòa án Tối cao của Hoa Kỳ ban điều luật là không còn bắt buộc thực hiện nghi thức từng làm chúng tôi bị đuổi học. Cuối cùng, chúng tôi có thể được đi học. Thầy giáo rất tốt bụng và để chúng tôi theo kịp các học sinh khác. Các bạn học cũng đối xử rất tử tế với chúng tôi.

Tôi cũng nhớ hội nghị năm 1942, ở thành phố Cleveland, bang Ohio. Tại đây, anh Nathan H. Knorr nói bài giảng “Hòa bình—Có thể tồn tại không?” (“Peace—Can It Last?”). Bài giảng này phân tích chương 17 của sách Khải-huyền, cho thấy có một thời kỳ hòa bình tương đối sau Thế Chiến II. Vì thế, dự đoán sẽ có một sự phát triển mạnh hơn. Để chuẩn bị cho điều này, Trường Ga-la-át đã được khai mạc vào năm 1943. Tôi không ngờ là điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi trong tương lai. Hòa bình thời hậu chiến thật sự đã đến và sự bắt bớ giảm dần. Tuy nhiên, khi chiến tranh Đại Hàn bùng nổ năm 1950, sự chống đối công việc rao giảng lại đột ngột nổi lên, như được nói ở đầu bài.

Tham gia trọn vẹn vào sự phát triển

Vào năm 1954, tôi tốt nghiệp trung học, một tháng sau đó tôi bắt đầu làm tiên phong. Sau khi phụng sự ở thành phố Kennett, nơi đám đông bao vây chúng tôi năm 1950, tôi được mời vào nhà Bê-tên vào tháng 3 năm 1955. Trong khu vực của hội thánh mà tôi được bổ nhiệm có quảng trường Thời Đại, trung tâm của thành phố New York. Đời sống ở đây hoàn toàn khác so với miền quê! Đối với người dân New York bận rộn, tôi thường thu hút họ bằng cách mở tạp chí đến một bài đáng chú ý và nói: “Ông/Bà có bao giờ tự hỏi câu hỏi này?”. Và nhiều người đã nhận tạp chí.

Một trong những điều tôi thích nhất ở Bê-tên là buổi thờ phượng buổi sáng do anh Knorr điều khiển. Quả là anh có thể làm cho các câu Kinh Thánh trở nên sống động, áp dụng cho chúng tôi một cách thực tế! Anh trò chuyện với các anh độc thân trẻ như cha nói chuyện với con. Anh thường cho lời khuyên hữu ích về cách đối xử với người khác phái. Đến năm 1960, tôi quyết định kết hôn.

Tôi đã nộp đơn trước 30 ngày để xin rời khỏi Bê-tên, nhưng chưa nhận được phản hồi. Đến ngày cuối cùng, dù nhút nhát, tôi cố gắng thu hết can đảm để hỏi về điều này. Anh Robert Wallen trả lời điện thoại và đến chỗ tôi làm việc. Anh hỏi tôi nghĩ sao về công việc tiên phong đặc biệt hoặc vòng quanh. Tôi đáp: “Nhưng anh Bob, tôi chỉ mới 24 tuổi thôi, tôi không có kinh nghiệm”.

Bước vào công việc vòng quanh

Buổi tối hôm đó, trong phòng tôi có một bao thư lớn, bao gồm một đơn xin làm tiên phong đặc biệt và một đơn cho công việc vòng quanh. Tôi vô cùng ngạc nhiên! Vậy là tôi có đặc ân lớn được phục vụ anh em trong công việc vòng quanh ở vùng tây nam bang Missouri và miền đông bang Kansas. Trước khi rời khỏi Bê-tên, tôi đã tham dự một buổi họp dành cho giám thị lưu động. Trong lời kết thúc, anh Knorr nói: “Được bổ nhiệm làm công việc vòng quanh hoặc địa hạt không có nghĩa là các anh giỏi hơn các anh địa phương. Một số anh có kinh nghiệm hơn các anh. Nhưng vì hoàn cảnh, họ không nhận được đặc ân như các anh. Vì vậy, các anh có thể học được nhiều điều từ họ”.

Quả thật đúng như vậy! Anh Fred Molohan cùng vợ anh và anh trai là Charley ở thành phố Parsons, bang Kansas, là những gương nổi bật. Họ đã biết lẽ thật vào đầu thập niên 1900. Thật vui sướng khi nghe về những kinh nghiệm mà họ có trước khi tôi sinh ra! Gương khác của một anh lớn tuổi, tử tế là John Wristen, sống ở thành phố Joplin, bang Missouri. Anh đã làm tiên phong trong nhiều thập kỷ. Các anh dễ mến này có lòng kính trọng sâu xa đối với sắp đặt thần quyền. Tôi cảm thấy được họ quý trọng trong công việc vòng quanh, dù vẫn còn trẻ.

Vào năm 1962, tôi kết hôn với Cloris Knoche, một chị tiên phong hoạt bát có mái tóc hung đỏ. Tôi tiếp tục công việc vòng quanh cùng với Cloris. Nhờ ở chung nhà với các anh chị, chúng tôi biết rõ họ hơn. Chúng tôi có thể khích lệ người trẻ bắt đầu tham gia thánh chức trọn thời gian. Hai em ở độ tuổi thanh thiếu niên trong vòng quanh đó, Jay Kosinski và JoAnn Kresyman, mong mỏi nhận được sự khích lệ như thế. Làm thánh chức chung với các em cũng như chia sẻ niềm vui về một lối sống hy sinh đã thôi thúc các em đặt mục tiêu cho mình. Em JoAnn đã làm tiên phong đặc biệt, còn Jay phụng sự ở nhà Bê-tên. Sau này, cả hai kết hôn và hiện đang làm công việc vòng quanh trong khoảng 30 năm nay.

Công việc giáo sĩ

Vào năm 1966, anh Knorr hỏi chúng tôi có thích làm thánh chức ở nước ngoài không. Chúng tôi trả lời: “Ở đây chúng tôi rất vui, nhưng nếu nơi khác có nhu cầu, chúng tôi rất sẵn sàng”. Một tuần sau, chúng tôi được mời tham dự Trường Ga-la-át. Thật phấn khởi biết bao vì trong thời gian tham dự trường, chúng tôi được trở lại Bê-tên và kết hợp với các anh chị mà tôi yêu mến và quý trọng! Chúng tôi có tình bạn với các học viên trong lớp, những người đã trung thành phụng sự cho đến ngày hôm nay.

Cloris và tôi được cử đến Ecuador ở Nam Mỹ, cùng với anh Dennis và chị Edwina Crist, chị Ana Rodríguez và chị Delia Sánchez. Vợ chồng anh Crist đi đến thủ đô Quito. Cũng như chúng tôi, chị Ana và chị Delia được bổ nhiệm đến thành phố Cuenca, thành phố lớn thứ ba của Ecuador. Khu vực này gồm có hai tỉnh. Hội thánh đầu tiên của thành phố Cuenca bắt đầu họp lại trong phòng khách nhà chúng tôi. Lúc ấy có bốn người chúng tôi và hai người khác. Chúng tôi tự hỏi làm sao có thể hoàn thành công việc rao giảng ở đây.

Thành phố Cuenca có đầy nhà thờ và vào ngày được gọi là ngày thánh, các nghi thức tôn giáo diễn ra khắp nơi. Tuy nhiên, người dân Cuenca có nhiều câu hỏi. Chẳng hạn, trong lần đầu tiên gặp anh Mario Polo, nhà vô địch về môn đua xe đạp của thành phố Cuenca, tôi ngạc nhiên khi nghe anh ấy hỏi: “Ai là con dâm phụ được đề cập trong sách Khải-huyền?”.

Vào một đêm nọ, Mario đến nhà chúng tôi, trông có vẻ lo lắng. Một mục sư Tin Lành đã cho anh một số ấn phẩm buộc tội nghiêm trọng Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi nói với anh rằng người bị buộc tội phải có cơ hội biện hộ cho mình. Do đó, ngày hôm sau, Mario mời mục sư và tôi đến nhà để làm sáng tỏ các lời vu khống đó. Trong cuộc thảo luận, tôi đề nghị tập trung vào chủ đề Chúa Ba Ngôi. Khi linh mục đọc Giăng 1:1, chính Mario đã tự giải thích ý nghĩa chính xác của câu này. Và những câu Kinh Thánh khác cũng vậy. Dĩ nhiên cuối cùng mục sư ra về mà không chứng minh được thuyết Chúa Ba Ngôi. Điều này thuyết phục Mario và vợ anh rằng chúng tôi có lẽ thật, và họ trở thành những người xuất sắc trong việc bênh vực các sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Thật vui mừng khi thấy số hội thánh trong thành phố Cuenca gia tăng đến 33, và trong khu vực rộng lớn là nhiệm sở đầu tiên của chúng tôi có tổng cộng 63 hội thánh. Đó thật sự là một sự phát triển tuyệt diệu!

Chứng kiến sự phát triển từ chi nhánh

Năm 1970, tôi được mời đến chi nhánh ở Guayaquil cùng với anh Al Schullo. Hai người chúng tôi chăm lo cho công việc chi nhánh. Anh Joe Sekerak làm việc bán thời gian trong công tác đóng thùng các ấn phẩm cho 46 hội thánh trong nước. Trong một thời gian, Cloris đi rao giảng trong khi tôi làm việc ở Bê-tên. Cô ấy đã có thể giúp 55 người làm báp-têm, thường một hội nghị cô ấy có ba đến năm học viên làm báp-têm.

Một thí dụ là Cloris học Kinh Thánh với một phụ nữ tên Lucresia, có chồng chống đối. Dù vậy, chị Lucresia cuối cùng báp-têm và bắt đầu làm tiên phong đều đều. Chị dạy các con về đường lối Đức Giê-hô-va. Hai con trai chị giờ đây là trưởng lão, trong đó một người làm tiên phong đặc biệt. Con gái chị cũng làm tiên phong. Cháu ngoại chị kết hôn với một anh có tiếng tốt, và cả hai làm tiên phong đặc biệt. Gia đình này đã giúp nhiều người học lẽ thật.

Đến năm 1980, có khoảng 5.000 người làm công bố ở Ecuador. Văn phòng nhỏ của chúng tôi trở nên chật chội. Một anh đóng góp 32ha đất ở ngoại ô Guayaquil. Năm 1984, trên mảnh đất này, chúng tôi bắt đầu xây dựng văn phòng chi nhánh mới và Phòng hội nghị, cả hai được dâng hiến vào năm 1987.

Nhiều người tình nguyện góp phần vào sự phát triển

Nhiều năm trôi qua, thật ấm lòng khi thấy nhiều người công bố và tiên phong từ những nước khác đến giúp Ecuador, nơi cần nhiều người công bố Nước Trời. Tôi nhớ một trường hợp nổi bật là của anh Andy Kidd, giáo viên đã về hưu đến từ Canada. Anh chuyển đến Ecuador năm 1985 khi được 70 tuổi và trung thành phụng sự cho đến khi qua đời năm 2008 ở tuổi 93. Lần đầu tiên tôi gặp anh, anh là giám thị duy nhất của một hội thánh nhỏ. Sau khi vất vả học tiếng Tây Ban Nha, anh làm bài diễn văn công cộng và rồi điều khiển Buổi học Tháp Canh. Anh cũng điều khiển Trường Thánh Chức và phụ trách hầu hết các phần trong Buổi họp công tác! Trong khu vực ấy, giờ đây có hai hội thánh đang phát triển mạnh với gần 200 công bố và nhiều trưởng lão địa phương.

Một anh khác là Ernesto Diaz đã cùng gia đình chuyển nhà từ Hoa Kỳ đến Ecuador. Sau tám tháng ở đây, anh cho biết: “Ba đứa con của tôi đã học được ngôn ngữ mới và trở thành những người dạy dỗ giỏi. Là một người cha, tôi đã đạt được mục tiêu dường như không thể trong hệ thống này—đó là làm tiên phong đều đều, cùng gia đình tham gia thánh chức trọn thời gian. Cả gia đình tôi đang điều khiển tổng cộng 25 cuộc học hỏi Kinh Thánh. Nhờ tất cả điều này, gia đình tôi hợp nhất hơn, và trên hết có mối quan hệ gần gũi với Đức Giê-hô-va hơn bao giờ hết”. Chúng ta cảm kích những anh chị yêu dấu này biết bao!

Năm 1994, văn phòng chi nhánh phát triển hơn và cơ sở mở rộng gấp đôi. Năm 2005, số công bố vượt trên 50.000 người và chi nhánh cần được mở rộng nữa. Điều này bao hàm việc mở rộng Phòng hội nghị, một nhà ở mới cũng như các văn phòng dịch thuật. Những cơ sở mới này bắt đầu đi vào hoạt động vào ngày 31-10-2009.

Khi tôi bị đuổi khỏi trường vào năm 1942, có khoảng 60.000 Nhân Chứng ở Hoa Kỳ. Nhưng giờ đây con số này lên đến hơn một triệu. Khi chúng tôi đến Ecuador năm 1966, có khoảng 1.400 công bố, nhưng hiện nay có hơn 68.000. Con số này chắc chắn sẽ gia tăng vì có hơn 120.000 học hỏi Kinh Thánh và 232.000 người tham dự Lễ Tưởng Niệm vào năm 2009. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va ban phước cho dân Ngài theo cách mà chúng ta không bao giờ tưởng tượng được! Thật hào hứng biết bao khi được sống trong một giai đoạn và ở một nơi có sự phát triển tuyệt diệu! *

[Chú thích]

^ đ. 34 Trong khi bài này được biên soạn để ấn hành, anh Harley Harris đã qua đời trong sự trung thành với Đức Giê-hô-va.

[Hình nơi trang 5]

Hội nghị ngoài trời (1981) và Phòng hội nghị Guayaquil (2009) trên cùng mảnh đất