Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao chế ngự cảm nghĩ tiêu cực?

Làm sao chế ngự cảm nghĩ tiêu cực?

Làm sao chế ngự cảm nghĩ tiêu cực?

Đã bao giờ bạn bị cảm nghĩ tiêu cực dày vò chưa? Trên thực tế, ai tránh khỏi điều này? Thời kỳ chúng ta sống có nhiều khó khăn về kinh tế, bạo lực lan tràn và bất công vô nhân đạo. Không ngạc nhiên khi nhiều người bị đè nén bởi nỗi đau buồn, cảm giác tội lỗi và mặc cảm tự ti.

Những cảm nghĩ như thế có thể nguy hiểm. Chúng có thể khiến chúng ta mất dần lòng tự tin, niềm vui và khả năng suy luận. Kinh Thánh nói: “Ngày khốn quẫn mà để mất tinh thần, sức lực con ắt sẽ bị suy giảm” (Châm-ngôn 24:10, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Chúng ta cần sức lực để tiếp tục sống trong thế gian hỗn loạn này. Vì thế, điều quan trọng là kiểm soát những cảm nghĩ tiêu cực. *

Kinh Thánh cho biết một số cách hữu hiệu để đối phó với cảm nghĩ tiêu cực. Là Đấng Tạo Hóa và Đấng Duy Trì sự sống, Giê-hô-va Đức Chúa Trời không muốn chúng ta bị suy sụp bởi cảm giác tuyệt vọng (Thi-thiên 36:9). Vậy, hãy xem xét ba cách mà Lời Ngài có thể giúp chúng ta chế ngự cảm nghĩ tiêu cực.

Hãy nhớ là Đức Chúa Trời quan tâm đến bạn

Một số người nghĩ Đức Chúa Trời quá bận, không chú ý đến cảm xúc của mỗi người. Bạn có nghĩ như thế không? Kinh Thánh đảm bảo rằng Đấng Tạo Hóa quan tâm đến cảm nghĩ của chúng ta. Người viết Thi-thiên ghi lại: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối” (Thi-thiên 34:18). Thật an ủi biết bao khi biết Đấng Toàn Năng ở gần lúc chúng ta đau buồn!

Đức Chúa Trời không lạnh lùng hoặc xa cách. Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương” (1 Giăng 4:8). Ngài yêu con người, thông cảm với những người đau khổ. Chẳng hạn, cách đây 3.500 năm, khi dân Y-sơ-ra-ên làm nô lệ ở xứ Ê-díp-tô, Đức Chúa Trời phán: “Ta đã thấy rõ-ràng sự cực-khổ của dân ta tại xứ Ê-díp-tô, và có nghe thấu tiếng kêu-rêu vì cớ người đốc-công của nó; phải, ta biết được nỗi đau-đớn của nó. Ta ngự xuống đặng cứu dân nầy”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 3:7, 8.

Đức Chúa Trời hiểu rõ cảm xúc của chúng ta. Suy cho cùng, “chính Ngài đã dựng-nên chúng tôi, chúng tôi thuộc về Ngài” (Thi-thiên 100:3). Vì vậy, chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Chúa Trời hiểu chúng ta, ngay cả khi người khác không hiểu. Kinh Thánh cho biết: ‘Ngài chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn-thấy trong lòng’ (1 Sa-mu-ên 16:7). Thậm chí, Đức Chúa Trời thấy cả cảm nghĩ sâu kín nhất của chúng ta.

Đức Giê-hô-va cũng biết lỗi lầm và thiếu sót của chúng ta, nhưng chúng ta biết ơn là Đấng Tạo Hóa đầy lòng khoan dung. Dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời, Đa-vít viết: “Đức Giê-hô-va thương-xót kẻ kính-sợ Ngài, khác nào cha thương-xót con-cái mình vậy. Vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi-đất” (Thi-thiên 103:13, 14). Cách Đức Chúa Trời đánh giá chúng ta khác với cách chúng ta đánh giá mình. Ngài tìm điểm tốt và bỏ qua điểm xấu khi chúng ta biết ăn năn.—Thi-thiên 139:1-3, 23, 24.

Vì thế khi mang mặc cảm tự ti, chúng ta cần quyết tâm chế ngự cảm xúc ấy. Chúng ta phải nhớ cách Đức Chúa Trời đánh giá chúng ta!—1 Giăng 3:20.

Vun đắp tình bạn mật thiết với Đức Chúa Trời

Chúng ta được lợi ích gì khi nhìn bản thân theo cách Đức Chúa Trời? Chúng ta sẽ thấy dễ dàng thực hiện bước kế tiếp nhằm chế ngự cảm nghĩ tiêu cực—xây dựng tình bạn mật thiết với Đức Chúa Trời. Có thể làm điều này không?

Là người Cha yêu thương, Giê-hô-va Đức Chúa Trời rất muốn giúp chúng ta vun đắp tình bạn với Ngài. Kinh Thánh khuyến giục: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em” (Gia-cơ 4:8). Hãy nghĩ về sự thật tuyệt vời này: Dù yếu đuối và tội lỗi, mỗi chúng ta có thể thiết lập tình bạn mật thiết với Đấng Thống Trị hoàn vũ.

Qua Kinh Thánh, Đức Chúa Trời tiết lộ về Ngài để chúng ta biết rõ Ngài. Bằng cách đều đặn đọc Kinh Thánh, chúng ta có thể học biết về các đức tính thu hút của Đức Chúa Trời. * Khi suy ngẫm về sự hiểu biết ấy, chúng ta sẽ ngày càng gần gũi với Đức Giê-hô-va hơn. Chúng ta sẽ thấy rõ Ngài là Đấng như thế nào—Cha yêu thương và đầy lòng trắc ẩn.

Suy nghĩ sâu xa về những gì đọc được trong Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta nhiều hơn. Chúng ta đến gần Cha trên trời bằng cách hấp thu tư tưởng của Ngài vào trí và lòng, để những ý tưởng ấy uốn nắn, an ủi và hướng dẫn chúng ta. Chúng ta đặc biệt cần làm thế khi có cảm nghĩ lo lắng hoặc bất an. Người viết Thi-thiên diễn tả: “Lúc ưu tư đầy ắp cõi lòng, ơn Ngài an ủi khiến hồn con vui sướng (Thi-thiên 94:19, GKPV). Lời Đức Chúa Trời có thể mang lại sự an ủi sâu xa. Nếu khiêm nhường tiếp nhận Lời Ngài, chúng ta có thể nhận thấy những cảm nghĩ tiêu cực dần dần được thay bằng sự an ủi và bình an đến từ Đức Giê-hô-va. Ngài an ủi chúng ta như người cha yêu thương xoa dịu vết thương hoặc sự buồn bực của con trẻ.

Một điều quan trọng khác để trở thành bạn của Đức Chúa Trời là đều đặn nói chuyện với Ngài. Kinh Thánh đảm bảo với chúng ta: “Nếu chúng ta theo ý-muốn Ngài mà cầu-xin việc gì, thì [Đức Chúa Trời] nghe chúng ta” (1 Giăng 5:14). Dù sợ hãi hay lo lắng điều gì, chúng ta cũng có thể cầu nguyện Đức Chúa Trời và xin Ngài trợ giúp. Nếu trải lòng với Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ có được bình an trong tâm trí. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ”.—Phi-líp 4:6, 7.

Khi theo sát một chương trình đọc Kinh Thánh, suy ngẫm và cầu nguyện, bạn hẳn sẽ nhận thấy mình đang vun đắp mối quan hệ mật thiết với Cha trên trời. Mối quan hệ ấy là vũ khí vô cùng mạnh mẽ để chống lại cảm nghĩ tiêu cực. Còn điều gì nữa giúp chúng ta?

Tập trung vào hy vọng chắc chắn về tương lai

Dù ở trong hoàn cảnh khó khăn nhất, chúng ta vẫn có thể tập trung vào những điều tốt lành. Bằng cách nào? Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một hy vọng chắc chắn về tương lai. Sứ đồ Phi-e-rơ tóm tắt hy vọng tuyệt diệu này qua những lời sau: “Theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ-đợi trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở” (2 Phi-e-rơ 3:13). Điều đó có nghĩa gì?

Cụm từ “trời mới” ám chỉ một chính phủ—Nước Đức Chúa Trời do Chúa Giê-su cai trị. “Đất mới” là xã hội mới ở trên đất, gồm những người được Đức Chúa Trời chấp nhận. Dưới sự cai trị của “trời mới”, xã hội mới trên đất sẽ không còn bất cứ điều gì khiến chúng ta có cảm nghĩ tiêu cực. Về những người trung thành sống lúc bấy giờ, Kinh Thánh đảm bảo rằng Đức Chúa Trời “sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi”.—Khải-huyền 21:4.

Hẳn bạn đồng ý rằng những ý tưởng trên thật thú vị và khích lệ. Bởi thế, Kinh Thánh nói đến những triển vọng về tương lai mà Đức Chúa Trời ban cho các môn đồ chân chính của Chúa Giê-su như là “sự trông-cậy hạnh-phước” (Tít 2:13). Nếu chúng ta tập trung tâm trí vào lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho tương lai nhân loại—và những lý do cho thấy những lời hứa ấy đáng tin cậy và chắc chắn—chúng ta sẽ gạt bỏ những ý tưởng tiêu cực.—Phi-líp 4:8.

Kinh Thánh ví sự trông cậy hay hy vọng về sự cứu rỗi như mão trụ (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:8). Thời xưa, người lính sẽ không dám ra trận nếu không có mão trụ. Người ấy biết rằng mão trụ bảo vệ đầu khỏi những cú đánh hoặc những mũi tên. Giống như mão trụ bảo vệ đầu, hy vọng bảo vệ tâm trí. Tập trung vào những ý tưởng khiến lòng tràn đầy hy vọng sẽ giúp chúng ta tránh lối suy nghĩ tiêu cực, sợ hãi và bi quan.

Vậy, chế ngự cảm nghĩ tiêu cực là điều khả thi. Bạn cũng có thể làm được! Hãy suy ngẫm cách Đức Chúa Trời đánh giá bạn; hãy đến gần Ngài và chú tâm vào hy vọng về tương lai. Bấy giờ, bạn có thể chắc chắn sẽ nhìn thấy ngày mà những cảm nghĩ tiêu cực vĩnh viễn biến mất.—Thi-thiên 37:29.

[Chú thích]

^ đ. 3 Những người phải tranh đấu với sự trầm cảm triền miên, có thể cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa.—Ma-thi-ơ 9:12.

^ đ. 14 Tháp Canh ngày 1-8-2009 có chương trình đọc Kinh Thánh thiết thực và hữu ích.

[Câu nổi bật nơi trang 19]

“Ta biết được nỗi đau-đớn của nó”.​—XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 3:​7, 8

[Câu nổi bật nơi trang 20]

“Lúc ưu tư đầy ắp cõi lòng, ơn Ngài an ủi khiến hồn con vui sướng”.​—THI-THIÊN 94:19, GKPV

[Câu nổi bật nơi trang 21]

“Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em”.​—PHI-LÍP 4:7

[Khung/​Hình nơi trang 20, 21]

Những câu Kinh Thánh đầy khích lệ về Giê-hô-va Đức Chúa Trời

“Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực”.​—XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 34:6.

“Con mắt của Đức Giê-hô-va soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài”.​—2 SỬ-KÝ 16:9.

“Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối”.​—THI-THIÊN 34:18.

“Chúa ôi! Chúa là thiện, sẵn tha-thứ cho”.​—THI-THIÊN 86:5.

“Đức Giê-hô-va làm lành cho muôn người, sự từ-bi Ngài giáng trên các vật Ngài làm nên”.​—THI-THIÊN 145:9.

“Ta, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, sẽ nắm tay hữu ngươi, và phán cùng ngươi rằng: Đừng sợ, ta sẽ giúp-đỡ ngươi”.​—Ê-SAI 41:13.

“Chúc-tạ... Cha hay thương-xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”.​—2 CÔ-RINH-TÔ 1:3.

“Chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự”.​—1 GIĂNG 3:​19, 20, GKPV.

[Khung/​Các hình nơi trang 22]

Họ chế ngự được cảm nghĩ tiêu cực

“Cha tôi là người nghiện rượu, ông đã khiến tôi chịu nhiều đau khổ. Tôi luôn có mặc cảm tự ti. Nhưng khi chấp nhận học hỏi Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi biết đến lời hứa về sự sống đời đời trên đất. Hy vọng này làm tâm trí tôi tràn đầy niềm vui. Đọc Kinh Thánh trở thành thói quen trong đời sống của tôi. Tôi luôn mang Kinh Thánh bên mình, và khi lòng đầy cảm nghĩ tiêu cực, tôi xem những câu Kinh Thánh khích lệ. Đọc về những đức tính thu hút của Đức Chúa Trời, tôi cảm thấy mình quý giá trước mắt Ngài”.​—Kátia, một phụ nữ 33 tuổi. *

“Tôi nghiện rượu, cần sa, cocain, cocain nguyên chất, và hít hơi keo. Khi mất gần hết những gì mình có, tôi trở thành kẻ ăn xin. Nhưng sau khi nhận lời học hỏi Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, đời sống tôi hoàn toàn thay đổi. Tôi biết rõ về Đức Chúa Trời. Mặc dù vẫn phải chống lại cảm giác tội lỗi và mặc cảm tự ti, tôi đã tập nương cậy nơi lòng thương xót và nhân từ của Đức Chúa Trời. Chắc chắn Ngài sẽ tiếp tục ban sức để tôi vượt qua cảm nghĩ tiêu cực. Học biết lẽ thật Kinh Thánh là điều tốt nhất mà tôi nhận được”.​—Renato, một người đàn ông 37 tuổi.

“Khi còn nhỏ, tôi thường so sánh bản thân với anh trai và luôn cảm thấy thua kém. Tôi vẫn có cảm giác thiếu tự tin, nghi ngờ khả năng của mình. Nhưng tôi quyết tâm khắc phục vấn đề này. Tôi luôn cầu nguyện Đức Giê-hô-va và Ngài đã giúp tôi chế ngự cảm nghĩ thiếu tự tin. Thật khích lệ khi biết rằng Đức Chúa Trời thực sự yêu mến và chăm sóc tôi!”.—Roberta, một phụ nữ 45 tuổi.

[Chú thích]

^ đ. 45 Một số tên đã được đổi.