Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc

Nói với con về chuyện giới tính

Nói với con về chuyện giới tính

Một người trẻ tên là Vân Anh * nói: “Đôi khi tôi tò mò muốn biết về chuyện giới tính, nhưng cảm thấy nếu hỏi cha mẹ, họ sẽ nghĩ tôi đang làm chuyện bậy”.

Mẹ của Vân Anh tên là Yến nói: “Tôi rất muốn nói với con gái về chuyện giới tính, nhưng bản thân nó quá bận. Thật khó tìm được lúc nó rảnh rỗi”.

Ngày nay, hình ảnh và thông tin về giới tính, tình dục xuất hiện khắp nơi—trên truyền hình, phim ảnh và quảng cáo. Dường như chỉ trong cuộc nói chuyện giữa cha mẹ và con cái, đề tài này mới được xem là cấm kỵ. Một người trẻ ở Canada tên là Michael nói: “Phải chi cha mẹ hiểu rằng nói với họ về chuyện giới tính là điều căng thẳng và bối rối thế nào. Nói với bạn bè còn dễ hơn”.

Thường thì cha mẹ cũng như con cái ngại nói đến đề tài này. Trong cuốn sách Beyond the Big Talk, bà Debra W. Haffner, nhà giáo dục về sức khỏe, nói: “Nhiều bậc phụ huynh cho tôi biết khi con họ sắp đến tuổi dậy thì, họ mua sách về giới tính hoặc tuổi dậy thì, đặt trong phòng con và không bao giờ bàn đến nữa”. Bà Haffner cho biết khi làm thế như thể cha mẹ chuyển cho con thông điệp: “Cha mẹ muốn con biết về cơ thể của con và về giới tính, nhưng cha mẹ không muốn nói với con về đề tài này”.

Nếu là bậc cha mẹ, bạn cần có quan điểm khác. Thật thế, trực tiếp nói với con cái về chuyện giới tính là rất cần thiết. Hãy xem xét ba lý do:

  1. Quan niệm về tình dục đã thay đổi. “Người ta không còn chỉ nghĩ tình dục là sự giao hợp giữa vợ chồng. Ngày nay, còn có tình dục qua đường miệng, qua hậu môn, qua internet—thậm chí qua điện thoại”, anh Mạnh 20 tuổi nói.

  2. Con bạn có thể nghe thông tin sai lệch khi còn bé. “Chúng sẽ nghe về giới tính ngay khi mới đi học. Chúng sẽ không có cái nhìn như bạn muốn”, người mẹ tên là Sương nói.

  3. Con bạn thắc mắc về giới tính nhưng có thể không hỏi bạn. “Thật ra tôi không biết bắt đầu thế nào để nói với cha mẹ về chuyện giới tính”, Ana 15 tuổi ở Brazil nói.

Quả thật, nói với con về chuyện giới tính là một trách nhiệm mà Đức Chúa Trời giao cho cha mẹ (Ê-phê-sô 6:4). Có lẽ bạn và con thấy khó nói về điều này. Tuy nhiên, về mặt tích cực, nhiều bạn trẻ đồng ý với phát biểu của Đào 14 tuổi: “Chúng tôi muốn cha mẹ—không phải giáo viên hay chương trình truyền hình—dạy mình về vấn đề giới tính”. Vậy, làm thế nào bạn có thể nói với con về đề tài quan trọng nhưng khó nói này? *

Tùy theo độ tuổi

Trừ khi sống hoàn toàn tách biệt, trẻ em bắt đầu nghe về chuyện giới tính khi còn nhỏ. Điều đáng lo hơn là “trong ngày sau-rốt”, người hung ác “càng chìm-đắm luôn trong điều dữ” (2 Ti-mô-thê 3:1, 13). Nhiều trẻ em bị người lớn lợi dụng vì mục tiêu đồi bại.

Vì vậy, bắt đầu dạy con về chuyện giới tính ngay khi còn nhỏ rất quan trọng. Một người mẹ ở Đức tên là Renate nói: “Đến tuổi dậy thì, con trẻ cảm thấy ngại nói về vấn đề giới tính. Vì vậy, nếu đợi con bạn gần đến tuổi thanh thiếu niên thì có thể chúng không nói chuyện thoải mái”. Bí quyết là cho con trẻ biết thông tin phù hợp với độ tuổi.

Đối với trẻ chưa đi học:

Dạy con đúng tên của các bộ phận sinh dục, và nhấn mạnh rằng không ai được sờ vào các bộ phận đó. Một người mẹ ở Mexico tên là Julia nói: “Tôi bắt đầu dạy con trai lúc nó ba tuổi. Khi biết rằng giáo viên, người trông trẻ hoặc những đứa trẻ lớn hơn có thể xâm hại con trai mình, tôi rất lo lắng. Con tôi cần biết cách tự bảo vệ mình khỏi người lạ”.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Dạy con cách phản ứng quyết liệt nếu có người muốn sờ hoặc nghịch bộ phận sinh dục của con. Chẳng hạn, bạn có thể dạy con nói: “Đừng sờ! Tôi sẽ mách cho mà xem!”. Hãy cho con biết rằng việc mách với người lớn là điều đúng—dù người kia hứa cho quà hoặc đe dọa. *

Đối với trẻ học cấp I:

Những năm này là cơ hội để dạy con trẻ dần dần. Một người cha tên là Peter khuyên: “Thăm dò trước khi nói để xem chúng đã biết gì và có muốn biết thêm không. Đừng ép chúng phải nói. Việc nói chuyện sẽ đến tự nhiên, nếu bạn thường xuyên gần gũi với con”.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Thường xuyên có cuộc nói chuyện ngắn, thay vì nói nhiều (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6-9). Như thế con bạn sẽ không bị choáng ngợp. Hơn nữa, mỗi năm một lớn, con bạn sẽ có những thông tin mà chúng cần, tùy mức độ trưởng thành.

Đối với trẻ tuổi vị thành niên:

Đây là lúc bạn chắc chắn rằng con bạn có sự hiểu biết cần thiết về các khía cạnh thể chất, cảm xúc và đạo đức về tình dục. Ana 15 tuổi nói: “Các bạn nam và nữ ở trường tôi quan hệ tình dục mà không cần có tình yêu. Là một tín đồ Đấng Christ, tôi cần có sự hiểu biết cần thiết về đề tài này. Chuyện giới tính là một đề tài nhạy cảm, nhưng tôi phải biết”. *

Hãy thận trọng: Ở tuổi vị thành niên, các em có thể không dám đặt câu hỏi vì sợ cha mẹ nghi ngờ hạnh kiểm của mình. Đó là điều mà một người cha tên là Steven hiểu ra, anh nói: “Con trai chúng tôi ngại thảo luận về chuyện giới tính. Nhưng sau đó chúng tôi phát hiện rằng con trai mình cảm thấy chúng tôi nghi ngờ về hành vi của cháu. Chúng tôi cho cháu thấy rõ khi nói về vấn đề này không phải vì nghi ngờ cháu, nhưng chỉ muốn cháu được trang bị kỹ để đối phó với ảnh hưởng xấu xung quanh”.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Thay vì hỏi trực tiếp những câu hỏi cụ thể về giới tính, hãy hỏi rằng con và các bạn có quan điểm nào về vấn đề này. Chẳng hạn, bạn có thể hỏi: “Ngày nay nhiều người nghĩ quan hệ tình dục qua đường miệng không thực sự là quan hệ tình dục. Con và các bạn nghĩ sao?”. Những câu hỏi gián tiếp như thế có thể khiến con bạn nói chuyện cởi mở và bày tỏ cảm nghĩ của mình.

Vượt qua trở ngại

Đành rằng, nói với con về vấn đề giới tính có thể là nhiệm vụ khó khăn nhất mà cha mẹ phải đối mặt. Nhưng nỗ lực của bạn sẽ đáng công. Một người mẹ tên là Diane nói: “Theo thời gian, cuộc thảo luận sẽ dễ hơn, và việc nói với con về chuyện giới tính có thể trở thành cơ hội làm vững mạnh mối quan hệ giữa bạn và con”. Anh Steven được nói ở trên, đồng ý khi nói: “Việc đề cập đến đề tài khó nói này sẽ dễ dàng hơn nếu bạn tạo thói quen nói chuyện cởi mở về bất cứ vấn đề gì trong gia đình”. Anh nói thêm: “Trở ngại luôn có, nhưng trò chuyện cởi mở là cần yếu đối với một gia đình tín đồ Đấng Christ lành mạnh”.

^ đ. 3 Các tên trong bài này đã được đổi.

^ đ. 11 Bài này sẽ bàn về việc cần thiết nói với con về chuyện giới tính. Tạp chí tới sẽ có bài trình bày về cách truyền đạt giá trị đạo đức cho con trong cuộc nói chuyện.

^ đ. 16 Dựa vào trang 171 của sách Hãy học theo Thầy Vĩ Đại, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 19 Dùng chương 1-5, 28, 29 và 33 của sách Questions Young People Ask—Answers That Work, tập 2, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản, để bàn với con bạn về chuyện giới tính.

HÃY TỰ HỎI:

Hãy đọc lời bình luận dưới đây của những người trẻ trên thế giới, rồi suy nghĩ về câu hỏi đi kèm.

“Cha mẹ bảo tôi đọc các bài liên quan đến chuyện giới tính, rồi nếu có thắc mắc hãy đến gặp họ. Nhưng ước gì họ thảo luận với tôi về vấn đề này”.​—Ana, Brazil.

Bạn nghĩ tại sao cần phải làm nhiều hơn là chỉ đưa tài liệu cho con đọc?

“Tôi biết nhiều điều ghê tởm về chuyện tình dục​—những điều mà tôi nghĩ cha mình cũng không biết. Cha sẽ hoảng kinh nếu tôi hỏi về điều đó”.​—Ken, Canada.

Con bạn có thể lo sợ điều gì khi nói với bạn về những quan tâm của mình?

“Khi tôi có đủ can đảm để hỏi cha mẹ về vấn đề giới tính, họ đáp lại như thể buộc tội tôi: “Tại sao con hỏi điều đó? Chuyện gì đã xảy ra?” ”.​—Masami, Nhật Bản.

Khi con hỏi về chuyện giới tính, cách bạn phản ứng có thể tác động thế nào đến con, khiến con thấy khó hoặc dễ nói chuyện với bạn?

“Tôi sẽ bớt lo ngại nếu cha mẹ cho biết khi ở độ tuổi tôi, họ từng đặt những câu hỏi như thế, và các câu hỏi của tôi cũng là bình thường”.​—Lisette, Pháp.

Bạn có thể làm gì để giúp con cảm thấy thoải mái hơn khi nói với bạn về vấn đề giới tính?

“Mẹ thường đặt những câu hỏi với tôi về chuyện giới tính​—nhưng với giọng thân mật. Tôi cảm thấy điều đó là quan trọng để con cái không cảm thấy mình bị đoán xét”.​—Gerald, Pháp.

Khi nói với con về vấn đề giới tính, bạn nói bằng giọng nào? Bạn có cần điều chỉnh cách mình nói không?