Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va là Chúa Tối Thượng chúng ta!

Đức Giê-hô-va là Chúa Tối Thượng chúng ta!

Đức Giê-hô-va là Chúa Tối Thượng chúng ta!

“Tôi nhờ Chúa Giê-hô-va làm nơi nương-náu mình”.—THI 73:28.

1. Như được ghi lại nơi 1 Cô-rinh-tô 7:31, dường như Phao-lô muốn nói đến điều gì?

“Hình-trạng thế-gian nầy qua đi [“đang thay đổi”, NW]”. Sứ đồ Phao-lô đã nói như thế (1 Cô 7:31). Dường như ông đang ví thế gian như một sân khấu, trong đó các diễn viên của vở kịch đóng vai của mình là nhân vật chính diện hoặc phản diện cho đến khi đổi màn.

2, 3. (a) Quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va bị thách thức có thể so sánh với điều gì? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

2 Ngày nay, một vở kịch vô cùng quan trọng đang diễn ra, và liên quan đến bạn! Vở kịch này đặc biệt liên hệ đến việc biện minh cho quyền thống trị của Đức Giê-hô-va. Vở kịch có thể được minh họa bằng một trường hợp xảy ra trong một nước. Nước này có chính phủ hợp pháp, giữ gìn trật tự. Nhưng trong nước cũng có một tổ chức tội phạm gian lận, độc ác và giết người. Tổ chức bất hợp pháp này chống lại quyền hành tối cao của chính phủ và thử thách lòng trung thành của tất cả các công dân đối với chính phủ ấy.

3 Một trường hợp tương tự đang xảy ra trong bình diện vũ trụ. “Chúa Giê-hô-va” có một chính phủ hợp pháp (Thi 71:5). Nhưng một tổ chức tội phạm do “ma-quỉ” cầm đầu đang đe dọa nhân loại (1 Giăng 5:19). Tổ chức này chống lại chính phủ hợp pháp của Đức Chúa Trời và thử thách lòng trung thành của mọi người với quyền cai trị tối thượng của Ngài. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Tại sao Đức Chúa Trời cho phép điều này xảy ra? Mỗi cá nhân chúng ta có thể làm gì?

Đặc điểm của vở kịch

4. Vở kịch vũ trụ gồm hai vấn đề nào liên hệ với nhau?

4 Vở kịch vũ trụ gồm hai vấn đề liên hệ với nhau: quyền thống trị của Đức Giê-hô-va và sự trung kiên của con người. Trong Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va thường được gọi là “Chúa”. Chẳng hạn, với lòng tin cậy tuyệt đối nơi Ngài, người viết Thi-thiên hát: “Tôi nhờ Chúa Giê-hô-va làm nơi nương-náu mình” (Thi 73:28). Theo nguyên ngữ, từ “Chúa” trong câu Kinh Thánh này ám chỉ sự toàn năng hay sự cai trị tối cao. Một nhà cai trị thường sử dụng quyền hành cao nhất. Chúng ta có nhiều lý do chính đáng để xem Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng Tối Cao.—Đa 7:22.

5. Tại sao chúng ta nên tiếp tục ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va?

5 Là Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng Tối Cao của trái đất và cả vũ trụ. (Đọc Khải-huyền 4:11). Đức Giê-hô-va cũng là Quan Xét, Đấng Lập Luật và Vua của chúng ta, vì chính Ngài đã kết hợp những yếu tố tư pháp, lập pháp và hành pháp của chính phủ vũ trụ (Ê-sai 33:22). Vì chúng ta hiện hữu là nhờ Đức Chúa Trời và tùy thuộc vào Ngài, chúng ta nên xem Ngài là Chúa Tối Thượng. Chúng ta sẽ tiếp tục ủng hộ vị thế cao quý của Ngài nếu luôn ghi nhớ rằng “Đức Giê-hô-va đã lập ngôi Ngài trên các từng trời, Nước Ngài cai-trị trên muôn vật”.—Thi 103:19; Công 4:24.

6. Lòng trung kiên là gì?

6 Để ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải giữ lòng trung kiên với Ngài. “Trung kiên” là trọn vẹn hoặc hoàn hảo về mặt đạo đức. Người trung kiên là người trọn vẹn và ngay thẳng. Tộc trưởng Gióp là người như thế.—Gióp 1:1.

Vở kịch bắt đầu

7, 8. Sa-tan đã thách thức tính chính đáng về quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va như thế nào?

7 Cách đây hơn 6.000 năm, một tạo vật thần linh đã thách thức tính chính đáng về quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Lời nói và hành động của kẻ phản nghịch này xuất phát từ ham muốn ích kỷ được thờ phượng. Hắn dụ dỗ cặp vợ chồng đầu tiên A-đam và Ê-va bất tuân với Chúa Tối Thượng, và cố bôi nhọ danh Đức Giê-hô-va qua việc vu khống Ngài nói dối (Đọc Sáng-thế Ký 3:1-5). Kẻ phản nghịch này trở thành Kẻ thù chính, Sa-tan (Kẻ chống đối), Ma-quỉ (Kẻ vu khống), con rắn (kẻ lừa gạt) và con rồng (kẻ nuốt chửng).—Khải 12:9.

8 Sa-tan tự tôn mình lên thành kẻ cai trị kình địch với Đức Chúa Trời. Trước thách thức này, Chúa Tối Thượng Giê-hô-va làm gì? Liệu Ngài có hủy diệt ba kẻ phản loạn là Sa-tan, A-đam và Ê-va ngay lập tức không? Chắc chắn Ngài có quyền làm thế, và hành động ấy sẽ cho thấy ai là Đấng nắm quyền tối cao. Hành động ấy cũng chứng tỏ Đức Giê-hô-va nói đúng về án phạt liên quan đến việc vi phạm luật pháp của Ngài. Nhưng tại sao Đức Chúa Trời đã không hành động như thế?

9. Sa-tan nêu nghi vấn về điều gì?

9 Qua việc nói dối và làm cho cặp vợ chồng đầu tiên từ bỏ Đức Chúa Trời, Sa-tan nêu nghi vấn rằng Đức Giê-hô-va có quyền đòi hỏi nhân loại vâng lời hay không. Hơn nữa, khi xúi giục A-đam và Ê-va phản nghịch Đức Chúa Trời, Sa-tan cũng đặt nghi vấn về lòng trung thành của tất cả tạo vật thông minh. Như trong trường hợp của Gióp, người đã trung thành với quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va, Sa-tan cho rằng hắn có thể khiến loài người từ bỏ Đức Chúa Trời.—Gióp 2:1-5.

10. Bằng cách hoãn lại việc khẳng định quyền tối thượng của Ngài, Đức Giê-hô-va cho phép điều gì?

10 Bằng cách hoãn lại việc khẳng định quyền tối thượng của Ngài cũng như việc hủy diệt Sa-tan, Đức Giê-hô-va cho Sa-tan thời gian để chứng minh lời tuyên bố của hắn. Đức Chúa Trời cũng cho nhân loại cơ hội để thể hiện lòng trung thành với quyền tối thượng của Ngài. Điều gì đã xảy ra qua các thế kỷ? Sa-tan đã thiết lập một tổ chức tội phạm hùng mạnh. Nhưng cuối cùng, Đức Giê-hô-va sẽ hủy diệt tổ chức này và Ma-quỉ, đưa ra bằng chứng chắc chắn về quyền tối thượng chính đáng của Ngài. Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời biết chắc sẽ có kết quả tốt đẹp, nên Ngài đã báo trước điều này lúc cuộc phản nghịch xảy ra trong vườn Ê-đen.—Sáng 3:15.

11. Nhiều người đã làm gì để ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va?

11 Nhiều người đã thể hiện đức tin và giữ lòng trung kiên trong việc ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va và làm thánh danh Ngài. Trong số đó có A-bên, Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham, Sa-ra, Môi-se, Ru-tơ, Đa-vít, Chúa Giê-su, các môn đồ thời ban đầu và hàng triệu người giữ lòng trung kiên ngày nay. Những người ủng hộ quyền tối thượng của Đức Chúa Trời góp phần chứng minh Sa-tan là kẻ nói dối và biện minh cho danh của Đức Giê-hô-va khỏi sự sỉ nhục của Sa-tan, kẻ đã khoác lác rằng hắn có thể khiến nhân loại từ bỏ Đức Chúa Trời.—Châm 27:11.

Kết cuộc hiển nhiên

12. Làm thế nào chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Chúa Trời sẽ không dung túng sự gian ác mãi?

12 Chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va không lâu nữa sẽ khẳng định quyền tối thượng. Ngài không dung túng sự gian ác mãi, và chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng. Đức Giê-hô-va đã ra tay trừng phạt người ác trong trận Nước Lụt. Ngài đã hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, Pha-ra-ôn và đạo binh của ông. Ngoài ra, Si-sê-ra và đạo binh của ông, San-chê-ríp và đội quân A-si-ri không đọ sức được với Đấng Chí Cao (Sáng 7:1, 23; 19:24, 25; Xuất 14:30, 31; Quan 4:15, 16; 2 Vua 19:35, 36). Vì thế, chúng ta có thể tin chắc rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ không dung túng mãi việc danh Ngài bị khinh thường và Nhân Chứng của Ngài bị ngược đãi. Hơn nữa, chúng ta hiện đang thấy bằng chứng về sự hiện diện của Chúa Giê-su và sự cuối cùng của hệ thống gian ác này.—Mat 24:3.

13. Làm thế nào để không bị hủy diệt cùng với kẻ thù của Đức Giê-hô-va?

13 Để không bị hủy diệt cùng với kẻ thù của Đức Chúa Trời, chúng ta phải chứng tỏ mình trung thành với quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Chúng ta có thể làm điều đó như thế nào? Bằng cách tách biệt khỏi sự cai trị độc ác của Sa-tan và không sợ hãi trước tay sai của hắn (Ê-sai 52:11; Giăng 17:16; Công 5:29). Chỉ khi làm thế, chúng ta mới có thể ủng hộ quyền tối thượng của Cha trên trời và có hy vọng được sống sót khi Đức Giê-hô-va biện minh cho danh Ngài và chứng tỏ Ngài là Chúa Tối Thượng của vũ trụ.

14. Những phần trong Kinh Thánh cho biết điều gì?

14 Những chi tiết liên quan đến loài người và quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va được trình bày trong Kinh Thánh. Ba chương đầu cho chúng ta biết về sự sáng tạo và việc con người phạm tội, còn ba chương cuối nói về sự khôi phục của nhân loại. Phần giữa cho biết chi tiết về những bước mà Chúa Tối Thượng Giê-hô-va thực hiện để hoàn thành ý định của Ngài dành cho nhân loại, trái đất và vũ trụ. Sách Sáng-thế Ký cho thấy cách Sa-tan và sự gian ác vào thế gian, và phần cuối của sách Khải-huyền cho biết cách sự gian ác sẽ bị loại trừ, Ma-quỉ sẽ bị hủy diệt và ý muốn của Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện trên đất cũng như trên trời. Thật vậy, Kinh Thánh tiết lộ nguyên nhân của tội lỗi và sự chết, và cho thấy những điều này sẽ bị loại trừ khỏi thế gian như thế nào, thay vào đó là niềm vui vô tận và đời sống vĩnh cửu dành cho những người giữ lòng trung kiên.

15. Để được lợi ích khi vở kịch liên quan đến quyền tối thượng kết thúc, chúng ta phải làm gì?

15 Không lâu nữa, hình trạng thế gian sẽ hoàn toàn thay đổi. Vở kịch kéo dài hàng thế kỷ liên quan đến quyền tối thượng sẽ hạ màn. Sa-tan sẽ bị loại trừ khỏi sân khấu, cuối cùng bị hủy diệt và ý muốn của Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ được thực hiện. Nhưng để hưởng lợi ích từ điều này và nhận nhiều ân phước được tiên tri trong Lời Đức Chúa Trời, chúng ta phải ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va ngay từ bây giờ. Chúng ta không thể đứng giữa hoặc do dự. Để có thể nói: “Đức Giê-hô-va bênh-vực tôi”, chúng ta phải tiếp tục đứng về phía Ngài.—Thi 118:6, 7.

Chúng ta có thể giữ lòng trung kiên!

16. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn loài người có thể giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời?

16 Chúng ta có thể ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va và giữ lòng trung kiên, vì sứ đồ Phao-lô viết: “Những sự cám-dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành-tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám-dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám-dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được” (1 Cô 10:13). Những cám dỗ mà Phao-lô đề cập là gì? Và làm thế nào Đức Chúa Trời mở đường cho chúng ta ra khỏi?

17-19. (a) Dân Y-sơ-ra-ên rơi vào cám dỗ nào trong đồng vắng? (b) Tại sao chúng ta có thể giữ lòng trung kiên?

17 Như trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng, “sự cám-dỗ” đến từ những hoàn cảnh có thể xui khiến người đó vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời (Đọc 1 Cô-rinh-tô 10:6-10). Dân Y-sơ-ra-ên có thể kháng cự cám dỗ, nhưng họ chiều theo “tình-dục xấu [“những sự xấu xa”, Trịnh Văn Căn]” khi Đức Giê-hô-va làm phép lạ cung cấp chim cút cho họ trong một tháng. Dù dân sự không có thịt để ăn trong một thời gian, Đức Chúa Trời đã cung cấp đủ ma-na cho họ. Tuy nhiên, họ đã để mình rơi vào cám dỗ của việc chiều theo lòng tham vô độ khi lượm chim cút.—Dân 11:19, 20, 31-35.

18 Trước đó, trong khi Môi-se nhận Luật pháp trên núi Si-na-i, dân Y-sơ-ra-ên đã thờ tượng bò và ăn uống vui chơi. Khi người lãnh đạo không có mặt, họ đã không kiểm soát và rơi vào cám dỗ (Xuất 32:1, 6). Ngay trước khi vào Đất Hứa, hàng ngàn người Y-sơ-ra-ên đã bị phụ nữ Mô-áp dụ dỗ, và phạm tội vô luân. Trong trường hợp đó, hàng ngàn người Y-sơ-ra-ên đã chết (Dân 25:1, 9). Đôi khi, dân Y-sơ-ra-ên đã chiều theo việc phàn nàn với tinh thần phản nghịch, có lần nói nghịch cùng Môi-se và ngay cả Đức Chúa Trời! (Dân 21:5). Sau khi Cô-rê, Đa-than, A-bi-ram và những người theo họ bị hủy diệt, dân Y-sơ-ra-ên thậm chí lằm bằm, lý luận sai lầm rằng việc hành hình những kẻ phản nghịch đó là bất công. Hậu quả là 14.700 người Y-sơ-ra-ên bị Đức Chúa Trời trừng phạt.—Dân 16:41, 49.

19 Không có cám dỗ nào được đề cập ở trên mà dân Y-sơ-ra-ên không kháng cự được. Họ chiều theo cám dỗ vì mất đức tin và quên Đức Giê-hô-va, quên sự chăm sóc đầy yêu thương của Ngài và sự công bình của đường lối Ngài. Như trong trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên, những cám dỗ mà chúng ta đương đầu là điều thông thường đối với con người. Nếu chúng ta ra sức kháng cự chúng và nhờ Đức Chúa Trời nâng đỡ, chúng ta có thể giữ lòng trung kiên. Chúng ta tin chắc điều này vì “Đức Chúa Trời là thành-tín” và chẳng để chúng ta “bị cám-dỗ quá sức mình đâu”. Đức Giê-hô-va không bao giờ lìa bỏ chúng ta, không để chúng ta rơi vào hoàn cảnh quá sức chịu đựng đến nỗi không thể làm theo ý muốn của Ngài.—Thi 94:14.

20, 21. Khi chúng ta bị thử thách, Đức Chúa Trời “mở đàng” cho ra khỏi như thế nào?

20 Để thêm sức hầu giúp chúng ta kháng cự cám dỗ, Đức Giê-hô-va “mở đàng” cho chúng ta ra khỏi. Chẳng hạn, những kẻ bắt bớ có thể hành hung để chúng ta từ bỏ đức tin. Trước sự bắt bớ như thế, chúng ta có thể muốn thỏa hiệp hầu thoát khỏi sự đánh đập, tra tấn hoặc có thể cái chết. Tuy nhiên, dựa trên lời bảo đảm được soi dẫn của Phao-lô nơi 1 Cô-rinh-tô 10:13, chúng ta biết tình huống dẫn đến cám dỗ chỉ là tạm thời. Đức Giê-hô-va sẽ không để nó trở nên quá sức, khiến chúng ta không thể trung thành với Ngài. Đức Chúa Trời có thể củng cố đức tin và ban thêm sức về thiêng liêng mà chúng ta cần để giữ lòng trung kiên.

21 Đức Giê-hô-va nâng đỡ chúng ta qua thánh linh. Thánh linh cũng giúp chúng ta nhớ những điểm trong Kinh Thánh để kháng cự cám dỗ (Giăng 14:26). Nhờ thế, chúng ta không bị lừa đi theo đường lối sai lầm. Chẳng hạn chúng ta biết những vấn đề liên hệ giữa quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va và lòng trung kiên của con người. Với sự hiểu biết này và nhờ Đức Chúa Trời nâng đỡ, nhiều người đã có thể giữ lòng trung thành cho đến chết. Tuy nhiên, họ được “mở đàng cho ra khỏi” không phải nhờ sự chết, nhưng nhờ sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, họ có thể chịu đựng cho đến cuối cùng mà không chiều theo cám dỗ. Ngài cũng có thể làm thế cho chúng ta. Ngoài ra, vì lợi ích của chúng ta, Đức Chúa Trời dùng những thiên sứ với tư cách là thần hầu việc “được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ-nghiệp cứu-rỗi” (Hê 1:14). Như bài kế tiếp cho biết, chỉ những người giữ lòng trung kiên mới có thể hy vọng nhận được đặc ân vui mừng là ủng hộ quyền tối thượng của Đức Chúa Trời cho đến muôn đời. Chúng ta cũng có thể có mặt trong số đó nếu gắn bó với Đức Giê-hô-va, Chúa Tối Thượng của chúng ta.

Bạn trả lời thế nào?

• Tại sao chúng ta nên công nhận Đức Giê-hô-va là Chúa Tối Thượng?

• Giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời có nghĩa gì?

• Làm sao chúng ta biết không lâu nữa Đức Giê-hô-va sẽ khẳng định quyền tối thượng?

• Theo 1 Cô-rinh-tô 10:13, tại sao chúng ta có thể giữ lòng trung kiên?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 24]

Sa-tan xúi giục A-đam và Ê-va bất trung với Đức Giê-hô-va

[Hình nơi trang 26]

Hãy quyết tâm ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va