Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người vào thời Kinh Thánh có thực sự sống hàng trăm năm?

Người vào thời Kinh Thánh có thực sự sống hàng trăm năm?

Người vào thời Kinh Thánh có thực sự sống hàng trăm năm?

Bà Jeanne Louise Calment qua đời ngày 4-8-1997 tại quê nhà ở miền đông nam nước Pháp, hưởng thọ 122 tuổi!

Ngày nay, sự tiến bộ về khoa học, y khoa và các lĩnh vực khác giúp kéo dài tuổi thọ của con người. Dù thế, hiếm có người sống 100 tuổi hoặc hơn. Vì vậy, những người sống thọ như thế thường được đăng trên báo, như trường hợp của bà Calment.

Kinh Thánh cho biết vào thời xưa con người sống thọ hơn nhiều, một số người sống gần 1.000 tuổi. Điều này có thể tin được không? Những người sống vào thời Kinh Thánh có thực sự sống thọ đến thế? Vấn đề này liên quan thế nào đến chúng ta?

Những người từng sống rất thọ

Sách Sáng-thế Ký trong Kinh Thánh nói đến bảy người từng sống hơn 900 năm. Họ đều được sinh ra trước trận Đại Hồng Thủy thời Nô-ê. Đó là ông A-đam, Sết, Ê-nót, Kê-nan, Giê-rệt, Mê-tu-sê-la và Nô-ê (Sáng-thế Ký 5:5-27; 9:29). Hầu hết những người này xa lạ với người ta ngày nay, nhưng họ thuộc mười thế hệ đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Ông Mê-tu-sê-la được biết đến là người sống lâu nhất. Ông thọ 969 tuổi!

Kinh Thánh cũng đề cập đến ít nhất 25 người khác sống thọ hơn con người ngày nay rất nhiều. Trong số họ, có những người sống 300, 400, 700 tuổi hoặc hơn nữa (Sáng-thế Ký 5:28-31; 11:10-25). Tuy nhiên, đối với nhiều người ngày nay, lời tường thuật trong Kinh Thánh về những người sống thọ như thế chỉ là chuyện hoang đường. Có phải vậy không?

Chuyện hoang đường hay có thật?

Theo một tài liệu của Viện nghiên cứu nhân khẩu học Max Planck tại Đức, các nhà nghiên cứu đã xác minh tuổi của bà Calment, người được đề cập ở trên, qua việc thu thập một số “lời nói [của bà] có thể kiểm chứng được”. Những lời này nói về bà hoặc thân nhân của bà, đề cập đến một số thời điểm diễn ra sự kiện nào đó. Sau đó, họ đối chiếu những gì bà nói với sổ hộ tịch, hồ sơ công chứng, sổ sách của nhà thờ cũng như những bài báo và các đợt điều tra dân số. Điều đáng chú ý là mặc dù không thể kiểm chứng từng chi tiết, nhưng vẫn có đủ bằng chứng trực tiếp và gián tiếp để xác minh tuổi thọ của bà.

Còn về những lời tường thuật trong Kinh Thánh thì sao? Những lời này có đáng tin cậy không? Chắc chắn có! Dù không phải mọi chi tiết đều được các nguồn tài liệu ngoài Kinh Thánh xác nhận, nhưng vẫn có đủ bằng chứng cho thấy những gì Kinh Thánh nói là chính xác về lịch sử, khoa học và niên đại học *. Điều này không có gì ngạc nhiên vì Kinh Thánh cho biết: “Đức Chúa Trời vẫn chân thật dù mọi người đều giả dối” (Rô-ma 3:4, Bản Dịch Mới). Đúng vậy, vì là cuốn sách được “Đức Chúa Trời soi-dẫn” nên Kinh Thánh không chứa đựng chuyện hoang đường.—2 Ti-mô-thê 3:16.

Ông Môi-se, người được Giê-hô-va Đức Chúa Trời soi dẫn viết Ngũ Thư, hoặc năm sách đầu tiên của Kinh Thánh, được xem là người đáng tôn kính và có ảnh hưởng lớn trong lịch sử. Người Do Thái xem ông là bậc thầy vĩ đại nhất. Người Hồi giáo xem ông là một trong những nhà tiên tri lỗi lạc nhất. Còn đối với tín đồ Đấng Christ, Môi-se là hình ảnh báo trước vai trò của Chúa Giê-su. Vậy có hợp lý không khi kết luận rằng những gì mà nhân vật lịch sử quan trọng ấy viết ra không đáng tin?

Cách tính thời gian khác nhau?

Một số người cho rằng cách tính thời gian của thời xưa và thời nay khác nhau, một năm trước kia thật ra chỉ là một tháng bây giờ. Tuy nhiên, khi phân tích lời tường thuật trong sách Sáng-thế Ký, chúng ta thấy người thời xưa có khái niệm về thời gian giống với thời nay. Hãy xem hai thí dụ. Trong lời tường thuật về trận Đại Hồng Thủy, chúng ta thấy trận nước lụt xảy ra vào “tháng hai, ngày mười bảy”, khi Nô-ê được 600 tuổi. Kinh Thánh nói nước bao phủ khắp mặt đất 150 ngày, rồi “đến tháng bảy, ngày mười bảy, chiếc tàu tấp trên núi A-ra-rát” (Sáng-thế Ký 7:11, 24; 8:4). Vì thế, khoảng thời gian 5 tháng, từ ngày 17 tháng thứ hai đến ngày 17 tháng thứ bảy, tương đương với 150 ngày. Vậy rõ ràng, một năm trước kia không phải là một tháng bây giờ.

Hãy xem xét thí dụ thứ hai. Theo Sáng-thế Ký 5:15-18, ông Ma-ha-la-le có con trai khi 65 tuổi. Ông sống thêm 830 năm rồi qua đời ở tuổi 895. Cháu trai của ông là Hê-nóc cũng có con lúc 65 tuổi (Sáng-thế Ký 5:21). Nếu một năm là một tháng thì hai người này làm cha khi mới năm tuổi! Điều đó có hợp lý chăng?

Ngoài ra, ngành khảo cổ xác nhận một số lời tường thuật trong Kinh Thánh liên quan đến những người sống thọ. Về tộc trưởng Áp-ra-ham, Kinh Thánh nói rằng từ thành U-rơ ông đến định cư ở thành Cha-ran rồi đến xứ Ca-na-an, sau đó đánh bại Kết-rô-Lao-me, vua nước Ê-lam (Sáng-thế Ký 11:31; 12:5; 14:13-17). Những gì người ta khám phá xác nhận những nơi và dân này đã từng tồn tại. Khảo cổ học cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các vùng đất và phong tục của những dân có liên quan đến Áp-ra-ham. Vì những lời tường thuật trong Kinh Thánh về Áp-ra-ham là chính xác, thì tại sao chúng ta lại nghi vấn về việc ông sống thọ 175 tuổi?—Sáng-thế Ký 25:7.

Do đó, không có lý do gì để nghi ngờ lời Kinh Thánh tường thuật về một số người thời xưa sống rất thọ. Nhưng có lẽ bạn tự hỏi: “Vấn đề người thời đó sống thọ hay không có liên quan gì đến mình?”.

Bạn có thể sống lâu hơn mình tưởng!

Tuổi thọ lạ thường của những người sống trước trận Đại Hồng Thủy chứng tỏ rằng cơ thể con người có khả năng duy trì sự sống rất lâu. Kỹ thuật hiện đại giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cơ thể con người và thiết kế kỳ diệu của nó, bao gồm khả năng tự tái tạo và phục hồi phi thường. Họ kết luận thế nào? Thân thể có tiềm năng sống mãi mãi. Ông Tom Kirkwood, giáo sư y khoa, nói: “[Quá trình lão hóa] là một trong những điều còn bí ẩn đối với y học”.

Tuy nhiên, đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, sự lão hóa không phải là điều bí ẩn cũng không là vấn đề vô phương cứu chữa. Ngài tạo ra người đàn ông đầu tiên là A-đam một cách hoàn hảo với ý định cho ông sống mãi mãi. Đáng buồn thay, A-đam đã không vâng phục Đức Chúa Trời. Ông phạm tội và đánh mất sự hoàn hảo. Đây là lời giải thích mà các nhà khoa học đang tìm kiếm: “Bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12). Vì là người tội lỗi và không hoàn hảo nên chúng ta bị bệnh, già và chết.

Dù vậy, ý định của Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương không bao giờ thay đổi. Bằng chứng nổi bật nhất là Ngài đã hy sinh Chúa Giê-su Christ, Con Ngài, để chuộc tội nhân loại. Nhờ thế, con người có cơ hội trở lại sự hoàn hảo và sống đời đời. Kinh Thánh nói: “Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại” (1 Cô-rinh-tô 15:22). Nếu trước thời trận Đại Hồng Thủy, con người được sống thọ vì gần thời điểm của sự hoàn hảo, thì ngày nay chúng ta được sống gần thời điểm mà lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ thành hiện thực. Không lâu nữa, mọi vết tích của tội lỗi và sự bất toàn sẽ biến mất, con người sẽ không bị già nua và chết.—Ê-sai 33:24; Tít 1:2.

Làm sao bạn có thể nhận được ân phước đó? Đừng cho rằng lời hứa của Đức Chúa Trời chỉ là hão huyền. Chúa Giê-su nói: “Ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời” (Giăng 5:24). Vậy hãy tìm hiểu Kinh Thánh và áp dụng vào đời sống. Nếu làm thế, bạn sẽ “dồn-chứa về ngày sau một cái nền tốt và bền-vững cho mình, để được cầm lấy sự sống thật”, như sứ đồ Phao-lô khuyên (1 Ti-mô-thê 6:19). Bạn hãy tin chắc rằng nếu Đức Chúa Trời đã làm cho những người trong thời Kinh Thánh sống rất lâu, thì Ngài cũng có thể cho bạn sự sống vĩnh cửu!

[Chú thích]

^ đ. 10 Để biết thêm thông tin, xin xem sách Kinh Thánh—Lời Đức Chúa Trời hay lời loài người?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Biểu đồ nơi trang 12]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

1000*

969* MÊ-TU-SÊ-LA

950* NÔ-Ê

930* A-ĐAM

900*

800*

700*

600*

500*

400*

300*

200*

100* NGƯỜI THỜI NAY

*TUỔI