Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Con bạn sẽ nói gì?

Con bạn sẽ nói gì?

Con bạn sẽ nói gì?

GỬI CÁC BẬC CHA MẸ: Trong số Tháp Canh ngày 15-1-2010, trang 16-20, chúng tôi đã đề cập đến phần thực tập mà bạn có thể làm với con. Bài này cũng cung cấp nhiều thông tin để giúp bạn chuẩn bị cho con đương đầu với thử thách tại trường học. Bạn có thể dùng những phần này trong Buổi thờ phượng của gia đình.

Con trẻ là Nhân Chứng Giê-hô-va thường gặp nhiều thử thách. Bạn học thường hỏi tại sao các em không tham gia một số hoạt động như mừng sinh nhật, những ngày lễ khác và vấn đề liên quan đến trung lập. Con bạn sẽ trả lời thế nào trước những câu hỏi đó?

Một số em chỉ đơn giản nói: “Tớ không tham gia vì đạo tớ không cho phép”. Những em này đáng khen vì giữ vững lập trường. Câu trả lời như thế có thể làm người nghe không hỏi thêm. Tuy nhiên, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta “sẵn-sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ” về niềm tin của chúng ta (1 Phi 3:15). Làm thế bao hàm nhiều hơn là chỉ nói “tớ không tham gia”. Ngay cả khi người khác không đồng ý với quan điểm của chúng ta, một số người có lẽ muốn biết lý do chúng ta quyết định như thế.

Nhiều Nhân Chứng trẻ đã kể lại các lời tường thuật trong Kinh Thánh cho bạn bè bằng cách dùng các ấn phẩm như sách Hãy học theo Thầy Vĩ Đại. Những lời tường thuật này có thể giúp giải thích tại sao các em làm hoặc không làm một số điều. Một số học sinh thì thích lắng nghe các câu chuyện Kinh Thánh, và nhiều cuộc học hỏi đã bắt đầu bằng cách này. Những học sinh khác có lẽ thấy khó theo dõi cả câu chuyện. Nếu không được giải thích đầy đủ, một số câu chuyện có thể khó hiểu đối với chúng. Chẳng hạn, khi được bạn mời dự sinh nhật, em Minhee 11 tuổi trả lời: “Kinh Thánh không nói chúng ta tổ chức sinh nhật. Một nhân vật trong Kinh Thánh là Giăng Báp-tít đã bị xử tử trong một tiệc sinh nhật”. Và Minhee cho biết bạn ấy dường như không hiểu câu trả lời của em.

Đôi khi điều hữu ích là cho bạn học thấy một hình ảnh hoặc lời tường thuật trong sách của chúng ta. Nhưng nếu ban giám hiệu không muốn học sinh chia sẻ cho bạn bè các ấn phẩm tôn giáo thì sao? Con cái chúng ta có thể làm chứng hữu hiệu dù không có ấn phẩm không? Làm thế nào bạn có thể giúp con bênh vực niềm tin của mình?

Hãy cùng con thực tập

Thực tập trước ở nhà rất có ích, trong đó cha mẹ đóng vai của bạn học. Khi con cố gắng để bênh vực niềm tin, cha mẹ nên khen nỗ lực của con, rồi giúp con thấy cách để trau dồi khả năng lý luận và tại sao nên làm như thế. Chẳng hạn, hãy đề nghị dùng những từ ngữ mà học sinh cùng độ tuổi có thể hiểu. Em Joshua, 9 tuổi, cho biết các bạn em không hiểu những từ như “lương tâm” và “lòng trung thành”. Vì thế, em đã dùng từ đơn giản hơn để lý luận với các bạn.—1 Cô 14:9.

Một số học sinh nêu câu hỏi có thể dễ chán và mất tập trung nếu câu trả lời quá dài. Người trẻ Nhân Chứng có thể giúp các bạn tiếp tục chú ý vào đề tài bằng cách nói chuyện và lý luận với họ. Em Haneul, 10 tuổi, cho biết: “Bạn bè em thích đối thoại chứ không thích nghe giảng đạo”. Để có một cuộc đối thoại, hãy đặt câu hỏi rồi lắng nghe kỹ quan điểm của người đối thoại.

Những cuộc đối thoại sau đây cho thấy cách các em tín đồ Đấng Christ có thể lý luận với bạn bè. Không cần phải học thuộc lòng các cuộc đối thoại này, vì mỗi học sinh mỗi khác và tùy hoàn cảnh mà chúng ta trả lời. Do đó, một Nhân Chứng trẻ nên có sẵn ý tưởng, suy nghĩ bằng lời lẽ riêng, rồi tùy theo tình huống và người bạn mà thể hiện cách phù hợp. Nếu có con đang trong tuổi đi học, bạn hãy cố gắng thử thực tập những cuộc đối thoại này với con.

Huấn luyện con cái đòi hỏi thời gian và nỗ lực. Các bậc cha mẹ tín đồ Đấng Christ muốn khắc ghi nguyên tắc Kinh Thánh vào lòng con và khuyến khích con sống theo những nguyên tắc ấy.—Phục 6:7; 2 Ti 3:14.

Vào Buổi thờ phượng của gia đình lần tới, hãy cố gắng thực tập với con các cuộc đối thoại như được trình bày ở đây. Hãy xem những đề nghị này hữu hiệu như thế nào. Hãy nhớ rằng mục tiêu không phải để học thuộc câu trả lời hoặc từ ngữ. Bạn có thể diễn lại một cuộc đối thoại vài lần, trả lời theo cách khác để xem con bạn đối đáp thế nào. Hãy giúp con phát triển tính phải lẽ và khéo léo khi chúng cố gắng giải thích những điều cơ bản của niềm tin. Qua thời gian, bạn sẽ dạy con cách bênh vực niềm tin của mình trước bạn học, hàng xóm và giáo viên.

[Khung/​Các hình nơi trang 4, 5]

TIỆC SINH NHẬT

Mary: Này John, cậu đến dự sinh nhật tớ nhé!

John: Cám ơn đã mời tớ, nhưng cho tớ hỏi tại sao cậu lại tổ chức sinh nhật?

Mary: Để ăn mừng ngày sinh của tớ. Chẳng lẽ cậu không tổ chức sao?

John: Không, tớ không tổ chức.

Mary: Tại sao? Cả nhà tớ rất vui khi tớ được sinh ra.

John: Gia đình tớ cũng vậy, cũng vui khi tớ được sinh ra. Nhưng đó không phải là lý do để tớ ăn mừng mỗi năm. Nhiều người nghĩ họ là người quan trọng nhất trong tiệc sinh nhật của mình. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng quan trọng hơn, phải không? Và chẳng phải chúng ta nên cám ơn Ngài vì đã cho chúng ta sự sống sao?

Mary: Vậy ý cậu là tớ không nên tổ chức sinh nhật hay sao?

John: Tùy cậu thôi. Cậu thử nghĩ xem, trong khi rất nhiều người thích nhận quà sinh nhật, Kinh Thánh nói rằng ban cho thì hạnh phúc hơn là nhận. Thế nên, thay vì tập trung vào chính mình trong ngày sinh nhật, chẳng phải tốt hơn là cám ơn Đức Chúa Trời, nghĩ đến người khác và làm điều tốt cho họ sao?

Mary: Tớ chưa bao giờ nghĩ về điều đó. Chẳng lẽ cha mẹ cậu không bao giờ tặng quà cho cậu sao?

John: Có chứ. Nhưng cha mẹ tớ không đợi đến ngày sinh của tớ. Lúc nào muốn thì cha mẹ tặng quà cho tớ. Này Mary, cậu có muốn biết tiệc sinh nhật bắt đầu từ đâu không?

Mary: Cậu biết hả?

John: Vâng, để ngày mai tớ kể cho cậu nghe câu chuyện thú vị về một tiệc sinh nhật được tổ chức cách đây lâu lắm rồi.

CHÀO CỜ

Ngọc Hằng: Này Nhi, sao cậu không chào cờ?

Phương Nhi: Trước khi trả lời, cho tớ hỏi, vậy tại sao cậu chào cờ?

Ngọc Hằng: Tớ chào cờ vì tớ yêu tổ quốc.

Phương Nhi: Chắc cậu cũng yêu mẹ cậu phải không? Nhưng cậu không làm động tác như thế để chào mẹ cậu, phải không?

Ngọc Hằng: Đúng là thế. Nhưng tớ chào cờ vì tôn trọng quốc kỳ. Cậu không tôn trọng quốc kỳ sao?

Phương Nhi: Có chứ. Nhưng mình không làm động tác chào cờ với mọi người và mọi thứ mà mình tôn trọng, phải không?

Ngọc Hằng: Cậu nói đúng, tớ tôn trọng cô giáo nhưng không làm động tác chào cờ để chào cô. Thật sự tớ cũng không biết tại sao tớ lại chào cờ.

Phương Nhi: Có nhiều người nghĩ quốc kỳ tượng trưng cho đất nước. Chào cờ nghĩa là họ sẽ làm mọi điều vì nước mình. Nhưng tớ không hoàn toàn nghĩ như thế. Đức Chúa Trời cho tớ sự sống nên tớ không hy sinh sự sống đó cho đất nước. Tớ quyết định dùng đời sống mình cho Ngài. Thế nên, tớ tôn trọng quốc kỳ nhưng không chào cờ.

Ngọc Hằng: Giờ tớ hiểu rồi.

Phương Nhi: Cám ơn đã hỏi tớ về điều này. Nếu cậu muốn biết lý do tớ làm hoặc không làm một số điều, hãy hỏi tớ nhé. Cậu biết không, Kinh Thánh kể là trước đây rất lâu, một vị vua Ba-by-lôn đã ra lệnh cho người dân phải quỳ lạy trước một pho tượng. Một số người đã không làm theo cho dù mạng sống họ bị đe dọa.

Ngọc Hằng: Vậy sao? Họ có bị gì không?

Phương Nhi: Tớ sẽ kể cậu nghe vào giờ ăn trưa.

BẦU CỬ TRONG LỚP

Phúc Huy: Này Tâm, cậu có muốn làm lớp trưởng không? Tớ nghĩ cậu rất thích hợp với chức này. Tớ sẽ bầu cho cậu!

Chí Tâm: Cám ơn cậu, nhưng tớ không muốn làm lớp trưởng.

Phúc Huy: Sao vậy?

Chí Tâm: Vì tớ theo Chúa Giê-su và muốn noi gương ngài. Chúa Giê-su không tham gia chính trị. Cậu có muốn biết tại sao không?

Phúc Huy: Không, và tớ cũng không quan tâm.

Chí Tâm: Vậy chừng nào cậu muốn biết, cứ hỏi tớ nhé.

[Hình]

“Cậu đến dự sinh nhật tớ nhé!”

[Hình nơi trang 3]

“Tại sao cậu không chào cờ?”