Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vườn Ê-đen—Ngôi nhà đầu tiên của nhân loại?

Vườn Ê-đen—Ngôi nhà đầu tiên của nhân loại?

Vườn Ê-đen​—Ngôi nhà đầu tiên của nhân loại?

Hãy hình dung bạn đang ở trong một khu vườn. Nơi đó rất yên tĩnh, âm thanh náo nhiệt của đời sống thành thị không lọt qua bức tường bao quanh vườn. Khu vườn này rộng mênh mông, không gì có thể phá vỡ sự thanh bình của nó. Hơn nữa, tâm trí bạn không lo lắng, cơ thể bạn không bệnh tật, dị ứng hay đau đớn gì. Các giác quan của bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được mọi vật xung quanh.

Đầu tiên, bạn ngắm nhìn vô số bông hoa nở rộ đầy màu sắc, dòng suối chảy óng ánh, rồi vô vàn màu xanh của lá và cỏ dưới ánh nắng và bóng râm. Bạn có thể cảm nhận làn gió thoảng qua da và hương thơm ngọt ngào trong gió. Bạn nghe tiếng lá xào xạc, tiếng nước chảy róc rách qua đá, tiếng chim hót gọi nhau và tiếng côn trùng vo ve. Chẳng phải bạn mong muốn sống ở một nơi như thế sao?

Trên thế giới, người ta tin nhân loại có khởi đầu trong một nơi như thế. Trong nhiều thế kỷ, người theo Do Thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo được dạy về khu vườn Ê-đen, nơi Đức Chúa Trời cho A-đam và Ê-va sống. Theo Kinh Thánh, họ sống yên bình và hạnh phúc. Họ hòa thuận với nhau, với thú vật và với Đức Chúa Trời, là Đấng yêu thương cho họ hy vọng sống đời đời trong môi trường tuyệt diệu ấy.—Sáng-thế Ký 2:15-24.

Ấn Độ giáo cũng có những ý niệm về một địa đàng thời xưa. Phật giáo tin rằng các Đức Phật đã lớn lên trong thời đại hoàng kim khi thế giới là địa đàng. Và nhiều tôn giáo ở châu Phi kể về những câu chuyện có điểm tương đồng như chuyện về A-đam và Ê-va.

Đúng vậy, ý niệm về địa đàng thời ban đầu có trong nhiều tôn giáo và niềm tin của con người. Một học giả cho biết: “Nhiều nền văn minh đã tin nơi một địa đàng ban đầu, có đặc điểm là hoàn hảo, tự do, bình an, hạnh phúc, dư dật, không bị tù túng, căng thẳng và xung đột... Niềm tin này là ý niệm chung của nhiều dân tộc, cho thấy lòng khao khát có lại quá khứ và mong muốn địa đàng khôi phục”.

Có phải tất cả các câu chuyện và niềm tin ấy đều có cùng nguồn gốc không? “Ý niệm chung” của con người có thể là ký ức của một điều có thật không? Vậy, vườn Ê-đen thời xa xưa cũng như A-đam và Ê-va có hiện hữu không?

Những người hoài nghi chế nhạo ý niệm này. Trong thời đại khoa học, nhiều người cho rằng những lời tường thuật ấy chỉ là chuyện thần thoại và hoang đường. Ngạc nhiên thay, không phải tất cả những người hoài nghi đều là vô thần. Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo không ủng hộ niềm tin nơi vườn Ê-đen. Họ cho rằng không bao giờ có khu vườn như thế. Theo họ, lời tường thuật này chỉ mang ý nghĩa ẩn dụ, là chuyện hoang đường hay dụ ngôn.

Dĩ nhiên, Kinh Thánh có nói đến chuyện dụ ngôn. Chính Chúa Giê-su đã kể nhiều chuyện dụ ngôn nổi tiếng nhất. Tuy nhiên, Kinh Thánh trình bày lời tường thuật về vườn Ê-đen không phải như một chuyện dụ ngôn mà là một sự kiện lịch sử. Nếu những sự kiện này không xảy ra thì làm sao có thể tin phần còn lại của Kinh Thánh? Chúng ta hãy xem tại sao một số người nghi ngờ về vườn Ê-đen và lý do họ đưa ra có hợp lý không. Rồi hãy xem tại sao lời tường thuật này có liên quan đến mỗi người chúng ta.