Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Được Đức Chúa Trời chấp nhận dẫn đến sự sống vĩnh cửu

Được Đức Chúa Trời chấp nhận dẫn đến sự sống vĩnh cửu

Được Đức Chúa Trời chấp nhận dẫn đến sự sống vĩnh cửu

“Vì hỡi Đức Giê-hô-va, chính Ngài sẽ ban phước cho người công-bình, lấy ơn vây-phủ người khác nào bằng cái khiên”.—THI 5:12.

1, 2. Ê-li đã đề nghị bà góa ở Sa-rép-ta điều gì, và cho bà lời bảo đảm nào?

Bà góa và con trai đang đói, và nhà tiên tri của Đức Chúa Trời cũng vậy. Khi người góa phụ ở Sa-rép-ta này chuẩn bị nấu ăn, tiên tri Ê-li xin bà cho ông nước và bánh. Bà sẵn lòng cho ông nước uống, nhưng bây giờ bà chỉ còn “một nắm bột trong vò và một chút dầu trong bình”. Bà thấy mình không đủ thức ăn để chia sẻ với nhà tiên tri, và nói với ông điều đó.—1 Vua 17:8-12.

2 Ê-li tiếp tục bảo bà: “Dùng bột ấy làm cho ta một cái bánh nhỏ, rồi đem ra cho ta; kế sau ngươi sẽ làm cho ngươi và cho con trai ngươi. Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên phán như vầy: Bột sẽ không hết trong vò, và dầu sẽ không thiếu trong bình”.—1 Vua 17:13, 14.

3. Chúng ta đứng trước vấn đề quan trọng nào?

3 Bà góa này đứng trước một quyết định quan trọng hơn việc có chia sẻ chút thức ăn còn lại cho nhà tiên tri hay không. Liệu bà có tin cậy Đức Giê-hô-va sẽ cứu bà và con trai, hay bà đặt nhu cầu về vật chất lên trên việc được Đức Chúa Trời chấp nhận và có tình bạn với Ngài? Chúng ta cũng đứng trước câu hỏi tương tự. Chúng ta sẽ cho thấy mình mong muốn được Đức Giê-hô-va chấp nhận hơn là được đảm bảo về vật chất không? Chúng ta có mọi lý do để tin cậy và phụng sự Đức Chúa Trời. Và chúng ta có thể thực hiện những bước để được Ngài chấp nhận.

‘Chúa đáng được thờ phượng’

4. Tại sao Đức Giê-hô-va xứng đáng để chúng ta thờ phượng?

4 Đức Giê-hô-va có quyền mong đợi con người phụng sự Ngài theo cách Ngài chấp nhận. Một nhóm thiên sứ phụng sự Đức Chúa Trời đã đồng thanh nói: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh-hiển, tôn-quí và quyền-lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý-muốn Chúa mà muôn-vật mới có và đã được dựng nên” (Khải 4:11). Vì là Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va xứng đáng để chúng ta thờ phượng.

5. Tại sao tình yêu thương của Đức Chúa Trời thôi thúc chúng ta phụng sự Ngài?

5 Một lý do khác chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va là vì không ai yêu thương chúng ta bằng Ngài. Kinh Thánh cho biết: “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ” (Sáng 1:27). Con người có tự do ý chí và được Đức Chúa Trời ban khả năng suy nghĩ và quyết định. Qua việc cho chúng ta sự sống, Đức Giê-hô-va trở thành Cha của nhân loại (Lu 3:38). Như bất cứ người cha tốt nào, Ngài làm mọi điều hầu cung cấp những gì con cái Ngài cần để vui hưởng đời sống. Ngài “khiến mặt trời mọc” và “làm mưa”, nhờ thế Trái Đất cung cấp đồ ăn dư dật cho chúng ta trong một môi trường tuyệt đẹp.—Mat 5:45.

6, 7. (a) A-đam đã gây ra thiệt hại nào cho con cháu của ông? (b) Giá chuộc của Chúa Giê-su sẽ mang lại lợi ích nào cho những người cố gắng để được Đức Chúa Trời chấp nhận?

6 Đức Giê-hô-va cũng giải thoát chúng ta khỏi hậu quả khủng khiếp của tội lỗi. Khi phạm tội, A-đam như một kẻ cờ bạc, lấy cắp của gia đình để đi đánh bạc, khiến gia đình rơi vào cảnh túng quẫn. Qua việc phản nghịch Đức Giê-hô-va, A-đam đã cướp lấy triển vọng của con cháu ông—hạnh phúc vĩnh cửu. Sự ích kỷ của ông khiến nhân loại trở thành nô lệ của sự bất toàn. Vì thế, nhân loại phải trải qua bệnh tật, buồn khổ và cuối cùng sự chết. Giải phóng một nô lệ đòi hỏi phải trả một giá, và tương tự, Đức Giê-hô-va cũng trả giá để có thể cứu chúng ta thoát khỏi hậu quả thảm khốc của tội lỗi. (Đọc Rô-ma 5:21). Qua việc hành động hòa hợp với ý muốn của Cha ngài, Chúa Giê-su đã “phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mat 20:28). Chẳng bao lâu nữa, những người được Đức Chúa Trời chấp nhận sẽ nhận lợi ích trọn vẹn của giá chuộc.

7 Đấng Tạo Hóa của chúng ta, Đức Giê-hô-va đã cung cấp mọi điều cần thiết để chúng ta có đời sống hạnh phúc, đầy ý nghĩa. Nhờ sự chấp nhận của Ngài, chúng ta có thể chứng kiến cách Ngài hành động để sửa đổi mọi tổn hại đã xảy ra cho con người. Đức Giê-hô-va sẽ cho mỗi người chúng ta thấy Ngài tiếp tục là “Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”.—Hê 11:6.

“Dân Chúa tình-nguyện lại đến”

8. Kinh nghiệm của Ê-sai dạy chúng ta điều gì về việc phụng sự Đức Chúa Trời?

8 Được Đức Chúa Trời chấp nhận bao hàm việc dùng quyền tự do ý chí cách đúng đắn, vì Đức Giê-hô-va không ép buộc ai phụng sự Ngài. Vào thời Ê-sai, Ngài đã hỏi: “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?”. Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài tôn trọng nhà tiên tri khi cho ông có quyền quyết định. Hãy hình dung niềm vui mừng của Ê-sai khi đáp: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi”.—Ê-sai 6:8.

9, 10. (a) Chúng ta nên phụng sự Đức Chúa Trời với thái độ nào? (b) Tại sao phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng là điều thích đáng?

9 Con người được tự do chọn phụng sự Đức Chúa Trời hoặc không phụng sự Ngài. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tình nguyện phụng sự Ngài. (Đọc Giô-suê 24:15). Những người miễn cưỡng thờ phượng Đức Chúa Trời không thể làm Ngài hài lòng. Đức Chúa Trời cũng không chấp nhận sự thờ phượng với động lực là chỉ muốn làm vui lòng người khác (Cô 3:22). Nếu để những quyền lợi trong thế gian ảnh hưởng sự thờ phượng đến độ không phụng sự “hết lòng”, chúng ta không được Đức Chúa Trời chấp nhận (Thi 119:2). Đức Giê-hô-va biết rằng phụng sự Ngài hết linh hồn là điều tốt cho chúng ta. Môi-se khuyên giục dân Y-sơ-ra-ên chọn sự sống bằng cách ‘thương-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời họ, vâng theo tiếng phán Ngài, và tríu-mến Ngài’.—Phục 30:19, 20.

10 Vua Đa-vít vào thời Y-sơ-ra-ên xưa hát cho Đức Giê-hô-va: “Trong ngày quyền-thế Chúa, dân Chúa tình-nguyện lại đến; những kẻ trẻ tuổi ngươi mặc trang-sức thánh cũng đến cùng ngươi như giọt sương bởi lòng rạng-đông mà ra” (Thi 110:3). Nhiều người ngày nay đặt thú vui và sự an toàn về tài chánh lên hàng đầu trong đời sống. Tuy nhiên, đối với những người yêu mến Đức Giê-hô-va, phụng sự Ngài là điều ưu tiên. Lòng sốt sắng của họ trong việc rao giảng tin mừng chứng minh điều này. Họ hết lòng tin cậy là Đức Giê-hô-va có khả năng cung cấp những nhu cầu hằng ngày cho họ.—Mat 6:33, 34.

Những của lễ được Đức Chúa Trời chấp nhận

11. Qua việc dâng các của lễ cho Đức Giê-hô-va, dân Y-sơ-ra-ên hy vọng nhận được lợi ích gì?

11 Dưới giao ước Luật pháp, dân sự của Đức Chúa Trời dâng những của lễ thích hợp để được Ngài chấp nhận. Lê-vi Ký 19:5 cho biết: “Khi các ngươi dâng của-lễ thù-ân cho Đức Giê-hô-va, thì phải dâng một cách cho được nhậm”. Trong cùng sách này của Kinh Thánh nói: “Khi các ngươi dâng của-lễ thù-ân cho Đức Giê-hô-va, thì phải dâng thế nào cho của-lễ vì các ngươi được nhậm” (Lê 22:29). Khi dân Y-sơ-ra-ên dâng thú vật thích hợp trên bàn thờ của Đức Giê-hô-va, khói bay lên giống như “mùi thơm” cho Ngài (Lê 1:9, 13). Ngài cảm thấy hài lòng và chấp nhận hành động thể hiện tình yêu thương ấy của dân sự (Sáng 8:21). Qua những đòi hỏi của Luật pháp, chúng ta tìm thấy nguyên tắc áp dụng ngày nay. Những người dâng các của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời thì được Ngài chấp nhận. Các của lễ mà Ngài chấp nhận là gì? Hãy xem hai khía cạnh trong đời sống: hạnh kiểm và lời nói.

12. Những thực hành nào khiến việc “dâng thân-thể mình làm của-lễ” trở nên ô uế trước mắt Đức Chúa Trời?

12 Trong lá thư gửi cho người Rô-ma, sứ đồ Phao-lô viết: “Dâng thân-thể mình làm của-lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ-phượng phải lẽ của anh em” (Rô 12:1). Muốn được Đức Chúa Trời chấp nhận, một người phải giữ thân thể thanh sạch. Nếu một người làm ô uế thân thể bằng thuốc lá, trầu cau, ma túy hoặc lạm dụng rượu, của lễ người đó dâng lên không có giá trị (2 Cô 7:1). Hơn nữa, một người ‘buông mình vào sự dâm-dục, phạm đến chính thân-thể mình’, nên bất cứ hành vi vô luân nào cũng làm cho của lễ của người đó ô uế trước mặt Đức Giê-hô-va (1 Cô 6:18). Để làm hài lòng Đức Chúa Trời, một người phải “thánh trong mọi cách ăn-ở mình”.—1 Phi 1:14-16.

13. Tại sao khen ngợi Đức Giê-hô-va là điều thích hợp?

13 Một của lễ khác làm vui lòng Đức Giê-hô-va là cách nói năng của chúng ta. Những người yêu mến Đức Giê-hô-va luôn ca ngợi Ngài nơi công cộng cũng như ở nhà. (Đọc Thi-thiên 34:1-3). Hãy đọc Thi-thiên 148-150, và lưu ý ba bài Thi-thiên này khuyến khích chúng ta khen ngợi Đức Giê-hô-va nhiều lần đến thế nào. Thật vậy, “sự ngợi-khen đáng cho người ngay-thẳng” (Thi 33:1). Và Đấng Gương Mẫu của chúng ta, Chúa Giê-su, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngợi khen Đức Chúa Trời qua việc rao giảng tin mừng.—Lu 4:18, 43, 44.

14, 15. Ô-sê khuyên giục dân Y-sơ-ra-ên dâng của lễ nào? Và Đức Giê-hô-va đáp lại như thế nào?

14 Rao giảng với lòng sốt sắng là bằng chứng cho thấy tình yêu thương với Đức Giê-hô-va và lòng ao ước được Ngài chấp nhận. Chẳng hạn, hãy xem cách nhà tiên tri Ô-sê khuyên bảo dân Y-sơ-ra-ên, là những người đã thờ thần giả và mất ân huệ của Đức Chúa Trời (Ô-sê 13:1-3). Ô-sê bảo họ nài xin: “Xin [Đức Giê-hô-va] cất mọi sự gian-ác đi, và nhậm sự tốt-lành, vậy chúng tôi sẽ dâng lời ngợi-khen ở môi chúng tôi thay vì con bò đực”.—Ô-sê 14:1, 2.

15 Con bò đực là con vật đắt tiền nhất mà một người Y-sơ-ra-ên có thể dâng cho Đức Giê-hô-va. Vì thế, ‘lời ngợi-khen ở môi thay vì con bò đực’ ám chỉ những lời chân thành, suy nghĩ sâu sắc để ngợi khen Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va đáp lại những người dâng các của lễ đó như thế nào? Ngài nói: “Ta sẽ lấy lòng tốt yêu chúng nó” (Ô-sê 14:4). Đối với những người dâng các của lễ ngợi khen như thế, Đức Giê-hô-va sẵn sàng tha thứ, chấp nhận và vun trồng tình bạn với họ.

16, 17. Khi đức tin nơi Đức Chúa Trời thúc đẩy một người rao truyền tin mừng, Ngài nhậm lời ngợi khen của người đó như thế nào?

16 Ca ngợi Đức Giê-hô-va nơi công cộng luôn là một phần quan trọng trong sự thờ phượng thật. Việc tôn vinh Đức Chúa Trời rất có ý nghĩa đối với người viết Thi-thiên đến nỗi ông nài xin: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy nhậm lễ lạc-ý của miệng tôi, và dạy-dỗ tôi các mạng-lịnh Ngài” (Thi 119:108). Còn ngày nay thì sao? Nói về một đám đông người vào thời chúng ta, Ê-sai tiên tri: “[Họ] rao-truyền lời ngợi-khen Đức Giê-hô-va... dâng lên bàn-thờ ta [Đức Chúa Trời] làm một của-lễ đẹp ý” (Ê-sai 60:6, 7). Ứng nghiệm lời tiên tri này, hàng triệu người đang “dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng xưng danh Ngài ra”.—Hê 13:15.

17 Còn bạn thì sao? Bạn có đang dâng những của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời không? Nếu chưa làm thế, bạn sẽ thực hiện những thay đổi và bắt đầu công khai ngợi khen Đức Giê-hô-va không? Khi đức tin thúc đẩy bạn rao truyền tin mừng, của lễ của bạn “sẽ đẹp lòng Đức Giê-hô-va hơn con bò đực”. (Đọc Thi-thiên 69:30, 31). Hãy tin chắc rằng của lễ với “mùi thơm-tho” qua lời ngợi khen của bạn sẽ lên đến Đức Giê-hô-va và được Ngài chấp nhận (Ê-xê 20:41). Khi ấy bạn sẽ cảm nhận niềm vui không gì sánh bằng.

‘Chính Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho người công-bình’

18, 19. (a) Người ta ngày nay có quan điểm nào về sự thờ phượng Đức Chúa Trời? (b) Mất sự chấp thuận của Đức Chúa Trời dẫn đến điều gì?

18 Ngày nay, nhiều người có cùng kết luận như một số người vào thời Ma-la-chi: “Người ta hầu-việc Đức Chúa Trời là vô-ích; chúng ta giữ điều Ngài dạy phải giữ... thì có lợi gì?” (Mal 3:14). Vì ham muốn vật chất, họ xem ý định của Đức Chúa Trời là không thể đạt được và luật pháp của Ngài không còn áp dụng. Đối với họ, rao truyền tin mừng là công việc lãng phí thời gian và phiền phức.

19 Thái độ đó đã bắt đầu từ vườn Ê-đen. Chính Sa-tan là kẻ đã thuyết phục Ê-va xem thường sự chấp thuận của Đức Giê-hô-va và giá trị của đời sống tuyệt vời mà Ngài ban cho. Ngày nay, Sa-tan nỗ lực dụ dỗ người ta tin rằng làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì không được gì cả. Tuy nhiên, Ê-va và chồng bà đã nhận ra là mất sự chấp thuận của Đức Chúa Trời đồng nghĩa với việc mất sự sống. Những ai thời nay làm theo gương xấu của họ thì chẳng bao lâu nữa sẽ nhận ra sự thật cay đắng này.—Sáng 3:1-7, 17-19.

20, 21. (a) Bà góa ở Sa-rép-ta đã làm điều gì, và kết quả ra sao? (b) Tại sao chúng ta nên noi gương bà góa ở Sa-rép-ta, và chúng ta làm thế bằng cách nào?

20 A-đam và Ê-va đã có kết cục bi thảm, nhưng câu chuyện về Ê-li và bà góa thành Sa-rép-ta được đề cập ở đầu bài thì có kết quả tốt. Sau khi nghe những lời khích lệ của Ê-li, bà bắt tay vào làm bánh và trước tiên dọn cho nhà tiên tri một ít bánh. Rồi Đức Giê-hô-va thực hiện lời Ngài hứa với bà qua Ê-li. Lời tường thuật cho biết: “Nàng và nhà nàng, luôn với Ê-li ăn trong lâu ngày. Bột chẳng hết trong vò, dầu không thiếu trong bình, y như lời Đức Giê-hô-va đã cậy miệng Ê-li mà phán ra”.—1 Vua 17:15, 16.

21 Bà góa thành Sa-rép-ta đã làm điều mà ít người trong hàng tỉ người ngày nay sẵn lòng thực hiện. Bà hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi, và Ngài không bỏ bà trong tình trạng vô vọng. Lời tường thuật này và những lời tường thuật khác trong Kinh Thánh chứng thực rằng Đức Giê-hô-va đáng để chúng ta tin cậy. (Đọc Giô-suê 21:43-45; 23:14). Ngoài ra, đời sống của các Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay chứng minh rằng Ngài không bao giờ bỏ rơi những người mà Ngài chấp nhận.—Thi 34:6, 7, 17-19. *

22. Tại sao chúng ta cần cấp bách trong việc nỗ lực để được Đức Chúa Trời chấp nhận?

22 Ngày phán xét của Đức Chúa Trời “cho mọi người ở khắp trên mặt đất” đang gần kề (Lu 21:34, 35). Không có cách nào để thoát khỏi ngày ấy. Không có của cải hoặc sự an toàn về vật chất nào có giá trị bằng việc được nghe lời phán sau đây của Đấng Phán Xét do Đức Chúa Trời bổ nhiệm: “Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên-đàng đã sắm-sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất” (Mat 25:34). Thật vậy, ‘chính Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho người công-bình, lấy ơn vây-phủ người khác nào bằng cái khiên’ (Thi 5:12). Mong sao chúng ta nỗ lực để được Đức Chúa Trời chấp nhận!

[Chú thích]

^ đ. 21 Xin xem Tháp Canh! ngày 15-3-2005, trang 13, đoạn 15; ngày 1-8-1997, trang 20-25.

Bạn còn nhớ không?

• Tại sao Đức Giê-hô-va xứng đáng để chúng ta hết lòng thờ phượng?

• Ngày nay Đức Giê-hô-va chấp nhận của lễ nào?

• Cụm từ ‘lời ngợi-khen ở môi thay vì con bò đực’ ám chỉ điều gì, và tại sao chúng ta nên dâng lên cho Đức Giê-hô-va?

• Tại sao chúng ta nên nỗ lực để được Đức Chúa Trời chấp nhận?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 13]

Nhà tiên tri của Đức Chúa Trời nêu ra vấn đề quan trọng nào với người mẹ nghèo khổ?

[Hình nơi trang 15]

Khi dâng của lễ bằng lời ngợi khen cho Đức Giê-hô-va, chúng ta nhận được lợi ích nào?

[Hình nơi trang 17]

Bạn sẽ không bao giờ thất vọng nếu hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va