Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúa Giê-su có chết trên thập giá?

Chúa Giê-su có chết trên thập giá?

Chúa Giê-su có chết trên thập giá?

Một bách khoa từ điển cho biết: “Thập tự giá là biểu tượng quen thuộc nhất của Ki-tô giáo”. Nhiều bức tranh và tác phẩm nghệ thuật mô tả Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá. Tại sao biểu tượng này rất phổ biến trong các đạo Ki-tô? Chúa Giê-su có chết trên thập tự giá không?

Nhiều người cho rằng Kinh Thánh nói như thế. Chẳng hạn, theo bản Các Giờ Kinh Phụng Vụ, lúc Chúa Giê-su bị hành hình, những người xung quanh chế nhạo và thách thức ngài: “Xuống khỏi thập giá xem nào!” (Ma-thi-ơ 27:40, 42). Nhiều bản khác cũng dịch tương tự. Ví dụ, bản Liên Hiệp Thánh Kinh Hội nói rằng lính bắt Si-môn, người thành Sy-ren “phải vác cây thập-tự” (Mác 15:21). Trong các câu này, cụm từ “thập giá” và “thập-tự” được dịch từ tiếng Hy Lạp staurosʹ. Cách dịch như thế có cơ sở vững chắc không? Nghĩa của từ Hy Lạp này là gì?

Có phải là thập tự giá không?

Theo ông W. E. Vine, một học giả về tiếng Hy Lạp, danh từ staurosʹ “có nghĩa nguyên thủy là một cây cọc hay cây trụ thẳng đứng. Trên trụ ấy, người ta đóng đinh tội phạm để xử tử. Cả danh từ và động từ stauroō, nghĩa là treo trên cọc hay trụ, đều có nghĩa khác với thập tự giá của giáo hội là hai thanh gỗ bắt chéo nhau”.

Một từ điển Kinh Thánh (The Imperial Bible-Dictionary) nói rằng từ staurosʹ “có nghĩa chính xác là cây cọc, cây trụ thẳng đứng để treo một vật gì đó hoặc đóng xung quanh một mảnh đất”. Từ điển cũng cho biết: “Cả vào thời La Mã, từ crux [gốc La-tinh của cụm từ “thập tự giá” trong một số ngôn ngữ] có nghĩa nguyên thủy là trụ thẳng đứng”. Vì thế, không ngạc nhiên khi cuốn The Catholic Encyclopedia (Bách khoa Từ điển Công giáo) nói: “Chắc chắn, vật mà người ta gọi thập tự giá thì lúc ban đầu chỉ là cây trụ thẳng đứng, có đầu trên nhọn”.

Nói về công cụ hành hình Chúa Giê-su, những người viết Kinh Thánh cũng dùng một từ Hy Lạp khác là xyʹlon. Một sách tham khảo (A Critical Lexicon and Concordance to the English and Greek New Testament) định nghĩa xyʹlon là “đoạn gỗ hay cây gỗ”. Sách cho biết thêm giống như staurosʹ, từ xyʹlon “chỉ có nghĩa là cây cọc hay trụ thẳng đứng mà người La Mã dùng để đóng đinh người ta”.

Phù hợp với điều trên, bản Các Giờ Kinh Phụng Vụ nói nơi Công-vụ 5:30: “Đức Giê-su đã bị các ông treo lên cây gỗ [xyʹlon] mà giết đi”. Một số bản khác tuy có dịch staurosʹ là “thập tự giá” nhưng cũng dịch xyʹlon là “cây gỗ”. Chẳng hạn, nơi Công-vụ 13:29, bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn nói về Chúa Giê-su: “Khi họ đã làm xong mọi điều viết về Ngài, họ tháo Ngài xuống khỏi cây gỗ [xyʹlon], mà đặt Ngài vào mộ”.

Sau khi xem xét về nghĩa cơ bản của từ Hy Lạp staurosʹ xyʹlon, sách tham khảo trên (Critical Lexicon and Concordance) nhận xét: “Nghĩa của cả hai từ này trái ngược với quan điểm ngày nay về thập tự giá vốn đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta qua các hình ảnh”. Nói cách khác, vật mà những người viết sách Phúc âm gọi là staurosʹ hoàn toàn khác với vật mà thời nay người ta gọi là thập tự giá. Vì thế, bản New World Translation of the Holy Scriptures (Bản dịch Thế Giới Mới) dịch từ staurosʹ là “cây khổ hình” nơi Ma-thi-ơ 27:40-42 và những nơi khác. Bản Complete Jewish Bible cũng dịch từ này là “cây hành hình”.

Nguồn gốc của thập tự giá

Kinh Thánh không nói Chúa Giê-su bị hành hình trên thập tự giá. Vậy, tại sao các giáo hội​—Công giáo, Tin Lành và Chính Thống giáo—cho rằng họ dạy dỗ và làm theo Kinh Thánh mà lại dùng thập tự giá trang trí nhà thờ và là biểu tượng của tôn giáo? Làm thế nào thập tự giá trở thành biểu tượng phổ biến như thế?

Không chỉ tín đồ của các giáo hội sùng kính thập tự giá mà cả những dân tộc không biết Kinh Thánh và các tôn giáo có trước thời giáo hội rất lâu cũng thế. Nhiều sách tham khảo tôn giáo cho biết người ta dùng thập tự giá dưới nhiều hình dạng từ thời xa xưa của nền văn minh nhân loại. Chẳng hạn, trên các vết tích Ai Cập cổ, có những lời khắc bằng từ tượng hình hoặc hình mô tả các thần và thập tự hình chữ T có vòng quay ở đầu. Người ta nghĩ đây là biểu tượng của sự sống. Sau đó, biểu tượng này được Giáo hội Ai Cập và các giáo hội khác tiếp nhận và sử dụng cách phổ biến.

Theo một bách khoa từ điển Công giáo (The Catholic Encyclopedia), “hình dạng ban đầu của thập tự giá dường như là chữ thập ngoặc (crux gammata). Thập tự này được các nhà nghiên cứu về phương Đông và những sinh viên ngành khảo cổ thời tiền sử gọi bằng tên tiếng Phạn là swastika”, tức chữ Vạn. Biểu tượng ấy được các tín đồ Ấn Độ giáo và Phật giáo sùng kính khắp châu Á, và ngày nay vẫn còn thấy ở các vùng này.

Chúng ta không biết rõ thập tự giá trở thành biểu tượng của giáo hội từ khi nào. Theo từ điển Kinh Thánh của ông Vine (Expository Dictionary of New Testament Words): “Đến giữa thế kỷ thứ 3 CN, giáo hội đã loại bỏ hoặc làm sai lệch một số đạo lý của Chúa Ki-tô. Để làm tăng thanh thế của mình, giáo hội bội đạo này đã tiếp nhận người ngoại đạo dù họ chưa thay đổi niềm tin, và vẫn được phép giữ các biểu tượng ngoại giáo”, trong đó có thập tự giá.

Đối với một số học giả, năm 312 công nguyên là một điểm mốc. Năm ấy, trên đường đi chiến đấu, hoàng đế Constantine, người thờ thần mặt trời, cho rằng mình đã nhìn thấy chữ thập trên mặt trời với lời kèm theo bằng tiếng La-tinh “in hoc vince” (nhờ đó hãy chiến thắng). Thời gian sau, một biểu tượng “đạo Ki-tô” được vẽ lên lá cờ, khiên và áo giáp quân lính của ông (hình bên dưới). Người ta cho rằng ông đã cải đạo sang Ki-tô giáo, nhưng trên thực tế mãi đến 25 năm sau, lúc hấp hối, ông mới làm phép rửa tội. Vì thế, một số người nghi ngờ động lực của ông. Sách The Non-Christian Cross (Thập tự giá không thuộc Ki-tô giáo) cho biết: “Hành động của ông cho thấy ông muốn biến Ki-tô giáo thành một đạo mà thần dân sẽ dễ chấp nhận, là công giáo [giáo hội phổ cập], thay vì ông tiếp nhận sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, người Na-xa-rét”.

Sau đó, người ta dùng thập tự giá dưới nhiều hình dạng. Chẳng hạn, một từ điển (The Illustrated Bible Dictionary) cho biết thập giá của thánh An-tôn có “hình chữ T mà một số người cho là bắt nguồn từ biểu tượng của thần Tammuz [xứ Ba-by-lôn] là chữ tau. Thập giá thánh Anh-rê có hình chữ X. Thập giá thông thường nhất được gọi là thập giá La-tinh có hai thanh giao nhau, thanh ngang hạ thấp xuống, “theo truyền thống là thập giá mà Chúa bị đóng đinh”.

Môn đồ Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất tin gì?

Kinh Thánh cho thấy vào thế kỷ thứ nhất, nhiều người nghe Chúa Giê-su giảng đã trở thành môn đồ ngài và đặt đức tin nơi cái chết làm giá chuộc của ngài. Sau khi sứ đồ Phao-lô rao giảng cho người Do Thái ở thành Cô-rinh-tô, chứng minh Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Kinh Thánh kể: “Cơ-rít-bu, chủ nhà hội, với cả nhà mình đều tin Chúa; lại có nhiều người Cô-rinh-tô từng nghe Phao-lô giảng, cũng tin và chịu phép báp-têm” (Công-vụ 18:5-8). Sứ đồ Phao-lô không dạy các đồng đạo dùng biểu tượng hoặc ảnh tượng trong việc thờ phượng mà khuyên họ hãy “tránh khỏi sự thờ-lạy hình-tượng”.—1 Cô-rinh-tô 10:14

Các nhà sử học và nhà nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng cho thấy các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất dùng thập tự giá. Điều đáng chú ý là sách History of the Cross (Lịch sử của thập tự giá) trích dẫn lời của một nhà văn cuối thế kỷ 17: “Có thể nào Chúa Giê-su hài lòng khi thấy các môn đồ hãnh diện về công cụ được dùng để hành hình tội phạm, mà trên đó [người ta cho là] Ngài chịu đựng, chịu chết dù vô tội, qua đó khinh điều sỉ nhục?”. Bạn nghĩ sao?

Thờ phượng bằng hình tượng hoặc ảnh tượng không được Đức Chúa Trời chấp nhận. Sứ đồ Phao-lô nêu lên câu hỏi: “Có thể nào hiệp đền-thờ Đức Chúa Trời lại với hình-tượng?” (2 Cô-rinh-tô 6:14-16). Không có câu Kinh Thánh nào cho thấy chúng ta nên dùng vật giống công cụ được sử dụng để đóng đinh Chúa Giê-su trong việc thờ phượng.—So sánh Ma-thi-ơ 15:3; Mác 7:13

Vậy, dấu hiệu để nhận biết môn đồ chân chính của Chúa Giê-su là gì? Không phải thập tự giá hay bất cứ biểu tượng nào mà là tình yêu thương. Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Ta ban cho các ngươi một điều-răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”.—Giăng 13:34, 35.

[Câu nổi bật nơi trang 19]

Vật mà những người viết sách Phúc âm nói đến hoàn toàn khác với vật mà thời nay người ta gọi là thập tự giá

[Hình nơi trang 18]

Hình vẽ một tội phạm bị hành hình trên staurosʹ, “De Cruce” của Lipsius, thế kỷ 17

[Hình nơi trang 19]

Hình vẽ trên bức tường ở Ai Cập có hình thập tự vòng quai, biểu tượng của sự sống (khoảng thế kỷ 14 trước công nguyên)

[Nguồn tư liệu]

© DeA Picture Library/Art Resource, NY

[Hình nơi trang 19]

Chữ vạn trong ngôi đền Laxmi Narayan của Ấn Độ giáo

[Nguồn tư liệu nơi trang 20]

From the book The Cross in Tradition, History, and Art (1897)