Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Tôi tin”

“Tôi tin”

Hãy noi theo đức tin của họ

“Tôi tin”

Bà Ma-thê sầu khổ nghĩ tới em trai mình đang nằm trong mồ, một cái hang có tảng đá chặn lại. Lòng bà nặng trĩu như tảng đá ấy. Bà không thể tin rằng La-xa-rơ, người em trai thân yêu, không còn nữa. Đã bốn ngày kể từ khi em qua đời, bà chỉ nhớ mang máng về ngày tang chế, bà con và bạn bè tới an ủi, chia buồn.

Giờ đây, đứng trước mặt Ma-thê là người mà La-xa-rơ kính trọng nhất. Việc gặp lại Chúa Giê-su khiến bà càng buồn hơn, vì ngài là người duy nhất có thể cứu em trai bà nhưng lại không có mặt khi em bà chết. Tuy nhiên, Ma-thê được an ủi phần nào khi ra đón Chúa Giê-su ở ngoài thị trấn nhỏ Bê-tha-ni, nằm trên một sườn đồi. Chỉ vài phút nói chuyện, bà cảm thấy ấm lòng nhờ ánh mắt nhân từ và sự thấu cảm của ngài. Qua một số câu hỏi, Chúa Giê-su hướng sự chú ý của bà đến đức tin và niềm hy vọng nơi sự sống lại. Trong dịp đó, Ma-thê thốt lên lời quan trọng nhất trong cuộc đời bà: “Tôi tin Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, là Đấng phải đến thế-gian”.—Giăng 11:27.

Ma-thê là người phụ nữ có đức tin nổi bật. Dù Kinh Thánh không nói nhiều về bà, nhưng những gì Kinh Thánh ghi lại cũng để lại các bài học sâu sắc giúp củng cố đức tin. Để biết về các bài học này, chúng ta hãy xem lời tường thuật đầu tiên của Kinh Thánh liên quan đến Ma-thê.

“Bối-rối về nhiều việc”

Nhiều tháng trước, La-xa-rơ vẫn khỏe mạnh. Ông sống ở Bê-tha-ni, và gia đình ông sắp tiếp đón vị khách đặc biệt nhất, Chúa Giê-su. Không giống như bao gia đình khác, cả ba chị em Ma-thê, Ma-ri và La-xa-rơ vẫn sống chung một nhà dù đã trưởng thành. Chúng ta không biết trong ba người có ai từng kết hôn hay chưa. Một số nhà nghiên cứu cho rằng dường như Ma-thê là chị cả vì bà cư xử như chủ nhà, và thỉnh thoảng tên của bà được nhắc đến trước tiên (Giăng 11:5). Ba chị em trở thành bạn thân của Chúa Giê-su. Trong thời gian truyền giáo ở Giu-đê, Chúa Giê-su đã trú ngụ tại nhà của họ. Ngài gặp nhiều sự chống đối và thù ghét nên chắc chắn ngài biết ơn vì có được chốn yên bình và sự ủng hộ của những người bạn này.

Vì Ma-thê rất đảm đang nên nhà của ba chị em là nơi yên bình và thoải mái. Bà là người siêng năng, lúc nào cũng làm việc. Vào dịp Chúa Giê-su tới thăm gia đình Ma-thê, bà cũng thể hiện tinh thần như thế. Bà tổ chức bữa tiệc thịnh soạn với nhiều món ăn để đãi khách đặc biệt, và có lẽ cả những bạn đồng hành của ngài. Vào thời bấy giờ, lòng hiếu khách rất quan trọng. Khi một người khách đến nhà, người ấy được chào đón bằng một nụ hôn, được cởi giày, rửa chân và xức dầu thơm trên đầu (Lu-ca 7:44-47). Ngoài ra, khách cũng được lo chu đáo về chỗ ở, bữa ăn và nhiều thứ khác.

Vậy, Ma-thê và Ma-ri có nhiều việc phải làm để tiếp đãi vị khách quan trọng. Lúc đầu, Ma-ri giúp chị chuẩn bị bữa tiệc. Nhưng khi Chúa Giê-su đến, mọi việc thay đổi. Ngài tận dụng dịp đó để dạy dỗ. Không giống như các nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ, Chúa Giê-su tôn trọng phụ nữ và sẵn sàng dạy họ về Nước Đức Chúa Trời, đề tài chính trong công việc truyền bá của ngài. Khi ấy, Ma-ri​—được cho rằng nhạy cảm, trầm tư hơn Ma-thê—rất mừng và ngồi xuống chân Chúa Giê-su, chăm chú lắng nghe từng lời của ngài.

Chúng ta có thể tưởng tượng sự bực bội đang dâng trào trong lòng Ma-thê. Vì phải chuẩn bị nhiều món ăn và làm nhiều việc khác cho khách, bà lo lắng và bối rối. Khi tất bật đi qua đi lại, thấy em gái mình đang ngồi mà chẳng giúp gì, bà có đỏ mặt, thở dài hoặc cau mày không? Nếu bà phản ứng như thế thì không có gì ngạc nhiên. Một mình bà không thể làm xuể hết mọi việc!

Cuối cùng, Ma-thê không thể kiềm chế được. Bà cắt ngang Chúa Giê-su: “Lạy Chúa, em tôi để một mình tôi hầu việc, Chúa há không nghĩ đến sao? Xin biểu nó giúp tôi” (Lu-ca 10:40). Một số bản khác dịch: “Ngài không quan tâm gì đến sao?”. Những lời này rất thẳng thắn. Bà xin Chúa Giê-su khuyên bảo em gái giúp một tay.

Câu trả lời của Chúa Giê-su có thể khiến Ma-thê và nhiều độc giả Kinh Thánh ngạc nhiên. Ngài tử tế đáp: “Hỡi Ma-thê, Ma-thê, ngươi chịu khó và bối-rối về nhiều việc; nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được” (Lu-ca 10:41, 42). Chúa Giê-su có ý nói gì? Có phải ngài trách Ma-thê là người chú tâm quá nhiều về vật chất không? Phải chăng ngài xem nhẹ những cố gắng của bà trong việc chuẩn bị bữa ăn ngon?

Không. Rõ ràng, Chúa Giê-su thấy động lực của bà đúng đắn và xuất phát từ tình yêu thương. Hơn nữa, đối với ngài, việc dự tiệc thịnh soạn không có gì sai. Trước đó không lâu, Chúa Giê-su đã đến dự “tiệc trọng-thể” mà Ma-thi-ơ mời (Lu-ca 5:29). Vấn đề không phải là bữa tiệc mà là việc Ma-thê đặt thứ tự ưu tiên chưa đúng. Vì quá chú tâm chuẩn bị bữa ăn cầu kỳ nên bà quên đi điều quan trọng nhất. Đó là điều gì?

Chúa Giê-su, Con một của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, có mặt trong nhà Ma-thê để dạy lẽ thật. Không điều gì quan trọng hơn việc ấy, dù bữa ăn ngon hay sự chuẩn bị chu đáo. Hẳn Chúa Giê-su hơi buồn khi Ma-thê bỏ qua cơ hội củng cố đức tin của mình nhưng ngài tôn trọng quyết định của bà. Tuy nhiên, việc bà xin Chúa Giê-su bảo Ma-ri làm giống bà là điều không nên.

Do đó, Chúa Giê-su đã tử tế khuyên nhủ, gọi tên bà hai lần cách nhẹ nhàng để bà dịu lại, và ngài trấn an bà không cần “bối-rối về nhiều việc”. Một bữa ăn đơn giản với một hoặc hai món là đủ, đặc biệt khi có thức ăn thiêng liêng dư dật. Chắc chắn, Chúa Giê-su không cất đi “phần tốt” mà Ma-ri đã chọn, đó là nghe ngài giảng.

Lời tường thuật này để lại những bài học quý giá cho các môn đồ của Chúa Giê-su ngày nay. Chúng ta đừng bao giờ để bất cứ điều gì ngăn cản mình thỏa mãn nhu cầu “tâm linh” (Ma-thi-ơ 5:3, Bản Diễn Ý). Dù muốn noi theo tinh thần rộng lượng, tính siêng năng của Ma-thê, nhưng khi tiếp anh em, chúng ta không muốn “bối-rối” về những việc kém quan trọng mà quên đi điều quan trọng hơn. Chúng ta họp mặt với anh em đồng đạo để khích lệ lẫn nhau về những điều tâm linh, chứ không phải vì các món ăn công phu (Rô-ma 1:11, 12). Ngay cả những bữa ăn đơn giản nhất cũng đạt được mục tiêu ấy.

Người em thân yêu qua đời và được sống lại

Ma-thê có chấp nhận lời sửa dạy nhẹ nhàng của Chúa Giê-su và rút ra bài học không? Chúng ta không cần phải thắc mắc. Trong phần đầu của lời tường thuật sống động về em trai của Ma-thê, sứ đồ Giăng cho biết: “Đức Chúa Jêsus yêu Ma-thê, em người, và La-xa-rơ” (Giăng 11:5). Nhiều tháng đã trôi qua từ khi Chúa Giê-su tới Bê-tha-ni như được miêu tả ở trên, rõ ràng Ma-thê đã không hờn dỗi, nuôi lòng oán giận vì Chúa Giê-su đã cho bà lời khuyên yêu thương. Thay vì thế, bà đã tiếp nhận lời khuyên. Ma-thê là gương mẫu xuất sắc cho chúng ta noi theo, vì có ai trong chúng ta mà không cần sửa dạy?

Khi em trai ngã bệnh, Ma-thê tận tụy chăm sóc em. Bà làm những gì có thể để em bớt đau đớn và sớm bình phục. Tuy nhiên, bệnh của La-xa-rơ ngày càng trầm trọng hơn. Chị em của ông chăm sóc ông từng giờ từng phút, ngày này qua ngày kia. Bao nhiêu lần Ma-thê nhìn vào gương mặt hốc hác của em trai, nhớ lại những năm tháng sống chung với nhau cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn?

Khi thấy không thể làm gì để giúp La-xa-rơ, Ma-thê và Ma-ri đã nhờ người đến báo tin cho Chúa Giê-su. Lúc ấy, ngài đang rao giảng cách nhà họ khoảng hai ngày đường. Tin có nội dung đơn giản: “Lạy Chúa, nầy, kẻ Chúa yêu mắc bịnh” (Giăng 11:1, 3). Họ biết Chúa Giê-su yêu thương La-xa-rơ và tin rằng ngài sẽ làm bất cứ điều gì để giúp bạn ngài. Họ có hy vọng là Chúa Giê-su sẽ đến trước khi quá trễ không? Nếu có thì hy vọng của họ tan biến vì La-xa-rơ đã chết.

Ma-thê và Ma-ri khóc thương em trai, chuẩn bị cho lễ tang và tiếp đón những người thân quen từ Bê-tha-ni và các vùng lân cận. Nhưng họ vẫn chưa có tin tức gì về Chúa Giê-su. Mỗi ngày trôi qua, hẳn Ma-thê ngày càng cảm thấy bối rối. Cuối cùng, bốn ngày sau khi La-xa-rơ chết, Ma-thê nghe tin Chúa Giê-su đang đến làng. Vẫn cái tính nhanh nhạy, ngay cả trong giờ phút đau buồn, Ma-thê vội chạy ra đón Chúa Giê-su mà không kịp báo cho Ma-ri biết.—Giăng 11:20.

Khi gặp người Thầy của mình, Ma-thê thốt ra những ý nghĩ đã giày vò hai chị em bà mấy ngày qua: “Lạy Chúa, nếu Chúa có đây, thì [em] tôi không chết”. Nhưng niềm hy vọng và đức tin của Ma-thê vẫn còn vì bà nói tiếp: “Bây giờ tôi cũng biết mọi điều Ngài sẽ xin Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời ắt ban cho”. Ngay lập tức, Chúa Giê-su cho bà thêm hy vọng khi nói rằng em bà “sẽ sống lại”.—Giăng 11:21-23.

Ma-thê nghĩ Chúa Giê-su đang nói đến sự sống lại trong tương lai nên bà đáp: “Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối-cùng, [em] tôi sẽ sống lại” (Giăng 11:24). Niềm tin của bà rất đáng chú ý, khác với một số nhà lãnh đạo Do Thái giáo thuộc phái Sa-đu-sê cho rằng không có sự sống lại, dù đây là sự dạy dỗ rõ ràng trong Kinh Thánh (Đa-ni-ên 12:13; Mác 12:18). Ma-thê biết Chúa Giê-su từng dạy về sự sống lại và ngay cả làm người chết sống lại, dù không có người nào chết đã lâu như La-xa-rơ. Nhưng bà không ngờ chuyện gì sắp xảy ra.

Chúa Giê-su phán một lời đáng ghi nhớ: “Ta là sự sống lại và sự sống”. Thật vậy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho Chúa Giê-su quyền lực để làm người chết sống lại trong tương lai trên phạm vi toàn cầu. Chúa Giê-su hỏi Ma-thê: “Ngươi tin điều đó chăng?”. Bà trả lời như được đề cập ở đầu bài. Bà tin Chúa Giê-su là Đấng Christ hoặc Đấng Mê-si, Con của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, là đấng phải đến thế gian như các nhà tiên tri báo trước.—Giăng 5:28, 29; 11:25-27.

Liệu Giê-hô-va Đức Chúa Trời và con Ngài là Chúa Giê-su có quý trọng những người thể hiện đức tin như thế không? Sự việc Ma-thê sắp chứng kiến sẽ cho lời giải đáp rõ ràng. Bà vội vã gọi em gái đến gặp Chúa Giê-su. Khi nói chuyện với Ma-ri và nhiều người đến chia buồn, Chúa Giê-su rất xúc động. Ma-thê thấy ngài rơi lệ, không ngại bộc lộ nỗi đau. Sau đó, bà nghe Chúa Giê-su bảo lăn tảng đá ra khỏi mồ của em mình.—Giăng 11:28-39.

Là người thực tế, Ma-thê ngăn Chúa Giê-su vì cho rằng đã bốn ngày nên thi thể ấy có mùi. Chúa Giê-su nhắc nhở: “Ta há chẳng từng nói với ngươi rằng nếu ngươi tin thì sẽ thấy sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời sao?”. Bà tin nên sắp thấy sự vinh hiển của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ngay lúc đó, Đức Giê-hô-va ban cho Con Ngài quyền năng làm cho La-xa-rơ sống lại! Hẳn cảnh tượng đó đã in đậm trong tâm trí bà cho đến cuối đời. Hãy thử hình dung: lệnh gọi của Chúa Giê-su, “hỡi La-xa-rơ, hãy ra!”; có tiếng động trong mồ, La-xa-rơ đứng dậy và bước ra, trên mình vẫn còn quấn vải liệm; lệnh Chúa Giê-su phán “hãy mở cho người, và để người đi”; niềm vui khôn xiết khi Ma-thê và Ma-ri chạy đến ôm chặt em mình (Giăng 11:40-44). Nỗi đau đè nặng trong lòng Ma-thê đã tan biến!

Lời tường thuật trên cho thấy sự sống lại không phải mơ ước hão huyền. Đó là sự dạy dỗ ấm lòng từ Kinh Thánh và là sự kiện lịch sử đã được chứng minh. Đức Giê-hô-va và Con Ngài vui mừng ban thưởng cho những người có đức tin, như hai Đấng đã làm trong trường hợp của Ma-thê, Ma-ri và La-xa-rơ. Bạn cũng có thể nhận được phần thưởng như thế nếu có đức tin mạnh giống Ma-thê. *

“Ma-thê hầu-hạ”

Kinh Thánh chỉ nhắc đến Ma-thê một lần nữa. Đó là tuần cuối cùng khi Chúa Giê-su ở trên đất. Vì biết những thử thách cam go đang ở trước mắt, một lần nữa ngài đến chốn yên bình ở Bê-tha-ni. Từ đó ngài sẽ đi bộ 3km đến Giê-ru-sa-lem. Vào ngày đầu tuần ấy, Chúa Giê-su và La-xa-rơ dùng bữa tại nhà một người phung, tên là Si-môn. Kinh Thánh nói: “Ma-thê hầu-hạ”.—Giăng 12:2.

Quả là một phụ nữ siêng năng! Lần đầu tiên cho đến lần cuối cùng Kinh Thánh đề cập đến bà, chúng ta đều thấy bà làm việc, tận tụy chăm sóc những người xung quanh. Những người nữ như Ma-thê, có lòng can đảm và rộng rãi, luôn thể hiện đức tin qua việc ban cho thật là nguồn ân phước cho hội thánh của môn đồ Chúa Giê-su thời nay. Chắc chắn, Ma-thê tiếp tục biểu lộ thái độ ấy trong suốt đời bà. Làm thế thật khôn ngoan vì bà còn đối mặt với nhiều thử thách.

Sau đó chỉ vài ngày, Ma-thê vô cùng đau buồn vì cái chết thảm thương của Chúa Giê-su, người Thầy yêu thương. Hơn nữa, những người âm mưu giết Chúa Giê-su cũng muốn giết luôn La-xa-rơ, vì sự sống lại của ông đã khiến cho nhiều người càng tin Chúa Giê-su (Giăng 12:9-11). Rồi chị em bà cũng sẽ bị chia lìa vì sự chết. Dù không biết điều đó xảy ra khi nào và như thế nào, nhưng chúng ta chắc chắn rằng đức tin của Ma-thê đã giúp bà bền chí đến cuối đời. Vậy, môn đồ của Chúa Giê-su thời nay nên noi theo đức tin của Ma-thê.

[Chú thích]

^ đ. 27 Để biết thêm Kinh Thánh dạy gì về sự sống lại, xin xem chương 7 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì? do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Hình nơi trang 11]

Dù đau buồn, Ma-thê chú tâm đến những điều làm vững mạnh đức tin mà Chúa Giê-su giảng

[Hình nơi trang 12]

Dù “bối-rối”, Ma-thê vẫn khiêm nhường chấp nhận sự sửa dạy

[Hình nơi trang 15]

Đức tin của Ma-thê nơi Chúa Giê-su được tưởng thưởng khi bà chứng kiến em sống lại