Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có để thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn?

Bạn có để thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn?

Bạn có để thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn?

“Nguyện Thần tốt-lành của Chúa dẫn tôi vào đất bằng-thẳng”.—THI 143:10.

1, 2. (a) Hãy kể vài trường hợp Đức Giê-hô-va dùng thánh linh để giúp tôi tớ Ngài. (b) Có phải thánh linh chỉ hoạt động trong một số trường hợp đặc biệt không? Xin giải thích.

Khi nghĩ về hoạt động của thánh linh, bạn liên tưởng đến điều gì? Bạn có hình dung những công việc phi thường của Ghê-đê-ôn và Sam-sôn không? (Quan 6:33, 34; 15:14, 15). Có lẽ bạn nghĩ đến sự dạn dĩ của các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu cũng như sự bình tĩnh của Ê-tiên khi ông đứng trước Tòa Công Luận (Công 4:31; 6:15). Thời nay, bạn nghĩ sao về niềm vui tràn đầy tại các hội nghị quốc tế của chúng ta, sự trung kiên của các anh chị đang bị giam giữ vì trung lập, và sự phát triển đáng kể của công việc rao giảng? Những trường hợp này là bằng chứng cho thấy hoạt động của thánh linh.

2 Có phải thánh linh chỉ hoạt động trong những trường hợp đặc biệt hoặc hoàn cảnh khác thường không? Không. Lời Đức Chúa Trời nói về tín đồ Đấng Christ “bước đi theo Thánh-Linh”, “nhờ Thánh-Linh chỉ-dẫn” và “nhờ Thánh-Linh mà sống” (Ga 5:16, 18, 25). Những cụm từ này cho thấy thánh linh có thể luôn tác động trên đời sống chúng ta. Hằng ngày, chúng ta nên cầu xin Đức Giê-hô-va dùng thánh linh để hướng dẫn lối suy nghĩ, cách nói năng và hành động của mình. (Đọc Thi-thiên 143:10). Khi để thánh linh hoạt động trong đời sống, chúng ta sẽ thể hiện trái thánh linh, làm người khác tươi tỉnh và điều đó tôn vinh Đức Chúa Trời.

3. (a) Tại sao chúng ta cần để thánh linh hướng dẫn? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

3 Tại sao việc để thánh linh hướng dẫn chúng ta là điều thiết yếu? Vì có một lực khác tìm cách chế ngự chúng ta, lực ấy chống lại hoạt động của thánh linh. Kinh Thánh gọi lực ấy là “xác-thịt”, ám chỉ khuynh hướng tội lỗi của xác thịt, sự bất toàn di truyền vì chúng ta là con cháu A-đam. (Đọc Ga-la-ti 5:17). Vậy, để thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn chúng ta bao hàm điều gì? Có những bước thiết thực nào có thể giúp chúng ta kháng cự sức lôi cuốn của xác thịt tội lỗi không? Hãy xem xét những câu hỏi này khi thảo luận về sáu khía cạnh còn lại của ‘trái thánh-linh’. Đó là “nhịn-nhục, nhân-từ, hiền-lành [“tử tế”, NW], trung-tín [“đức tin”, NW], mềm-mại, tiết-độ [“tự chủ”, NW]”.—Ga 5:22, 23.

Mềm mại và nhịn nhục phát huy sự bình an trong hội thánh

4. Tính mềm mại và nhịn nhục phát huy sự bình an trong hội thánh như thế nào?

4 Đọc Cô-lô-se 3:12, 13. Tính mềm mại và nhịn nhục khi đi đôi với nhau sẽ phát huy sự bình an trong hội thánh. Hai khía cạnh này của trái thánh linh giúp chúng ta đối xử tử tế với người khác, bình tĩnh trước sự khiêu khích và không trả đũa khi người khác nói hoặc hành động thiếu tử tế. Nếu có bất đồng với một anh em tín đồ Đấng Christ, sự nhịn nhục, tức kiên nhẫn, sẽ giúp chúng ta không vội bỏ cuộc nhưng cố hàn gắn mối bất hòa. Sự mềm mại và nhịn nhục có thật sự cần thiết trong hội thánh không? Có, vì tất cả chúng ta đều là người bất toàn.

5. Việc gì đã xảy ra giữa Phao-lô và Ba-na-ba, và việc này nhấn mạnh điều gì?

5 Hãy xem việc gì đã xảy ra giữa Phao-lô và Ba-na-ba. Qua nhiều năm, họ làm việc vai kề vai trong việc phổ biến tin mừng. Mỗi người đều có những đức tính đáng quý. Nhưng có một lần, họ “cãi-lẫy nhau dữ-dội, đến nỗi hai người phân-rẽ nhau” (Công 15:36-39). Việc này nhấn mạnh rằng ngay cả các tôi tớ tận tụy của Đức Chúa Trời đôi khi vẫn có bất hòa. Nếu một tín đồ Đấng Christ có sự hiểu lầm với anh em, người ấy có thể làm gì để tránh cuộc cãi vả gay gắt có thể gây tổn hại lâu dài cho mối quan hệ của họ?

6, 7. (a) Trước khi cuộc bàn luận với một anh em trở nên gay gắt, chúng ta có thể làm theo lời khuyên nào trong Kinh Thánh? (b) Khi chúng ta “mau nghe mà chậm nói, chậm giận” sẽ có những lợi ích nào?

6 Như cụm từ “cãi-lẫy nhau dữ-dội” cho thấy, mối bất hòa giữa Phao-lô và Ba-na-ba xảy ra một cách đột ngột và gay gắt. Khi bàn về một vấn đề với anh em, nếu một tín đồ Đấng Christ cảm thấy mình sắp nổi giận, điều khôn ngoan là anh nghe theo lời khuyên nơi Gia-cơ 1:19, 20: “Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận; vì cơn giận của người ta không làm nên sự công-bình của Đức Chúa Trời”. Tùy hoàn cảnh, anh có thể thử chuyển đề tài, tạm ngưng để bàn vào lúc khác hoặc tìm cách rút lui trước khi cuộc nói chuyện trở nên gay gắt.—Châm 12:16; 17:14; 29:11.

7 Làm theo lời khuyên này mang lại lợi ích nào? Qua việc bình tĩnh lại, cầu nguyện về vấn đề và cân nhắc cách đáp lời, một tín đồ Đấng Christ để thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn (Châm 15:1, 28). Dưới sự tác động của thánh linh, anh có thể biểu lộ sự mềm mại và nhịn nhục. Nhờ thế, anh có thể làm theo lời khuyên nơi Ê-phê-sô 4:26, 29: “Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội... Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích-lợi cho kẻ nghe đến”. Thật vậy, khi mặc lấy sự mềm mại và nhịn nhục, chúng ta góp phần vào sự bình an và hợp nhất của hội thánh.

Tính nhân từ và tử tế làm tươi tỉnh gia đình

8, 9. Nhân từ và tử tế là gì, và hai tính ấy ảnh hưởng thế nào đến bầu không khí trong gia đình?

8 Đọc Ê-phê-sô 4:31, 32; 5:8, 9. Như làn gió nhẹ và ly nước lạnh vào một ngày nóng bức, tính nhân từ và tử tế làm người ta tươi tỉnh. Hai đức tính này góp phần tạo bầu không khí thoải mái trong gia đình. Nhân từ là một phẩm chất đáng quý đến từ lòng quan tâm chân thành đối với người khác. Sự quan tâm ấy được thể hiện qua hành động hữu ích và lời nói ân cần. Như tính nhân từ, tử tế là một tính tốt được thể hiện qua hành động mang lại lợi ích cho người khác. Nó có đặc điểm là tinh thần rộng rãi (Công 9:36, 39; 16:14, 15). Nhưng tử tế còn bao hàm nhiều hơn thế nữa.

9 Tử tế là phẩm chất xuất sắc về đạo đức. Đức tính này không chỉ thể hiện qua hành động, nhưng quan trọng hơn, liên quan đến nhân cách của chúng ta. Tính tử tế giống như một quả ngon ngọt, không chút tì vết bên ngoài lẫn bên trong. Tính tử tế đến từ thánh linh tác động sâu xa đến toàn bộ đời sống của một tín đồ Đấng Christ.

10. Có thể làm điều gì để giúp các thành viên trong gia đình phát huy trái của thánh linh?

10 Trong gia đình tín đồ Đấng Christ, điều gì có thể giúp các thành viên đối xử với nhau cách nhân từ và tử tế? Sự hiểu biết chính xác về Lời Đức Chúa Trời đóng vai trò quan trọng (Cô 3:9, 10). Trong Buổi thờ phượng của gia đình hằng tuần, một số chủ gia đình sắp xếp để thảo luận về trái thánh linh. Học về trái của thánh linh không phải là điều quá khó. Hãy dùng các công cụ nghiên cứu sẵn có trong ngôn ngữ của bạn, chọn lựa tài liệu nói về mỗi khía cạnh của trái ấy. Bạn có thể xem xét chỉ vài đoạn mỗi tuần, có lẽ cần vài tuần cho mỗi khía cạnh. Khi học, hãy đọc và thảo luận các câu Kinh Thánh được viện dẫn. Tìm cách để áp dụng những điều bạn học, và cầu xin Đức Giê-hô-va giúp cho nỗ lực của bạn đạt kết quả (1 Ti 4:15; 1 Giăng 5:14, 15). Việc học hỏi như thế có giúp các thành viên trong gia đình thay đổi cách đối xử với nhau không?

11, 12. Làm thế nào hai cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ được lợi ích từ việc học về tính nhân từ?

11 Vì mong muốn cuộc hôn nhân được thành công, một cặp vợ chồng trẻ đã quyết định nghiên cứu kỹ về trái thánh linh. Họ nhận được lợi ích nào? Người vợ nói: “Học biết thêm về tính nhân từ đã giúp chúng tôi thay đổi cách đối xử với nhau cho đến ngày nay. Điều này đã giúp chúng tôi tập nhường nhịn và tha thứ nhau. Ngoài ra, điều này cũng giúp chúng tôi biết nói “cám ơn” và “xin lỗi” khi cần thiết”.

12 Một cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ khác đã trải qua những vấn đề trong hôn nhân nhận thấy rằng họ thiếu lòng nhân từ với nhau. Họ quyết định cùng nhau học về tính nhân từ. Kết quả thế nào? Người chồng nhớ lại: “Việc học hỏi về tính nhân từ đã giúp chúng tôi nhận ra là đừng nghi ngờ nhau, hãy tìm những ưu điểm thay vì cho rằng người kia có động lực xấu. Chúng tôi bắt đầu quan tâm đến nhu cầu của nhau nhiều hơn. Nhân từ bao hàm việc để cho vợ tôi thoải mái trình bày những suy nghĩ mà không mếch lòng về điều nàng nói. Điều đó có nghĩa là tôi phải dẹp bỏ tính tự ái. Khi chúng tôi bắt đầu áp dụng tính nhân từ trong hôn nhân, chúng tôi dần dần bỏ tính hay chống chế. Thật nhẹ nhõm!”. Gia đình bạn có muốn nhận lợi ích từ việc học về trái của thánh linh không?

Thể hiện đức tin khi ở một mình

13. Về mặt thiêng liêng, chúng ta phải đề phòng mối nguy hiểm nào?

13 Tín đồ Đấng Christ cần để thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn đời sống nơi công cộng cũng như khi ở một mình. Ngày nay, những hình ảnh ô uế và chương trình giải trí đồi bại lan tràn trong thế gian của Sa-tan. Điều này gây nguy hiểm cho chúng ta về mặt thiêng liêng. Một người tín đồ Đấng Christ nên làm gì? Lời Đức Chúa Trời khuyên chúng ta: “Hãy bỏ đi mọi điều ô-uế và mọi điều gian-ác còn lại, đem lòng nhu-mì nhận lấy lời đã trồng trong anh em, là lời cứu được linh-hồn của anh em” (Gia 1:21). Chúng ta hãy xem làm thế nào đức tin, một khía cạnh khác của trái thánh linh, có thể giúp chúng ta giữ sự thanh sạch trước mặt Đức Giê-hô-va.

14. Làm thế nào việc thiếu đức tin có thể dẫn đến hành động sai trái?

14 Về cơ bản, đức tin có nghĩa là Giê-hô-va Đức Chúa Trời có thật với chúng ta. Nếu không xem Đức Chúa Trời là Đấng có thật, chúng ta sẽ dễ có hành vi sai trái. Hãy nhớ điều gì đã xảy ra trong dân của Đức Chúa Trời vào thời xưa. Đức Giê-hô-va cho nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên biết những điều gớm ghiếc đang xảy ra ở nơi kín đáo. Ngài phán: “Hỡi con người, ngươi có thấy sự các trưởng-lão nhà Y-sơ-ra-ên mỗi người làm trong nơi tối-tăm, trong phòng vẽ hình-tượng của mình không? Vì chúng nó nói rằng: Đức Giê-hô-va không thấy chúng ta đâu; Đức Giê-hô-va đã lìa-bỏ đất nầy!”(Ê-xê 8:12). Bạn có để ý một nguyên nhân gây ra vấn đề này không? Họ không tin Đức Giê-hô-va thấy điều họ đang làm. Đức Giê-hô-va không có thật đối với họ.

15. Làm thế nào đức tin mạnh mẽ nơi Đức Giê-hô-va bảo vệ chúng ta?

15 Ngược lại, hãy xem trường hợp của Giô-sép. Dù sống xa gia đình và dân tộc của mình, Giô-sép từ chối phạm tội tà dâm với vợ của Phô-ti-pha. Tại sao? Ông nói: “Thế nào tôi dám làm điều đại-ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao?” (Sáng 39:7-9). Thật vậy, Đức Giê-hô-va có thật với Giô-sép. Nếu Đức Chúa Trời là Đấng có thật, chúng ta sẽ không xem chương trình giải trí không lành mạnh hoặc làm bất cứ điều gì khiến Ngài buồn lòng, dù khi ở một mình. Chúng ta sẽ quyết tâm như người viết Thi-thiên, ông hát: “Tôi sẽ lấy lòng trọn-vẹn mà ăn-ở trong nhà tôi; tôi sẽ chẳng để điều gì đê-mạt trước mặt tôi”.—Thi 101:2, 3.

Bảo vệ lòng nhờ tính tự chủ

16, 17. (a) Như được miêu tả nơi sách Châm-ngôn, làm thế nào “một gã trai-trẻ không trí hiểu” rơi vào bẫy của tội lỗi? (b) Như hình nơi trang 26 cho thấy, dù chúng ta ở độ tuổi nào, làm thế nào điều tương tự có thể xảy ra ngày nay?

16 Tính tự chủ, khía cạnh cuối cùng của trái thánh linh, giúp chúng ta bác bỏ những điều Đức Chúa Trời lên án. Đức tính ấy giúp chúng ta bảo vệ lòng (Châm 4:23). Hãy xem trường hợp được nói đến nơi Châm-ngôn 7:6-23, miêu tả làm thế nào “một gã trai-trẻ không trí hiểu” rơi vào mưu chước của người đàn bà mại dâm. Người thanh niên mắc bẫy khi “đi qua ngoài đường gần góc nhà đàn-bà ấy”. Có lẽ anh đi đến nơi đó vì tính hiếu kỳ. Nhưng sự việc xảy ra nhanh chóng, anh không nhận biết rằng mình bị dẫn vào đường lối dại dột “rập sự sống mình”.

17 Làm thế nào người trai trẻ có thể tránh được sai lầm tai hại này? Bằng cách nghe theo lời cảnh báo: “Chớ đi lạc trong các lối nàng” (Châm 7:25). Đây là một bài học cho chúng ta: Nếu muốn để thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn, chúng ta cần tránh đặt mình vào những hoàn cảnh dễ bị cám dỗ. Một người có thể đi vào đường lối dại dột như “gã trai-trẻ không trí hiểu” qua việc liên tục chuyển kênh truyền hình hoặc lướt mạng Internet mà không có mục đích. Dù cố ý hay không, người đó có thể tình cờ thấy một cảnh khêu gợi. Dần dần anh có thể có thói quen ô uế là xem tài liệu khiêu dâm, dẫn đến hậu quả tai hại cho lương tâm và mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Nó có thể ảnh hưởng đến chính mạng sống của anh.—Đọc Rô-ma 8:5-8.

18. Một tín đồ Đấng Christ có thể dùng những biện pháp nào để bảo vệ lòng? Và điều này liên quan thế nào đến tính tự chủ?

18 Dĩ nhiên, chúng ta có thể và nên tập tính tự chủ qua việc phản ứng ngay lập tức nếu gặp hình ảnh khêu gợi. Nhưng tốt hơn biết bao nếu chúng ta tránh tình huống đó ngay từ đầu! (Châm 22:3). Để có những biện pháp bảo vệ thích hợp và theo sát các biện pháp đó, chúng ta phải thể hiện tính tự chủ. Chẳng hạn, đặt máy vi tính ở nơi có người qua lại có thể là một sự che chở. Một số người nhận thấy cách tốt nhất là chỉ dùng máy vi tính hay xem truyền hình khi có người khác ở xung quanh. Còn một số thì quyết định không kết nối Internet. (Đọc Ma-thi-ơ 5:27-30). Mong sao chúng ta dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ bản thân và gia đình hầu có thể thờ phượng Đức Giê-hô-va với “lòng tinh-sạch, lương-tâm tốt và đức-tin thật”.—1 Ti 1:5.

19. Để thánh linh hướng dẫn mang lại những lợi ích nào cho chúng ta?

19 Những đức tính đến từ hoạt động của thánh linh mang lại nhiều lợi ích. Mềm mại và nhịn nhục góp phần vào sự bình an trong hội thánh. Nhân từ và tử tế gia tăng hạnh phúc gia đình. Đức tin và tự chủ giúp chúng ta luôn gắn bó với Đức Giê-hô-va và trong sạch trước mặt Ngài. Hơn nữa, Ga-la-ti 6:8 cam đoan với chúng ta rằng: “Kẻ gieo cho Thánh-Linh, sẽ bởi Thánh-Linh mà gặt sự sống đời đời”. Thật vậy, dựa trên giá chuộc của Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va sẽ dùng thánh linh để ban sự sống vĩnh cửu cho những ai để thánh linh hướng dẫn.

Bạn trả lời thế nào?

• Làm thế nào tính mềm mại và nhịn nhục phát huy sự bình an trong hội thánh?

• Điều gì có thể giúp tín đồ Đấng Christ thể hiện tính nhân từ và tử tế trong gia đình?

• Làm thế nào đức tin và tính tự chủ giúp một tín đồ Đấng Christ giữ gìn lòng?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 24]

Để tránh cuộc bàn luận trở nên gay gắt, bạn có thể làm gì?

[Hình nơi trang 25]

Học về trái của thánh linh có thể mang lại lợi ích cho gia đình

[Hình nơi trang 26]

Chúng ta tránh những mối nguy hiểm nào khi thể hiện đức tin và tính tự chủ?