Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Kính-trọng người có công-khó trong vòng anh em’

‘Kính-trọng người có công-khó trong vòng anh em’

‘Kính-trọng người có công-khó trong vòng anh em’

“Kính-trọng kẻ có công-khó trong vòng anh em, là kẻ tuân-theo Chúa mà chỉ-dẫn và dạy-bảo anh em”.—1 TÊ 5:12.

1, 2. (a) Khi Phao-lô viết lá thư đầu tiên cho hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca, các anh em ở trong tình trạng nào? (b) Phao-lô khuyến khích anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca làm gì?

Hãy hình dung bạn là một thành viên của hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca vào thế kỷ thứ nhất, một trong những hội thánh được thành lập đầu tiên ở châu Âu. Sứ đồ Phao-lô đã dành ra một khoảng thời gian đáng kể để xây dựng anh em ở đấy. Có lẽ ông bổ nhiệm các trưởng lão để dẫn đầu, như đã làm trong các hội thánh khác (Công 14:23). Nhưng sau khi hội thánh được thành lập, những người Do Thái đã kích động một đám đông để đuổi Phao-lô và Si-la ra khỏi thành. Những tín đồ Đấng Christ ở lại có thể cảm thấy bị bỏ rơi, thậm chí sợ hãi.

2 Sau khi rời Tê-sa-lô-ni-ca, hiển nhiên Phao-lô lo lắng cho hội thánh còn non trẻ ấy. Phao-lô cố gắng trở lại, nhưng “Sa-tan đã ngăn-trở” ông. Vì vậy, ông gửi Ti-mô-thê đến khích lệ hội thánh (1 Tê 2:18; 3:2). Khi Ti-mô-thê mang báo cáo tốt trở về, Phao-lô đã quyết định viết thư cho anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca. Một trong những điều Phao-lô khuyến khích anh em là ‘kính-trọng kẻ chỉ-dẫn họ’.—Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:12, 13.

3. Tại sao các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca nên “lấy lòng rất yêu-thương” đối với các trưởng lão?

3 Những anh dẫn đầu các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca không kinh nghiệm như Phao-lô và các bạn đồng hành của ông; họ cũng không có di sản thiêng liêng phong phú như các trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem. Xét cho cùng, hội thánh mới được thành lập chưa đầy một năm! Nhưng anh em trong hội thánh có lý do để biết ơn các trưởng lão, là những người “có công-khó” và “chỉ-dẫn” hội thánh cũng như “dạy-bảo” anh em. Thật vậy, họ nên “lấy lòng rất yêu-thương đối với [các trưởng lão]”. Sau lời khuyên này, Phao-lô khuyến khích họ “ở cho hòa-thuận với nhau”. Nếu sống ở Tê-sa-lô-ni-ca thời bấy giờ, bạn có bày tỏ lòng biết ơn đối với công việc của các trưởng lão không? Bạn nghĩ thế nào về “các ơn” dưới hình thức người mà Đức Chúa Trời ban cho hội thánh qua Chúa Giê-su?—Ê-phê 4:8.

“Có công-khó”

4, 5. Vào thời Phao-lô, tại sao việc dạy dỗ hội thánh đòi hỏi các trưởng lão phải nỗ lực? Và tại sao ngày nay cũng thế?

4 Sau khi giúp Phao-lô và Si-la đến thành Bê-rê, các trưởng lão ở Tê-sa-lô-ni-ca đã có “công-khó” với hội thánh như thế nào? Noi gương Phao-lô, chắc chắn họ đã dùng Kinh Thánh để dạy dỗ hội thánh. Có lẽ bạn thắc mắc: “Tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca có quý trọng Lời Đức Chúa Trời không?”. Đúng là Kinh Thánh nói người Bê-rê “có ý hẳn-hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca... ngày nào cũng tra xem Kinh-thánh” (Công 17:11). Tuy nhiên, sự so sánh này là với người Do Thái ở Tê-sa-lô-ni-ca nói chung, không phải với tín đồ Đấng Christ ở đó. Những người tin đạo đã ‘tiếp-nhận lời của Đức Chúa Trời, không coi như lời của loài người, bèn coi như lời của Đức Chúa Trời’ (1 Tê 2:13). Hẳn các trưởng lão đã nỗ lực để cung cấp thức ăn thiêng liêng cho họ.

5 Ngày nay, lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan đang cung cấp “đồ ăn đúng giờ” cho bầy chiên của Đức Chúa Trời (Mat 24:45). Dưới sự hướng dẫn của đầy tớ này, các trưởng lão địa phương nỗ lực để cung cấp thức ăn thiêng liêng cho anh em. Những người trong hội thánh có lẽ có đầy đủ tài liệu dựa trên Kinh Thánh, và trong một số ngôn ngữ, có các công cụ như Danh mục ấn phẩm Hội Tháp Canh (Watch Tower Publications Index) và Thư viện Tháp Canh trong CD-ROM (Watchtower Library on CD-ROM). Để thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của hội thánh, các trưởng lão phải dành nhiều giờ để chuẩn bị các phần của buổi họp nhằm có thể trình bày hữu hiệu tài liệu được giao. Có bao giờ bạn nghĩ các trưởng lão phải mất bao nhiêu thời gian để chuẩn bị các phần của buổi họp và hội nghị không?

6, 7. (a) Phao-lô nêu gương nào cho các trưởng lão ở Tê-sa-lô-ni-ca? (b) Đối với các trưởng lão ngày nay, tại sao có thể khó noi gương Phao-lô?

6 Các trưởng lão ở Tê-sa-lô-ni-ca nhớ gương tốt của Phao-lô trong việc chăn bầy. Ông không đến thăm chiên một cách máy móc hoặc chiếu lệ. Như đã thảo luận ở bài trước, Phao-lô “ăn-ở nhu-mì... như một người vú săn-sóc chính con mình cách dịu-dàng”. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8). Thậm chí ông đã sẵn sàng ‘ban cho cả đến chính sự sống mình’! Khi chăn chiên, các trưởng lão thời đó cố gắng noi theo Phao-lô.

7 Những người chăn thời nay noi gương Phao-lô bằng cách săn sóc bầy. Một số chiên có thể vốn không thân thiện lắm. Tuy vậy, trưởng lão cố gắng thông cảm và tìm điểm tốt nơi họ. Thật thế, vì bất toàn, một trưởng lão có thể phải nỗ lực để có quan điểm tích cực về mỗi chiên. Tuy nhiên, khi hết sức mình mềm mại với mọi người, anh đáng khen vì đã nỗ lực để là người chăn tốt dưới quyền Chúa Giê-su.

8, 9. Các trưởng lão thời nay ‘tỉnh-thức về linh-hồn chúng ta’ qua một số cách nào?

8 Tất cả chúng ta nên “chịu phục” các trưởng lão. Như Phao-lô viết, ‘họ tỉnh-thức về linh-hồn chúng ta’ (Hê 13:17). Cụm từ này nhắc chúng ta nhớ đến một người chăn chiên thức đêm để bảo vệ bầy. Tương tự, ngày nay các trưởng lão đôi khi phải hy sinh giấc ngủ để chăm lo nhu cầu của những người có sức khỏe kém hoặc gặp vấn đề về thiêng liêng hay cảm xúc. Chẳng hạn, các anh thuộc Ủy ban Liên lạc Bệnh viện đôi khi bị đánh thức để giải quyết các vấn đề khẩn cấp về y tế. Khi gặp tình huống như thế, chúng ta quý trọng công việc của họ biết bao!

9 Các trưởng lão thuộc Ủy ban Xây cất Vùng và các ủy ban cứu trợ luôn nỗ lực giúp anh em. Họ xứng đáng để chúng ta hết lòng ủng hộ! Hãy xem về đợt cứu trợ sau khi bão Nargis ập đến Myanmar năm 2008. Để đến được hội thánh Bothingone, nằm trong vùng châu thổ sông Irrawaddy bị tàn phá nặng nề, đội cứu trợ phải băng qua một khu vực đổ nát rải rác xác người. Khi các anh em địa phương thấy giám thị vòng quanh trước đây của họ trong đội cứu trợ đầu tiên đến Bothingone, họ la lên: “Kìa! Đó là giám thị vòng quanh của chúng ta! Đức Giê-hô-va đã cứu chúng ta!”. Bạn có biết ơn công việc khó nhọc mà các trưởng lão phải làm cả ngày lẫn đêm không? Một số trưởng lão được bổ nhiệm phục vụ trong những ủy ban đặc biệt để giải quyết các vấn đề tư pháp gay go. Các anh này không khoe khoang về những điều họ làm, nhưng những anh chị được lợi ích từ công việc của họ thật lòng biết ơn.—Mat 6:2-4.

10. Các trưởng lão thực hiện những công việc nào mà ít được anh em biết đến?

10 Nhiều trưởng lão ngày nay cũng phải làm công việc giấy tờ. Chẳng hạn, anh giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão lên chương trình cho các buổi họp hằng tuần. Anh thư ký hội thánh tập hợp báo cáo rao giảng hằng tháng và hằng năm. Anh giám thị trường sắp xếp kỹ cho chương trình trường học. Cứ mỗi ba tháng, hồ sơ kế toán của hội thánh được kiểm tra. Các trưởng lão đọc những lá thư từ chi nhánh và làm theo sự hướng dẫn nhằm giúp mọi người “hiệp một trong đức-tin” (Ê-phê 4:3, 13). Qua nỗ lực tận tụy của các trưởng lão, ‘mọi sự đều được làm cho phải phép và theo thứ-tự’.—1 Cô 14:40.

“Chỉ-dẫn anh em”

11, 12. Ai “chỉ-dẫn” hội thánh, và việc này bao hàm điều gì?

11 Phao-lô nói rằng các trưởng lão tận tụy ở Tê-sa-lô-ni-ca đã “chỉ-dẫn” hội thánh. Từ này trong nguyên ngữ ngụ ý việc “đứng trước” và có thể dịch là “hướng dẫn” hoặc “dẫn đầu” (1 Tê 5:12). Phao-lô cũng nói các trưởng lão ấy “có công-khó”. Ông đang nói đến tất cả các trưởng lão trong hội thánh. Ngày nay, phần lớn các trưởng lão đứng trước cử tọa và điều khiển các buổi họp của hội thánh. “Giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão” là tên gọi được điều chỉnh gần đây, giúp chúng ta nhận thấy các trưởng lão là thành viên của một hội đồng hợp nhất.

12 “Chỉ-dẫn” hội thánh bao hàm nhiều hơn là chỉ dạy dỗ. Trong nguyên ngữ, từ này cũng được dùng nơi 1 Ti-mô-thê 3:4. Phao-lô nói một giám thị nên là người “khéo cai-trị [“điều khiển”, Các Giờ Kinh Phụng Vụ] nhà riêng mình, giữ con-cái mình cho vâng-phục và ngay-thật trọn-vẹn”. Từ “điều khiển” rõ ràng không chỉ bao hàm việc dạy dỗ con cái mà còn dẫn đầu gia đình và “giữ con-cái mình cho vâng-phục”. Đúng vậy, các trưởng lão dẫn đầu hội thánh, giúp mọi người vâng phục Đức Giê-hô-va.—1 Ti 3:5.

13. Trong buổi họp trưởng lão, tại sao có thể cần thời gian để đi đến quyết định?

13 Nhằm “chỉ-dẫn” tốt cho bầy, các trưởng lão thảo luận với nhau về cách đáp ứng nhu cầu của hội thánh. Để một trưởng lão quyết định hết mọi việc thì có lẽ nhanh hơn. Nhưng theo gương của hội đồng lãnh đạo vào thế kỷ thứ nhất, các hội đồng trưởng lão ngày nay thảo luận cởi mở về các vấn đề, tìm sự hướng dẫn từ Kinh Thánh. Mục tiêu của họ là áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh cho nhu cầu hội thánh địa phương. Để có kết quả tốt nhất, mỗi trưởng lão chuẩn bị cho buổi họp trưởng lão, xem xét các câu Kinh Thánh và sự hướng dẫn từ lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Dĩ nhiên, việc này đòi hỏi thời gian. Khi có ý kiến bất đồng, như trường hợp của hội đồng lãnh đạo vào thế kỷ thứ nhất về việc cắt bì, các trưởng lão có thể cần thời gian và nghiên cứu thêm để thống nhất ý kiến dựa trên Kinh Thánh.—Công 15:2, 6, 7, 12-14, 28.

14. Bạn có cảm kích khi hội đồng trưởng lão làm việc hợp nhất không? Tại sao bạn cảm thấy như thế?

14 Nói sao nếu một trưởng lão khăng khăng theo cách của mình hoặc cố đề cao ý riêng? Hoặc nếu một người—như Đi-ô-trép vào thế kỷ thứ nhất—gieo mầm mống bất hòa thì sao? (3 Giăng 9, 10). Rõ ràng cả hội thánh sẽ chịu thiệt hại. Nếu Sa-tan đã cố gắng đánh đổ hội thánh vào thế kỷ thứ nhất, chúng ta có thể chắc chắn rằng hắn muốn phá vỡ sự bình an của hội thánh ngày nay. Hắn có thể khơi dậy những khuynh hướng ích kỷ của con người, như ước muốn được nổi bật. Vì vậy, các trưởng lão cần vun trồng tính khiêm nhường và làm việc với nhau như một hội đồng hợp nhất. Chúng ta cảm kích biết bao khi thấy sự khiêm nhường của các trưởng lão đang hợp tác chặt chẽ như một thân!

“Dạy-bảo anh em”

15. Khi dạy bảo anh em, các trưởng lão có động lực nào?

15 Phao-lô nhấn mạnh một nhiệm vụ tuy khó nhưng quan trọng của trưởng lão: dạy bảo bầy. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, chỉ có Phao-lô dùng từ Hy Lạp được dịch là “dạy-bảo”. Từ này cũng được dịch là “khuyên-bảo” hay “răn-bảo”, có thể muốn nói đến lời khuyên mạnh mẽ nhưng không có ý thù nghịch (Công 20:31; 2 Tê 3:15). Chẳng hạn, Phao-lô viết cho anh em ở thành Cô-rinh-tô: “Tôi viết những điều nầy, chẳng phải để làm cho anh em hổ-ngươi đâu; nhưng để khuyên-bảo anh em, cũng như con-cái yêu-dấu của tôi vậy” (1 Cô 4:14). Động lực của ông khi đưa ra lời khuyên là sự quan tâm đầy yêu thương với người khác.

16. Các trưởng lão ghi nhớ điều gì khi dạy bảo người khác?

16 Khi dạy bảo người khác, các trưởng lão ghi nhớ tầm quan trọng của thái độ. Họ cố noi gương Phao-lô qua việc tử tế, yêu thương và giúp ích cho người khác. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:11, 12). Tuy nhiên, các trưởng lão ‘hằng giữ đạo thật hầu cho có thể theo đạo lành mà khuyên-dỗ’.—Tít 1:5-9.

17, 18. Nếu được một trưởng lão khuyên bảo, bạn nên ghi nhớ gì?

17 Dĩ nhiên, trưởng lão là người bất toàn và có thể nói những lời mà sau này họ hối tiếc (1 Vua 8:46; Gia 3:8). Trưởng lão cũng biết rằng đối với anh em thiêng liêng, việc nhận lời khuyên thường là ‘buồn-bã chớ không phải vui-mừng’ (Hê 12:11). Thế nên, khi khuyên một người, rất có thể trước đó anh đã cân nhắc và cầu nguyện nhiều. Vậy, nếu được khuyên bảo, bạn có biết ơn lòng quan tâm đầy yêu thương của trưởng lão ấy không?

18 Giả sử bạn mắc một căn bệnh mà bạn không hiểu vấn đề là gì. Rồi một bác sĩ chẩn đoán đúng, nhưng lời chẩn đoán đó khó chấp nhận. Bạn có khó chịu với bác sĩ ấy không? Không! Ngay cả nếu bác sĩ đề nghị phẫu thuật, rất có thể bạn sẽ chấp nhận cách trị liệu đó vì tin rằng điều này có ích cho bạn. Cách bác sĩ trình bày thông tin có thể tác động đến cảm xúc của bạn, nhưng bạn có để điều đó trở thành yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định của mình không? Chắc hẳn không. Tương tự, đừng để cách bạn được khuyên bảo ngăn trở bạn lắng nghe những người mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su dùng nhằm giúp bạn biết cách tiến bộ và bảo vệ mình về thiêng liêng.

Quý trọng trưởng lão​—“Các ơn” từ Đức Giê-hô-va

19, 20. Làm thế nào bạn có thể tỏ lòng biết ơn “các ơn” dưới hình thức người?

19 Nếu nhận được món quà đặc biệt dành cho mình, bạn sẽ làm gì? Bạn có tỏ lòng biết ơn bằng cách sử dụng món quà ấy không? “Các ơn” dưới hình thức người là món quà mà Đức Giê-hô-va ban cho bạn qua Chúa Giê-su. Một cách để thể hiện lòng biết ơn những món quà này là chăm chú lắng nghe bài giảng của trưởng lão và cố gắng áp dụng những điểm được đưa ra. Bạn cũng có thể tỏ lòng biết ơn qua việc góp lời bình luận ý nghĩa tại các buổi họp. Hãy ủng hộ công việc trưởng lão dẫn đầu, chẳng hạn như thánh chức. Nếu được lợi ích từ lời khuyên của một trưởng lão, sao không nói cho anh ấy biết? Ngoài ra, sao không thể hiện lòng biết ơn về sự hy sinh của gia đình trưởng lão? Hãy nhớ rằng để có thể phục vụ hội thánh, anh phải bớt thời gian dành cho gia đình.

20 Thật vậy, chúng ta có nhiều lý do để tỏ lòng biết ơn với các trưởng lão, những người có công khó, chỉ dẫn và dạy bảo chúng ta. “Các ơn” dưới hình thức người này quả là sự cung cấp đầy yêu thương đến từ Đức Giê-hô-va!

Bạn còn nhớ không?

• Tại sao các tín đồ Đấng Christ ở Tê-sa-lô-ni-ca biết ơn những người dẫn đầu hội thánh?

• Trưởng lão trong hội thánh bạn có công khó như thế nào?

• Bạn nhận được lợi ích thế nào từ việc “chỉ-dẫn” của trưởng lão?

• Nếu được trưởng lão khuyên bảo, bạn nên nhớ gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 27]

Bạn có biết ơn về những cách mà các trưởng lão chăn dắt hội thánh không?