Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cách dạy con về Đức Chúa Trời—Những phương pháp nào hữu hiệu nhất?

Cách dạy con về Đức Chúa Trời—Những phương pháp nào hữu hiệu nhất?

Cách dạy con về Đức Chúa Trời​—Những phương pháp nào hữu hiệu nhất?

“Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy”.—PHỤC-TRUYỀN LUẬT-LỆ KÝ 6:6, 7.

Đôi khi, cha mẹ cảm thấy choáng ngợp với trách nhiệm dạy dỗ con cái. Thế nhưng, khi tìm kiếm lời khuyên, họ càng thấy bối rối hơn vì nhiều đề nghị khác nhau. Bà con và bạn bè thường nhiệt tình cho ý kiến; sách báo, tạp chí và các trang web thì đưa ra hàng loạt lời khuyên mâu thuẫn nhau.

Trái lại, Kinh Thánh không những cho cha mẹ lời khuyên thực tế để biết dạy con điều gì mà còn hướng dẫn họ biết cách dạy chúng. Như câu Kinh Thánh trên cho thấy, mỗi ngày cha mẹ cần tìm cách nào đó để nói với con về Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ thảo luận bốn đề nghị dựa trên Kinh Thánh đã giúp hàng ngàn cha mẹ dạy con cái về Đức Chúa Trời.

1. Dạy từ sự sáng tạo. Một người viết Kinh Thánh là Phao-lô nói: “Những sự trọn lành của [Đức Chúa Trời] mắt không thấy được, tức là quyền-phép đời đời và bổn-tánh Ngài, thì từ buổi sáng-thế vẫn sờ-sờ như mắt xem-thấy, khi người ta xem-xét công-việc của Ngài” (Rô-ma 1:20). Cha mẹ có thể làm nhiều điều để giúp con thấy Đức Chúa Trời là một Đấng có thật. Họ có thể chỉ cho con các tạo vật của Đức Chúa Trời và rồi giúp chúng nhận ra “sự trọn lành”, hay các đức tính của Ngài, qua những sự sáng tạo ấy.

Chúa Giê-su cũng dùng phương pháp này khi dạy các môn đồ. Chẳng hạn, ngài nói: “Hãy xem loài chim trời: Chẳng có gieo, gặt, cũng chẳng có thâu-trữ vào kho-tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí-trọng hơn loài chim sao?” (Ma-thi-ơ 6:26). Nơi đây, Chúa Giê-su làm nổi bật tình yêu thương và lòng trắc ẩn của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, ngài giúp các môn đồ lý luận về cách Đức Chúa Trời bày tỏ những đức tính đó đối với con cái của Ngài.

Vua Sa-lô-môn nói về bản năng khôn ngoan mà Đức Chúa Trời ban cho loài kiến. Ông dùng tạo vật nhỏ bé này để nhấn mạnh một bài học quý giá. Ông viết: “Hỡi kẻ biếng-nhác, hãy đi đến loài kiến; khá xem-xét cách ăn-ở nó mà học khôn-ngoan. Tuy nó không có hoặc quan-tướng, hoặc quan cai-đốc, hay là quan trấn, thì nó cũng biết sắm-sửa lương-phạn mình trong lúc mùa hè, và thâu-trữ vật-thực nó trong khi mùa gặt” (Châm-ngôn 6:6-8). Quả là một cách hữu hiệu để dạy con giá trị của việc đặt những mục tiêu có ích rồi cố gắng đạt được nhờ sức Đức Giê-hô-va!

Cha mẹ có thể bắt chước cách dạy dỗ hữu hiệu của Chúa Giê-su và vua Sa-lô-môn khi làm như sau: (1) Hỏi con thích cây và con vật nào. (2) Cùng con tìm hiểu thêm về cây và con vật đó. (3) Rút ra bài học về Đức Chúa Trời từ những tạo vật đó.

2. Bắt chước thái độ của Chúa Giê-su đối với người ngài dạy. Trong tất cả những người từng sống trên đất, Chúa Giê-su nói những điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, ngài dành nhiều thời gian để đặt câu hỏi. Ngài quan tâm sâu sắc đến suy nghĩ và cảm xúc của những người ngài dạy (Ma-thi-ơ 17:24, 25; Mác 8:27-29). Tương tự, cha mẹ có nhiều bài học quan trọng muốn dạy con. Thế nhưng, để dạy dỗ hữu hiệu, họ cần bắt chước Chúa Giê-su và khuyến khích con thoải mái giãi bày cảm xúc.

Nói sao nếu con biểu lộ một thái độ xấu hoặc chậm tiếp thu một bài học quan trọng nào đó? Hãy xem cách Chúa Giê-su đối xử với các môn đồ. Đôi khi, các môn đồ tranh cãi gay gắt với nhau và chậm hiểu lợi ích của tính khiêm nhường. Dù vậy, Chúa Giê-su vẫn kiên nhẫn và nhắc đi nhắc lại lý do phải thể hiện tính khiêm nhường (Mác 9:33, 34; Lu-ca 9:46-48; 22:24, 25). Noi gương Chúa Giê-su, cha mẹ kiên nhẫn sửa dạy con và nếu cần, họ lặp lại bài học cho đến khi chúng hiểu rõ tầm quan trọng của nó *.

3. Dạy bằng gương mẫu. Cha mẹ nên chú ý đến lời nhắc nhở của Phao-lô viết cho các môn đồ ở Rô-ma: “Ngươi dạy-dỗ kẻ khác mà không dạy-dỗ chính mình ngươi sao! Ngươi giảng rằng chớ nên ăn-cắp, mà ngươi ăn-cắp!”.—Rô-ma 2:21.

Sự nhắc nhở đó là hợp lý vì con cái thường được tác động bởi những điều cha mẹ làm hơn là những gì họ nói. Thực tế cho thấy cha mẹ nào làm đúng như những gì họ nói thì thường có con biết nghe lời.

4. Dạy từ khi con còn nhỏ. Ti-mô-thê, cùng làm giáo sĩ với Phao-lô, là người có tiếng tốt trong vùng (Công-vụ 16:1, 2). Một lý do là vì ‘từ khi còn thơ-ấu’, ông đã được dạy về “Kinh-thánh”. Bà ngoại và mẹ của Ti-mô-thê không chỉ đọc Kinh Thánh cho ông mà còn giúp ông lý luận dựa trên những sự thật trong đó.—2 Ti-mô-thê 1:5; 3:14, 15.

Bạn có sự giúp đỡ

Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản một số ấn phẩm đặc biệt nhằm giúp cha mẹ dạy con sự thật về Đức Chúa Trời. Trong đó, có một số ấn phẩm dành riêng cho các em nhỏ, số khác có thể giúp cha mẹ và con cái ở tuổi mới lớn duy trì việc trò chuyện cởi mở với nhau. *

Dĩ nhiên, trước khi cha mẹ dạy con về Đức Chúa Trời, họ cần biết câu trả lời cho những câu hỏi khó con cái có thể thắc mắc. Chẳng hạn: “Tại sao Đức Chúa Trời để cho có sự đau khổ? Đức Chúa Trời có ý định gì đối với trái đất? Những người chết ở đâu?”. Bạn sẽ trả lời những câu hỏi đó như thế nào? Nhân Chứng Giê-hô-va sẵn lòng giúp bạn trả lời các câu hỏi trên và những câu hỏi khác để bạn và gia đình có thể đến gần Đức Chúa Trời.—Gia-cơ 4:8.

[Chú thích]

^ đ. 10 Nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:7, từ Hê-bơ-rơ được dịch là “ân-cần dạy-dỗ” có nghĩa là lặp đi lặp lại một điểm nào đó.

^ đ. 15 Khi con còn nhỏ, cha mẹ có thể dùng sách Hãy học theo Thầy Vĩ Đại, là sách nêu bật sự dạy dỗ của Chúa Giê-su hoặc Sách kể chuyện Kinh Thánh, là sách nêu lên những bài học quan trọng từ Kinh Thánh bằng lối viết đơn giản. Khi con ở tuổi thiếu niên, cha mẹ có thể dùng sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực tập 1, và tập 2 (Anh ngữ).