Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ha-ma-ghê-đôn là gì?

Ha-ma-ghê-đôn là gì?

Câu hỏi độc giả

Ha-ma-ghê-đôn là gì?

▪ Khi nghe từ “Ha-ma-ghê-đôn”, nhiều người liên tưởng đến sự hủy diệt hàng loạt như chiến tranh hạt nhân, thiên tai toàn cầu hoặc thậm chí trái đất nóng lên gây ra thảm họa môi trường. Tuy nhiên, khi dùng từ này, Kinh Thánh không có ý nói đến bất cứ điều gì ở trên. Vậy, trong Kinh Thánh, từ “Ha-ma-ghê-đôn” có nghĩa gì?

Trong Kinh Thánh, từ “Ha-ma-ghê-đôn” xuất hiện nơi sách Khải-huyền. Từ này nói đến một cuộc chiến tranh đặc biệt, “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng”. Khi ấy, “các vua trên khắp thế-gian” nhóm hiệp trong trận chiến cuối cùng chống lại Đức Chúa Trời. Nhiều câu Kinh Thánh khác cũng ám chỉ đến cuộc chiến này.—Khải-huyền 16:14-16; Ê-xê-chi-ên 38:22, 23; Giô-ên 3:12-14; Lu-ca 21:34, 35; 2 Phi-e-rơ 3:11, 12.

Cuộc chiến này diễn ra như thế nào? Bằng hình ảnh tượng trưng, sách Khải-huyền cho chúng ta biết: “Các vua thế-gian cùng những quân-đội mình nhóm lại đặng tranh-chiến với Đấng cưỡi ngựa, và với đạo binh của Ngài”. “Đấng cưỡi ngựa” chính là Chúa Giê-su Christ, Con của Đức Chúa Trời, đấng được bổ nhiệm để thống lĩnh đạo binh thiên sứ đánh bại kẻ thù (Khải-huyền 19:11-16, 19-21). Câu Kinh Thánh Giê-rê-mi 25:33 cho biết tầm mức của sự hủy diệt này: “Thây của những kẻ mà Đức Giê-hô-va đã giết trong ngày đó, sẽ đầy trên đất từ đầu nầy đến đầu kia”.

Tại sao phải có trận chiến Ha-ma-ghê-đôn? Vì các nước không chịu công nhận quyền cai trị của Đức Chúa Trời, họ chỉ muốn khẳng định quyền lực của mình (Thi-thiên 24:1). Việc họ nghịch lại Đức Chúa Trời được miêu tả nơi Thi-thiên 2:2: “Các vua thế-gian nổi dậy, các quan-trưởng bàn-nghị cùng nhau nghịch Đức Giê-hô-va, và nghịch Đấng chịu xức dầu của Ngài”.

Thật ra, những kẻ chống đối giống như bọn người ngoan cố không những chiếm cơ ngơi của người khác mà còn lạm dụng và hủy hoại nó. Ngày nay, các nước cũng đang tàn phá trái đất và làm ô nhiễm môi trường. Lời Đức Chúa Trời báo trước tình hình tồi tệ này: “Các dân-tộc vốn giận-dữ, nhưng cơn thạnh-nộ của [Đức Chúa Trời] đã đến”. Lúc đó, Ngài sẽ “hủy-phá những kẻ đã hủy-phá thế-gian [“mặt đất”, Các Giờ Kinh Phụng Vụ]” (Khải-huyền 11:18). Ha-ma-ghê-đôn là biện pháp Đức Chúa Trời dùng để giải quyết vấn đề: Ai mới có quyền cai trị nhân loại?.—Thi-thiên 83:18.

Khi nào Ha-ma-ghê-đôn đến? Con Đức Chúa Trời nói: “Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên-sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi” (Ma-thi-ơ 24:36). Dù thế, khi nói về Ha-ma-ghê-đôn, vị Vua kiêm Chiến Sĩ là Chúa Giê-su đã cảnh báo: “Kìa, ta đến như kẻ trộm. Phước cho kẻ tỉnh-thức” (Khải-huyền 16:15). Như vậy, cuộc chiến toàn cầu này liên quan đến sự hiện diện của Chúa Giê-su, điều mà Kinh Thánh đã tiên tri và hiện đang ứng nghiệm.

Tại trận Ha-ma-ghê-đôn, chỉ những kẻ làm ác không chịu sửa đổi mới bị hủy diệt, còn “vô-số người” sẽ được sống sót (Khải-huyền 7:9-14). Đám đông ấy sẽ thấy những lời này được ứng nghiệm: “Một chút nữa kẻ ác không còn. Ngươi sẽ xem-xét chỗ hắn, thật không còn nữa. Song người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”.—Thi-thiên 37:10, 11.

[Câu nổi bật nơi trang 10]

“Người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”