Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bảy sản vật của “xứ tốt-tươi”

Bảy sản vật của “xứ tốt-tươi”

Bảy sản vật của “xứ tốt-tươi”

Kinh Thánh miêu tả vùng đất của nước Y-sơ-ra-ên (Israel) là vùng đồi và thung lũng, đồng bằng duyên hải và cao nguyên, sông và suối. Với nhiều loại đất và vùng khí hậu khác nhau, như sa mạc khô cằn ở phía nam và núi phủ tuyết ở phía bắc, vùng đất này sản sinh nhiều loại hoa màu. Khi Môi-se khuyến khích dân Israel trông mong “xứ tốt-tươi” phía trước, ông nói đó là xứ “có lúa mì, lúa mạch, dây nho, cây vả, cây lựu; dầu ô-li-ve và mật”. Như vậy, ông đã đặc biệt nhắc đến bảy sản vật nông nghiệp của xứ.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:7, 8.

Đôi khi, bảy sản vật trên xuất hiện trên đồng tiền và tem thư trong nước Israel ngày nay như một biểu tượng cho sự màu mỡ của vùng đất này. Vào thời Kinh Thánh, chúng được sản xuất như thế nào? Chúng ảnh hưởng ra sao đến đời sống của người dân? Chúng ta hãy cùng xem.

“Lúa mì, lúa mạch” Dù cả lúa mì và lúa mạch được gieo vào mùa thu nhưng lúa mạch chín trước một tháng. Một bó lúa mạch đầu mùa được dâng lên Đức Giê-hô-va tại đền thờ trong kỳ Lễ Bánh Không Men vào tháng 3 hoặc tháng 4. Còn những ổ bánh mì được dùng làm lễ vật trong kỳ Lễ Các Tuần (Lễ Ngũ Tuần) vào tháng 5.—Lê-vi Ký 23:10, 11, 15-17.

Từ xưa cho đến thời gian gần đây, người nông dân Israel gieo hạt bằng tay. Họ đựng hạt trong vạt áo ngoài rồi vãi hạt xuống đất. Hạt lúa mạch chỉ cần vãi ra nhưng hạt lúa mì cần được vùi dưới đất nhờ các con vật giẫm lên hay bằng cách cày ruộng lại.

Kinh Thánh thường nói đến việc gieo, gặt, đập, sảy và xay lúa. Phải mất nhiều công sức trong mỗi bước đó. Hằng ngày, lúa thu hoạch được nghiền thành bột tại nhà rồi làm bánh mì cho gia đình. Điều này giúp hiểu rõ lời Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu xin “bánh hằng ngày” (Ma-thi-ơ 6:11, Nguyễn Thế Thuấn, cước chú). Bánh mì được làm từ bột lúa mì hoặc lúa mạch nguyên chất là lương thực chính của người sống vào thời Kinh Thánh.—Ê-sai 55:10.

“Dây nho, cây vả, cây lựu” Sau 40 năm dẫn dắt dân Israel trong đồng vắng, Môi-se gợi ra một cảnh tuyệt diệu trước mắt họ—ăn trái cây của vùng Đất Hứa. Bốn mươi năm trước đó, mười người do thám mang gì về trại của dân Israel để chứng tỏ sự màu mỡ của vùng Đất Hứa? Đó là “một nhành nho có một chùm nho”, nặng đến nỗi cần ‘hai người khiêng bằng cây sào’. Họ cũng mang về những trái vả và lựu. Hẳn những người dân lang thang trong đồng vắng phải thèm lắm! Điều này hứa hẹn một tương lai tốt đẹp sắp đến!—Dân-số Ký 13:20, 23.

Những cây nho luôn cần được chăm sóc bằng cách tỉa, tưới và thu hái để có trái tốt. Vườn nho tốt phải có một tường rào bảo vệ, ruộng bậc thang và chòi canh. Dân Israel biết rất rõ mọi việc cần làm trong vườn nho và hiểu chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ bỏ bê công việc.—Ê-sai 5:1-7.

Vào mùa thu hoạch nho, người ta bắt đầu làm rượu. Họ giẫm nát những chùm nho trong thùng hoặc ép chúng trong bồn ép nho. Nước ép nho có thể được nấu lên để lấy đường tự nhiên hoặc lên men thành rượu. Vùng đất Israel được hưởng những điều kiện lý tưởng để trồng nho và làm rượu. *

Người sống xa những xứ trồng cây vả có lẽ chỉ thấy các loại vả ép khô. Trái vả tươi thì hoàn toàn khác, nó rất ngọt và nhiều nước. Để bảo quản sau mùa thu hoạch, trái vả phải được phơi nắng và đóng bao. “Bánh trái vả khô” thường được đề cập trong Kinh Thánh.—1 Sa-mu-ên 25:18.

Bóc vỏ của một trái lựu chín sẽ lộ ra hàng trăm “trái nhỏ” gắn với nhau, có thể ăn liền hoặc ép lấy nước—một thứ tươi mát, bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe. Người dân thời xưa rất quý trái lựu. Điều đó được thấy rõ qua việc họ dùng hình của chúng để trang trí viền áo của thầy tế lễ thượng phẩm cũng như các cột trong đền thờ do vua Sa-lô-môn xây cất.—Xuất Ê-díp-tô Ký 39:24; 1 Các Vua 7:20.

“Ô-li-ve và mật” Ô-li-ve (ôliu) là nguồn thức ăn và dầu rất quý; sản vật này được Kinh Thánh nhắc đến gần 60 lần. Ngày nay, cây ôliu vẫn có rải rác ở hầu hết các vùng trong nước Israel (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:40). Và tại nhiều vùng, vụ thu hoạch tháng 10 vẫn là dịp để cả nhà cùng tham gia. Người ta rung các cành cây ôliu, sau đó gom những trái rụng lại. Trái ôliu được bảo quản và làm thức ăn quanh năm cho gia đình hoặc được mang đến máy ép công cộng để ép lấy dầu. Thật vậy, có hàng trăm máy ép, với nhiều loại khác nhau, được khai quật ở những địa điểm khảo cổ. Thật thú vị khi thấy dầu ôliu xanh nhạt được đổ vào đồ đựng để gia đình dùng quanh năm hoặc đem bán để có thu nhập. Ngoài việc dùng làm thức ăn, dầu ôliu còn được dùng làm mỹ phẩm và dầu thắp đèn.

Mật mà Môi-se đề cập có thể là mật ong hoặc là si-rô được chiết xuất từ chà là và nho. Ngày nay, mật chiết xuất từ các trái cây đó vẫn được dùng phổ biến như một chất làm ngọt. Tuy nhiên, mật được Kinh Thánh đề cập trong lời tường thuật về Sam-sôn và Giô-na-than rõ ràng là mật ong (Các Quan Xét 14:8, 9; 1 Sa-mu-ên 14:27). Gần đây, người ta phát hiện ra một nơi có hơn 30 tổ ong ở Tel Rehov, miền bắc nước Israel, điều đó cho thấy nuôi ong là nghề phổ biến trong nước ngay từ thời vua Sa-lô-môn.

Ngày nay, ai đi dạo quanh khu chợ đầy màu sắc của nước Israel cũng sẽ thấy nhiều loại sản phẩm khác nhau làm từ bảy sản vật, được bày bán tại những tiệm bánh và rau quả. Dĩ nhiên, bảy sản vật này chỉ là rất ít trong nhiều loại thực phẩm tại địa phương. Nhờ các phương pháp cày cấy và trồng trọt hiện đại, người dân có thể trồng những loại cây của nước khác. Sự phong phú ấy chứng tỏ vùng đất này thật xứng đáng với danh hiệu là “xứ tốt-tươi”.—Dân-số Ký 14:7.

[Chú thích]

^ đ. 9 Nho cũng được phơi để làm nho khô.—2 Sa-mu-ên 6:19.

[Hình nơi trang 11]

Lúa mì

[Hình nơi trang 11]

Lúa mạch

[Hình nơi trang 12]

Nho

[Hình nơi trang 12, 13]

Vả

[Hình nơi trang 12]

Lựu

[Hình nơi trang 13]

Ôliu

[Hình nơi trang 13]

Mật