Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Olivétan—“Dịch giả tầm thường” của Kinh Thánh tiếng Pháp

Olivétan—“Dịch giả tầm thường” của Kinh Thánh tiếng Pháp

Olivétan​—“Dịch giả tầm thường” của Kinh Thánh tiếng Pháp

Ngày 13-9-1540, cảnh sát lục soát nhà ông Collin Pellenc. Tại một phòng bí mật, họ tìm thấy những tài liệu khả nghi, trong đó có một cuốn sách lớn. Trên trang thứ hai của cuốn sách có ghi: “P. Robert Olivetanus, dịch giả tầm thường”. Đó là bản Kinh Thánh của phái Waldenses (Vaudois)! Ông Collin Pellenc đã bị bắt, bị kết tội dị giáo và bị thiêu sống.

Lúc đó tại Pháp, cũng như những nơi khác ở châu Âu, Giáo hội Công giáo truy lùng những nhà cải cách nhằm xóa bỏ các giáo lý “quỷ quyệt” của họ. Guillaume Farel, một nhà cải cách cuồng nhiệt, đến từ tỉnh Dauphiné ở miền đông nam nước Pháp, đã quyết tâm thuyết phục cộng đồng nói tiếng Pháp trên thế giới tin theo giáo lý của Martin Luther, một trong những người đi đầu Phong trào Cải cách Giáo hội. Ông Farel biết cách quan trọng để thay đổi tư tưởng của người ta là dùng tài liệu in. Để tiến hành công việc, ông cần chuẩn bị sách mỏng, bài luận và Kinh Thánh. Nhưng ai sẽ tài trợ cho việc này? Sao không phải là phái Waldenses, một giáo phái độc lập và chuyên tâm rao giảng về Kinh Thánh?

Hội nghị tại Chanforan

Giữa tháng 9 năm 1532, các mục sư của phái Waldenses tổ chức một hội nghị tại Chanforan, làng nhỏ gần Turin, Ý. Trong vài năm, đã có sự trao đổi giữa phái Waldenses và các nhà lãnh đạo Phong trào Cải cách. Vì thế, Farel và những người khác được mời đến dự hội nghị. Phái Waldenses muốn biết giáo lý của họ có giống với điều Luther và môn đồ của ông rao giảng không. *

Tại hội nghị, những lời phát biểu của Farel rất thuyết phục. Khi các mục sư của phái Waldenses cho Farel xem các bản Kinh Thánh chép tay cũ trong tiếng địa phương của họ, ông thuyết phục họ tài trợ cho việc in ấn một bản Kinh Thánh tiếng Pháp. Khác với bản dịch năm 1523 của Lefèvre d’Étaples dựa trên bản tiếng La-tinh, bản này sẽ được dịch từ bản tiếng Do Thái cổ và Hy Lạp. Tuy nhiên, ai có khả năng đảm nhận công việc này?

Farel biết đúng người cần tìm. Đó là Pierre Robert, được gọi là Olivétan *, một thầy giáo trẻ sinh tại vùng Picardy, phía bắc nước Pháp. Olivétan, bà con của John Calvin, là một trong những nhà cải cách thời kỳ đầu và là người đáng tin cậy. Ông cũng dành vài năm tại Strasbourg để nghiên cứu về các nguyên ngữ Kinh Thánh.

Như Farel và nhiều người khác, Olivétan cũng lánh nạn tại Thụy Sĩ. Các bạn ông nài nỉ ông đảm nhận công việc dịch thuật. Sau vài lần từ chối, cuối cùng ông đã đồng ý dịch Kinh Thánh “từ tiếng Do Thái cổ và Hy Lạp sang tiếng Pháp”. Lúc đó, phái Waldenses tài trợ phần lớn chi phí cần thiết cho xưởng in.

Quạ và chim sơn ca

Đầu năm 1534, Olivétan sống tách biệt trên dãy núi Alps và bắt đầu công việc bên cạnh “những thầy giáo im lặng”, tức là những cuốn sách. Thư viện của ông là niềm ao ước của bất cứ học giả nào thời nay. Trong đó có các bản Kinh Thánh tiếng Syriac, Hy Lạp và La-tinh, những bài bình luận của các thầy ra-bi, những sách ngữ pháp tiếng Canh-đê (A-ram) và nhiều sách khác. Quan trọng nhất, ông có bản Kinh Thánh tiếng Do Thái cổ hiện hành thời đó, gọi là bản Venice.

Olivétan biên soạn phần Kinh Thánh được gọi là “Tân ước” dựa trên bản tiếng Pháp của ông Lefèvre d’Étaples, dù nhiều lần ông cũng đối chiếu với bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp do học giả người Hà Lan là Erasmus biên soạn. Nhằm thoát khỏi ảnh hưởng của Công giáo, Olivétan thường chọn cách diễn đạt khác với những từ mà đạo đó dùng.

Còn phần được gọi là “Cựu ước”, Olivétan quyết tâm dịch sát với bản tiếng Do Thái cổ. Ông nói đùa rằng việc dịch từ tiếng Do Thái cổ sang tiếng Pháp giống như “dạy chim sơn ca hót tiếng quạ”!

Trong bản tiếng Do Thái cổ, Olivétan thấy danh Đức Chúa Trời xuất hiện hàng ngàn lần, dưới dạng bốn ký tự. Ông dịch danh ấy là “Đấng Vĩnh Hằng”, cụm từ này về sau thường xuất hiện trong các bản Kinh Thánh tiếng Pháp của đạo Tin Lành. Tuy nhiên, trong một số chỗ, ông dịch là “Giê-hô-va”, đặc biệt là nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3.

Thật khó tin, ngày 12-2-1535, chỉ sau khoảng một năm, dịch giả công bố là công việc đã hoàn tất! Vì ông thừa nhận là “một mình [ông] mang ách này [công việc dịch thuật] trong suốt thời gian dài” nên rất có thể từ năm 1534 đến năm 1535 là giai đoạn cuối của quá trình dịch và xử lý bản dịch này. Dịch giả khiêm nhường nói: “Tôi đã cố gắng hết mức rồi”. Việc duy nhất phải làm bây giờ là in bản Kinh Thánh tiếng Pháp đầu tiên mà phần lớn được dịch từ các bản nguyên ngữ.

Tại xưởng in của Pirot

Lúc này, xuất hiện một người tên là Pierre de Wingle, cũng gọi là Pirot Picard, bạn của Farel và là một thợ in theo Phong trào Cải cách. Sau khi bị Giáo hội Công giáo buộc phải rời khỏi Lyon, ông đến định cư tại Neuchâtel, Thụy Sĩ năm 1533. Với nguồn tài trợ của phái Waldenses, ông bắt đầu in nhiều tài liệu “lật đổ”. Chẳng hạn, xưởng của ông in những áp-phích lên án Lễ Mi-sa, một số được gửi cho vua Francis I của Pháp, người theo Công giáo.

Một lần nữa, de Wingle khởi động máy in, lần này là in Kinh Thánh! Để xúc tiến công việc, một đội gồm bốn hay năm thợ vận hành cùng lúc hai máy in, gồm việc xếp chữ và in. Cuối cùng, vào ngày 4-6-1535, de Wingle ký tên vào bản Kinh Thánh của Olivétan đã in xong. Trong phần giới thiệu mở đầu, dịch giả đề tặng sách này cho những tín đồ “bị đàn áp và đè nặng” bởi “những truyền thống vô nghĩa”.

Kết quả cuối cùng đúng như mong đợi. Bản dịch của Olivétan không chỉ hay, dễ hiểu mà còn đẹp mắt, dễ đọc nhờ kiểu chữ Gô-tích; mỗi trang được phân ra hai cột, chia thành từng chương, đoạn. Lời ghi chú ở lề cho thấy sự uyên bác của dịch giả. Lời giới thiệu mở đầu, phụ lục, các bảng và những bài thơ cũng tô điểm thêm cho bản dịch. Khi kết hợp các chữ cái đầu của mỗi từ trong bài thơ ở cuối sách sẽ tạo thành câu: “Phái Waldenses, nhóm rao giảng Phúc âm, mang điều quý giá này đến tay dân gần xa”.

Một kiệt tác... và một thất bại

Dù trước đây bị coi thường nhưng ngày nay, tác phẩm này được ghi nhận là một kiệt tác, phản ánh sự uyên bác của Olivétan. Hơn thế, nó trở thành nền tảng cho một số bản dịch của đạo Tin Lành trong ba thế kỷ.

Khoảng một ngàn cuốn Kinh Thánh của Olivétan được xuất bản nhưng không bán chạy. Lý do là vì không có mạng lưới phân phối vững chắc và cũng bởi lúc đó tiếng Pháp đang trong thời kỳ thay đổi lớn. Ngoài ra, cuốn Kinh Thánh nặng 5kg không phải là thuận tiện cho người ta đọc lén hoặc mang theo đi rao giảng!

Dù một cuốn được tìm thấy trong nhà của Collin Pellenc tại Pháp, như được đề cập ở đầu bài, nhưng về mặt kinh tế, bản Kinh Thánh của Olivétan đã thất bại. Năm 1670, gần một thế kỷ rưỡi sau đó, vẫn còn một cuốn được bày bán trong một hiệu sách ở Geneva.

“Không danh tánh, không gốc gác”

Sau khi hoàn tất công việc, Olivétan lui về ở ẩn. Bằng nhiều bút danh khác nhau, ông chỉnh sửa bản dịch của mình, gồm “Tân ước” và nhiều phần trong “Cựu ước”. Ngoài ra, ông chuyên tâm vào một niềm đam mê khác, đó là giảng dạy. Là một thầy giáo đầy tâm huyết, ông biên tập lại cuốn sách của mình có tựa đề “Sự hướng dẫn cho trẻ em”. Sách này dựa trên Kinh Thánh, cung cấp những bài học về đạo đức và hướng dẫn cách đọc tiếng Pháp. Một trong số bút danh của ông là Belisem de Belimakom, có nghĩa là “không danh tánh, không gốc gác”.

Olivétan mất năm 1538 khi ngoài 30 tuổi, có lẽ tại Rome. Ngày nay, rất ít người biết học giả vùng Picardy này đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến Kinh Thánh tiếng Pháp. Tên ông hầu như không xuất hiện trong các từ điển. Hẳn điều này đúng ý Louys Robert, biệt danh là Olivétan, người nhận mình là “dịch giả tầm thường”!

[Chú thích]

^ đ. 5 Để biết làm thế nào Phong trào Cải cách khiến phái Waldenses sát nhập với đạo Tin Lành, xin xem Tháp Canh ngày 15-3-2002, trang 20-23.

^ đ. 7 Thay vì dùng tên khai sinh là Louys, ông lấy tên Pierre. Dường như biệt danh Olivétan nói đến lượng lớn dầu ôliu ông dùng để thắp đèn làm việc trong nhiều giờ.

[Nguồn hình ảnh nơi trang 18]

Archives de la Ville de Neuchâtel, Suisse /Photo: Stefano Iori

[Nguồn hình ảnh nơi trang 19]

Left photo: Alain Leprince - La Piscine-musée, Roubaix / Courtesy of the former Bouchard Museum, Paris

Center and right: Société de l’Histoire du Protestantisme Français, Paris

[Nguồn hình ảnh nơi trang 20]

Société de l’Histoire du Protestantisme Français, Paris