Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có phải nộp thuế không?

Có phải nộp thuế không?

Có phải nộp thuế không?

Ít ai thích nộp thuế. Nhiều người cảm thấy tiền thuế sẽ bị lãng phí cho những người thiếu năng lực, tham ô hoặc lừa bịp. Số khác từ chối nộp thuế vì cho rằng nó được dùng vào những việc trái đạo đức. Giải thích lý do không nộp thuế, người dân một thị trấn ở vùng Trung Đông cho biết: “Chúng tôi sẽ không cấp tiền để mua đạn giết chính con mình”.

Những quan điểm như thế không phải là hiếm thấy hay mới lạ. Nhà lãnh đạo Ấn Độ là ông Mohandas K. Gandhi bày tỏ lập trường không nộp thuế của mình: “Người ủng hộ một quốc gia được lực lượng quân sự trực tiếp hay gián tiếp hỗ trợ thì phạm tội. Mỗi người, già hay trẻ, đều phạm tội khi nộp thuế để đóng góp vào ngân quỹ quốc gia”.

Tương tự, vào thế kỷ 19, triết gia Henry David Thoreau không nộp thuế dùng cho chiến tranh vì ông xem điều này là trái đạo đức. Ông lý luận: “Có thể nào nhà lập pháp có quyền hơn lương tâm, dù trong giây lát hay trong việc nhỏ nhất? Nếu thế, con người có lương tâm để làm gì?”.

Vấn đề này liên quan đến môn đồ Chúa Giê-su vì Kinh Thánh dạy rõ ràng là họ phải giữ “lương-tâm thanh-sạch” trong mọi việc (2 Ti-mô-thê 1:3). Mặt khác, Kinh Thánh cũng công nhận chính phủ có quyền thu thuế khi nói: “Mọi người phải vâng-phục các đấng cầm quyền trên mình [các chính phủ]; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ-định... Vậy nên cần phải vâng-phục, chẳng những vì sợ hình-phạt thôi, nhưng cũng vì cớ lương-tâm. Ấy cũng bởi lẽ đó mà anh em nộp thuế, vì các quan-quyền là đầy-tớ của Đức Chúa Trời, hằng giữ việc ấy. Phải trả cho mọi người điều mình đã mắc: nộp thuế cho kẻ mình phải nộp thuế”.—Rô-ma 13:1, 5-7.

Vì lý do này, các môn đồ Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất được biết đến là những người sẵn sàng nộp thuế, dù một khoản đáng kể được dùng cho quân sự. Thời nay, Nhân Chứng Giê-hô-va cũng có tiếng như vậy *. Điều dường như mâu thuẫn này có thể giải thích thế nào? Có phải môn đồ Chúa Giê-su lờ đi tiếng nói lương tâm khi nộp thuế?

Thuế và lương tâm

Điều đáng chú ý là vào thế kỷ thứ nhất, trong số thuế môn đồ Chúa Giê-su được dạy là phải nộp thì một phần phục vụ cho quân đội. Chính vì điều đó mà sau này lương tâm của ông Gandhi và Thoreau không cho phép họ nộp thuế.

Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng môn đồ Chúa Giê-su vâng theo mệnh lệnh nơi sách Rô-ma chương 13 không chỉ vì muốn tránh bị phạt mà còn “vì cớ lương-tâm [của họ]” (Rô-ma 13:5). Thật vậy, lương tâm của một môn đồ Chúa Giê-su đòi hỏi người ấy phải nộp thuế, dù tiền được dùng vào các việc mà người ấy không đồng ý. Để hiểu vấn đề dường như mâu thuẫn này, chúng ta cần nhận ra một điều quan trọng về lương tâm, tiếng nói bên trong cho chúng ta biết hành động của mình là đúng hay sai.

Đúng như ông Thoreau nhận xét, mọi người đều có tiếng nói bên trong ấy. Tuy nhiên, không phải lúc nào lương tâm của chúng ta cũng đáng tin cậy. Để làm vui lòng Đức Chúa Trời, lương tâm phải được rèn luyện theo các tiêu chuẩn của Ngài về đạo đức. Chúng ta thường phải điều chỉnh lối suy nghĩ hay quan điểm của mình để phù hợp với quan điểm của Đức Chúa Trời, vì ý tưởng của Ngài cao hơn chúng ta (Thi-thiên 19:7). Thế nên, chúng ta phải cố gắng hiểu quan điểm của Đức Chúa Trời về những nhà cầm quyền. Vậy, quan điểm của Ngài là gì?

Lưu ý rằng ông Phao-lô gọi các nhà cầm quyền là “đầy-tớ của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 13:6). Theo nghĩa nào? Về cơ bản, điều này có nghĩa là họ duy trì trật tự và cung cấp các dịch vụ công ích cho xã hội. Thường các chính phủ tham nhũng nhất vẫn cung cấp những dịch vụ ấy, chẳng hạn như bưu điện, giáo dục, cứu hỏa và an ninh. Dù biết rõ các nhược điểm của họ, Đức Chúa Trời vẫn cho phép các chính phủ tồn tại trong một thời gian và lệnh cho chúng ta phải nộp thuế. Khi làm thế, chúng ta tôn trọng sự sắp đặt của Ngài là để những chính phủ ấy cai trị nhân loại.

Tuy nhiên, Đức Chúa Trời chỉ cho phép các chính phủ loài người cai trị trong một thời gian ngắn. Ngài sẽ thay thế các chính phủ ấy bằng Nước trên trời của Ngài và xóa sạch mọi thiệt hại mà sự cai trị của con người gây ra trong nhiều thế kỷ qua (Đa-ni-ên 2:44; Ma-thi-ơ 6:10). Dù vậy, trong lúc này, Đức Chúa Trời không cho phép tôi tớ Ngài chống lại chính quyền bằng cách không nộp thuế hoặc bất cứ cách nào khác.

Nói sao nếu bạn vẫn cảm thấy nộp khoản thuế phục vụ chiến tranh là tội lỗi, giống như suy nghĩ của ông Gandhi? Nếu vậy, hãy nhớ là khi leo lên chỗ đất cao, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ hơn về một vùng nào đó. Tương tự, chúng ta có thể sẵn sàng điều chỉnh lối suy nghĩ để phù hợp với quan điểm của Đức Chúa Trời khi nhớ rằng cái nhìn của Ngài vượt trội hơn chúng ta. Qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va phán: “Các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường-lối ta cao hơn đường-lối các ngươi, ý-tưởng ta cao hơn ý-tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu”.—Ê-sai 55:8, 9.

Có quyền hành tuyệt đối không?

Sự dạy dỗ của Kinh Thánh về việc nộp thuế không ám chỉ rằng các chính phủ có quyền hành tuyệt đối trên người dân. Chúa Giê-su dạy rằng Đức Chúa Trời chỉ cho các chính phủ loài người một quyền hạn nhất định. Khi được hỏi việc nộp thuế cho chính quyền La Mã có đúng với quan điểm của Đức Chúa Trời không, Chúa Giê-su trả lời cách thâm thúy: “Vật chi của Sê-sa hãy trả lại cho Sê-sa, còn vật chi của Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa Trời”.—Mác 12:13-17.

Các chính phủ, đại diện là “Sê-sa”, đúc hoặc in tiền và giúp định giá trị của nó. Vì thế, theo quan điểm của Đức Chúa Trời, họ có quyền yêu cầu hoàn lại qua việc thu thuế. Thế nhưng, Chúa Giê-su cho thấy “vật chi của Đức Chúa Trời”, tức là mạng sống và sự thờ phượng của chúng ta, thì không chính phủ nào đòi hỏi được. Khi luật pháp hay quy định của loài người đi ngược lại với luật pháp của Đức Chúa Trời, môn đồ Chúa Giê-su “thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”.—Công-vụ 5:29.

Ngày nay, dù có thể không đồng ý với cách chính phủ dùng tiền thuế nhưng môn đồ Chúa Giê-su không cố gây áp lực hoặc rắc rối cho chính quyền bằng cách chống lại hoặc không nộp thuế. Vì hành động như thế cho thấy họ thiếu tin cậy vào giải pháp Đức Chúa Trời đưa ra để chấm dứt sự đau khổ của nhân loại. Trái lại, họ kiên nhẫn chờ đợi thời điểm mà Đức Chúa Trời sẽ can thiệp vào các vấn đề của nhân loại qua sự cai trị của Con Ngài là Chúa Giê-su, người đã nói: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy”.—Giăng 18:36.

Những lợi ích khi làm theo lời dạy của Kinh Thánh

Bạn có thể nhận được nhiều lợi ích khi làm theo lời dạy của Kinh Thánh trong việc nộp thuế. Bạn sẽ tránh được những hình phạt dành cho người phạm pháp, cũng như nỗi sợ bị bắt (Rô-ma 13:3-5). Quan trọng hơn, bạn sẽ có một lương tâm trong sạch trước mắt Đức Chúa Trời và tôn kính Ngài qua việc tuân theo pháp luật. Dù phải chịu một số thiệt thòi về kinh tế so với những người không nộp thuế hoặc gian lận trong vấn đề này, bạn có thể tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời là Ngài luôn chăm sóc các tôi tớ trung thành của Ngài. Một người viết Kinh Thánh là Đa-vít khẳng định điều đó như sau: “Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công-bình bị bỏ, hay là dòng-dõi người đi ăn-mày”.—Thi-thiên 37:25.

Ngoài ra, khi hiểu và làm theo mệnh lệnh của Kinh Thánh là nộp thuế, bạn sẽ có bình an nội tâm. Đức Chúa Trời không bắt chúng ta chịu trách nhiệm về cách chính phủ dùng tiền thuế chúng ta nộp, cũng như luật pháp không bắt chúng ta chịu trách nhiệm về cách chủ nhà xài tiền thuê nhà mà chúng ta trả. Trước khi học Kinh Thánh, một người đàn ông tên là Stelvio đã tìm kiếm sự thay đổi về chính trị ở miền nam châu Âu trong nhiều năm. Khi giải thích tại sao anh bỏ cuộc, anh nói: “Tôi phải công nhận là con người không có khả năng mang lại hòa bình, công lý và tình bằng hữu trên thế giới. Chỉ Nước Đức Chúa Trời mới thật sự có thể mang đến một xã hội mới tốt hơn”.

Nếu bạn trung thành ‘trả cho Đức Chúa Trời vật chi của Đức Chúa Trời’, bạn cũng có thể tin chắc như anh Stelvio. Bạn sẽ thấy ngày Đức Chúa Trời thiết lập sự cai trị công minh trên khắp trái đất, xóa bỏ mọi thiệt hại và bất công do sự cai trị của con người gây ra.

[Chú thích]

^ đ. 6 Để biết người ta nhận xét như thế nào về Nhân Chứng Giê-hô-va trong việc nộp thuế, xin xem Tháp Canh ngày 1-11-2002, trang 12, đoạn 15 và ngày 1-5-1996 trang 17, đoạn 7.

[Câu nổi bật nơi trang 22]

Chúng ta cần điều chỉnh lối suy nghĩ để phù hợp với quan điểm của Đức Chúa Trời vì ý tưởng của Ngài cao hơn chúng ta

[Câu nổi bật nơi trang 23]

Khi vâng lời nộp thuế, môn đồ Chúa Giê-su có lương tâm tốt trước mắt Đức Chúa Trời và cho thấy họ tin cậy Ngài chu cấp những gì họ cần

[Các hình nơi trang 22]

“Vật chi của Sê-sa hãy trả lại cho Sê-sa, còn vật chi của Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa Trời”

[Nguồn tư liệu]

Copyright British Museum