Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp tôi

Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp tôi

Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp tôi

“Ta là phần của ngươi, và là cơ-nghiệp của ngươi ở giữa dân Y-sơ-ra-ên”.—DÂN 18:20.

1, 2. (a) Khi chia đất, người Lê-vi khác với các chi phái khác như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va đảm bảo với họ điều gì?

Sau khi dân Y-sơ-ra-ên chinh phục phần lớn Đất Hứa, Giô-suê chú tâm đến việc phân chia đất. Ông cộng tác với thầy tế lễ thượng phẩm Ê-lê-a-sa và những người đứng đầu các chi phái (Dân 34:13-29). Người Lê-vi không được chia đất như các chi phái khác (Giô-suê 14:1-5). Tại sao họ không có phần trong Đất Hứa? Phải chăng họ đã bị lãng quên?

2 Chúng ta biết câu trả lời qua những gì Đức Giê-hô-va phán với người Lê-vi. Đức Giê-hô-va cho thấy rõ họ không bị bỏ rơi khi nói: “Ta là phần của ngươi, và là cơ-nghiệp của ngươi ở giữa dân Y-sơ-ra-ên” (Dân 18:20). “Ta là phần của ngươi”, đó quả là một lời đảm bảo chắc chắn biết bao! Bạn cảm thấy thế nào nếu Đức Giê-hô-va nói với bạn như thế? Có lẽ phản ứng đầu tiên của bạn là tự nhủ: “Mình có đáng để Đấng Toàn Năng bảo đảm như thế không?”. Bạn cũng có thể thắc mắc: “Ngày nay, Đức Giê-hô-va có thật sự là cơ nghiệp cho tôi tớ bất toàn của Ngài không?”. Các câu hỏi này liên quan đến bạn và những người mà bạn yêu thương. Vậy, chúng ta hãy xem xét câu nói đó của Đức Chúa Trời có nghĩa gì. Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu Đức Giê-hô-va là “phần”, hay cơ nghiệp cho tín đồ Đấng Christ ngày nay như thế nào. Nói cụ thể hơn, Ngài có thể là cơ nghiệp của bạn, cho dù bạn có hy vọng lên trời hay sống đời đời trên đất.

Đức Giê-hô-va chu cấp cho người Lê-vi

3. Điều gì dẫn đến việc Đức Chúa Trời chọn người Lê-vi để phụng sự Ngài?

3 Trước khi Đức Giê-hô-va ban Luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên, các tộc trưởng phục vụ với tư cách thầy tế lễ. Khi Đức Chúa Trời ban Luật pháp, Ngài chọn từ chi phái Lê-vi những người làm thầy tế lễ và người giúp đỡ để phụng sự trọn thời gian. Điều này diễn ra như thế nào? Khi Đức Chúa Trời giết con đầu lòng người Ê-díp-tô, Ngài biệt con đầu lòng của người Y-sơ-ra-ên ra thánh, họ được biệt riêng và thuộc về Ngài. Sau đó, Đức Chúa Trời có sự điều chỉnh quan trọng: “Ta chọn lấy người Lê-vi thế cho hết thảy con đầu lòng của dân Y-sơ-ra-ên”. Vì cuộc điều tra dân số cho thấy con trai đầu lòng của Y-sơ-ra-ên nhiều hơn số người nam của chi phái Lê-vi, nên dân sự phải trả tiền để đền bù cho sự chênh lệch này (Dân 3:11-13, 41, 46, 47). Vậy, người Lê-vi có thể đảm nhiệm vai trò của họ trong việc phụng sự Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên.

4, 5. (a) Việc Đức Chúa Trời là cơ nghiệp của người Lê-vi có nghĩa gì? (b) Đức Chúa Trời chu cấp cho người Lê-vi như thế nào?

4 Nhiệm vụ ấy có nghĩa gì đối với người Lê-vi? Đức Giê-hô-va nói rằng Ngài là cơ nghiệp của họ theo nghĩa họ được giao một đặc ân vô giá trong việc phụng sự Ngài, thay vì được chia đất. “Chức tế-lễ của Đức Giê-hô-va” là cơ nghiệp của họ (Giô-suê 18:7). Bối cảnh nơi Dân-số ký 18:20 cho thấy họ không bị túng thiếu khi đảm nhiệm chức vụ này. (Đọc Dân-số Ký 18:19, 21, 24). Người Lê-vi được “mọi thuế một phần mười của Y-sơ-ra-ên làm lương về công-việc mình”. Họ sẽ nhận 10% huê lợi và gia súc sinh sôi của dân Y-sơ-ra-ên. Về phía người Lê-vi, họ phải góp một phần mười những gì họ nhận được, “phần tốt nhứt”, để hỗ trợ cho thầy tế lễ * (Dân 18:25-29). Thầy tế lễ cũng được giao cho “hết thảy lễ-vật thánh” mà dân Y-sơ-ra-ên dâng cho Đức Chúa Trời tại nơi thờ phượng Ngài. Vì thế, các thầy tế lễ có lý do để tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ chu cấp cho họ.

5 Dường như Luật pháp Môi-se qui định thuế một phần mười khác để các gia đình dùng khi tham dự các kỳ lễ thánh hằng năm (Phục 14:22-27). Tuy nhiên, thuế này còn được dùng theo một cách khác. Người Y-sơ-ra-ên xem cứ mỗi năm thứ bảy là năm Sa-bát. Vào cuối mỗi năm thứ ba và thứ sáu trong chu kỳ bảy năm này, người Y-sơ-ra-ên dùng thuế một phần mười để giúp đỡ người nghèo cũng như người Lê-vi. Tại sao người Lê-vi được hưởng lợi? Vì họ “không có phần chi, cũng chẳng hưởng cơ-nghiệp” trong Y-sơ-ra-ên.—Phục 14:28, 29.

6. Người Lê-vi sống ở đâu khi không được chia đất?

6 Có lẽ bạn thắc mắc: “Nếu người Lê-vi không được chia đất thì họ sống ở đâu?”. Đức Chúa Trời lo cho họ. Ngài cho họ 48 thành cùng những đồng cỏ xung quanh. Trong số đó có sáu thành ẩn náu (Dân 35:6-8). Nhờ thế, người Lê-vi có nơi để ở khi họ không phụng sự tại nơi thánh của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va chu cấp rộng rãi cho những ai hy sinh để phụng sự Ngài. Về phía người Lê-vi, họ cho thấy Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp của mình qua việc tin cậy Ngài sẵn lòng và có khả năng chu cấp cho họ.

7. Người Lê-vi cần có điều gì nếu muốn Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp của mình?

7 Luật pháp không qui định việc phạt một người Y-sơ-ra-ên không nộp thuế một phần mười. Khi dân sự chểnh mảng việc nộp thuế, thầy tế lễ và người Lê-vi bị ảnh hưởng. Điều này đã xảy ra vào thời của Nê-hê-mi. Hậu quả là họ phải ra đồng làm việc thay vì thi hành nhiệm vụ của mình. (Đọc Nê-hê-mi 13:10). Rõ ràng, việc chu cấp cho chi phái Lê-vi phụ thuộc vào tình trạng thiêng liêng của dân sự. Ngoài ra, thầy tế lễ và người Lê-vi cần tin nơi Đức Giê-hô-va và phương cách Ngài dùng để chu cấp cho họ.

Những người có Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp

8. Hãy cho biết một người Lê-vi là A-sáp gặp phải vấn đề gì?

8 Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp của chi phái Lê-vi. Nhưng điều đáng lưu ý là có những người Lê-vi dùng cụm từ “Đức Giê-hô-va là cơ-nghiệp ta” để bày tỏ lòng tận tụy với Đức Chúa Trời và nương cậy nơi Ngài (Ca 3:24). Trong đó có một người Lê-vi là người ca hát kiêm nhà soạn nhạc. Chúng ta gọi ông là A-sáp, dù ông có thể là một thành viên trong gia đình A-sáp—một người Lê-vi chỉ huy những người hát xướng vào thời vua Đa-vít (1 Sử 6:31-43). Nơi bài Thi-thiên 73, chúng ta biết được A-sáp (hoặc một người trong số con cháu ông) bắt đầu ganh tị. Ông không hiểu vì sao kẻ ác lại được hưng thịnh và nói: “Tôi đã làm cho lòng tôi tinh-sạch, và rửa tay tôi trong sự vô-tội, việc ấy thật lấy làm luống-công”. Dường như ông không còn quý trọng nhiệm vụ của mình. Ông đã không nhận ra Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp của ông. Ông cảm thấy hoang mang ‘cho đến khi vào nơi thánh của Đức Chúa Trời’.—Thi 73:2, 3, 12, 13, 17.

9, 10. Tại sao A-sáp có thể nói Đức Chúa Trời là ‘phần của ông đến đời đời’?

9 Tại nơi thánh, A-sáp bắt đầu xem mọi việc theo quan điểm của Đức Chúa Trời. Có lẽ bạn cũng từng trải qua một tình huống như thế. Có thể bạn mất đi phần nào lòng quý trọng các đặc ân và bắt đầu quan tâm đến của cải vật chất. Tuy nhiên, qua việc học Lời Đức Chúa Trời và tham dự các buổi nhóm họp, bạn bắt đầu nhìn sự việc theo quan điểm của Ngài. Về phần A-sáp, ông nhận ra kẻ ác sẽ có kết cục như thế nào. Ông nghĩ về đời sống mình rồi nhận thức rằng Đức Giê-hô-va sẽ nắm lấy tay hữu và dẫn dắt ông. Thế nên, A-sáp có thể nói với Đức Giê-hô-va rằng: “Còn dưới đất tôi chẳng ước-ao người nào khác hơn Chúa” (Thi 73:23, 25). Rồi ông nói Đức Chúa Trời là cơ nghiệp của ông. (Đọc Thi-thiên 73:26). Dù “thịt và lòng [của người viết Thi-thiên] bị tiêu-hao”, nhưng ‘Đức Chúa Trời là phần của ông đến đời đời’. Người viết Thi-thiên tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ luôn xem ông là bạn Ngài. Ngài sẽ không quên việc ông trung thành phụng sự Ngài (Truyền 7:1). Chắc hẳn những lời ấy làm cho A-sáp yên lòng biết bao! Ông hát: “Lấy làm tốt thay cho tôi đến gần Đức Chúa Trời: Tôi nhờ Chúa Giê-hô-va làm nơi nương-náu mình”.—Thi 73:2.

10 Đối với A-sáp, việc có Đức Chúa Trời là cơ nghiệp không chỉ có nghĩa là Ngài sẽ chu cấp về vật chất cho một người Lê-vi như ông. Chủ yếu ông muốn nói đến đặc ân phụng sự và mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, tình bạn mà ông vun đắp với Đấng Chí Cao (Gia 2:21-23). Để gìn giữ mối quan hệ ấy, người viết Thi-thiên phải tiếp tục tin nơi Đức Giê-hô-va. A-sáp phải tin rằng nếu sống phù hợp với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời thì cuối cùng ông sẽ được tưởng thưởng. Bạn cũng có thể tin nơi Đấng Toàn Năng như thế.

11. Giê-rê-mi thắc mắc điều gì và ông được trả lời ra sao?

11 Nhà tiên tri Giê-rê-mi cũng là một người Lê-vi, đồng thời cũng nhận thức ‘Đức Giê-hô-va là cơ-nghiệp ông’. Chúng ta hãy xem ông có ý gì khi dùng cụm từ đó. Giê-rê-mi sống tại A-na-tốt, một thành của người Lê-vi gần Giê-ru-sa-lem (Giê 1:1). Có lúc Giê-rê-mi thấy hoang mang và thắc mắc: Sao kẻ ác được thịnh vượng còn người công bình lại khốn khổ? (Giê 12:1). Sau khi nhìn thấy những gì diễn ra tại Giê-ru-sa-lem và Giu-đa, ông muốn nói ra những gì mình thấy. Giê-rê-mi biết rằng Đức Giê-hô-va là công bình. Sau đó, những gì Đức Giê-hô-va bảo Giê-rê-mi tiên tri và cách Ngài làm ứng nghiệm những lời ấy là câu trả lời thuyết phục cho thắc mắc của ông. Phù hợp với các lời tiên tri của Đức Chúa Trời, những ai vâng theo sự hướng dẫn của Ngài thì được ‘sự sống mình làm của-cướp’, tức được sống, còn những kẻ ác lờ đi lời cảnh báo của Ngài thì bị mất mạng.—Giê 21:9.

12, 13. (a) Điều gì thôi thúc Giê-rê-mi tuyên bố “Đức Giê-hô-va là cơ-nghiệp ta”, và ông thể hiện điều gì? (b) Tại sao tất cả chi phái Y-sơ-ra-ên cần vun đắp lòng trông cậy?

12 Sau này, khi thấy quê hương bị tan hoang, Giê-rê-mi cảm tưởng mình đi trong nơi tối tăm, như thể Đức Giê-hô-va khiến ông “như người đã chết từ lâu đời” (Ca 1:1, 16; 3:6). Giê-rê-mi bảo dân sự bướng bỉnh hãy quay về với Cha trên trời của họ, nhưng họ gian ác đến mức Đức Chúa Trời phải hủy diệt Giê-ru-sa-lem và Giu-đa. Điều này khiến Giê-rê-mi đau lòng, dù ông không có lỗi. Trong lúc đau buồn, nhà tiên tri này nghĩ đến những hành động thương xót của Đức Chúa Trời. Ông nói rằng “chúng ta chưa tuyệt” và lòng thương xót của Đức Giê-hô-va “mỗi buổi sáng thì lại mới luôn”. Sau đó, Giê-rê-mi tuyên bố: “Đức Giê-hô-va là cơ-nghiệp ta”. Ông tiếp tục giữ đặc ân làm nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va.—Đọc Ca-thương 3:22-24.

13 Trong khoảng 70 năm, quê hương của dân Y-sơ-ra-ên bị hoang vu (Giê 25:11). Tuy nhiên, khi nói “Đức Giê-hô-va là cơ-nghiệp ta”, Giê-rê-mi cho thấy ông tin Đức Chúa Trời luôn thương xót nên ông có lý do để thể hiện “lòng trông-cậy”. Tất cả chi phái Y-sơ-ra-ên đã mất cơ nghiệp nên họ cần vun đắp lòng trông cậy như Giê-rê-mi. Đức Giê-hô-va là hy vọng duy nhất của họ. Sau 70 năm, dân Đức Chúa Trời được trở về quê hương để phụng sự Ngài.—2 Sử 36:20-23.

Những người khác có Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp

14, 15. Ngoài người Lê-vi, ai đã để Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp của mình và tại sao?

14 A-sáp lẫn Giê-rê-mi đều thuộc chi phái Lê-vi, vậy có phải chỉ người Lê-vi mới có đặc ân phụng sự Đức Giê-hô-va không? Chắc chắn không! Chàng trai trẻ Đa-vít, vị vua tương lai của nước Y-sơ-ra-ên, nhận Đức Chúa Trời là “phần tôi trong đất kẻ sống”. (Đọc Thi-thiên 142:1, 5). Lúc sáng tác bài Thi-thiên này, Đa-vít không sống trong cung điện hay nhà, nhưng trong hang đá để trốn tránh kẻ thù. Trong đời Đa-vít, có ít nhất hai lần ông đã phải ẩn nấp trong hang đá, một cái gần A-đu-lam còn cái kia ở trong đồng vắng Ên-ghê-đi. Có lẽ ông đã sáng tác bài Thi-thiên 142 tại một trong hai hang đá này.

15 Nếu thế, vua Sau-lơ chính là người truy sát Đa-vít. Do đó, Đa-vít phải lẩn trốn trong hang đá (1 Sa 22:1). Tại nơi hẻo lánh này, dường như Đa-vít cảm thấy cô thế (Thi 142:4). Khi ấy, ông đã kêu cầu Đức Chúa Trời.

16, 17. (a) Tại sao Đa-vít cảm thấy bơ vơ? (b) Đa-vít đã nhờ cậy nơi ai?

16 Lúc sáng tác bài Thi-thiên 142, có lẽ Đa-vít được biết những gì xảy ra cho thầy tế lễ thượng phẩm A-hi-mê-léc, người đã vô tình giúp đỡ lúc Đa-vít trốn tránh Sau-lơ. Vua Sau-lơ đã giết A-hi-mê-léc và cả nhà ông (1 Sa 22:11, 18, 19). Đa-vít cảm thấy mình có lỗi về cái chết của họ. Điều này như thể chính ông giết thầy tế lễ ấy. Nếu trong hoàn cảnh của Đa-vít, bạn có cảm thấy như thế không? Thêm vào đó ông còn bị căng thẳng, không có giây phút bình yên vì luôn bị Sau-lơ săn đuổi.

17 Không lâu sau, nhà tiên tri Sa-mu-ên, người bổ nhiệm Đa-vít làm vua, đã qua đời (1 Sa 25:1). Điều này hẳn khiến cho Đa-vít càng cảm thấy bơ vơ. Tuy nhiên, ông biết mình có thể nhờ cậy nơi ai. Đó chính là Đức Giê-hô-va. Đa-vít không có đặc ân phụng sự như người Lê-vi, nhưng được bổ nhiệm làm công việc khác. Ông sẽ làm vua của dân Đức Chúa Trời (1 Sa 16:1, 13). Đa-vít trút hết nỗi lòng cho Đức Giê-hô-va và tiếp tục tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài. Tương tự thế, khi hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va, bạn hãy để Ngài là cơ nghiệp và nơi ẩn náu của bạn.

18. Những người mà chúng ta xem xét trong bài này đã cho thấy họ có Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp như thế nào?

18 Chúng ta vừa xem xét gương của những người đã có Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp mình theo nghĩa họ nhận sứ mạng Ngài giao. Khi phụng sự Đức Chúa Trời, họ nương cậy nơi sự chăm sóc của Ngài. Cả người Lê-vi lẫn những người thuộc chi phái khác, chẳng hạn như Đa-vít, đã để Đức Chúa Trời là cơ nghiệp của họ. Làm thế nào bạn cũng có thể để Đức Chúa Trời là cơ nghiệp của mình? Chúng ta sẽ thảo luận điều này trong bài kế tiếp.

[Chú thích]

^ đ. 4 Muốn biết thêm chi tiết về việc thầy tế lễ được trợ cấp ra sao, xin xem Tháp Canh ngày 1-9-1992, trang 22 đoạn 1 đến trang 23 đoạn 2.

Bạn trả lời thế nào?

• Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp của người Lê-vi theo nghĩa nào?

• A-sáp, Giê-rê-mi và Đa-vít đã làm gì để cho thấy Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp của họ?

• Bạn cần có đức tính nào nếu muốn Đức Chúa Trời là cơ nghiệp của mình?

[Câu hỏi thảo luận]

[Câu nổi bật nơi trang 8]

Tuy không được chia đất, nhưng người Lê-vi có Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp vì họ có đặc ân phụng sự Ngài

[Hình nơi trang 7]

Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp của thầy tế lễ và người Lê-vi như thế nào?

[Hình nơi trang 9]

Điều gì đã giúp A-sáp tiếp tục để Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp?