Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chạy sao cho được thưởng

Chạy sao cho được thưởng

Chạy sao cho được thưởng

“Anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng”.—1 CÔ 9:24.

1, 2. (a) Phao-lô đã dùng điều gì để khuyến khích các tín đồ người Hê-bơ-rơ? (b) Tôi tớ Đức Chúa Trời được khuyên phải làm gì?

Trong lá thư gửi cho tín đồ người Hê-bơ-rơ, sứ đồ Phao-lô dùng một hình ảnh sống động để khuyến khích anh em đồng đạo. Ông nhắc nhở rằng họ không đơn độc trong cuộc chạy đua dẫn đến sự sống. Quanh họ là “nhiều người chứng-kiến vây lấy như đám mây”, tức những người đã hoàn tất cuộc đua. Ghi nhớ sự trung thành và nỗ lực của những người này sẽ thôi thúc các tín đồ người Hê-bơ-rơ không bỏ cuộc mà tiếp tục cuộc đua.

2 Trong bài trước, chúng ta đã xem xét cuộc đời của một số người trong số “nhiều người chứng-kiến vây lấy như đám mây”. Đức tin không lay chuyển đã giúp họ giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời, như thể họ gắng hết sức chạy về đích. Chúng ta có thể rút ra một bài học. Như được nói trong bài trước, Phao-lô khuyên anh em đồng đạo, kể cả chúng ta: “Chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội-lỗi dễ vấn-vương ta, lấy lòng nhịn-nhục theo-đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta”.—Hê 12:1.

3. Tín đồ Đấng Christ có thể học được gì từ những lời của Phao-lô nói về các vận động viên tại Hy Lạp?

3 Chạy đua là một trong những sự kiện thể thao nổi tiếng thời bấy giờ. Một cuốn sách về xã hội của các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu (Backgrounds of Early Christianity) cho biết “lúc tập thể thao và thi đấu, người Hy Lạp không mặc gì cả” *. Điều này có thể khiến chúng ta phản cảm nhưng đối với các vận động viên, họ sẵn sàng cởi bỏ bất cứ điều gì là gánh nặng hoặc khiến mình bị chậm lại, vì mục tiêu duy nhất của họ là đoạt giải. Vậy, ý của Phao-lô là để giành được giải thưởng trong cuộc đua dẫn đến sự sống, việc những người chạy đua loại bỏ bất cứ điều gì cản trở họ là vô cùng quan trọng. Đây là lời khuyên khôn ngoan dành cho các tín đồ Đấng Christ thời đó cũng như thời nay. Thế thì những gánh nặng nào có thể cản trở chúng ta đoạt giải trong cuộc đua dẫn đến sự sống?

“Quăng hết gánh nặng”

4. Những người vào thời Nô-ê bận tâm đến điều gì?

4 Phao-lô khuyên hãy “quăng hết gánh nặng”. Điều này bao hàm những điều có thể ngăn cản chúng ta hoàn toàn tập trung và hết sức nỗ lực trong việc chạy đua. Gánh nặng này có thể là những gì? Về Nô-ê, một trong những gương mà Phao-lô đã nhắc đến, chúng ta nhớ Chúa Giê-su từng nói: “Việc đã xảy đến trong đời Nô-ê, thì cũng sẽ xảy đến trong ngày Con người” (Lu 17:26). Chúa Giê-su không chỉ tập trung nói về sự hủy diệt bất ngờ sắp đến, mà ngài còn nói đến lối sống của người thời đó. (Đọc Ma-thi-ơ 24:37-39). Đa số những người sống vào thời Nô-ê không quan tâm đến Đức Chúa Trời, chứ đừng nói đến việc cố gắng làm vui lòng Ngài. Tại sao họ lại như thế? Nguyên nhân không có gì đặc biệt. Họ ăn, uống và cưới gả, đây là những điều thông thường của đời sống. Như Chúa Giê-su đã nói, vấn đề là họ “không ngờ” hay không để ý gì hết.

5. Điều gì có thể giúp chúng ta hoàn tất cuộc đua?

5 Như Nô-ê và gia đình ông, chúng ta có nhiều việc để làm mỗi ngày. Chúng ta cần làm việc kiếm sống, chăm sóc cho bản thân và gia đình. Những điều này có thể lấy mất phần lớn thời gian, sức lực và của cải. Đặc biệt trong thời buổi kinh tế khó khăn, rất dễ để chúng ta lo lắng về những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống. Là tín đồ Đấng Christ đã dâng mình, chúng ta cũng có những trách nhiệm quan trọng khác như: tham gia thánh chức, chuẩn bị và tham dự nhóm họp cũng như học hỏi Kinh Thánh cá nhân hoặc với gia đình. Nô-ê có nhiều việc để làm trong việc phụng sự Đức Chúa Trời, và ông làm “y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn” (Sáng 6:22). Chắc chắn việc hạn chế và tránh mang những gánh nặng không cần thiết là quan trọng nếu chúng ta muốn hoàn tất cuộc đua.

6, 7. Chúng ta nên ghi nhớ lời khuyên nào của Chúa Giê-su?

6 Vậy, Phao-lô có ý gì khi ông nói hãy quăng hết “gánh nặng”? Dĩ nhiên, chúng ta không thể bỏ hết mọi trách nhiệm. Về điều này, chúng ta hãy ghi nhớ những lời của Chúa Giê-su: “Chớ lo-lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi” (Mat 6:31, 32). Những lời của Chúa Giê-su ngụ ý rằng ngay cả những điều được gọi là bình thường như thức ăn, quần áo có thể trở thành gánh nặng hay chướng ngại vật nếu chúng ta không đặt chúng đúng chỗ.

7 Hãy chú ý những lời này của Chúa Giê-su: “Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi”. Điều này ám chỉ rằng Cha trên trời, Đức Giê-hô-va, sẽ làm phần của Ngài hầu chăm lo cho các nhu cầu của chúng ta. Chắc chắn “những điều đó” có thể khác với những điều chúng ta thích hay muốn. Tuy nhiên, chúng ta được dặn rằng không lo lắng về những điều “dân ngoại vẫn thường tìm”. Tại sao vậy? Chúa Chúa Giê-su khuyên: “Hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá-độ, sự say-sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình-lình trên các ngươi như lưới bủa”.—Lu 21:34.

8. Tại sao chúng ta nên “quăng hết gánh nặng”?

8 Đích đến đang ở phía trước. Thật đáng tiếc khi sắp về đích mà chúng ta lại để những gánh nặng không cần thiết khiến mình mệt mỏi! Vì vậy, lời khuyên của sứ đồ Phao-lô thật khôn ngoan: “Sự tin-kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn” (1 Ti 6:6). Ghi nhớ những lời của Phao-lô sẽ giúp chúng ta đoạt được giải thưởng.

“Tội-lỗi dễ vấn-vương ta”

9, 10. (a) Cụm từ “tội-lỗi dễ vấn vương ta” ám chỉ điều gì? (b) Chúng ta có thể bị vấn vương như thế nào?

9 Ngoài các “gánh nặng”, Phao-lô còn nói đến việc quăng hết “tội-lỗi dễ vấn vương ta”. Điều này có nghĩa gì? Từ Hy Lạp được dịch là “dễ vấn vương” chỉ xuất hiện một lần trong Kinh Thánh, đó là trong câu này. Học giả Albert Barnes cho biết: “Như một vận động viên chạy đua sẽ cẩn thận không để quần áo quấn vào chân, gây vướng víu trong khi chạy, tương tự thế tín đồ Đấng Christ nên bỏ qua một bên bất cứ điều gì gây cản trở như thế”. Vậy làm sao một tín đồ Đấng Christ có thể bị vấn vương, tức để đức tin mình bị yếu đi?

10 Một tín đồ Đấng Christ sẽ không bị mất đức tin đột ngột. Điều này diễn ra từ từ và tinh vi. Trước đó, Phao-lô đã cảnh báo về nguy cơ bị “trôi lạc”, “có lòng dữ và chẳng tin” (Hê 2:1; 3:12). Khi vận động viên chạy đua bị quần áo quấn vào chân thì gần như chắc chắn người đó sẽ ngã. Vì thế, vận động viên phải nhận thức rằng nếu chọn sai trang phục thì mình có thể bị ngã. Điều gì có thể khiến người đó lờ đi mối nguy hiểm? Có lẽ do thiếu thận trọng, quá tự tin hoặc bị phân tâm. Vậy, chúng ta có thể học được gì từ lời khuyên của Phao-lô?

11. Điều gì có thể khiến chúng ta mất đức tin?

11 Chúng ta nên nhớ rằng việc mất đức tin là hậu quả của những gì chúng ta có thể đã làm trong quá trình chạy đua. Về cụm từ “tội-lỗi dễ vấn vương ta”, một học giả khác giải thích “tội lỗi đó là những điều ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến chúng ta như hoàn cảnh, bản chất của mình và mối giao thiệp của chúng ta”. Điều này có nghĩa môi trường chúng ta sống, nhược điểm của bản thân và bạn bè ảnh hưởng rất lớn đến chúng ta. Chúng có thể khiến đức tin chúng ta bị suy yếu hoặc ngay cả mất đức tin.—Mat 13:3-9.

12. Chúng ta nên ghi nhớ những lời nhắc nhở nào để không bị mất đức tin?

12 Trong những năm qua, lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan nhắc nhở chúng ta hãy cẩn thận trước những gì chúng ta xem và nghe, nói cách khác là những gì mà lòng và trí chúng ta nghĩ đến. Chúng ta cũng được cảnh báo về mối nguy hiểm của việc theo đuổi của cải vật chất. Chúng ta có thể bị phân tâm bởi sự hào nhoáng và quyến rũ của làng giải trí, hoặc việc quảng bá không ngừng các thiết bị điện tử mới. Thật vô cùng sai lầm khi nghĩ rằng lời khuyên ấy quá khắt khe hoặc cho rằng nó chỉ áp dụng cho người khác, còn mình sẽ không gặp vấn đề gì. Những chướng ngại vật, hoặc những điều dễ vấn vương, mà thế gian của Sa-tan đặt trên đường đua của chúng ta thật tinh vi và xảo trá. Một số người đã mất đức tin vì thiếu thận trọng, quá tự tin hoặc bị những điều trong thế gian làm phân tâm. Nếu điều này xảy ra cho chúng ta, chúng ta có thể bị mất phần thưởng sự sống vĩnh cửu.—1 Giăng 2:15-17.

13. Chúng ta phải làm gì để bảo vệ mình khỏi những ảnh hưởng tai hại?

13 Hằng ngày, những người xung quanh chúng ta theo những mục tiêu, tiêu chuẩn và lối suy nghĩ của thế gian. (Đọc Ê-phê-sô 2:1, 2). Tuy nhiên, việc bị ảnh hưởng nhiều hay ít phần lớn tùy thuộc vào chúng ta, vào cách chúng ta phản ứng trước sự ảnh hưởng này. “Không-trung” hay bầu không khí mà Phao-lô nói đến rất độc hại. Chúng ta phải luôn cảnh giác để không bị ngạt thở và rồi bỏ cuộc. Điều gì có thể giúp chúng ta tiếp tục cuộc chạy đua? Đó là gương của người chạy đua xuất sắc là Chúa Giê-su (Hê 12:2). Chúng ta cũng có gương của Phao-lô, vì ông là một trong những vận động viên trong cuộc đua của tín đồ Đấng Christ, đồng thời ông khuyến khích anh em đồng đạo noi gương ông.—1 Cô 11:1; Phi-líp 3:14.

Làm thế nào “cho được thưởng”?

14. Phao-lô có quan điểm nào về việc ông có phần trong cuộc đua?

14 Phao-lô có quan điểm nào về việc ông có phần trong cuộc đua? Trong những lời cuối cùng dành cho các trưởng lão ở Ê-phê-sô, Phao-lô nói: “Tôi chẳng kể sự sống mình làm quí, miễn chạy cho xong việc đua tôi và chức-vụ tôi đã lãnh nơi Đức Chúa Jêsus” (Công 20:24). Ông sẵn sàng hy sinh mọi thứ, kể cả mạng sống, để hoàn tất cuộc đua. Đối với Phao-lô, tất cả nỗ lực và công khó liên quan đến tin mừng đều trở nên vô nghĩa nếu ông không chạy cho xong cuộc đua. Tuy vậy, ông không quá tự tin, nghĩ rằng mình sẽ không thua cuộc. (Đọc Phi-líp 3:12-14). Chỉ khi sắp qua đời, ông mới tự tin nói: “Ta đã đánh trận tốt-lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức-tin”.—2 Ti 4:7.

15. Phao-lô đã khuyến khích anh em đồng đạo điều gì?

15 Hơn nữa, Phao-lô rất muốn thấy anh em đồng đạo hoàn tất cuộc đua mà không bỏ cuộc giữa chừng. Chẳng hạn, ông khuyến giục anh em ở Phi-líp nỗ lực hầu được cứu rỗi. Họ cần “giữ lấy đạo sự sống”. Ông nói tiếp: “Cho đến nỗi tới ngày của Đấng Christ, tôi có thể khoe mình rằng chẳng đã chạy vô-ích và khó-nhọc luống-công” (Phi-líp 2:15, 16). Ông cũng khuyến khích các tín đồ ở Cô-rinh-tô: “Anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng”.—1 Cô 9:24.

16. Tại sao đích đến hoặc giải thưởng phải là điều có thật đối với chúng ta?

16 Trong cuộc đua đường dài thì không thể thấy ngay đích đến. Tuy nhiên, trong suốt quãng đường chạy, vận động viên luôn hướng về đích. Càng gần đến đích, người đó càng quyết tâm hơn. Cuộc đua của chúng ta cũng tương tự như thế. Đích đến, hoặc giải thưởng, phải là điều có thật đối với chúng ta. Nhờ thế, chúng ta quyết tâm chạy về đích để được giải thưởng.

17. Đức tin liên quan thế nào đến việc chú tâm vào giải thưởng?

17 Phao-lô viết: “Đức-tin là sự biết chắc vững-vàng của những điều mình đương trông-mong, là bằng-cớ của những điều mình chẳng xem thấy” (Hê 11:1). Áp-ra-ham và Sa-ra sẵn sàng từ bỏ đời sống tiện nghi cũng như sẵn lòng sống như “kẻ khách và bộ-hành trên đất”. Điều gì đã giúp họ làm thế? Họ ‘trông thấy [sự ứng nghiệm lời hứa của Đức Chúa Trời] từ đằng xa’. Môi-se cự tuyệt việc “tạm hưởng sự vui-sướng của tội-lỗi” và “châu-báu xứ Ê-díp-tô”. Làm sao ông có đức tin và nghị lực để làm thế? Nhờ ông đã “ngửa trông sự ban-thưởng” (Hê 11:8-13, 24-26). Do đó, thật dễ hiểu khi kể về những gương này, Phao-lô mở đầu bằng cụm từ “bởi đức-tin”. Đức tin giúp họ không tập trung vào các thử thách, khó khăn đang gặp mà thấy được những gì Đức Chúa Trời đang và sẽ làm cho họ.

18. Chúng ta có thể làm những gì để quăng hết “tội-lỗi dễ vấn-vương ta”?

18 Qua việc suy ngẫm về đức tin và noi gương của những người nam, nữ được đề cập trong chương 11 của sách Hê-bơ-rơ, chúng ta có thể xây đắp đức tin cũng như quăng hết “tội-lỗi dễ vấn-vương ta” (Hê 12:1). Chúng ta cũng có thể “coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành” qua việc nhóm lại với những người cũng đang vun đắp đức tin như thế.—Hê 10:24.

19. Bạn cảm thấy thế nào về việc chú tâm vào giải thưởng?

19 Cuộc đua của chúng ta sắp hoàn tất. Đích đến đang ở ngay trước mặt. Nhờ đức tin và sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể “quăng hết gánh nặng và tội-lỗi dễ vấn-vương ta”. Thật vậy, chúng ta có thể chạy cho được thưởng, đó là các ân phước mà Cha chúng ta là Đức Giê-hô-va đã hứa.

[Chú thích]

^ đ. 3 Đây là điều gây phản cảm đối với người Do Thái thời xưa. Theo một cuốn sách cổ, khi thầy tế lễ thượng phẩm Gia-sôn (kẻ bội đạo) đề nghị xây một cung thể thao tại Giê-ru-sa-lem với mục đích đồng hóa lối sống Hy Lạp, điều này đã gây ra cuộc tranh luận gay gắt (2 Mác-ca-bê 4:7-17).

Bạn giải thích thế nào?

• Tại sao Phao-lô viết rất nhiều về nhiều người chứng kiến trung thành thời xưa?

• Gương của “nhiều người chứng-kiến” giúp chúng ta nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua như thế nào?

• Bạn học được gì từ gương của nhiều người chứng kiến trung thành như Nô-ê, Áp-ra-ham, Sa-ra và Môi-se?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 23]

“Tội-lỗi dễ vấn-vương ta” là gì, và nó có thể vấn vương chúng ta như thế nào?