Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có phải Thượng Đế trừng phạt chúng ta?

Có phải Thượng Đế trừng phạt chúng ta?

“Dù rất đau buồn cho những nạn nhân của thiên tai, nhưng tôi nghĩ đó là ‘tembatsu’ (hình phạt của trời)”, một chính trị gia hàng đầu của Nhật nói như thế sau trận động đất với cường độ 9,0 và cơn sóng thần ập đến đất nước này vào tháng 3 năm 2011.

Trước cái chết của hơn 220.000 người trong trận động đất ở Haiti vào tháng Giêng năm 2010, một nhà truyền giáo trên truyền hình rất nổi tiếng đã cho rằng đó là vì họ “có lời thề với quỷ” và cần phải “trở về với Chúa”.

“Chúa muốn đánh thức lương tâm lãnh đạm và đã chết của chúng ta”. Đó là lời phát biểu của một linh mục Công giáo sau cuộc giẫm đạp khiến 79 người thiệt mạng ở Manila, Philippines. Một tờ báo ở đó cho biết có “21% người lớn tin rằng Chúa đang trút cơn thịnh nộ qua các vụ lở đất, bão tố và những thảm họa” thường xuyên xảy ra ở đất nước này.

Niềm tin cho rằng Đức Chúa Trời gây ra thảm họa để trừng phạt người xấu không phải là điều mới mẻ. Vào năm 1755, khoảng 60.000 người thiệt mạng trong trận động đất, đám cháy và sóng thần ở Lisbon, Bồ Đào Nha. Sau thảm họa đó, triết gia nổi tiếng Voltaire đã nêu lên câu hỏi: “Vậy có phải Lisbon sụp đổ ấy bại hoại hơn Paris đầy thú vui trụy lạc?”. Thật vậy, hàng triệu người thắc mắc không biết có phải Đức Chúa Trời đang dùng thiên tai để trừng phạt con người hay không. Tại nhiều nước, người ta gọi những thảm họa như thế là hành động của Đức Chúa Trời.

Vì thế, chúng ta cần xem xét: Có thật là Đức Chúa Trời dùng thiên tai để trừng phạt con người? Hàng loạt thảm họa gần đây có phải là sự trừng phạt của ngài không?

Một số người đổ lỗi cho Đức Chúa Trời khi nêu ra những lời tường thuật trong Kinh Thánh về việc ngài dùng sức mạnh thiên nhiên để hủy diệt (Sáng-thế Ký 7:17-22; 18:20; 19:24, 25; Dân-số Ký 16:31-35). Tuy nhiên, khi xem xét những lời tường thuật này trong Kinh Thánh, trong mỗi trường hợp chúng ta thấy có ba yếu tố khác biệt chính. Thứ nhất, có sự cảnh báo trước. Thứ hai, trong khi các thảm họa thiên nhiên ngày nay gây thiệt mạng cho cả người xấu lẫn người tốt thì sự hủy diệt đến từ Đức Chúa Trời có chọn lọc. Chỉ những người ác ngoan cố hoặc không chịu nghe lời cảnh báo mới bị hủy diệt. Thứ ba, Đức Chúa Trời mở đường giải thoát cho những người vô tội.—Sáng-thế Ký 7:1, 23; 19:15-17; Dân-số Ký 16:23-27.

Trong vô số các thảm họa gây thiệt hại cho đời sống của hàng triệu người ngày nay, không có bằng chứng nào cho thấy Đức Chúa Trời đứng sau những thảm họa đó. Tại sao những thảm họa như thế xảy ra ngày càng nhiều? Làm sao chúng ta có thể đương đầu với chúng? Có bao giờ không còn thảm họa nữa không? Bạn sẽ tìm được câu trả lời trong các bài kế tiếp.